NGUYỄN SỸ ĐẠI

Tôi là nông dân thực thụ, mẹ tôi đẻ rơi tôi ở đất, khi bà vừa đi gặt về, người hàng xóm dùng liềm cắt rốn, rốn còn chôn ở góc vườn. Nay ở bậc lão nhiêu, tôi lại thấm thía nỗi đau chưa thể truyền cho con mình những lời mẹ dạy tôi vẫn ép vào tim. Một lát cắt mạnh giữa các thế hệ; lát cắt mạnh trong văn hóa đang hiện hữu…

Cứ vào cữ Một, Chạp là chân mẹ tôi lại tùm quéo bắc nam lo chạy chợ, lo bán lợn, bán gà gom góp trả nợ. Dù nghèo đến mấy, mẹ cũng không để nợ sang năm. Rồi lo cho cái ăn cả nhà cầm cự với giêng hai dai dẳng. Cha tôi con thứ nhưng thừa trưởng lại đi công tác xa; mẹ tôi gánh cả chùm con lít nhít lẫn cả gia đạo nhà chồng, một năm không biết bao nhiêu đám giỗ. Tôi nhớ suốt cả tuổi thơ hầu như không Tết nào được áo mới. Trong những ngày mưa sùi sụt, mẹ tôi thường đưa ra đôi bồ nhỏ, một bồ đựng quần áo cũ, một bồ là những tấm giẻ rách ngồi vá. “Được lành và ấm là tốt rồi con ạ. Áo rách khéo vá, hơn lành vụng may; Đói cho sạch, rách cho thơm”… Mặc tấm áo mẹ vá, tôi ép vào tim những câu tục ngữ truyền đời ấy.

Bình thường mẹ nghiêm lắm. Dạy con chỉ bằng roi mót. Phên nhà giắt ba bốn cái. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Sau này có con, tôi mới biết đánh con thì lòng cha mẹ đau đến chừng nào! Mẹ tôi nuốt vào trong cả cái tình mẫu tử ấy. Khi ngồi vá áo, mẹ tôi trở nên dịu dàng khác hẳn ngày thường. Tôi hỏi mẹ vì sao người ta gọi tháng 12 là tháng Chạp. Mẹ nhìn bâng lâng ra phía cánh đồng, nơi những mồ mả tổ tiên san sát trên gò cao hay dầm chân trong ruộng lúa. “Tháng 12 là tháng cuối năm, các cụ thường tế lễ để tạ ơn trời đất, cúng giỗ cho tổ tiên để tạ ơn sinh thành; giỗ lớn thì gọi là chạp hay lạp. Sau dần vì kinh tế khó khăn, cúng bái bị cho là mê tín; nên bỏ dần, chỉ còn tục chạp mộ, thắp hương để tưởng nhớ mà thôi. Mai mẹ con mình đi chạp mộ”… Bởi nhiều lần chạp mộ, nghe mẹ giảng giải mà chúng tôi biết mộ nào của ai, tam đại hay ngũ đại… Ở nông thôn, người sống, người chết không có khoảng cách. Trước Tết, lau chùi đồ thờ, đi chạp mộ là hai việc mà tôi càng ngày càng thấy ấm áp, thiêng liêng, luôn cảm thấy hạnh phúc vì ông bà, tiên tổ luôn hiện hữu trong đời sống của mình. Người mẹ nông dân của tôi không học nhiều, không đi xa quá một tầm làng đã dạy tôi những bài học nghìn năm của đạo làm người; chính là văn hóa làng, là tư tưởng nông dân ấy, đã hun đúc trong tôi lòng biết ơn tiên tổ, bồi đắp nét sáng của nếp nhà; biết tu nhân tích đức để ân phúc cho đời sau; biết anh em đùm bọc…

Mẹ đã nuôi tôi, tôi đã phấn đấu để học lên, học mãi. Dẫu chưa “độc phá vạn quyển thư” nhưng cũng đã học được nhiều bài học tân tiến ở đời. Vậy mà, nay ở bậc lão nhiêu, tôi mới thấm thía sâu sắc rằng, không có bài học nào đáng giá hơn, sâu nặng nghĩa tình và thiết thực hơn là những bài học của mẹ, những bài học của ca dao tục ngữ. Tôi đã đau nỗi đau của một đứa con hư khi nghĩ về mẹ, về người nông dân: Nghèo chữ quá, nên trọng người hay chữ

Bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè

Sáu mươi tuổi mẹ lội bùn cấy hái

Ông trạng áo dài, ông trạng sống ly quê.

Chữ “ly” ở đây không phải cách xa về địa lý; mà là sự xa cách về tâm tưởng, sự bỏ mặc, xem nhẹ những điều đáng phải tôn thờ.

Ngẫm xưa, nghĩ nay.

Gia đình nhỏ của tôi bây giờ ở thành phố. Hai vợ chồng tôi đều là viên chức, dù viên chức nhỏ cũng lo cho con cái một cuộc sống đủ đầy mà đời tôi không dám mơ tới. Các cháu sinh ra không biết đói rét. Cũng không biết những đói nghèo của bố mẹ thuở xưa. Có lần vì cháu sai, suýt đánh nó. Nó bảo: Bố đánh con là vi phạm Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tôi đành thôi. Nó coi bố mẹ và con cái là bình đẳng, là phải xử sự theo các bộ luật. Âu cũng là tiến bộ xã hội. Song trong lòng tôi chạnh buồn. Giữa luật pháp và tình đời vẫn còn khoảng cách. Nó biết luật mà không biết đạo nghĩa. Và với sự đủ đầy, trong nó đã sinh ra một lối sống hưởng thụ, lối sống tiêu dùng.

Khổ nhất là khi có khách ở quê ra. Khách thì đủ đấng bậc. Chỉ riêng dạy cho con cách xưng hô đã khổ, nói chi đến chuyện ứng xử cho chân tình và đủ lễ nghĩa. Nhưng rồi đêm nằm nghĩ lại cũng là lỗi tại mình. Quanh năm công việc cơ quan, lo cơm áo gạo tiền, lo họp hành, chạy đua với thời cuộc… mấy khi như mẹ tôi xưa, ngồi trò chuyện cùng con cái sự họ hàng làng nước, cái sự ân nghĩa xóm làng. Quanh năm một mực: học đi, đọc đi… Đầu óc con người ta cũng như cái bát, cái này đầy thì cái kia vơi. Và cái khó của tôi là tiếp nối cái gì, phát triển cái gì. Đang có một lát cắt mạnh giữa các thế hệ; lát cắt mạnh trong văn hóa.

Vào năm 1989, tôi có bài thơ “Nông dân”. Tôi là nông dân thực thụ, mẹ tôi đẻ rơi tôi ở đất, khi bà vừa đi gặt về, người hàng xóm dùng liềm cắt rốn, rốn còn chôn ở góc vườn. Tôi suốt đời là người lao động, mọi người nông dân quê tôi đều sống theo châm ngôn “Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”.

Thế mà khi tôi đi học, lên đến đại học thì các thầy triết học phê phán hết lời giai cấp nông dân, coi đây là giai cấp lạc hậu, cản trở bánh xe lịch sử. Họ không hề thấy được sự hy sinh, sự vĩ đại của người nông dân và làng quê Việt Nam. Làng quê không chỉ là cái nôi văn hóa, nơi nuôi dưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn là thành lũy trong mọi cuộc vệ quốc, thành lũy và điểm tựa trong mọi suy thoái kinh tế. Phẩm tính căn cơ, chân thật của người nông dân là yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Thú thật, con tôi không biết đến ông bà là người như thế nào. Mà bố mẹ ra sao, nó cũng chẳng biết. Sự đứt đoạn với lịch sử và truyền thống. Hồi nhỏ, tôi về quê ngoại, bà ngoại tôi thường chào “Các con đã về đấy à”? Chữ “về” ấy làm tôi đến nay còn xúc động.

Tôi chỉ mong sao, mỗi lần về quê nội, nó cảm thấy đang “về”.

Tôi chỉ mong con tôi – và cả những nhà nghiên cứu biết được câu này của Nữ hoàng Nga Ê-ka-tê-ri-na đệ nhị: “Nông dân là những người đầu tiên và là những người cần thiết nhất cho quốc gia”.

Nguồn: Nhandan.com.vn/ Nhân Dân cuối tuần

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version