Mẹ tôi

Phạm Thị Toán

  Năm 1949 mẹ tôi tròn 18 tuổi, là con út trong năm người con của ông bà ngoại tôi. Hàng ngày chứng kiến quân Pháp bắn giết đồng bào, lòng căm thù giặc ngày càng lớn. Tới khi được bác Luân, cô Ái…., là những người hoạt động cách mạng ở thị trấn Diêm Điền vận động theo cách mạng, mẹ đồng ý liền. Ban đầu là hoạt động bán thoát ly (tới bữa về ăn cơm nhà rồi đi hoạt động), sau đi thoát ly luôn vào quân đội.

Ngoại tôi xót xa cho đứa con gái út luôn được cưng chiều nhất nhà. Bà ra sức ngăn cản nhưng mẹ vẫn ra đi. Là chiến sĩ quân báo của huyện Thụy Anh (bây giờ là huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình, đêm đêm, từ huyện lên tỉnh, rồi xuống xã để trao nhận công văn, chỉ thị tới tay cơ sở. Con gái dặm trường, từ nhỏ đến lớn chỉ quanh quẩn trong nhà, thế mà đi hoạt động cách mạng, mẹ chẳng từ gian nan hiểm nguy khi một mình băng qua những cánh đồng có bãi tha ma, những con sông nước chảy như thác, những con đường bất cứ lúc nào cũng có thể có lính phục sẵn.

  Thế rồi trong một chuyến đi hoạt động công khai, ngày 02/9/1951 mẹ gặp nạn. Sáng đó, mẹ rủ bà chị ruột đi cùng. Bác tôi vai đeo quang gánh, trên có cái mẹt đậy những con khô, vài hũ mắm tôm. Hai chị em đi tới bến đò Thụy Anh, thấy một đám lính bu lại xét hỏi từng người. Không xong rồi, mà cũng không thể quay lui. Mẹ lần vội tập tài liệu trong người thảy vào quang gánh của bác, dặn bác chờ mẹ đi qua, hẹn gặp nhau ở đoạn đường trên, nếu có động, bác tìm chỗ giấu tài liệu.

Mẹ ung dung đi tới chỗ tụi lính xét hỏi. Khi đi ngang qua người đàn ông trông quen quen, ông ta khẽ hất đầu về phía mẹ với đám lính. Sau này vô tù mẹ mới gặp. Ông ta tên Thanh, đội viên cũng ở đội quân báo với mẹ. Thế là chúng buông cho dân đi qua hết, lôi mẹ lên xe. Cái xe bít bùng nổ máy chạy ào ào. Mọi người dạt hết ra hai bên đường, bác tôi dân dấn nước mắt bất lực nhìn theo. Thì ra cuộc bố ráp này mục đích chúng chỉ tìm cho được mẹ tôi!.

  Bị lôi về bót Diêm Điền 10 ngày, rồi lên bốt Hệ 1 tuần. Mấy ngày đầu ở bốt Hệ, chúng chưa đụng tới, nhìn qua khe cửa phòng giam thấy xe đổ quân và vũ khí đạn dược nhiều, là chiến sĩ quân báo, mẹ dự đoán chắc sắp có “biến”. Gặp chị Thắng cũng là giao liên mới bị bắt nhưng chưa lộ, không có bằng chứng, có lẽ sắp được thả, mẹ nhờ nhắn về đơn vị đề phòng sắp có trận càn lớn. Và dự đoán của mẹ không sai, trong khi mẹ đang bị tra tấn chết lên chết xuống trong phòng tra, một trận càn rất lớn ở huyện Thái Ninh, kế thị trấn Diêm Điền đã xảy ra. Nhờ tin báo, đơn vị tránh được thiệt hại không nhỏ. Sau khi ra tù trở lại đơn vị, các anh trong đơn vị kể lại mẹ mới biết.

Ba ngày sau, chúng xúm vào tra tấn, bắt mẹ phải khai báo chỉ điểm những đồng chí lãnh đạo của huyện của tỉnh, bởi mẹ là giao liên, là đầu mối liên lạc nên chúng hiểu bà biết rất rõ các đồng chí cốt cán, cũng như nhiều tin tức bí mật của cách mạng. Tuy trong người không có tài liệu, nhưng thằng Thanh phản bội đã khai báo hết sạch những gì nó biết về mẹ. Hết dụ dỗ không được chúng chửi bà tán tỉnh Bảo Hoàng lấy tin, thì bà chửi, lại bị chúng đánh. Chúng dở đủ trò để tra tấn hành hạ bà. Ở xa chúng gọi tên, nếu trả lời phải dạ thưa. Bà nhất định im lặng, không hé lời. Nếu không trả lời, chúng nói bà khi dễ chúng, liền đem ra đánh.

Nghe mẹ kể chị em tôi không khỏi rùng mình, ớn lạnh.

Cái kiểu tra tấn thời Pháp cũng khủng khiếp chẳng thua bất kỳ đế quốc nào về sự tàn bạo và đa dạng. Mẹ bị trói trật khuỷu tay sát tường rồi kéo tuốt lên cao gần chạm nóc nhà. Chúng nối dây điện nhỏ vào hai đầu vú. Con gái mười tám mới lớn, đầu vú nhỏ xíu, chúng kẹp vô cứ tuột ra hoài. Tức mình chúng lấy kim băng xuyên qua núm vú để kẹp cây kẹp có dây điện lòng thòng. Chúng còn kẹp vào đầu, hai bên mang tai, kéo lưỡi ra để gắn cây kẹp vô.

Thế rồi sau mỗi tiếng trả lời: “Không biết” của mẹ, chúng quay điện, cả người mẹ dúm dó, hai khuỷu tay mẹ theo quán tính đập mạnh liên tục vào tường, máu tóe ra, mẹ ngất xỉu. Hậu quả đó còn để lại tới tận bây giờ, những cơn đau tức ngực, những ngón tay, bắp tay, khuỷu vai, hai đầu vú và cả cái đầu hay tê, buốt, nhức nhối mỗi khi thời tiết thay đổi, dù cả người mẹ vẫn lành lặn, không hề có một vết thương nhỏ nào…

Vậy mà mẹ không hề khai báo, chỉ một mực trả lời: “Tôi không biết ai, do ông ta hỏi cưới tôi, tôi không chịu lấy ông ấy nên ông ghét, đổ vấy cho tôi”. Vừa tra tấn, vừa dụ dỗ, chúng hết lôi mẹ lên phòng tra rồi kéo về phòng giam. Ác nhất lúc ấy là thằng Tuệ rỗ. Nó đánh như muốn trút căm hờn vào người tù. Mười ba tháng trời bị tra tấn. Người mẹ vốn đã gầy, bấy giờ chỉ còn da bọc xương. Trước khi lịm đi, có khi mẹ chỉ kịp thều thào: “Em không khai ra ai đâu, các anh các chị cứ yên tâm, nhắn ra ngoài giùm em”.

Khai thác mãi không được, chúng đưa mẹ về nhà tù Ninh Giang, Hải Dương giam giữ đợi ra tòa xử án rồi đưa đi Hải Phòng hoặc Hỏa Lò. Nguy hiểm hơn là chúng sẽ đày ra Côn Đảo.

Ở Hải Dương 8 đến 9 tháng, lúc này tỉnh đội trưởng định tổ chức phá nhà tù nhưng bị lộ nên bọn Pháp chuyển hơn 600 tù cách mạng lên HN.  Những trường hợp chúng xếp là tội nặng thì bị đưa đi Côn đảo, Phú Quốc. Nặng vừa cho đi  Hỏa Lò. Nhẹ thì đi nhà tiền (là nhà đúc tiền thời Pháp mới đô hộ, sau làm trại giam). Mẹ xếp diện quân báo nhẹ nên chúng cho đi dọn cỏ, khuân nước, quét hố xí, đổ phân…

Lúc này chúng không tra tấn nữa, gọi là tù yên chiến tranh. Mẹ lại tích cực hoạt động trong tù. Bà nhận quét dọn, đổ thùng phân để tiếp tế chăn màn, quần áo, quà bánh cho các đồng chí bị biệt giam trong xà lim. Nguyên cả Ban Chỉ huy Tỉnh đội Hải Dương, 4 người bị lật hầm, chúng hốt hết về đây giam trong xà lim. Bà nhớ các đồng chí: Hồng Vũ – Tỉnh đội trưởng, Lê Sơn – Tiểu đoàn trưởng, Phạm Bằng – Ban Chỉ huy Tỉnh đội và anh Trần Đông – Đại đội trưởng. Ông Hồng Vũ dù bị biệt giam nhưng vẫn là bí thư chi bộ 10 nhà tù.

Ngoài giờ làm lao động, đêm xuống anh em lại diễn kịch nhằm giữ vững khí tiết của người cộng sản. Mấy chục năm rồi bà vẫn nhớ những câu thoại lạc quan yêu nước, không nhớ của ai:

  Ta ra đi theo trống giục mưa dồn

  Tiếng ngựa hí, gươm reo trên tầng gió

  Nợ sơn hà xoay xở một thanh gươm

  Có quản đâu sóng gió sa trường….

https://tonvinhvanhoadoc.net/wp-content/uploads/2022/06/me-toi3.mp4

Bà Hoài là cấp ủy nhà tù, cũng phụ trách chi bộ nhà tù. Giữa năm 1952, chi bộ nhận được lệnh Thành ủy: “Tình hình bên ngoài có nhiều thắng lợi, cách mạng khởi sắc, lo ngại tù nhân cách mạng bị uy ép hơn. Những đồng chí nào còn tinh thần chiến đấu tìm mọi cách đưa ra ngoài”. Căn cứ lệnh Thành ủy Hải Dương, chi bộ xây dựng kế hoạch vượt ngục cho tù.

Rồi mẹ tôi được chi bộ nhà tù Hải Dương tổ chức cho vượt ngục đợt đầu tiên để về hoạt động cách mạng. Có 12 người được bố trí vượt ngục đợt này lấy thành tích kỷ niệm ngày 19/8 – Cách mạng Tháng Tám thành công và Lễ Quốc khánh 02/9/1952.

Nói là bố trí, nhưng chi bộ chỉ lo cấp tiền xe cho anh chị em đi đường, cho 01 áo cải trang dân thường và một địa chỉ tìm đến nhờ giúp đỡ. Chi bộ nhà tù quán triệt một điều, lỡ khi bị bắt không được khai địa chỉ dù bị tra tấn đến chết. Còn trốn bằng cách nào thì tự mỗi người lợi dụng sơ hở địch để ra an toàn.

  Mẹ tôi kể, vào ngày 23/8/1952, bà được giao đi làm cỏ, dọn vệ sinh ở nghĩa trang của địch cùng 15 tù nhân tại phố Bạch Mai, Hà Nội. Tầm 10h sáng trong khi tụi lính tập trung về xem làm bếp, lính coi tù về lấy thức ăn, thế là bà trèo lên những tấm bia mộ cao khoảng 2 mét tường, trèo thêm 1 hàng rào cao chừng 1 mét nữa là nhảy ra ngoài xuống ruộng lúa. Vội cởi bỏ áo tù có chữ P sau lưng to tướng vứt lại ruộng, bên trong có áo bình thường như người dân. Chạy bên bờ ruộng vài chục mét thì ra tới đường lớn. Rất may bà gặp một xe xích lô vừa trờ tới. Bà vội chui vào và nói địa chỉ cần tới. Có lẽ bác xích lô cũng đoán ra là tù vượt ngục. Cả đoạn đường dài chạy gần 2 tiếng đồng hồ bác không hề hỏi một câu, chỉ đạp nhanh đưa bà về số nhà 52; giờ bà không nhớ phố nào nhưng gần cầu Long Biên. Đó là nhà dì ruột của bà Hoài. Bà dì vội mua một bát bún cho ăn rồi ngồi chờ. Vài tiếng sau bà dì gởi mẹ tôi cho một ông già về Hải Dương, ông đi tiếp tế cho người con cũng đang bị giam.

Kẻ địch mất tù, chúng báo động toàn thành phố.

Ngồi trên ô tô, trống ngực 2 người đập thình thịch vì mẹ tôi không có một tờ giấy lận lưng. Bọn giặc chặn các chốt trên đường. Chúng xét giấy của mọi người, soi từng khuôn mặt, từ cửa trên xuống và cửa dưới lên. Xét vài hàng không thấy gì, khi đó lái xe đút tiền, nên chúng xuống khỏi xe.

Xe đỗ, mẹ tôi được đưa về xã Lai Cách, Cẩm Giàng, Hải Dương, là vùng giải phóng. Mừng là tới trạm nào cũng có người cho tiền, dẫn đi. Từ bờ sông Luộc, băng qua đường 5; chờ đến đêm thì sang đường 10 (gần Quỳnh Côi) thuộc địa phận Thái Bình. Từ đây bà đi bộ về quê Diêm Điền, Thụy Anh. Về tới, bà gặp chị Hải, chị Ái. Ba chị em ôm nhau khóc nức nở vì mừng còn sống sau những ngày bị địch giam cầm, tra tấn; gặp anh Minh, anh Luân cùng đơn vị quân báo. Như vậy qua bao gian nan, hiểm nguy, nhờ cơ sở của ta trong hàng ngũ địch, mẹ tôi mới trở về được đơn vị cũ công tác tiếp ở huyện đội Thụy Anh tới ngày giải phóng vào tháng 7 năm 1954.

Và cũng bằng nghị lực phi thường ấy, trong hoàn cảnh rất khó khăn về cơm áo gạo tiền, mẹ đã vừa sinh lần lượt bốn chị em tôi (hồi đó mọi người hay đùa mẹ đẻ rặt một lũ “vịt giời”), và cũng kịp trang bị cho mình kiến thức về chuyên môn, từ hộ lý, học y tá, y sĩ rồi bác sĩ. Cứ “sòn sòn” năm một. Con mới lọt lòng có khi ba ngày, có khi một tuần là bà “thảy” chúng tôi cho các cô trông trẻ rồi đi học, đi thi. Thật “sợ” mà cũng cảm phục bà! Khi chúng tôi vừa lớn, bà cũng có bằng bác sĩ trong tay với chuyên môn nội khoa có tiếng trong tỉnh. Bà còn tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Chi bộ kiêm Phó Chủ nhiệm khoa Nội, thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Trong suốt những năm tháng cống hiến bằng trái tim và sứ mệnh lương y như từ mẫu, bà đã cứu được rất nhiều bệnh nhân trước lưỡi hái “tử thần”, chữa khỏi bệnh cho nhiều người  trong cái thời bao cấp đầy khó khăn lúc ấy.

  Bố tôi cũng làm ở bộ phận hành chính của bệnh viện. Chuyện tình của bố mẹ ngày ấy, dường như không phức tạp như thời bây giờ, đến và ở lại cùng nhau mãi mãi, như duyên định.

Tôi nhớ bố mẹ tôi lao vào công việc với tất cả nghị lực và ý thức trách nhiệm xã hội; đâu có thời gian kèm cặp đứa nào học hành như các ông bố bà mẹ thời nay, nhưng bố mẹ tôi đã gieo vào lòng chúng tôi tính cần cù, tiết kiệm, nghị lực phấn đấu không mệt mỏi. Bố mẹ tôi lo cho các con cái ăn, cái mặc hàng ngày. Đó là khoảng lưng chén cơm kèm một cục mỳ luộc cỡ nắm tay. Mặc thì chẳng có gì đáng nói bởi cả 10 năm học phổ thông hình như mỗi đứa chỉ có được 2 hay 3 cái quần cái áo, vải tận dụng từ những cái bao đựng bột bì giặt sạch, nhờ quen biết với mấy cô cửa hàng lương thực mà có, đem nhuộm đen. Lăn lóc sống, thế mà tất cả bốn đứa con gái của bà đều thành đạt. Chị em tôi, người là bác sĩ, người là nhà văn, nhà giáo…. Có người còn là Phó giáo sư, tiến sĩ toán học, giảng viên trường đại học danh tiếng trong nước…

Giờ đây mẹ tôi đã bước qua tuổi chín mươi.

Tôi rất sợ có một ngày mẹ bỏ chúng tôi mà đi, như bố trước đây. Quy luật muôn đời. Con người già rồi, ai tránh được cái cõi cần phải đến… Nhưng tôi tin mẹ đã rất hài lòng với những đứa con đứa cháu, được tận hưởng từ bà nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống tươi đẹp này.

Dù cuộc sống có lúc gặp vô vàn khó khăn, nhưng với tôi, mỗi khi đứng trước một trở ngại nào, tôi vẫn nghĩ về mẹ, hình dung mẹ sẽ giải quyết ra sao… và tôi đã vượt qua được mà vững vàng đi lên, với niềm tin yêu cuộc sống như mẹ đã luôn tin yêu.

Cảm ơn người đã sinh ra chúng con. Chúng con luôn tự hào về mẹ. Nghị lực phi thường của mẹ, cống hiến tận lực tận tâm để cứu người; sự lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống, đã và sẽ mãi nhân lên trong chúng con và những thế hệ cháu con hôm nay, mai sau.

Cảm ơn mẹ vô vàn, mẹ ơi…….!.

Exit mobile version