Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng người đất Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội. Người thân, bạn bè và những người yêu mến ông vẫn thường về nghĩa trang địa phương thắp hương cho ông. Ông đã yên nghỉ nơi đây từ hàng chục năm nay, và mới đây, bà Trịnh Thị Uyên, người bạn đời của ông cũng về yên nghỉ bên chồng sau khi sang cát.
Hai ngôi mộ song song, theo kiểu “nam tả nữ hữu” nổi bật lên trong khu mộ gia đình. Không phải bởi sự quy mô, cũng không phải ở vẻ xa hoa, cách biệt, mà ngược lại, bởi chính vẻ hài hoà, tinh tế mà hai ngôi mộ bổ sung cho nhau. Ông trang nghiêm, bề thế; bà ấm cúng, khiêm nhường, nhưng không kém vẻ đàng hoàng, sang trọng.
Và đây nữa, là lời đề trên bia mộ. Ông: Nhà văn NGUYỄN HUY TƯỞNG, và sau những hàng chữ ghi về sự sinh tử, là một chút công lao cho sự đóng góp của ông: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Bà: Cụ TRỊNH THỊ UYÊN, rồi sau đó là những dòng ghi về năm sinh năm mất. Tất cả chỉ có thể, không một chữ về công danh, sự nghiệp, ngoài một cái ngoặc đơn bên dưới họ tên người quá cố: (Cụ bà Nguyễn Huy Tưởng). Vâng, chỉ có thế, nhưng với bà, thế là quá đủ, quá nhiều.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh năm 1912, mất năm 1960, hưởng dương 48 tuổi. Bà Trịnh Thị Uyên sinh năm 1921, kém ông 9 tuổi, ra đi năm 2009, hưởng dương 88 tuổi.
Những con số tự nó không biết nói, nhưng cũng chứa đựng tất cả, nếu ta muốn biết. Hai ông bà đến với nhau cuối năm 1939. Tính đến năm 1960, khi ông đi xa, hai người được sống với nhau 21 năm. Tính đến năm 2009, khi đến lượt bà cũng vĩnh biệt cõi đời, bà đã ở vậy nuôi con thêm 49 năm, gần trọn nửa thế kỉ. Với một người vợ yêu chồng (thờ chồng) hết mực, sự mất mát bà từng gánh chịu hẳn khó mà đong đếm. Song, như chính cuộc đời bà cho thấy, bà đã vượt qua tất cả để cuối cùng về yên nghỉ bên ông, khép lại cuộc đời mình và hoàn tất sự nghiệp của người chồng yêu kính…
NHỮNG NĂM CHUNG SỐNG
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là con cụ tú Nguyễn Huy Liễn, một nhà nho bất đắc chí, có chút đỗ đạt nhưng không ra làm quan. Bà Trịnh Thị Uyên là con cụ Trịnh Sĩ Trinh, đỗ cử nhân luật rồi được bổ làm quan, khi tri huyện, khi quan phủ. Ông theo Tây học, đậu thành chung rồi kiếm được chân thư kí sở Đoan (sở thuế quan) Hà Nội. Bà con nhà khuê các, có được học đôi ba chữ nghĩa và những gì thuộc lễ giáo, gia phong. Cũng như nhiều cặp vợ chồng khi ấy, cuộc nhân duyên của họ là do mối manh, nhưng cũng có sự đồng thuận của cả hai người…
Sau đám cưới tưng bừng, hai vợ chồng son về sống tại một căn nhà thuê ở phố Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội). Thày kí 27 tuổi Nguyễn Huy Tưởng khao khát tình yêu, được người vợ trẻ đẹp như nắng hạn gặp mưa rào. Bà lúc đầu cũng có chút ngỡ ngàng, e thẹn, nhưng là phận gái theo chồng, nhất là trước tấm chân tình của ông, bà đã sớm mở lòng đón nhận. Hạnh phúc của họ đã được nhà văn tương lai thuật lại cặn kẽ trong những trang nhật ký có nhan đề Ký sự một tháng tân hôn. Trên cả tình ái, ông nhận thấy ở bà “một kho tàng tính tốt, sẵn dạ hi sinh, và chỉ biết có một điều: yêu chồng và thành thực theo chồng”.
Với những tình cảm ấy, ở cái tổ uyên ương trong tháng tân hôn, ông đã được “hoàn toàn hạnh phúc”, và “đã đi gần đến cực độ say sưa”. Có lúc, nhà văn tương lai đã không thể kìm lòng thốt lên: “Ái tình như hơi bốc đầy phòng. Ái tình ở giường, ở tủ, ở ghế, ở bàn, ở tường, ở từng đồ vật nhỏ. Ái tình ở khắp mọi nơi. Vợ tôi đẹp quá trong ái tình”.
Giữa lúc lửa tình đang bén, đôi vợ chồng bị một tin sét đánh. Chưa hết tháng tân hôn, ông bị sở bắt đổi xuống đất cảng. Bấy giờ sở Đoan Hải Phòng cần một thư ký, yêu cầu Hà Nội cho người. Viên chủ sự vốn không ưa ông Tưởng, vì ông không làm ra vẻ mẫn cán trước mặt hắn, cũng không chịu ở lại thêm lúc cuối giờ, nên chẳng mấy băn khoăn hắn chấm ngay ông. Hôm ấy ở sở về, ông Tưởng cố lấy bình tĩnh báo tin cho vợ mà lòng tê tái. Bà nhận tin lặng đi, mãi sau mới khóc được.
Bắt đầu từ đây là cuộc đời gần ít xa nhiều của hai ông bà. Thời gian đầu, bà còn hay xuống được với ông dưới Hải Phòng, chia sẻ với ông cuộc sống khá là tạm bợ (đôi vợ chồng lúc ở nhờ nhà chị gái, lúc đi thuê nhà). Nhưng rồi hai ông bà có con gái đầu lòng, rồi đứa thứ hai, bà đành ở lại Hà Nội, nương nhờ cha mẹ để lo cho con nhỏ. Đến lúc ông được chuyển lại lên Hà Nội thì cũng là lúc Thế chiến thứ hai đang giai đoạn ác liệt, bà phải theo gia đình đi tỉnh xa để tránh máy bay Đồng minh ném bom Hà Nội, nhằm triệt phá quân Nhật. Rồi ông tham gia công tác xã hội – hướng đạo, truyền bá quốc ngữ, hoạt động Việt Minh… Hoàn cảnh buộc ông phải giữ bí mật với bà, nên ông đi đâu, làm gì, bà không thể biết. Đến khi Cách mạng thành công, ông chính thức trở thành một cán bộ Việt Minh quan trọng, thì công việc cũng luôn đòi hỏi ông phải đi suốt. Rồi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông chịu trách nhiệm trước đoàn thể tổ chức đưa các văn nghệ sĩ lên chiến khu tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ. Phải nhiều năm sau bà mới ra Việt Bắc được với ông, cùng ông chịu đựng gian khổ, chia sẻ ngọt bùi. Nhưng ông cũng lại đi công tác suốt, khi tham gia chiến dịch, khi được phái đi công tác giảm tô…
Hòa bình lập lại, hai ông bà trở về Hà Nội, nhưng cũng chẳng mấy khi bà được ở gần chồng, vì ông bận công tác tiếp quản Thủ đô, rồi là các công việc của cơ quan văn nghệ. Đến khi ông được thôi công tác lãnh đạo văn nghệ để được chuyên tâm sáng tác, thì lại có yêu cầu đi “thực tế” đời sống sau vụ việc Nhân văn – Giai phẩm. Cùng Nguyễn Tuân, Văn Cao… Nguyễn Huy Tưởng đi tham gia lao động ở Điện Biên gần suốt nửa cuối năm 1958. Trở về sau chuyến đi, đã định tập trung vào việc viết lại tập tiểu thuyết về Hà Nội kháng chiến, sửa lại kịch bản Vũ Như Tô, viết thêm mấy cái truyện cho thiếu nhi thì Nguyễn Huy Tưởng lại có vấn đề về sức khoẻ. Ông cảm thấy đau người, khó ở, đến lúc không chịu được nữa, phải đi bệnh viện thì mới biết mình có cái u ở phổi. Tức là bị ung thư – bệnh chết! Với tất cả lòng khát khao được sống, được tiếp tục viết văn, với tất cả sự chăm sóc tận tình của bệnh viện, người thân, Nguyễn Huy Tưởng đã ra đi một ngày tháng 7 năm 1960, để lại người vợ 39 tuổi đầu và sáu đứa con, cùng tất cả sự lỡ dở của đường đời, đời văn và cuộc sống gia đình. Ngay đến việc đưa vợ con ra hiệu chụp một tấm ảnh gia đình mà ông đã định, cũng không thực hiện được!…
NỬA MÌNH Ở LẠI
Cái chết của ông như một nhát cắt phũ phàng cắt ngang cuộc đời bà. Điều duy nhất khiến bà không bị quỵ ngã, có lẽ chỉ là những đứa con ông để lại cho bà, trong đó có “chú Thắng”, đứa con thứ năm và cũng là con trai duy nhất mà ông chăm chút hơn cả bản thân mình, như ông từng viết trên giường bệnh. Sau thời gian đầu sống lặng lờ như chiếc bóng, bà dần định thần trở lại, trước hết do bản năng tồn tại. Đầu tiên là xin việc đi làm để có tiền nuôi con (hồi còn ông, bà chỉ ở nhà lo việc nội trợ). Rồi ổn định cửa nhà, xin cho con đi học – con nhà văn không thể thất học được. Tiếp đến là lo bảo quản những gì ông để lại. Sách vở, bản thảo, sổ tay, bà xếp tất cả lại, cho vào tủ, khép lại. Có khóa đấy, nhưng bà không khóa – vì còn để cho con nó biết chứ. Phim, ảnh thì bà xếp lại với nhau, giữa các tấm đều có giấy lót để chống dính, rồi bọc giấy đen, cho vào hòm kín để khỏi mờ. Ôi những tấm ảnh của ông để lại – ảnh chân dung, ảnh chụp với bạn bè, ảnh hồi ở Việt Bắc, ảnh trong những chuyến đi chiến dịch, hay sau ngày về lại Thủ đô… – tất cả đều có đấy, chỉ trừ một tấm, một tấm thôi, ảnh ông chụp với bà hoặc các con. Nỗi xót xa cứ dâng lên, dâng mãi khiến bà muốn nghẹt thở – xót xa cho bà về sự trống vắng, xót xa cho ông ra đi quá sớm, không kịp chụp lấy một bức ảnh cùng vợ con!…
Riêng các tập nhật ký của ông – có đến bốn mươi tập lớn nhỏ – bà xếp hết vào một chiếc va li con. Những khi nhớ quá lại giở ra xem, để được sống lại những năm tháng cùng ông. Ruột bà như quặn thắt khi đọc lại những dòng xưa, hồi mới phải xa nhau, ông viết về nỗi nhớ bà: “Nhớ người lặng lẽ như cái bóng, êm đềm như bông, ngây thơ như trẻ. Em Uyên! Không bao giờ ta thấy yêu em, nhớ em như chiều hôm nay”. Vậy mà giờ đây bà phải xa ông, không phải một chiều, một ngày, một tháng, một năm, mà là vĩnh viễn! Chẳng còn có thể nữa giãi bày với ông những nỗi niềm chứa chan trong lòng. Bà cũng hay nhớ lại và tự giận mình về cái tính rụt rè. Bà rất ngại viết thư cho ông, chung quy cũng chỉ vì sợ mình ít học, viết không nên câu, xem thư ông lại cười cho. Ông cứ phải nói mãi, thậm chí làm mặt giận, bà mới đánh bạo viết cho ông một lá thư. Đắn đo mãi, cuối cùng bà mới dám viết ở lời đầu thư một chữ “yêu”… Gửi thư đi, bà còn băn khoăn mãi viết như thế có gì không phải không. Giờ đọc nhật ký của ông, bà mới hay mấy lời ấy khiến ông thích biết bao. Ông đã dán lá thư của bà giữa những trang nhật ký, và tự hào ghi, sau khi chép lại câu đầu thư của bà: “Anh rất yêu quý – nàng yêu tôi biết bao”.
Kỷ niệm tiếp nối kỷ niệm. Những hình ảnh thân quen của ông lần lượt hiện về. Đành rằng ông không mấy khi ở nhà. Đành rằng vợ chồng, bố con không mấy khi được ở bên nhau. Nhưng chỉ cần thi thoảng có ông ở nhà. Chủ yếu cũng là để viết. Bà nhớ những hôm ấy cả nhà rộn rịp hẳn lên. Nhất là thằng Thắng, nó leo trèo, chạy nhảy, miệng cười như nắc nẻ. Mấy mẹ con cứ phải luôn miệng suỵt suỵt bảo nhau giữ yên lặng cho bố làm việc. Ông cũng muốn lắm ra chơi với con, nhưng việc phải làm, đành nán lại trong “buồng con” viết nốt cho xong. Chỉ thế thôi, nhưng như sau này bà nhớ lại, chỉ cần cảm thấy có bóng dáng của chồng cắm cúi bên bàn làm việc ở nhà là bà thấy “căn buồng như bừng sáng lên”. Và ánh sáng ấy đã thắp sáng cho bà, sưởi ấm cho bà ngay cả khi ông đã đi xa.
ĐI NỐT QUÃNG ĐỜI
Không có điều kiện học nhiều – tất cả vốn liếng bà có là chương trình bổ túc lớp 4, và những năm làm công việc đếm chữ ở nhà xuất bản. Nhưng bù lại, bà có linh cảm của một người vợ nhà văn. Những gì ông bận tâm, những điều ông trăn trở, những tác phẩm ông tâm đắc, đặc biệt, những trang nhật ký trĩu nặng ưu tư của ông – thì bà cảm nhận được. Bà biết những dòng nhật ký của ông rất thật, và vì thế rất hay. Cho nên, ít lâu sau khi ông qua đời, có các nhà nghiên cứu đến đề nghị bà cho xem nhật ký của ông để viết chuyên luận, bà đồng ý ngay. Bà quá tin vào sự chân thành của ông, những mong muốn tốt đẹp của ông gửi vào các trang nhật ký, nên hy vọng nó sẽ giúp ích cho người nghiên cứu. Nhưng linh cảm thế nào đã khiến bà kể chuyện ấy với nhà văn Nguyễn Tuân và liền nhận được lời khuyên không nên. Thế là, mặc dù đã để cho họ đọc mấy buổi, bà xin phép thu các cuốn nhật ký lại.
Đến năm 1963, Nhà xuất bản Văn học làm tuyển tập kịch Nguyễn Huy Tưởng. Đương nhiên trong đó có tác phẩm Vũ Như Tô mà bà biết ông đặc biệt tâm đắc. Bà cũng biết ông rất thích lời Đề tựa vở kịch mà ông viết từ lâu nhưng chưa công bố, cho đến khi đó vẫn được dán vào trang đầu một cuốn in từ năm 1946. Không chút băn khoăn, bà đã giới thiệu lời Đề tựa đó với nhà xuất bản và thật mừng vì được họ chấp nhận. Sau đó, cũng như chuyện cho đọc “nhật ký”, bà lại kể với nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà văn lão thành nói ngay không nên, thậm chí ông còn bảo thế là “dại”, là chưa phải lúc. Nhưng việc đã rồi, đành chịu vậy. Sách in ra, bà để ý thấy mấy lời ấy quả có bị một số người vin vào chữ này chữ nọ để nói rằng tác giả còn có chỗ non yếu về tư tưởng. Nhưng với thời gian, giờ đây, lời Đề tựa kịch Vũ Như Tô được coi là một thành phần hữu cơ không thể thiếu của tác phẩm, và như Giáo sư Trần Đăng Suyền khẳng định, “Đây là một trong những lời đề tựa hay nhất, thâm trầm và sâu sắc nhất trong lịch sử văn học dân tộc”.
Một mối quan tâm đặc biệt của bà là những tập nhật ký của ông. Mặc dù vẫn biết trong đó có nhiều chỗ riêng tư, thậm chí cả chuyện phòng the của ông bà, cũng như nhiều chỗ “nhạy cảm”, “phức tạp”, nhất là về cải cách ruộng đất, về Nhân văn – Giai phẩm, bà vẫn đặt niềm tin vào sự chân thành của ông, vào thiện ý toát ra qua những trang riêng tư ấy. Vì thế, bà vẫn để cho con cái đọc, để chúng được biết sự thật, trước hết về cha chúng. Song đến một lúc nào đó, bà bắt đầu biết “sợ”. Liệu những trang nhật ký đó sẽ ra sao khi lọt vào tay người có dụng ý xấu. Đành rằng bà đã cho tất cả vào một chiếc va li nhỏ, luôn để trong tầm tay để sẵn sàng mang theo người. Nhưng bấy giờ đương thời buổi chiến tranh, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội bất cứ lúc nào, ngộ nhỡ bom rơi, nhà đổ, người cũng chẳng được yên mà lo cất giữ. Thôi thì phòng trước vẫn hơn. Thế là bà lấy kéo cắt ở một số trang những đoạn bà cho là “nặng” nhất, có thể có hại cho ông, nếu lọt ra ngoài. Cắt xong, yên tâm về phần “chính trị”, bà lại thấy không đang tâm khi không bảo toàn được di sản của chồng. Bà biết, ông coi tác phẩm như những đứa con – con tinh thần như người ta vẫn nói. Mà những trang nhật ký mang đầy tâm huyết của ông thì cũng khác nào! Cuối cùng, thay vì hủy bỏ, bà để những đoạn nhật ký cắt ra đó vào giữa những trang giấy, những quyển sách, những tập bản thảo khác nhau, âu đành phó cho số phận…
Làn gió Đổi Mới mát lành đã định lại nhiều giá trị, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều nhân tố mới được bộc lộ, trong đó có các trang hồi ký, nhật ký của nhiều nhà văn. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, với tính chân thật nổi trội, ngày càng được sự quan tâm của công chúng. Khi hoàn cảnh cho phép, người viết bài này đã mạnh dạn xin phép mẹ cho công bố nhật ký của cha. Phương châm là cố gắng đưa ra hết những gì có thể. Mà muốn vậy trước hết phải đảm bảo được tính toàn vẹn của nguyên bản. Trong quá trình tập hợp nhật ký của cha mình, tôi đã lần tìm được cả những đoạn nhật ký từng bị cắt ra, để lẫn giữa nhiều giấy má khác. Từ nguồn nguyên liệu ấy, tôi đã biên soạn thành 3 tập Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, tổng cộng khoảng 1700 trang in. Giờ đây, bộ nhật ký đã cấu thành một phần không thể thiếu trong sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, bên cạnh các trước tác như kịch Vũ Như Tô với lời Đề tựa tâm huyết của tác giả, tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô cũng do chính mẹ tôi giao bản thảo cho các bạn văn của cha tôi đưa in… Là người luôn tin vào sự an nhiên, tôi không bao giờ muốn đặt giả định nếu như thế này hay không phải thế kia. Chỉ cần biết rằng trong suốt cuộc đời của cha mình và cả sau khi ông đã ra đi, ông đã thật may mắn có được bà chăm lo gánh vác. Cho ông, và cho sự nghiệp ông…