Đường Thi-Mẹ Suốt, tên thật là Nguyễn Thị Suốt (1908-1968). Mẹ sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo, ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quang Bình. Thuở nhỏ, Mẹ phải đi ở đợ suốt 18 năm ròng rã. Sau Cách mạng Tháng Tám, mẹ mới lập gia đình riêng, sinh hạ ba gái, một trai. Mẹ làm nghề chèo đò kiếm sống.

Tranh me Suot cheo do (nguồn: Internet)

Bấy giờ, đế quốc Mỹ tìm mọi cách cản phá sự chi viện về mọi mặt của miền Bắc cho cuộc cách mạng giải phóng đất nước ở miền Nam. Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ năm 1964, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom nhiều địa phương ở miền Bắc. Chúng đặc biệt chú ý con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam, con đường trở thành huyền thoại, chuyên vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang quân dụng và các nhu yếu phẩm cho đồng bào và chiến sĩ của Thành đồng Tổ quốc. Quảng Bình với sông Nhật Lệ là điểm nóng nhất trên con đường bom luôn rơi đạn luôn nổ này. Đế quốc Mỹ dồn dập tung hải quân và không quân đánh phá ác liệt từng tấc đất ở đây. Từ năm 1965 tới 1968, chúng đã dội xuống miền bắc Việt Nam khoảng 643.000 tấn bom đạn. Quảng Bình gánh chịu chừng một phần tư sự hung tợn man rợ ấy!

 

Khi cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ tiến hành nổ ra, Mẹ Suốt đã 58 tuổi. Song Mẹ vẫn xung phong nhận nhiệm vụ lái đò phục vụ công cuộc giữ vững “con đường máu chi viện chiến trường”. Mẹ bất chấp mưa bom bão đạn, ngày đêm bền bỉ dẻo dai chèo chồng con thuyền bé bỏng, qua qua lại lại, đưa thương binh, cán bộ, chiến sĩ qua dòng sông Nhật Lệ đã trở thành máu thịt của biết bao người con Đất Việt.  Hình ảnh xúc động ấy của Mẹ đã được nhà thơ Tố Hữu ghi lại xác đáng trong bài thơ Mẹ Suốt lững lẫy của ông. Cứ như vậy, mỗi năm mẹ chèo chống khoảng 1400 chuyến đò qua lại sông Nhật Lệ. Kỳ tích của Mẹ nổi như cồn, cổ vũ không chỉ những chiến sĩ và cán bộ được tiếp xúc trực tiếp với Mẹ. Kỳ tích ấy còn lan truyền sâu rộng trong Nam ngoài Bắc, nhất là sau khi bài thơ Mẹ Suốt được đăng trên báo Nhân Dân, cuối tháng 11 năm 1965 và nhiều lần vang lên trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam qua “giọng ngâm bất hủ”, thực chất là cách thể hiện độc đáo bài thơ qua làn điệu dân ca Bình Trị Thiên đặc sắc, của nghệ sĩ Châu Loan luôn luôn cuốn hút hồn người. Cuối năm 1966, Mẹ được mời tham dự Đại hội thi đua toàn quốc ở miền Bắc. Từ Đại hội này, Mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng chống Mỹ cứu nước ngành giao thông vận tải. Ấy là vào ngày 1 tháng 1 năm 1967.

Mẹ làm nhiệm vụ chèo đò đó từ năm 1965 cho tới cuối năm 1968. Lúc này, sức yếu quá rồi, các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ lại khốc liệt gấp bội, Mẹ được đề nghị ngưng chèo đò. Nhưng Mẹ vẫn không nghỉ, tiếp tục chèo thuyền như trước. Chèo thuyền như bấy nay đã là lẽ sống tự nhiên của Mẹ! Cuối năm 1968, Mẹ được mời ra thăm Hà Nội, được gặp Bác Hồ. Về quê, Mẹ còn chèo thuyền thay cho con, vì nghĩ con đã quá mệt. Rồi Mẹ lội bộ trong cát bỏng, vai vác tay nải, đựng quà gồm bút mực và sách vở cho trẻ và khăn cho người già trong xóm. Hôm ấy, giặc Mỹ không vào bắn phá như thường lệ. Tưởng Mẹ sẽ được vui gặp lại bà con quê nhà. Không ngờ máy bay Mỹ đột ngột lao tới. Chúng trút xuống mấy quả bom bi. Khi mọi người kịp định thần, đã thấy Mẹ máu me đầy người và đã tắt thở trên bãi biển. Đó là bến Bảo Ninh, cách bến đò thân yêu của Mẹ ba cây số. Một câu hỏi nhức nhối vĩnh viễn không có lời đáp: Giặc Mỹ thâm thù Người Mẹ Việt Nam anh hùng đến thế kia ư? Mẹ được công nhận là liệt sĩ. Năm 1980, ủy ban nhân dân thị xã Đồng Hới đã cho xây dựng bia đài kỷ niệm Mẹ ở trung tâm bến đò thân thiết với không chỉ nhân dân thị xã Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, gần cầu Nhật Lệ có một con đường được mang tên Mẹ Suốt. Trên đường này, từ năm 2003, chính quyền địa phương cho dựng tượng Mẹ, tượng do nhà điêu khắc Phan Đình Tiến thực hiện. Tri ân và tôn kính Mẹ dĩ nhiên là Uống nước nhớ nguồn, dĩ nhiên là bổn phận của mọi người và đặc biệt là của các cấp chính quyền. Đáng tiếc, lúc này lúc khác, một số người đã quá mải mê với ý tưởng bản thân, quên mất điều cơ bản. Điều này là ý nguyện của Mẹ: được yên nghỉ ngàn thu bên người chồng của Mẹ. Họ định đưa mộ Mẹ ra Nghĩa trang hoành tráng của địa phương. Con cháu Mẹ không muốn vậy. Thế là họ xây một “mộ gió” cho Mẹ ở Nghĩa trang ấy. Con cháu Mẹ buộc phải phá bỏ…

Mẹ Suốt từ lâu đã là một biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh Mẹ lưu truyền trong lòng nhiều thế hệ người Việt, không chỉ ở Đất Mẹ, và cũng không chỉ trong lòng người Việt. Chưa có tác phẩm văn chương hay nghệ thuật nào vượt được kiệt tác Mẹ Suốt của Tố Hữu về chân dung mỹ lệ hiếm thấy của một chiến sĩ đấu tranh cho thống nhất Đất nước, hoặc về hình tượng kỳ vỹ của một binh nhì của Đạo quân Cách mạng Việt Nam. Hạt nhân tính cách của Mẹ là lòng thương người. Với Mẹ, có lẽ ai sinh ra trên đời cũng khổ, “Đời là bể khổ”: Lấy chồng cũng khổ con ra/Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!/Nghĩ mà thương mẹ cha sinh/Thương chồng con, lại thương mình bấy nhiêu. Cái gốc nhân bản phổ biến ấy của nhân phẩm của Mẹ khiến Mẹ hiểu thấu được và dễ dàng chấp nhận giải pháp xóa bỏ đau khổ cho nhân loại. Giải pháp đó là loại trừ áp bức và bóc lột, xâm lược và chiến tranh. Mẹ coi nhiệm vụ mình đảm trách trong cuộc chống Mỹ là hiển nhiên, là tất yếu: Chẳng bằng con gái con traiSáu mươi còn một chút tài đò đưaTàu bay hắn bắn sớm trưaThì tui cứ việc nắng mưa đưa đò… Hẳn nhiều người kinh ngạc trước “chiến lược” sống và chiến đấu ngàn đời của nhân dân lao động: Tự lực cánh sinh, chiến lược tưởng chừng quá đơn giản, song cực kỳ hóc hiểm và khúc khuỷu! Gan chi gan rứa mẹ nờ?Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?. Tự mình gây dựng lấy đời mình, tự mình bảo vệ lấy cuộc đời ấy, cho nên người lao động bình thường thản nhiên đối đầu khó khăn gian khổ, thậm chí hy sinh, điềm tĩnh tin vào chiến thắng hiển nhiên của minh: Một tay lái chiếc đò ngangBến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngàySợ chi sóng gió tàu bayTây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua… Khi nhân dân lao động đã làm chủ môi trường sống của họ, được toàn quyền định đoạt số phận của họ, niềm lạc quan vui sống sẽ xuất hiện. Tố Hữu đã thần kỳ lảy ra nét đẹp hiện thực không dễ nhìn thấy này, nét đẹp hiện thực bộc lộ qua chất hóm hỉnh thật đời, thật thơ: Ghé tai mẹ, hỏi tò mò: Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?Mẹ rằng: Nói cứng phải xiêuRa khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!… Chút vui cười ý nhị điểm xuyết cho cuộc sống chung quá căng thẳng và quá bồi hồi thời ấy. Chấm phá hài hước thâm thúy này gần như là duy nhất trong Thơ Việt Nam cho tới bây giờ!

Mẹ Suốt đã, đang và sẽ thực sự sống trong lòng con em Đất Việt. Không bao giờ, chúng ta biết cụ thể bao nhiêu người trên giải đất hình chữ S, thực tế đó là những ai, đang nhớ đến Mẹ, đang mong mỏi được một lần tới với Mẹ, nơi bến đò và xóm thôn đạn bom khốc liệt thuở nào: Bài thơ con học ngày xưa/hôm nay nghe lại sao lòng rưng rưng/mẹ ơi biết đến bao giờ/con vào thăm mẹ bên bờ sông xưa (Ngọc Dũng). Đây là một chia sẻ chúng ta tình cờ bắt gặp trên mạng, năm 2012, nhân bản “ca ngâm” Mẹ Suốt của cố nghệ sĩ Châu Loan được phát lại. Và cũng thật tình cờ, chúng ta được đọc bài thơ Ghi dưới tượng đài Mẹ Suốt của Phạm Đăng Kim, trong tập Đất quê ra đời từ năm 2009. Tập thơ này hẳn nằm trong số hàng trăm tập thơ vẫn được đều đặn xuất bản hàng năm, không chỉ ở Hà Nội. Phạm Đăng Kim công bố nó, hẳn không nhằm khẳng định ông là một thi sĩ, thi sĩ gạo cội! Có lẽ, như hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn nhà thơ vô danh khác, ông chỉ muốn chia sẻ những vui buồn có thực, những chuyện đẹp xấu có thực, những chất thơ có thực, tóm lại, những hạt bụi vàng mà những nghệ sĩ tài năng sẽ đúc nên những “Bông Hồng Vàng” (Pauxtốpxki)! Bài thơ là lời tâm sự không thể không thốt ra sau nhiều cảm xúc và suy ngẫm của một người nặng lòng với đức độ, công lao và ước mơ của Mẹ Suốt, của hàng triệu người dân thường như Mẹ.

 

Ghi dưới

tượng đài Mẹ Suốt

Phạm Đặng Kim

Vượt qua bão lửa đạn bom

Chẳng mong tạc tượng vàng son giữa đời

 

Che con một mảnh áo tơi

Chở sau lưng mẹ một trời nước non

Đò sang duềnh sóng trào sông

Mồ hôi áo mẹ… thấm cùng tháng năm

 

Đêm nay vằng vặc trăng rằm

Con về viếng mẹ lặng thầm nén hương

Ngoài kia Nhật Lệ sóng cồn

Ngỡ như tiếng hát mẹ còn đâu đây

 

Quảng Bình trắng cát xanh cây

Và dòng sông ấy vơi đầy ánh trăng

Con về viếng mẹ đêm rằm

Kìm lòng…đôi mắt vẫn đằm lệ rơi !

(Đất quê, NXB Văn học, 2009)

Tâm điểm của bài thơ là đoạn thứ hai, đoạn cô đọng se sắt. Một sự hòa hợp tự nhiên và vang vọng bất tận giữa cụ thể và trừu tượng, giữa chi tiết và khái quát, giữa ý tại và ngôn ngoại, giữa nói ít và hiểu nhiều! Các bộ phận có vẻ cách xa nhau nhưng không thể tách rời mà gắn kết thành một tổng thể hợp lý và thẩm mỹ: Che con một mảnh áo tơi/Chở sau lưng mẹ một trời nước non/Đò sang duềnh sóng trào sông/Mồ hôi – áo mẹ… thấm cùng tháng năm.

Nhân vật trung tâm của bức tranh chiến đấu là Mẹ Suốt, mà bộ đội chỉ là những đứa con thơ nhỏ bé, được Mẹ che chở, mà sức mạnh vật chất và tinh thần là ghê gớm chừng nào, mà sứ mệnh là bảo vệ và đưa Đất nước qua cơn hiểm nghèo sinh tử. Chắc tác giả từng qua sông Nhật Lệ trên một chuyến đò của Mẹ, khi mà máy bay giặc bổ nhào  đàng trước đàng sau, khi mà bom inh đạn réo khắp trời, khi mà mạng sống chỉ là ngàn cân treo sợi tóc! Hẳn lúc ấy, và nhiều năm sau nữa, ông đã xúc động vô cùng, cảm phục tột đỉnh, sáng mắt sáng lòng ngoài tưởng tượng, mới viết lại được kỷ niệm đáng giá này! Ánh trăng ở đây, lại là Trăng rằm vằng vặc, hẳn là thực tế đêm Phạm Đăng Kim về viếng Mẹ Suốt, ngầm ngợi ca thật thấu tình đạt lý sự thuần khiết không gì làm hoen ố được của Mẹ và triệu triệu dân thường như Mẹ. Sự thuần khiết ấy vẫn là hồn cốt của xã hội chúng ta. Ngoài kia Nhật Lệ sóng cồn, người con xưa tự thấy mình có lỗi với Mẹ, tưởng Mẹ có ý nhắc nhở mình qua tiếng sóng không bình thường trong đêm trăng thanh tĩnh – có lẽ là Đêm trung thu, vốn chỉ dành cho hân hoan và thanh thản? – Sự thuần khiết của Mẹ lặng lẽ làm nên cuộc sống tươi đẹp cho vùng gió lào cát trắng, nhưng con cháu của Mẹ có lẽ chưa khiến Mẹ thật sự toại lòng – hiếu thảo đích thực phải là làm sao để Mẹ được mãn nguyện, nhất là khi Mẹ vĩnh viễn đi xa: Quảng Bình trắng cát xanh cây/Và dòng sông ấy vơi đầy ánh trăng. Cho nên hạnh phúc tột cùng… và nhoi nhói hối hận, Con về thăm mẹ đêm rằm/Kìm lòng… đôi mắt vẫn đằm lệ rơi! Xúc động chân thực này là tình cảm chung của mọi người con đối với mẹ mình. Dù có làm được gì lớn lao đến độ trời rung đất chuyển, chúng ta vẫn là đứa con bé bỏng của Mẹ! Một trong những lỗi lầm của chúng ta là chưa thật thấu hiểu Mẹ, là gán cho Mẹ những thói hư tật xấu của bản thân. Vượt qua bão lửa đạn bom/Chẳng mong tạc tượng vàng son giữa đời. Vâng, danh vọng là hoàn toàn xa lạ với Mẹ. Mẹ sống và chiến đấu cho những gì thiết thực và căn cốt như “Che con một mảnh áo tơi…”, tức là từ những gì tưởng chừng vặt vãnh…

Với những nghịch lý có thật và được dẫn ra có vẻ vô tình, với độ nhuần nhuyễn cao trong vận dụng ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật, áng thơ Ghi dưới tượng đài Mẹ Suốt của Phạm Đăng Kim đúc kết chân xác bản chất, vị trí, vai trò và chờ mong (ở con cháu) của Mẹ Suốt, của những người lao động như Mẹ, của quảng đại Nhân Dân trong cõi đời. Khắc họa cảm động hình ảnh người mẹ Việt Nam bình thường, cũng như chân dung xác thực của người dân thường Việt Nam, áng thơ là một minh họa sinh động cho ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Thêm một người làm thơ là thêm một sự lương thiện” (Hầu chuyện thượng đế). Từ cội rễ là sự thuần khiết – ánh trăng, sự lương thiện phải là chuẩn mực của mọi chuẩn mực, chuẩn mực mà Mẹ Suốt cũng như triệu triệu Bá Kim (thơ Trần Nhuận Minh) bền bỉ gây dựng và đấu tranh, cho hôm nay và cho mãi mãi…

Nguồn Văn nghệ

Exit mobile version