Nguyễn Hội
Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ xíu, một thằng bé con con, học mẫu giáo trường làng. Buổi chiều mùa Đông năm ấy, mẹ quẩy đôi quang gánh ra đồng để mót nhặt từng cái dãi khoai còn sót lại, trước khi trạm thủy nông xả nước tràn bờ. Quê tôi nghèo nên chắt chiu, từng cái dãi khoai cũng không bị bỏ phí, nhỏ vừa vừa thì nấu chung với cám cho lợn, nhỏ tí tẹo thì cho bò ăn thay cỏ. Bố và các anh chị tôi đang đóng gạch ở “ruộng phần trăm” nên mẹ giao cho tôi phần việc trông nhà, chờ chị cả về nấu bữa cơm chiều. Trước khi đi, mẹ kéo ngọn rào tre chắn ngang giữa cổng, vừa để ngăn tôi không ra khỏi ngõ vừa để thông báo với mọi người rằng, cả nhà đi vắng. Làng tôi hồi xưa đơn giản thế, gần như chả nhà nào có đôi cánh cổng. Có nhà khi đi vắng chỉ cần đặt ngang cổng một vài cành lá, báo hiệu. Ấy vậy mà chả bao giờ mất trộm. Mẹ tôi bảo, cái khoá là để khoá người ngay, chứ người gian thì chả thể nào khoá được, cài khoá, đặt cành rào tre hay cành lá cũng là để tượng trưng thôi.
Chẳng hiểu hôm ấy vì sợ bóng chiều mỗi lúc một buông xuống thật nhanh trong căn nhà và khu vườn vắng lặng hay một nỗi sợ hãi bản năng của đứa bé con khi xa mẹ mà tôi nằm nì mẹ cho đi theo bằng được. Tất nhiên là mẹ tôi không cho. Đường đi đến ruộng rất xa mà trời lại đang nắng. Hết dỗ dành ngon ngọt không được, mẹ cho thằng cu con một roi quắn đít rồi tất tả ra đồng. Cũng như con bê con rúc vào vú mẹ nhiều quá, rồi bị mẹ nó hất ra, tôi cuống cuồng tìm cách chui qua hàng râm bụt rồi chạy theo mẹ ra tới đầu làng. Ở đấy tôi vừa khóc, vừa gào mẹ mỗi lúc một to. Đến khi mẹ quay trở lại thì cổ họng tôi đã khản đặc, nước mũi, nước dãi và nước mắt trộn lẫn vào nhau đặc quánh. Mẹ không đánh đòn nữa mà ôm tôi vào lòng, dỗ dành, âu yếm. Chỉ chờ có thế, tôi chúi vào lòng mẹ, nấc lên từng tiếng để đón nhận một cảm giác bình an, ấm áp tràn ngập khắp tâm hồn.
Năm tôi lên chín, một trận ốm khiến tôi sốt li bì ba ngày liên tục. Bình thường tôi vẫn là đứa ăn cơm rất khỏe, ấy vậy nhưng cơn sốt khiến miệng mồm đắng nghét, ly nước chanh đường mẹ đưa, tôi phải cố gắng mới uống hết. Nhà chẳng có sẵn đồng tiền và cũng chẳng có thứ gì đáng giá, mẹ chỉ còn biết đội đi chợ thùng thóc để thuốc thang cho tôi. Nhưng dù mẹ có làm món thịt lợn kho dừa, là món đặc biệt mà tôi thích nhất nhưng tôi cũng không muốn ăn. Mẹ lại ngồi bên, cầm bát cơm xúc từng muỗng dỗ dành, tỉ tê ngon ngọt, tôi thấy mình như thằng bé con năm nào, vừa nuốt cơm ngon lành vừa làm nũng mẹ. Ngày một, ngày hai bệnh tình của tôi từ từ thuyên giảm. Lúc ấy đang giữa vụ cấy tháng Năm, trời nóng như đổ lửa, chốc chốc mẹ lại thay khăn ướt trên trán để tôi hạ sốt. Trưa ngày thứ tư, tranh thủ lúc trời đang đứng bóng chẳng thể ra đồng, mẹ ngồi quạt, hát ru cho tôi ngủ. Dù đã lớn hay mãi tận sau này tôi vẫn thích nghe mẹ hát ru. Những khúc hát quê hương, cái cò cái vạc mẹ nghe từ bà, từ những người trong làng, trong xóm rồi lại hát ru con và sau này ru cháu. Những khúc hát ru thấm đẫm vào xương thịt, vào tâm hồn tôi từ trong tấm bé. Và rồi tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết. Khi tôi thức dậy, bóng nắng đã chạy dài ra ngoài hàng hiên khá xa, nhà vắng lặng. Ngoài vườn tiếng chim hót líu lo, đôi chim bố mẹ đang tập cho bầy chim non chuyền từ cành cam, sang cành ổi. Những cơn gió từ phía bờ ao thổi tràn vào khiến tôi cảm thấy dịu mát, người trở nên nhẹ tênh. Tự nhiên một nỗi buồn bỗng tràn ngập trong lòng. Nỗi buồn ấy mỗi lúc một mênh mông thêm, cùng với nó là nỗi tủi thân và nhớ mẹ vô cùng. Cho đến bây giờ, thi thoảng trong buổi xế chiều, tôi vẫn gặp nỗi buồn ấy, một nỗi buồn mênh mang, sâu thẳm và nhớ mẹ da diết dù mẹ đang ở ngay nhà chúng tôi, chăm nom các cháu. Những lúc ấy tôi chỉ muốn chạy ngay về bên mẹ, ôm lấy đôi bàn tay già nua mà đã suốt một đời tảo tần vì chồng, vì con, vì cháu để cảm nhận tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.
Tôi ra ngồi bậu cửa, vừa thút thít khóc vừa lắng nghe từng thanh âm phía ngoài ngõ, ngóng mẹ về. Không biết khoảng thời gian ấy là bao lâu nhưng tôi cảm thấy dài vô tận. Mãi đến lúc đàn gà mẹ con lục tục kéo nhau về tha thẩn trước sân, chờ những hạt tấm gạo hiếm hoi cho bầy gà con mới xuống ổ, trước khi lên chuồng thì mẹ về. Quần áo mẹ lấm lem bùn đất. Mẹ cầm một giỏ đựng đầy cua, cá bắt trong lúc cấy và một rổ lá xông mới hái ngoài bờ ruộng. Tôi chạy ào vào lòng mẹ mà mừng vui khôn xiết. Thực chẳng có điều gì hạnh phúc hơn ta có mẹ trên đời. Những lúc ốm đau, mệt mỏi hay đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, người đầu tiên ta nghĩ tới và cầu mong một sức mạnh nhiệm mầu không ai khác, chính là mẹ. Thế rồi sau nồi nước xông và bát canh cua mát lành của mẹ, sáng hôm sau tôi đã khỏe lại bình thường.
Từ ngày vợ chồng tôi sinh cháu thứ hai, mẹ chính thức vào miền Nam “công tác”. Ngoài bảy mươi tuổi, việc di chuyển giữa hai miền Nam Bắc chẳng dễ dàng gì. Nhưng thương con dâu công tác suốt ngày, con trai bộ đội thì đi biền biệt trên tuyến đầu biên giới, thương các cháu còn quá nhỏ để có thể tự lo liệu, mẹ tình nguyện dành hết tình yêu và sức lực tuổi già để vun đắp cho tổ ấm gia đình tôi. Có mẹ, chúng tôi có đầy đủ mọi thứ trên cuộc đời này, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Hai đứa nhỏ được bà nội chăm lo cho tất cả mọi thứ, từ miếng ăn, giấc ngủ, nhắc nhở việc học hành. Buổi tối chúng cứ quấn lấy bà để nghe chuyện cổ tích rồi lăn ra ngủ trong lời ru của nội. “Một mẹ già bằng ba rào giậu”, có mẹ, ngôi nhà nhỏ của chúng tôi an lành, ấm áp.
Trong nhiều năm rồi tôi thấm thía một câu ca dao: “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”. Có nhiều cách hiểu khác nhau xung quanh câu ca dao này, riêng tôi vẫn nghĩ, chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau đều là những sản vật trân quý của trời đất, vừa ngon lành vừa rất dễ hư mất và thời gian thưởng thức những thứ quý giá ấy chỉ mang tính thời điểm. Tôi vẫn thường nói với người bạn đời của mình rằng, những điều quý giá nhất trong cuộc đời này đang hiện hữu trong ngôi nhà của chúng ta, không thuộc về quá khứ, càng không phải ở tương lai. Và mẹ mãi mãi là điều quý giá nhất. Hãy thực hành tình yêu thương với điều quý giá nhất ấy như lời dạy của một vị thiền sư, ngồi bên mẹ và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, con yêu mẹ vô cùng!
Theo báo Phụ nữ Việt Nam