Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện của tác giả Đoàn Đức Châu.

Gồm các truyện sau:

– Mẹ của những người lính

– Bến đò xưa

– Cây dừa nước

– Cô bé câm

– Rau muống đầm

Tác giả Đoàn Đức Châu

Sinh ngày 5 tháng 8 năm 1951, thuộc thế hệ lính sinh viên năm 1972.                                                       Tuy không phải là người viết văn chuyên nghiệp, nhưng truyện của tác giả Đoàn Đức Châu kể về trải nghiệm của một người lính, hết chiến tranh ra quân đã làm nhiều nghề, trải qua nhiều lĩnh vực của cuộc sống nên sát thực tế. Nội dung truyện nặng tình người, tình đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp. Đó là cuộc sống thực tế của anh và của những người thân bạn bè yêu mến…                                                            Hiện tại anh giành nhiều thời gian để thực hiện mong ước thời trẻ của mình: viết truyện. Anh đã viết khá nhiều, và cũng chưa công bố khá nhiều.

Tác giả Đoàn Đức Châu tâm sự:

Chúng tôi là lứa lính sinh viên 1972. Sau 51 năm từ ngày nhập ngũ, có biết bao câu chuyện không thể kể hết những bi thương nhưng hào hùng của người thân bạn bè đã trải qua cuộc chiến tranh.

Thời gian có thể lấy đi của chúng tôi tuổi xuân, có thể lấy đi dáng vẻ hiên ngang của anh lính sinh viên trẻ ngày nào nhưng nó không thể lấy đi khỏi tâm hồn chúng tôi những tháng năm đẹp đẽ, đáng nhớ về một thời hoa lửa, không thể lấy đi lòng kiêu hãnh và tình yêu tổ quốc cháy bỏng của những người lính sinh viên năm nào cầm súng bước vào cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc.

MẸ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH

Đoàn Đức Châu

Một ngày cuối tháng 5 năm 1972 tốp lính tân binh chúng tôi được đoàn xe của binh chủng tên lửa đón tại làng Xuân Đỉnh rồi chạy ngược lên phía bắc Hà Nội. Còn chưa hết say sưa ngắm nghía nhau xúng xính trong bộ quân phục mới tinh thì ông cán bộ dẫn đoàn thông báo: “Lạc đường”.

Đêm hôm ấy chúng tôi phải ăn lương khô và ngủ trên một đồi bạch đàn. Bụng đói, họng khát, lại còn bị muỗi cắn. Hết cả hưng phấn. Sáng sớm hôm sau toàn đơn vị được lệnh đi bộ vượt qua mấy quả đồi để đến địa điểm tập kết.

Đó là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh con sông Cà Lồ. Cả đoàn ì ạch đi trên con đường dốc quanh co uốn lượn, đỏ màu đất đồi trung du. Trưa hè nắng gắt. May mà vào trong làng những cành tre già trên cao đan kín với nhau tạo thành cái cổng dài, che mát lối đi.

Chắc người dân ở đây nghèo lắm. Tôi chỉ thấy vài căn nhà thấp có mái ngói, còn lại toàn lợp bằng rơm, trông lụp xụp như trong truyện của ông Nguyễn Công Hoan.

Trong làng vắng bóng người. Mấy con chó nghe có tiếng động lạ chạy xồ ra sủa nhặng xị một hồi rồi cụp đuôi quay vào nhà, hậm hực rên ư ử. Sau lớp hàng rào dâm bụt thỉnh thoảng bắt gặp một con trâu gầy với những mảng bùn lấm bết trên lưng. Bị cột vào cái cọc tre cạnh đống rạ nó thở phì phì bực tức, gõ móng cồm cộp rồi xoay vòng, giằng sợi thừng mắc ở đầu mũi một cách bất lực.

Tôi và Lê, hai cựu sinh viên cùng khoa ở trường đại học, được xếp ở trong một “gia đình có công với cách mạng”. Nhà chỉ có một mình bà chủ nhà khoảng 50 tuổi. Chồng bà đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Anh con trai duy nhất lại xung phong đi bộ đội.

Khi ông xã đội trưởng giới thiệu hai chúng tôi với bà, không hiểu sao bà nhìn tôi khá lâu. Tôi chột dạ, nghĩ là bà ngại nhận những anh chàng người thành phố có nước da trắng trẻo như tôi.

Mấy ngày liền tôi lẳng lặng chăm chỉ quét nhà, quét sân, dọn dẹp đồ đạc trong nhà thật gọn gàng theo đúng kiểu “đường lối dân vận” mà anh chính trị viên đại đội căn dặn.

Chiều thứ bảy toàn đơn vị được nghỉ. Thấy bà chủ nhà lúi húi sửa chiếc gàu tát nước tôi lúng túng không biết làm gì. May mà Lê là người nông thôn nên nó nhanh nhảu ngồi xuống giúp bà. Thấy thế tôi chạy vào bếp đun một ấm nước chè xanh. Khốn nỗi ở đây người ta đun bằng rạ chứ không đun bằng củi hay than như ở thành phố. Lửa bếp lúc thì bùng to như sắp cháy nhà, lúc thì tậm tịt, mù mịt khói như rạ bị ướt. Ấm nước mãi không chịu sôi. Bà chủ nhà chạy vào bếp. Bà chẳng nói gì, lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh đun thay tôi. Tôi gãi đầu, gãi tai định thanh minh thì bà bảo: “Làm dần sẽ quen cháu ạ!”. Bà đột nhiên nhìn tôi, thở dài: “Cháu giống hệt thằng Hiển nhà bác. Nó cũng trắng trẻo, môi đỏ như cháu, lại thông minh, học giỏi!”. Hiểu ra mọi chuyện tôi nhẹ cả người dù chắc ý cuối cùng của bà không phải nói về tôi.

Từ hôm đó tôi thấy thoải mái hơn, thậm chí còn bắt chiếc mấy ông lính cũ gọi bà là “Mẹ”. Không biết có phải do ảo giác hay không, mỗi lần như vậy tôi lại thấy niềm vui lóe lên trong đôi mắt buồn của bà.

Bà mẹ thích kể chuyện về con mình với chúng tôi. Sau mỗi câu chuyện bà thường nhìn tôi nói lại: “Nó giống con lắm!”.

Cũng từ đấy, mỗi lần thấy sự lóng ngóng của tôi trong việc nhà nông như xay thóc, giã gạo, cho gà lợn ăn, bà chỉ cười rồi chỉ bảo cho tôi như với cậu con út của mình. Tôi ngoan ngoãn nghe bà và nhanh chóng quen với cuộc sống ở đây.

Buổi chiều tôi thường lên tận đỉnh ngọn đồi, ngồi giữa những khóm sim dại, ngắm cảnh mặt trời đỏ rực chầm chậm lặn xuống sau dẫy núi phía xa. Trên bầu trời nhập nhoạng ánh hoàng hôn loáng thoáng những đàn cò vội vã bay về tổ. Đôi lúc vẳng trong không trung tiếng kêu dài của một con vạc lạc bầy nghe thật cô đơn, buồn bã.

Đêm trăng rằm ở đây rất đẹp. Nếu chỉ “đóng đô” ở thành phố chắc không bao giờ tôi có dịp thưởng ngoạn cảnh trăng quyến rũ như vậy. Hoàng hôn vừa tắt ánh trăng đã bừng sáng cả vùng trời phía trên rặng Tam Đảo. Mặt trăng tròn vành vạnh, lộng lẫy như chiếc vương miện của nữ hoàng Elizabet từ từ lên cao, tỏa một màu vàng óng ả làm màn chiều tối đen bừng tỉnh. Giống hệt một dải lụa mềm, màu vàng ấy lan nhanh, trải dài lên các cánh đồng lúa nặng trĩu bông, những rặng tre già trầm lặng ưu tư, lướt qua khu vườn cau ngát hương, làm sóng sánh mặt nước con sông Cà Lồ đang chập chờn chìm vào giấc ngủ. Trong chốc lát xóm làng trút bỏ dáng vẻ vất vả, lam lũ ban ngày, trở nên bóng bẩy, thơ mộng đến lạ kỳ.

Khi trăng lên cao, tiếng máy tuốt lúa trên sân kho hợp tác xã ngừng lại. Các bác xã viên chia vội số thóc thu hoạch trong ngày rồi thanh thản ngồi hóng mát trong màn sáng dìu dịu. Mọi mệt nhọc sau một ngày lao động nhanh chóng bay theo những cơn gió lồng lồng từ ngoài đồng thổi tới. Mấy cô gái trẻ túm tụm cạnh đống rơm ở góc sân kho trêu đùa nhau, cười khúc khích. Tiếng trống trung thu ròn rã hòa tiếng hò reo vô tư của lũ trẻ con làm mọi người trong chốc lát quên đi những lo âu, vất vả, nghèo đói, quên cả bom đạn chết chóc đang rình rập ngày ngày. Những giây phút thanh bình hiếm hoi như thế này thật ngọt ngào, lắng đọng.

Một hôm đại đội chúng tôi được lệnh gặt lúa giúp dân. Nhà bà mẹ cũng có vài sào lúa chín. Cầm cái liềm bé tẹo trong tay, tôi tự tin “chuyện nhạt”. Chẳng ngờ mới được nửa thửa ruộng đầu tiên lưng tôi đã mỏi rã rời. Mồ hôi túa đầy mặt, lau không kịp. Cái nắng gay gắt ngày hè càng làm tôi nhanh chóng kiệt sức. Cổ họng khát khô dù tôi đã tu hết cả bình tích nước chè.

Thấy vậy thằng Lê cười nhăn nhở bảo tôi ra bó lúa để mình nó gặt. Khốn nỗi với tôi thì việc ấy cũng chẳng nhẹ nhàng hơn. Tôi lại nghiến răng gặt tiếp. Thửa ruộng bé tẹo này sao hôm nay “mênh mông” thế .

Đêm hôm ấy tôi lên cơn sốt. Nửa đêm tỉnh dậy vì khát, tôi giật mình nhìn thấy bà mẹ lặng lẽ ngồi cạnh giường mình. Thấy tôi tỉnh bà đặt tay lên cái trán nóng hầm hập của tôi, giọng buồn bã: “Khổ thân con quá. Tự mẹ cả. Ai lại bắt…”. Bà kéo vạt áo nâu lên chấm mắt, sụt sịt. Tôi vội ngồi dậy, ngắt lời bà: “Không sao đâu. Con khỏi ngay thôi mà!”. Tôi gắng sức lết ra bàn ngồi uống nước. Song chỉ được một lát lại thấy đau ê ẩm. Quay về giường tôi thiếp đi không hề biết cả đêm hôm ấy bà mẹ lặng lẽ ngồi cạnh giường tôi, không ngủ.

Hôm sau uống mấy viên thuốc anh y tá đưa cho tôi thấy đỡ nên ra sân ngồi. Trông thấy tôi, bà mẹ đi ra từ trong bếp, tay bưng một bát cháo nóng. Bà bắt tôi ăn hết. Sức trai đang lớn, cháo lại ngon, tôi ăn một mạch rồi hỉ hả khen: “Cháo cá ngon quá mẹ ạ. Khỏe cả người!”. Bà hớn hở đáp lại: “Cháo rắn đấy con ạ. Tối hôm qua có anh cháu ở làng bên bắt được một con rắn hổ mang bành to lắm. Mẹ chạy sang đấy xin một khúc về nấu cho con. Người ốm mà ăn thứ này thì bổ lắm!”. Tôi sợ tái mặt, suýt nôn ra, may mà kìm được.

Thế mà hôm sau tôi khỏi thật. Cũng từ đó bà chỉ cho tôi làm mấy việc loanh quanh như quét nhà, quét sân hay vãi thóc cho bầy gà. Hàng ngày bà lẳng lặng giặt bộ quân phục xanh của chúng tôi, phơi khô, xếp chúng ở đầu giường. Tối nào trên bàn cũng có bát khoai, đĩa lạc phần cho hai đứa. Bà làm tôi nhớ mẹ mình. Sao họ lại giống nhau thế, hiền lành, tốt bụng, thương con.

Một buổi chiều, khi chúng tôi đi tập về, bà hớn hở khoe: “Có thư thằng Hiển gửi về con ạ. Tối nay đọc cho mẹ nghe nhé!”

Vừa xong bữa cơm chiều tôi đã thấy tiếng mấy bà hàng xóm í ới gọi từ ngoài ngõ. Mấy bà mẹ cười nói rôm rả khi biết có thư từ mặt trận gửi về. Tôi kê cái bàn con ra giữa sân mời các bà vào uống nước. Nhìn mấy bà mẹ già gầy gò, bé nhỏ ngồi nhai trầu bỏm bẻm tôi thấy các bà vừa “cổ kính” vừa gần gũi, thân thương.

Giữa lúc vui chuyện bà chủ nhà giới thiệu tôi với hai bà hàng xóm: “Đây là con nuôi tôi. Nó là em thằng Hiển nhà tôi!”. Mấy bà hàng xóm à một tiếng rồi gật gù khen: “Cậu này cũng đẹp như thằng con nhà bà đấy chứ nhỉ!”. Tôi nghe mà mát lòng mát dạ.

Thư của anh Hiển có mấy dòng nguệch ngoạc báo tin anh vẫn mạnh khỏe và đang ở mặt trận Quảng Trị. Đọc đến đây tôi thấy thót tim vì biết ở Quảng Trị đang diễn ra những trận chiến vô cùng khốc liệt. Cổ họng khô đặc. Tôi cố đọc nốt mấy dòng cuối: “Mặt trận vẫn bình yên. Thắng trận này con sẽ về thăm mẹ”. Đọc xong tôi lảng xuống bếp để khỏi lộ ra cái nét mặt bất an của mình. Ngoài sân mấy bà mẹ vẫn hân hoan chuyện trò như sắp được đón con mình thắng trận trở về.

Đêm hôm ấy khi tiếng đoàn tàu chạy qua ga Đông Anh lắng dần, tôi nghe rõ tiếng thở dài của bà mẹ từ căn buồng bên. Tôi biết, trong giấc ngủ chập chờn bà đang chờ đợi tiếng gõ cửa của con mình.

Không sao ngủ tiếp được tôi ra ngồi ngoài hiên. Nhớ nhà, nhớ mẹ đến muốn khóc. Trăng khuya sáng vằng vặc trên bầu trời đêm thanh vắng. Dường như nó cũng đang trằn trọc ngóng ai.

Đợt tập huấn kết thúc. Chúng tôi được nghỉ một ngày trước khi lên đường. Tôi và Lê mời bà mẹ sang thị trấn Xuân Hòa chơi.

Hồi ấy người ta gọi thị trấn Xuân Hòa là “thủ đô mới”. Thị trấn nằm trên “đồi Thằn Lằn”, cụm đồi lớn nhất vùng này. Lúc ấy trong thị trấn mới chỉ có một con đường bê tông hai chiều rộng, phẳng lì chạy vắt ngang quả đồi. Dọc hai bên là những ngôi nhà hình hộp cao sáu bảy tầng. Nhà cao tầng ở miền Bắc Việt Nam thời gian đó thường chỉ ba, bốn tầng. Thị trấn cách vùng thôn quê có một con sông nhỏ mà đã mang dáng vẻ khác lạ, hoành tráng, hiện đại. Về đêm, vầng sáng đèn huỳnh quang của nó nổi lên giữa màn đen mênh mông vốn bao trùm vùng đồi núi này từ bao đời nay.

Có vẻ oai vậy thôi chứ cả thị trấn chỉ có vài cửa hàng lớn. Ở đấy cũng chỉ lèo tèo vài thứ hàng mẫu bán theo tem phiếu. Cửa hàng ăn uống thì khác, đông người, nhưng bán tự do độc một món “phở không người lái” (phở không có thịt). Cuối cùng hai chúng tôi quyết định mời bà mẹ đi ăn kem que. Món này mới có, vừa lạ lại hợp vì trời nóng.

Dòng người xếp hàng khá dài nhưng mọi người nhường cho hai anh bộ đội mua trước. Cầm mấy cây kem mát lạnh hai đứa hớn hở đưa bà mẹ ra ngồi trên chiếc ghế cạnh nhà hàng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời bà ăn kem. Nhìn bà lóng ngóng cả hai không nhịn được cười. Tôi cẩn thận hướng dẫn bà song bà cứ lúng túng mãi. Khi vừa ăn được một miếng bà làm rơi cả que kem xuống chiếc ghế. Tôi chưa kịp cản bà đã nhặt vội que kem lên, gạt phần bên ngoài rồi ăn tiếp. Mặt nóng bừng vì ngượng nhưng tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ: “Sao các bà mẹ của chúng ta lại khổ đến thế kia chứ!”.

Bà mẹ bối rối khi bắt gặp ánh mắt tôi. Từ lúc đó bà im lặng suốt. Trên đường về bà đi vội vã như muốn rời thật nhanh cái đô thị xa lạ phía sau.

Ngày hôm sau, khi chúng tôi dậy thì bà đã ra đồng. Trên bàn, như mọi ngày, vẫn có hai củ khoai lang còn nóng. Trưa hôm ấy không hiểu sao bà cũng không về. Ba giờ chiều chúng tôi được lệnh tập trung hành quân. Khoác ba lô ra khỏi cửa hai đứa bần thần vì vẫn không thấy bóng bà mẹ. Tiếng còi tập hợp cùng với tiếng giục giã của trung đội trưởng ngoài ngõ càng làm chúng tôi cháy cả ruột gan. Cuối cùng tôi đành để lại trên bàn một tờ giấy với dòng chữ to “Mẹ ơi, chúng con đi đây. Chúng con sẽ trở về”.

Khi chiếc xe cuối cùng của đoàn chở tiểu đội tôi ra đến đầu làng thì một cậu gọi giật tôi: “Bà chủ nhà của mày kìa!”. Nhìn ra phía ruộng lúa bên đường tôi thấy mẹ tất tả chạy qua thửa ruộng còn ngổn ngang gốc rạ. Mẹ vấp ngã nhưng đứng ngay dậy, chạy như lao lên đường đuổi theo đoàn xe. Bà vẫy vẫy chiếc nón rách kêu lên một tiếng gì không nghe rõ. Hình như anh lái xe nhìn thấy bà nên cho xe chạy chậm lại. Tôi nhào ra cửa xe gào to: “Mẹ ơi, con đây!”.

Chiếc xe bỗng tăng tốc kéo theo cơn lốc bụi đỏ quạch trùm kín người bà. Cả bọn nháo nhác. Tôi vươn hẳn người ra ngoài thành xe nhưng chỉ thấy bóng mẹ loáng thoáng trong đám bụi mịt mù. Bà vừa chạy theo vừa vẫy tay một cách tuyệt vọng. Tôi gào lên và mấy anh em khác cũng gào theo: “Mẹ ơi, chúng con đi đây, chúng con sẽ về!”…

*

Hết chiến tranh tôi trở lại nơi đây thì bà đã mất.

Anh con trai mẹ, một thương binh, dẫn tôi ra thăm mộ. Vừa thắp hương anh vừa tâm sự: “Mẹ nhớ chú lắm. Ngày anh về bà cứ hỏi tại sao chú chưa về. Tại sao anh không đi tìm chú!”. Tôi không kìm được nước mắt khi nhìn nấm mộ nhỏ bé của mẹ nằm lọt thỏm giữa cái nghĩa địa vắng vẻ đầu làng. Xung quanh, những cánh đồng lúa vàng bao la trĩu hạt cứ rì rào ngân nga dưới bầu trời trong xanh, yên bình.

Một nỗi xót xa chà xát lòng tôi: “Đói nghèo, cô đơn, hy sinh của mẹ chỉ được cuộc đời đền đáp như thế này sao?”.

Nhưng tôi biết. Mẹ vẫn thế.

Hòa bình về. Khi những người xung quanh hân hoan reo hò, say sưa trong niềm vui chiến thắng thì với mẹ điều đó chỉ đơn giản là bắt đầu một cuộc sống bình yên, không còn phải suốt ngày lo âu, thấp thỏm ngóng chờ tin tức của những đứa con ngoài mặt trận. Thế là hạnh phúc lắm rồi. Cả đời mẹ chỉ mong có vậy.

Lau nước mắt tôi quỳ xuống bên mộ bà thì thầm: “Mẹ ơi, con về rồi đây!”. Tôi thấy bà hiện lên, mỉm cười…

*

Bốn mươi năm sau tôi được một cậu khách hàng trẻ mời dự lễ “tân gia” ngôi biệt thự mới xây xong ở vùng ngoại ô phía Bắc Hà Nội. Tôi lại về đây. Mọi thứ giờ đã thay đổi nhiều. Tôi không nhận ra cái xóm nghèo ngày xưa nữa. Khắp nơi mọc lên những khu vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf và các biệt thự nằm rải rác trong cánh rừng bạch đàn. Căn nhà của cậu bạn trẻ không lớn lắm nhưng tuyệt đẹp. Nó mang dáng dấp kiến trúc châu Âu. Những khóm hoa hồng cổ được trồng quanh nhà. Hương thơm của chúng lơ lửng, đọng lại trong lớp sương chiều lành lạnh, đặc trưng của miền trung du này. Không gian tĩnh lặng của vùng đồi núi cùng hương hoa ngan ngát làm tôi lâng lâng, như bị bùa mê.

Căn nhà nằm kề bên hồ nước trong nên càng thơ mộng. Mỗi cơn gió nhẹ thoảng qua tôi lại khoan khoái hít đầy lồng ngực làn không khí trong lành, mát lạnh như vừa tràn ra từ những mạch nước ngầm.

Trên tầng hai có một sảnh nhỏ ngoài trời. Ở đấy có một chiếc ghế nằm bên cây đèn led mờ ảo. Nó rất hợp với những người thích yên tĩnh.

Sau bữa tiệc sang trọng tôi lẳng lặng lánh lên đó, tránh không khí ồn ào với những câu chào hỏi, chúc tụng, những cuộc luận bàn làm giàu sôi động của các vị khách trẻ. Thấy vậy cậu chủ nhà cũng lên ngồi với tôi. Hai chú cháu vừa nhâm nhi ly cà phê vừa trò chuyện.

Khi biết tôi đã từng đóng quân ở vùng này cậu hào hứng tâm sự: “Bố cháu cũng là người ở đây, cũng đi bộ đội đánh Mỹ. Cả nhà bây giờ sống ở Hà Nội nhưng cháu xây cái biệt thự này để thỉnh thoảng ông về nghỉ cho đỡ buồn, đỡ nhớ quê. Ở Hà Nội lúc nào ông cũng kể về những ngày xưa nghèo khổ, vất vả. Lúc nào ông cũng nhớ lại: “Hồi ấy nhà không có đủ gạo mà ăn, bữa nào cũng chỉ toàn sắn với ngô. Hồi ấy mỗi người chỉ có một bộ quần áo lành lặn. Hồi ấy đến giầy dép cũng thiếu, hồi ấy…”. Cậu vừa nói vừa cười một cách vô tư.

Tôi không nghe hết được những câu cuối của cậu bạn trẻ vì trong đầu bỗng hiện lên cái làng quê hẻo lánh “hồi ấy”, hiện lên căn nhà nhỏ lợp mái rơm lụp xụp và bà mẹ nghèo trong bộ quần áo nâu bạc màu, đầu vấn khăn mỏ quạ, vội vàng cúi xuống nhặt chiếc kem rơi. Tim tôi se lại. Tôi thầm ước giá bà còn sống để tôi có thể cung phụng bà dù chỉ một ngày trong cái biệt thự sang trọng này. Được như thế thì sung sướng biết bao.

Tôi buột miệng hỏi một câu làm anh bạn trẻ ngây cả người: “Ở đây có còn bán kem que không nhỉ?”. Tôi bật cười khi cậu ấy lấy từ tủ lạnh ra, đưa cho tôi mấy cốc kem to.

Dưới nhà đã yên ắng.

Tiếng đàn piano của Richard Clayderman vẳng lên thánh thót bao trùm cả không gian yên tĩnh của ngôi biệt thự. Tôi ngả mình trên chiếc ghế nằm êm ái, thả hồn vào cõi hư vô.

Hơn ai hết, những người đã từng nếm trải đắng cay của cuộc chiến tranh năm xưa như tôi luôn nâng niu, quý trọng từng phút giây ngọt ngào của hòa bình. Vậy mà đang đắm chìm trong tiếng nhạc du dương, lôi cuốn tôi bất chợt thở dài, khẽ gọi: “Mẹ ơi!”.

Tháng 2 năm 2021

Exit mobile version