Với Mẹ của anh, Xuân Quỳnh đã góp thêm vào bản hòa tấu thơ tình yêu của mình một thanh âm đầy dịu dàng từ một trái tim nhân hậu, vị tha, biết “sống cho tình yêu, chết cho tình yêu”…
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
XUÂN QUỲNH
LỜI BÌNH CỦA NHUNG MAI
Với Mẹ của anh, Xuân Quỳnh đã góp thêm vào bản hòa tấu thơ tình yêu của mình một thanh âm đầy dịu dàng từ một trái tim nhân hậu, vị tha, biết “sống cho tình yêu, chết cho tình yêu”.
Em “yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát), vì thế Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong, bởi: Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em. Làm sao em có thể không ơn mẹ cho được khi mẹ đã mang nặng chín tháng mười ngày tạc nên hình hài anh, rồi hao gầy mẹ đánh đổi phổng phao anh ngày tháng, cả cuộc đời, mẹ quên phía mình để đau đáu phía đời anh? Ngày xưa má mẹ cũng hồng…/ Bây giờ tóc mẹ trắng phau; Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em. Cặp từ ngày xưa – bây giờ được điệp hai lần đi kèm với những hình ảnh tương phản đối lập má hồng – tóc trắng phau gợi được độ dài của thời gian, dựng được cả quá trình chắt chiu, hy sinh thầm lặng của người mẹ đối với đứa con yêu dấu. Hai chữ trắng phau diễn đạt sự hy sinh đến tuyệt đối, sự vắt-kiệt-mình. Từ ngày xưa đến bây giờ, đếm làm sao hết số lần Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau, số lần mẹ tảo tần đặt bàn chân lên con dốc nắng những ngày chợ xa gánh nặng?
Mẹ không chỉ có công “dưỡng”, mà hơn thế, còn có công “dục”. Nếu bàn tay của mẹ nâng cơ thể anh phổng phao thì lời ru, lời kể của mẹ tưới đẫm vườn hồn anh tươi tốt, vườn thơ anh non xanh: Nào là hoa bưởi hoa chanh/ Nào câu quan họ mái đình cây đa… Công lao mẹ, tình thương mẹ như biển Thái Bình, dạt dào…, như nước trong nguồn chảy ra, vô biên, vô tận…
Sản phẩm của mẹ là đây: Anh của hôm nay – người mà trái tim em đã chọn. Làm sao em có thể không ơn mẹ cho được? “Yêu nhau yêu cả đường đi”. Yêu anh, làm sao em có thể không yêu mẹ của anh? Mà Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi bởi từ lâu “mình với ta tuy hai mà một”!
Em tự nguyện đến bên đời anh, hiến dâng đời mình cho anh để hát tiếp lời ca của mẹ, ru anh, làm dịu êm, thăng bằng hóa tâm hồn anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn. Hãy ca lên khúc đồng ca tình yêu của chúng mình để cùng đồng vọng giữa một trời xanh khôn cùng/ Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ…
Với Mẹ của anh, Xuân Quỳnh dường như đã lộn-trái-con-tim-yêu của mình ra để phơi trải, để dâng hiến. Đọc thơ tình yêu của chị, ta như nghe bên mình lời thủ thỉ: “Cuộc đời ơi, khi tôi đã chết rồi/ Thì trong cái vắng lặng của người/ Chỉ một lời này còn lại: Tôi đã từng yêu” (R.Ta-go).
Nguồn QĐND