Quý vị thân mến

Chuyên mục TRUYỆN HAY đầu năm 2023 Quý Mão, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn MÂY VỀ CỐ QUẬN của nhà văn Tống Phước Bảo

Nhà văn TỐNG PHƯỚC BẢO

– Tên thật Tống Phước Bảo, ngoài ra còn có bút danh Trúc Thiên.

Sinh năm 1983

Quê An Giang, sinh ra và lớn lên ở TPHCM

Hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

– Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam,  Hội Viên Hội Nhà Văn TPHCM

– Đã có truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Nhân Dân, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Văn Nghệ Công An, Văn Nghệ Quân Đội, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quãng Ngãi, Nghệ An….

– Giải B Cây Bút Vàng – Bộ Công An năm 2021

– Tặng thưởng Truyện Ngắn Hay Nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

– Giải Nhất cuộc thi Truyện Ngắn “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019

– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Thành Phố Tôi Yêu” – Báo Thanh Niên 2020.

– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Quê Nhà Dấu Yêu” – Báo Áo Trắng 2020

– Giải Ba cuộc thi Tạp Bút “Kí Ức Tết” – Báo Dân Việt 2020

– Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2019 Báo Người Lao Động

–  Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2018 Báo Tiếp Thị Gia Đình

– Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid” 2021 Báo Dân Việt.

– Giải Khuyến khích cuộc thi “45 năm rực rỡ tên vàng” 2021 Báo Người Lao Động

Sách đã in:

Cá Nhân:

Cả Một Trời Thương (2018), Mình Gọi Nhau Là Cưng (2019), Les Từng Centimet Đừng Vội Ghét Khi Chưa Kịp Thương (2020), Sài Gòn Còn Thương Thì Về (2021).Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (Tạp bút – NXB Thanh niên 2022), Hỗn Kì Đài (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà Văn 2022), Linh Đinh Tình Phù Sa (Truyện ngắn – Phương Nam Book 2023).

In Chung:

Tình Yêu Có Từ Nơi Đâu (2017), Vì Thương (2018), Người Bình Thường Tử Tế (2018), Yêu Thôi Sao Phải Cưới (2018), Khoảnh Khắc Thay Đổi Cuộc Đời (2019), Một Nửa Làm Đầy Thế Giới (2019), Qua Những Miền Yêu (2020), Người Bình Thường Tử Tế 2 (2020), Cô-vy Tự Sự: Gió Và Tình Yêu Vẫn Thổi (2020), Gay Trong Loay Hoay (2020), Tình Yêu Có Từ Nơi Đâu (2017), Vì Thương (2018), Người Bình Thường Tử Tế (2018), Yêu Thôi Sao Phải Cưới (2018), Khoảnh Khắc Thay Đổi Cuộc Đời (2019), Một Nửa Làm Đầy Thế Giới (2019), Qua Những Miền Yêu (2020), Người Bình Thường Tử Tế 2 (2020), Cô-vy Tự Sự: Gió Và Tình Yêu Vẫn Thổi (2020), Gay Trong Loay Hoay (2020), Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (Tạp bút – NXB Thanh niên 2022), Hỗn Kì Đài (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà Văn 2022), Linh Đinh Tình Phù Sa (Truyện ngắn – Phương Nam Book 2023)

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

“Tống Phước Bảo dường như có nguồn truyện chứa trong đầu, có cảm giác rằng khi Bảo thấy ham viết thì chỉ việc ngồi mà gõ. Chữ nhảy ra rào rào.

Độ rộng thì truyện của Bảo rải khắp các miền, mang nhiều màu sắc các đô thị, miền quê. Nhưng đặc trưng nhất vẫn là văn cảnh, câu chữ, giọng văn đặc sệt Nam Bộ, man man hình ảnh sông nước miền Tây. Nhiều đoạn câu văn địa phương dày đặc. Vậy mà vẫn vô cùng duyên dáng và quyến rũ, dễ theo dõi, choán ngợp tư duy người đọc cả không gian truyện.

Trong một trả lời phỏng vấn, Tống Phước Bảo nêu quan điểm:

“Người viết là kẻ du hành thời gian sống hai cuộc đời”

Tôi thì nghĩ, Bảo du hành viết, sống tới N cuộc đời.”

Mời quý vị lắng nghe truyện ngắn MÂY VỀ CỐ QUẬN của nhà văn Tống Phước Bảo qua giọng đọc của Kim Loan.

Mây về cố quận

Tác giả: Tống Phước Bảo


1.

Con Trân nói nó đâu có thèm đợi. Đợi chờ chi một cuộc tình linh đinh sóng nước. Sông sâu thì cũng có phù sa bồi lở. Đông tàn thì cũng có xuân tới. Hết chướng thì là bấc. Bấc đi thì Tết ghé. Chứ cái đời ghe bẹo thì bến nào trong, khúc lóng nào đục cũng cắm sào mà bóp cái kèng tò te. Người ta ngó cây bẹo ưng bụng thì í ới hỏi han. Chừng hổng ưng thì phủi tay cái rột. Nhiều khi nhìn đám mây chiều vắt trên ngọn gáo hay tán bần mà lòng rười rượi mấy thứ cũ càng. Nhất là bận gió Tết thổi ràn rạt ngoài Búng Lớn. Neo cái ghe, ngửa mặt lên trời, con Trân nhìn bồng bềnh từng cụm mây, nhấp cái buồn như tía nhấp ly rượu thốt nốt thở ra cái khà, vỗ đùi cái đét, ngọt dữ bây! Cái buồn của con Trân chai sần theo đời lang bạt kì hồ nổi trôi châu thổ, miết rồi như một thứ rượu, càng ủ càng ngọt, mà càng ngọt thì thiệt ra là càng thắt thẻo tâm can.

Hồi tía quay về bến Từ Cô đón con Trân đi, ngoại khóc rấm rứt mé sàn lãng. Năm hồi bảy hiệp vẫy tay, bóng ghe khuất sau rặng bần, ngoại mới lủi thủi vào chái bếp. Má đi bước nữa. Ông Đài Loan già khú theo mối tới nhà đưa cục tiền. Miệt đồng bưng độ đó rạo chuyện lấy chồng xứ lạ, nghe nói ai qua bên ấy cũng có tiền gởi về để xây nhà, để mua đất. Má nhìn con Trân, má ngó cái nhà, má nghe tiếng ngoại ho húng hắng rồi nhìn đám em lũ khủ má gật đầu cái rụp. Chiều sẫm trời má ra sàn lãn gội đầu cho con Trân, má nói gì đó, tiếng bì bõm rụng xuống dòng sông, lẫn trong tiếng nước rơi mé sàn rào rạo. Con Trân chỉ nghe thấp thoáng má biểu dìa với tía nghen con. Má đi cho đặng cái lòng. Con Trân dạ một tiếng. Chiều rót tiếng đám chim sẻ về Tây sau một ngày soải cánh thiên di. Con chim có tổ, con người có tông. Con Trân dìa với tía, đặng má đi lấy chồng. Ờ, đúng quá chừng, không dưng má khóc làm chi, để chiều nhòe mắt con Trân.

2.

Mấy chiếc ghe quần tụ lại với nhau, thoảng khi đứa này chồm chân qua cái ghe kia. Ghe chòng chành theo sóng nước, í ới gọi nhau hỏi hàng, dò giá. Dịch lan đâu đó ngoài chợ, mấy đám ghe bẹo theo mùa gió tết mà tụ về Búng Lớn. Hai ba chạp rồi, nay đưa ông táo chầu trời. Ghe bông vạn thọ nhuộm vàng khúc sông. Ghe trái cây đầy ắp bụng. Mấy cây bẹo xanh đỏ tím vàng đủ màu lúc lỉu oằn mình treo đủ thứ hàng buôn. Trên bến loa phát rỉ rả yêu cầu khẩu trang, yêu cầu nghiêm chỉnh. Dưới khúc sông xôn xao tiếng đãi bôi. Dù có che cái khẩu trang hết nửa khuôn mặt thì thiên hạ vẫn cứ nhận ra nhau. Ủa chị Ba nay hổng lấy dưa hả. Nay dưa tròn hết sẩy nhen. Ruột bao đỏ, chừng mùng ba chẻ ra, là hên cả năm. Trời thần thím Bảy nay phát tướng rồi nghen, năm sau là phát tài cho coi. Lựa mớ quýt đường chưng tết thím ơi. Con Lành nay đi chợ trễ nè bây. Lấy mớ muối Bạc Liêu về cho má bây ủ mắm, muối Bạc Liêu là không bao giờ trở mắm đâu. Thơm lẫy lừng. Thơm từ chái bếp thơm ra đình làng. Thơm lúc nắng vàng đến tận ba mươi. Thơm người áo hồng theo chồng sang sông. Thơm cho đàn ông nhớ đàn bà. Thơm người bôn ba tìm về cố quận.

Bận tía rao vậy, hai Tuấn cười nắc nẻ. Cha già bán muối tài tình ghê ta. Rao mà vần điệu lớp lang hệt như người ta ca cổ. Hai Tuấn bước qua mũi ghe ngó tới ngó lui. Phóng cả tầm mắt ra cuối ghe. Hổng thấy gì hết trơn. Hai Tuấn thở dài buông tiếng lại bước về ghe mình. Ghe muối Bác Liêu cặp sát mí ghe bán heo đất nung lại chòng chành theo từng bước chân.

Có lần tía nói con Trân, đâu hình như là năm nó hai mươi, tía bảo có đứa hỏi. Đàn bà con gái có thì có đỗi. Lỡ cái thời xuân xanh thì cũng như đám hoa đêm ba mươi, chẳng còn ai lựa mua. Chổng chơ trên cái ghe bẹo. Nhìn đắn đót lắm! Lên bờ đi con ơi!

Trân theo tía hơn chục năm cũng chỉ quẩn quanh với lòng ghe, với chằn chịt năm ngăn bảy nắp của sông nước bưng biền. Mỗi năm chỉ có một lần xa ghe về thăm ngoại. Rồi chiều hôm trời chưa kịp tắt nắng lại lót tót quay dìa ghe bẹo. Tía hỏi sao không ăn Tết với ngoại. Con Trân cười lặng lẽ. Ăn tết với ngoại rồi ai ăn tết với tía. Con Trân vén khéo bếp núc. Cái ghe nhỏ bao năm cũng đầy đặn bữa tết. Cũng dưa kiệu cải mặn. Cũng bánh tét thịt kho. Mùng một đi chùa với tía. Rồi vậy là ở miết trong ghe. Thỉnh thoảng đám bạn dân thương hồ rủ đi hội chợ lô tô coi mấy bà bóng hát cho vui. Nó lắc đầu nguầy nguậy. Tía đi vô xóm chúc Tết thì nó nằm nghe cải lương. Nghe cái tuồng “Lục Bình trôi sông”, nghe miết dây thanh băng của cái máy cát-sét nhão nhẹt.

Nhưng chỉ một lần duy nhất nó xin tía cho ra chợ Giữa. Đó là cái hôm thằng Minh bảo sẽ bỏ đời ghe bẹo. Minh lên bờ. Minh đi Sài Gòn. Minh kiếm tiền để rước Trân. Minh xây nhà cho Trân. Minh sẽ lo cho tía lúc ốm đau bệnh tật. Đời ghe bẹo này nghèo kiết xác. Nghèo đến nổi hổng dám thương ai.

Hôm đó ngoài chợ Giữa, Minh đưa cho Trân chiếc nhẫn bạc. Chiếc nhẫn hàng xi có mấy chục ngàn. Con Trân đeo đến nỗi ra ten đen xì lì trên ngón tay vậy mà Minh vẫn hổng về.

3.

Ngoại nói má về rồi Trân, má đang cách ly tuốt bên Cần Thơ theo chuyến bay đáp. Má có điện cho ngoại nghe đâu tròn mười bốn ngày là ngay hai tám tết má được cho về. Kì này má có dẫn thằng em bây về. Hay… ờ hay năm nay ở lại ăn tết với ngoại đi Trân. Con Trân tròn xoe cặp mắt ngó ngoại. Gió tết luồn từ lòng sông vào nghe ớn lạnh rồi ngoại. Bận tối trời ngoại phải khoác thêm cái áo cho ấm nhen. Năm nay ngoại ăn tết xôm tụ hen. Con nấu xong nồi chè trôi nước cho ngoại đưa ông táo là con dìa với tía. Tết nhứt bán buôn để ổng một mình coi hổng đặng. Tía cũng có tuổi rồi ngoại ơi. Mấy hôm trở trời ổng hô nhức lưng. Có bận cuối xuống khiêng bao muối ổng đứng lên hổng nổi. Con Trân nói ba điều bốn chuyện trớt quớt với ngoại.

Vậy là mười năm rồi. Má đi biền biệt. Thoảng khi con Trân điện thoại cho ngoại nghe nói má có nhắc, má hỏi con Trân ra sao? Ngoại gật gù sống được. Má khóc. Ngoại khóc. Ngoại kể mà con Trân tỉnh rụi. Ngày má lấy chồng, má dặn con Trân đừng khóc. Chờ má sắp xếp xong má bảo lãnh qua ở với má. Tại cái ông già Đài Loan này hổng có biết má có con. Mình lấy người ta là vì tiền mà con. Nhà nghèo quá chừng. Má trót dại nên giờ coi như má ra đi đền ơn cho ngoại. Con ráng về với tía. Má không bỏ con đâu!

Thiệt tình má hổng có bỏ Trân, năm nào má cũng gởi đầm, gởi nước hoa, gởi son về. Nhưng mà chắc xứ lạ trời xa má đâu còn biết thời gian nó trôi như mây bay gió thổi. Ngó lên trời thấy cụm mây xanh, chừng bán xong ghe hàng là mây đã bay mất tiêu chẳng còn biết phương nào mà lần. Có bận mây xanh chuyển thành mây xám. Trời trút cơn giông chông chênh cái ghe bẹo. Tía ngồi sau ghe bẻ lái. Gió phần phật thổi như muốn tung nóc ghe. Cây bẹo oằn mình cong gần chạm sàn gỗ. Con Trân ngồi co rúm trong lòng ghe nhìn tía đầm đìa nước. Tía bậm môi. Cổ nổi gân in hằn vằn vện. Con Trân lớn lên theo mỗi mùa mưa sa giông như vậy thì mấy bộ đầm, mấy cái thỏi son, mấy chai nước hoa của má thiệt tình đâu có phải là thứ con Trân cần. Con gái xứ này quen mùi phù sa, da vàng châu thổ, trưng trổ mần chi ba cái thứ đắt tiền thiên hạ lại bàn tán râm ran.

Thời gian nó ngộ lắm má, nó chữa lành biết bao nỗi buồn của người ta. Một ngày buồn, một năm nhớ, nhưng mười năm thì nó chai sần cái niềm riêng rồi. Chỉ tội là tội cho tía. Mỗi bận tía cạn chai rượu thốt nốt, trong cơn say lảo đảo tía hay nói lỗi của tía. Đời ghe bẹo rày đây mai đó, gạo chợ nước sông, đèo bòng chi chuyện yêu đương nên làm khổ má. Phải chi hôm đó đừng mưa. Phải chi hôm đó má chịu về. Má đừng lên ghe. Má đừng vì mấy cú đấm của đám giựt đồ ngoài chợ Giữa dành cho tía cái tội dám ngang nhiên dí theo đòi lại túi xách tụi nó giựt của má, thì đâu nên nỗi. Má đâu cám cảnh côi cút không cha mẹ của tía mà đem lòng thương. Mà lỗi của tía đó con. Mình đâu gốc gác xứ này, xuôi cái ghe bẹo từ Cái Cùng xuống đây ngỡ một chuyến hàng mà quá giang hết cả quãng đời. Ngày má lum lúp cái bụng bầu, tía có lên bờ hỏi ngoại. Ngoại lấy chổi chà dí đánh tưng bừng. Tía đứng chịu trận. Chịu bầm tím cả người. Quỳ cả buổi trời mà ngoại cũng không ưng. Lấy thằng ghe bẹo khác gì lấy đứa ăn mày. Nhà này nghèo chưa đủ hay sao? Tía xuôi ghe về cặp mé Búng Lớn mà câu nói của ngoại đựng đầy trên ghe. Ờ đựng trĩu cả lòng tía tận bây giờ.

Hôm đó trăng mười sáu, tròn vằng vặc, lấp lánh soi dòng sông màu bàng bạc. Tía lại nhắc chuyện Hai Tuấn cậy người dạm ngõ. Tía nói ngoài chợ Giữa người ta nói Sài Gòn dịch tràn. Người xứ mình mắc kẹt trên đó quá chừng. Hổng chừng thằng Minh… ờ chắc cũng kẹt cứng chưa có về. Hay cũng có thể xứ phồn hoa níu chân thằng đồng bưng phèn lấm gót chân. Cũng có khi nắng gió nước nôi phố thị rửa sạch cái mùi phèn của nó rồi. Người xứ mình hễ đi là hun hút nẻo về. Xứ nghèo cơ cầu đâu có giữ được mấy người thèm xa hoa.

Con Trân ngồi ngoài mũi ghe nghe âm ba trong từng tiếng sóng nước vỗ mé bờ. Đám bìm bịp gọi bầy xao xác cả khúc sông quê.

4.

Tết chộn rộn khi chạp đi vào những ngày cuối. Đám mây xanh trong thể như chiều lòng người sông nước. Cái hữu tình của miệt này cứ yên bình mỗi độ xuân về. Chợ nổi càng xôm tụ hơn khi ghe hàng san sát. Người đi chợ cũng nhộn nhịp suốt từ tinh mơ. Cái ghe heo đất vẫn cứ cặp mép cùng ghe muối của tía. Hai Tuấn nói hai tám tết rồi sao Trân hổng đi mần tóc, đi sắm đồ. Hay hôm nào xong buổi chợ sớm mình lên huyện. Tui… tui sắm cho. Hai Tuấn cười cười gãi đầu. Chiều bảng lãng về Tây, ánh hoàng hôn vàng rực phủ lên sóng nước. Thằng con trai thương hồ da nhuộm nắng bứng biền đen trùi trũi. Gương mặt thô kệch, nụ cười bẽn lẽn ngây ngô. Heo đất thời này ít ai mua. Thằng con trai lại lấy thêm nồi, bếp, rồi chậu về cho dễ buôn bán. Có lần con Trân hỏi sao anh Tuấn hổng mua cái khác về bán cho nhanh hết hàng. Mấy cái đồ đất nung thiệt tình thiên hạ hết chuộng rồi. Giờ người ta xài toàn đồ nhôm đồ inox không à. Nhưng Hai Tuấn cười hiền, nụ cười châu thổ đúng điệu mướt mát. Chèn ơi, tui bán đồ đất nung giữ chút gì đó xưa cũ cho xứ mình. Hồi ông bà già tui lấy nhau đó hen, ông già tía ổng làm đồ đất nung mà. Ổng nung con heo đất ổng khắc lên hai cái tên, rồi ổng để dành tiền. Đầy cứng con heo là ổng đi hỏi cưới má tui liền. Tui nghĩ chắc thời này cũng có người bỏ ống heo dành tiền đám cưới nên tui cứ làm. Bận đó con Trân thấy ánh mắt thằng bán heo đất nhìn mình thẹn thùng.

Chiều nhập nhoạng sang đêm. Thẫm tối nhá nhém phủ lên mấy cái ghe cặp Búng Lớn thì có tiếng gọi ngoài xa xa. Nghe đâu giọng trầm đục quen quen. Hai đứa cố nhìn một đỗi thì à ờ, hình như là thằng Minh. Minh về sau năm trường bôn ba tha hương. Cả ba tụ về cái mũi ghe heo đất mà rót ly rượu thốt nốt. Minh uống cái ực. Thèm quá bây. Câu chuyện thị thành của đời làm thuê được kể ron rót. Cả những ngày nhiễm bệnh khi dịch tràn qua. Những tháng ngày lây lất khi thành phố đóng băng tất cả. Minh cười cái khì. Hồi đi trắng tay. Non nót gót chân lừng khừng sang phà Vàm Cống. Ngày về lóng ngóng với mấy bộ đồ, xòe tay ra cũng trống trơn. Có chăng là thấy thương quê nhớ xứ. Mình dân đồng bưng thì làm sao gột rửa phèn bám víu mấy mươi năm rồi. Thôi về. Thằng Minh nói ngon ơ, rồi cười tỉnh rụi. Hai Tuấn gật gù. Thôi đời ghe bẹo lang bạt kì hồ hổng có giàu nhưng được cái thảnh thơi. Cứ vậy mà sống. Phù sa xứ này đời nào làm người ta giàu nhưng vẫn đủ để nuôi nấng biết bao thế hệ sống đó thôi. Sống một cách bình yên. Đêm cứ vậy mà rổn rảng. Ba đứa bạn đời ghe bẹo, nhìn trăng dao dác, nhìn đêm the thắt.

5.

Mới sớm mơi của ngày hai chín. Ai đó hớt hải bước chuyền từng cái ghe này sang cái ghe kia. Ông bán muối Bạc Liêu đâu bây. Trên bờ có người kiếm. Thấy bà nào đó ăn mặc như bên nước ngoài về. Nói kiếm ông bán muối, kiếm con bé Trân. Chợ nổi lao xao. Sóng nước dập dình.

Bà ở bển về ngó con Trân đang vân vê tà áo bà ba. Ông bán muối từ ghe bẹo ngó lên lòng thấp thỏm. Thôi tui ở lại ăn tết với tía. Chừng mùng một tui đi chùa xong ghé nhà ngoại thăm má với em. Chợ nổi sông nước hổng có tiện để má xuống. Ờ thì tui nhận được hết đồ đạc má gởi. Nhưng mà tui hổng thể đi đâu. Sông nước xứ này nó quấn lấy đời tui rồi. Má thì vẫn là má. Tía thì vẫn là tía. Nhưng mà má còn có được mái gia đình. Tía thì mỗi mình tui. Còn bao nhiêu cái tết nữa đâu để tui lênh đênh với tía.

Con Trân nói rồi quay lại cái ghe bẹo. Bà ở bển về đi lẩn khuất. Chỉ rớt lại câu nói từ rày mỗi năm bả sẽ về ăn tết quê hương. Nới đó cũng chỉ là nơi bả ở. Chỉ xứ này mới là quê mình.

Ông bán muối nhìn con Trân lên ghe bẹo mà thở dài. Buồn hổng buồn, vui hổng vui. Chỉ bâng quơ nay mây xanh trời dữ thần. Mây mùa tết nên quần tụ thành đám to quá chừng. Hai Tuấn cười rổn rảng. Nay ông bán muối hổng rao vần điệu lớp lang mà chuyển sang nói mây nói gió. Mây bay đây đó tám phương tứ hướng thì cũng theo mùa gió tết mà quy hồi cố quận ông ơi. Tỷ như thằng Minh, tỷ như bà ở bển, đời mình đâu có ai muốn lỡ hẹn xứ quê mỗi độ tết về. Hổng biết Hai Tuấn nói đúng hay tại ông bán muối ổng vui. Ổng ngó đám bông vạn thọ theo ghe bẹo đang hối hả cặp vào khúc sông Búng Lớn mà cười hề hà. Giao thừa cúng ghe xong mình nhậu bữa bây ơi. Hai Tuấn tinh ranh dạ tía. Tiếng dạ rõ to làm thằng Minh đang ngồi trên ghe dưa hấu la oang oang. Ủa trời rồi tui thì sao. Nè he tui cũng kêu bằng tía luôn. Tính sao thì tính chớ tui hổng chịu thua đâu nhen chèn. Phía cuối ghe muối, con Trân vẫn đang ngồi kho nồi thịt, chừng như chẳng thèm nghe thấy.

Tết vẫn tưng bừng trên chợ nổi. Ghe bẹo vẫn hối hả mua bán. Mây trời vẫn bay. Mùa này, mây xuôi về cố quận.