1 7 1327670717 11 linh15

“Niềm vui từ quê nhà” Ảnh: Đoàn Công Tính

 

Trước hết, xin nói về nhu cầu tự thân và lý tưởng của một thế hệ cầm bút. Chúng ta thường chỉ định dạng một cách ước lệ đó là “lớp nhà thơ chống Mỹ”, “nền thơ chống Mỹ”…

Thật ra, đáng phải đi sâu hơn để thấy rằng cốt lõi của lớp người này đâu phải chỉ định hình do ở tinh thần chống Mỹ mà được bồi đắp chủ yếu do những yếu tố cao cả và bao quát hơn, đó là biết khẳng định những phẩm chất tích lũy từ truyền thống xa xưa của dân tộc mình; yêu chân lý và lẽ phải, dám dấn thân vì quyền sống, quyền làm người có lương tri, từ đó, biết yêu cái đẹp, cái thiện trong tinh thần dân chủ và công bằng, biết tiếp thu khá đầy đủ lý tưởng nhân văn và tư duy khoa học của thế giới văn minh. Và cả nền thơ chống Mỹ cũng vậy, đâu chỉ đơn giản bó khuôn trong việc “chống Mỹ”, mà hơn thế, đây là nền thơ về cuộc sống, chiến đấu, lao động và vươn lên với đầy đủ ý nghĩa của con người.

Biểu hiện rõ nét nhất của thơ ca thời chống Mỹ là đã dám dấn thân để tham dự vào mọi tình huống từ phổ quát đến chi tiết của đời sống, dám chia sẻ hết mọi tâm trạng của mọi lớp người thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động và công tác, dám dung nạp mọi khía cạnh và góc độ để quan sát cũng như để diễn giải một cách đa dạng, sâu sắc từ suy tưởng đến hành động, từ khách quan đến chủ quan… mọi mặt đời sống tinh thần của con người, trên cái nền bao la của hiện thực phong phú hằng ngày. Thơ đủ sức để thẩm thấu đến mọi ngóc ngách của nếp sống xã hội, tâm lý và lề thói ứng xử của con người, từ cái chung của cả dân tộc đến cái riêng của mỗi cá nhân.

Cảm hứng chủ đạo của thơ không vượt ra ngoài mọi nỗi vui buồn thường trực của hiện thực gắn liền với cuộc chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước. Nhân vật của thơ trải rất rộng, có mặt khắp các điểm nóng ở mọi miền Tổ quốc. Hoàn cảnh của nhân vật có thể rất éo le khi phải một mình rơi vào một hòn đảo vắng lặng ngoài khơi, hoặc đóng chốt tận một kho vũ khí biệt lập, ẩn sâu heo hút trong hang núi Trường Sơn; cho đến vị trí cận kề nguy hiểm trên một trận địa pháo, trận địa tên lửa, ngang nhiên phơi mình dưới tầm ngắm của máy bay thù; lại cũng có thể đối mặt can trường với địch giữa một cuộc xuống đường ồ ạt của học sinh, sinh viên và tín đồ Phật giáo các đô thị miền Nam; hay có khi cũng còn tham dự cả những cuộc biểu tình phản chiến mãi tận nước ngoài, cách xa ta đến nửa vòng Trái Đất.

Tinh thần “người trong cuộc”, người dám sống hết mình với thời đại của mình giữa những năm thử thách khốc liệt đó còn được nâng cao lên với khát vọng cháy bỏng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mang hơi thở sử thi, của tinh thần tự hào dân tộc hết sức sâu đậm. Phải đặt vào đúng văn cảnh của nó, thì mới thấy hết được rằng đó là những câu thơ hay, những câu thơ gan ruột. Ví dụ: Đi qua hết tuổi thanh xuân/ Để lại trong rừng những gì quý nhất/ Mất mọi thứ để nhân dân không mất (Phạm Tiến Duật). Hay: Trời ơi! Nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi, dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao, Tổ quốc! (Hữu Thỉnh)…

Thơ chống Mỹ tự hào đứng ở tầm cao của lý tưởng nhân bản và chủ nghĩa anh hùng, tinh thần dân tộc và khát vọng hòa bình, hướng tới dân chủ và công bằng trên Trái Đất, từ tầm cao đó, mọi điều bộc bạch trong thơ dễ có điều kiện xuất thần, cảm hứng trong thơ cũng dễ thăng hoa, tạo được sự lay động đến tận đáy, chói sáng một khoảnh khắc nhưng lại có giá trị lâu dài. Phải kể đến hiện tượng lý thú và hào hứng bậc nhất trong thơ thời kỳ này, là cùng với lớp đàn anh kể trên, một thế hệ hàng trăm nhà thơ trẻ ở độ tuổi chỉ mới 20-35 trong những năm 60 của thế kỷ 20 đã xuất hiện liên tục và đồng đều, tạo thành một lứa thơ mạnh mẽ và đông đảo, dần khẳng định được vị trí và giá trị của mình giữa hai cột mốc 1964-1975, khi họ dám dấn thân sống và trải hết mình vào cuộc chiến đấu vì Tổ quốc, có ý thức trách nhiệm cao nhất, trước hết với tư cách công dân, còn tư cách nhà thơ thì họ gắn liền khiêm tốn vào cùng tư cách người chiến sĩ.

Tôi vẫn muốn một lần nữa đề cao chất lý tưởng trong thơ của lứa thơ chống Mỹ, nó vẫn nằm trong dòng chảy lớn của nền văn học thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tinh thần dân chủ, bác ái, công bằng-tài sản tinh thần chung của nhân loại. Đương nhiên, khi đề cao chất lý tưởng và những giá trị thẩm mỹ trong thơ, chúng ta cũng luôn luôn cảnh giác để thơ không rơi vào thứ thơ ước lệ, duy lý một cách khô khan hoặc sáo rỗng, thích “khái quát non” hoặc hùng biện quá đà, không đủ chi tiết, hình ảnh sống động mà thừa quá nhiều lý sự, nặng nề vì nhiều lời giáo huấn suông vô bổ! May thay, tới hôm nay, sau nửa thế kỷ, những câu thơ thời chống Mỹ đậm chất lý tưởng và chất men say lãng mạn của tình cảm yêu nước, yêu con người… sau khi được thời gian sàng lọc, vẫn còn có cửa để vào được trái tim con người, kéo được công chúng cùng rung động theo mình! Nhiều độc giả của thời ấy vẫn sẵn sàng đọc thuộc lòng những câu thơ, bài thơ tâm đắc từ thời chống Mỹ mà họ vẫn mang theo như một hành trang tinh thần, dù có thể họ quên tên tác giả và chưa hề biết mặt nhà thơ mà họ yêu mến.

Với mọi trải nghiệm không gian và thời gian, cả “nền thơ chống Mỹ” đủ khép kín một chu kỳ trọn vẹn cho một thời đại, trong đó nổi lên đậm nét tấm lòng quả cảm, bao dung, tận tụy, hy sinh và đùm bọc nhau giữa người với người, dù xa hay gần, thân hay sơ… ở tiền tuyến hay hậu phương, trong mọi lĩnh vực hoạt động, vừa đánh giặc vừa vun đắp cho hạnh phúc đời mình, khi vừa kháng chiến, vừa kiến quốc… Cả nền thơ đã gắng tạo nên vẻ đẹp cao thượng, hài hòa trong mọi khía cạnh cao vời nhất của phẩm chất công dân, của lòng yêu nước được gắn kết thành một khối, xứng đáng với sức bật, sức vươn lên hết mình của mỗi con người trong một hoàn cảnh đặc thù mà không thời điểm nào trong lịch sử còn có thể lặp lại y nguyên như vậy nữa, như trên đã dẫn chứng. Vì thế, chúng ta cũng có quyền khẳng định rằng “nền thơ chống Mỹ” thực sự cũng chỉ sản sinh ra có một lần cho mãi mãi, và là hiện tượng văn học đặc thù không bao giờ còn lặp lại.

 

Theo Nhà thơ Bằng Việt – QĐND

Exit mobile version