Tôi đã đọc kĩ tập truyện ngắn Biển khóc của Lê Mạnh Thường. Mừng cho anh, một cây bút văn xuôi còn trẻ đang là sĩ quan trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Còn nhớ, cách đây 5 năm, Tạp chí Văn nghệ quân đội phối hợp với Quân chủng Hải quân mở trại viết ở thành phố Hồ Chí Minh, Lê Mạnh Thường có tham gia. Anh đến trại với sự hăm hở nhưng cũng đầy rụt rè và có phần tự ti của người đang chập chững bước vào con đường sáng tác văn học. Giữa nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, chàng lính biển có dáng người đậm đà, khuôn mặt hiền từ này đôi lúc lúng túng như thể mình lỡ bước vào một nơi xa lạ. Đúng thế thật, anh em không mấy ai biết đến cái tên Lê Mạnh Thường, kể cả tôi, người được Tạp chí giao nhiệm vụ phụ trách trại sáng tác. Có lẽ “biết mình biết người” nên dẫu là sĩ quan từng trải qua bao sóng gió biển khơi, giữa các “anh hào” của làng văn Thường lúc nào cũng “đi nhẹ nói khẽ”. Ở trại, Thường viết cả truyện ngắn và thơ. Được cái nào, anh hay đưa lên nhờ tôi đọc để góp ý. Nói thật, thời ấy, Thường viết còn non tay lắm, truyện ngắn thì na ná như “chuyện kể ở đại đội”, còn thơ thì quá ư thật thà nôm na. Tôi không nhận ra được mấy khả năng sáng tạo văn học ở chàng trung úy hải quân này.

Hóa ra không hoàn toàn như vậy. Sau lần đi trại ấy ít lâu, theo dõi trên các tờ Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ, Văn nghệ quân đội… tôi thấy cái tên Lê Mạnh Thường thỉnh thoảng lại xuất hiện. Chủ yếu là truyện ngắn và kí. Một số truyện ngắn, bút kí viết về biển đảo của Lê Mạnh Thường thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Có thể, cộng hưởng vào đó có tình yêu biển đảo, một phần chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng của chúng ta. Nói vậy, nhưng chắc ai cũng biết đề tài, vốn sống tuy rất quan trọng vẫn không thay thế được năng lực văn chương của người cầm bút. Lê Mạnh Thường vừa có nhiệt tình của người viết trẻ, vừa có vốn sống của người lính biển lại vừa sở hữu ít nhiều năng khiếu sáng tác truyện ngắn – đến bây giờ tôi đã có thể nói về anh như thế.

Biển khóc tập hợp 11 truyện ngắn của Lê Mạnh Thường viết trong mấy năm gần đây. Đọc hết, đọc kĩ, tôi thấy có truyện khá, truyện trung bình và cả một vài truyện còn đang non nữa nhưng nhìn tổng thể thì đây là một tập truyện ngắn đáng ghi nhận của một người viết trẻ. Tôi tin, với giọng văn hăm hở, vốn sống khá bộn bề về đời lính đã nếm trải, cả những xoáy lốc của xã hội đương thời va chạm vào mình, cộng với những cố gắng không thể không nhận ra trong tay nghề của cây bút trẻ Lê Mạnh Thường, tập truyện Biển khóc sẽ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, trước hết là bộ đội ta.

Phần quan trọng, nhuần nhuyễn và cảm động nhất trong Biển khóc, theo tôi là những truyện ngắn viết về người lính và biển đảo. Đằng sau con chữ là số phận chìm nổi, thăng trầm, vui buồn, được mất của những con người bình dị. Họ có thể là lính, là dân mà cuộc đời luôn gắn với vận mệnh đất nước, với những bão giông lịch sử, với muôn vàn gian khó hi sinh trong chiến tranh cũng như hòa bình. Không thể không rưng rưng xúc động khi đọc Mộ gió, Biển khóc, Sóng trên đỉnh núi, Hoài niệm U Đôn Xay...

Lão Tám, Năm Đại, những nhân vật trong Mộ gió cho ta một hình dung khá rõ về diện mạo, tâm hồn, khí phách của những ngư dân bám biển Hoàng Sa. Trong giông bão Hoàng Sa, những ngư dân ăn sóng nói gió ấy phải dè sẻn từng nhúm gạo, ăn cháo cầm hơi, không ít người trong họ không còn được trở về với đất liền nữa. Hình hài họ tan hủy trong biển khơi, và trên mảnh đất người ngư dân xuất phát mọc lên những ngôi mộ gió xương cốt làm bằng cành dâu, ruột làm bằng lòng đỏ trứng gà, huyết tương được thay thế bằng lòng trắng trứng. Thế mà, với họ, ý thức về chủ quyền đất nước không bao giờ mờ phai, nhạt nhòa; lên một hòn đảo ở khu vực biển Hoàng Sa, người ngư dân Việt đã tìm cách lấy một nhúm đất mang về nhà thờ với tâm niệm: Đây là đất đai hương hỏa của ông bà mình, mình phải đem về thờ cúng…

Nghe câu chuyện của hai linh hồn liệt sĩ Tài và Thức ở dưới đáy đại dương trong lòng con tàu đắm ta không khỏi xốn xang (Biển khóc). Họ vẫn sống trong lòng biển mặn với tâm thức huyền linh: Chúng ta đang sống bằng những kỉ niệm của một thời trai trẻ đấy thôi. Họ, những người lính đã hi sinh vì Tổ quốc khi còn quá trẻ, linh hồn họ vẫn đau đáu nỗi nhớ thương người thân. Thức vẫn thường nhắc đến Thoan người vợ yêu dấu của mình và con trai là Tuấn. Tài, trong cõi hư vô mông lung vẫn không nguôi nỗi nhớ về Lài, người yêu của anh. Biển khóc bằng nước mắt người; những người lính đã hi sinh khóc cùng những người đang sống trong cuộc đoàn viên muộn màng, khi hài cốt của hai người lính biển được những người thợ lặn mang về đất liền. Nỗi đau mất mát là có thật, thật như những tàn khốc và hi sinh mà dân tộc Việt này đã trải qua và sự bất tử của những hiến dâng cho Tổ quốc cũng là một hiển hiện linh thiêng. Thông điệp trong truyện ngắn này của Lê Mạnh Thường là như thế, nó để lại cho chúng ta nhiều cảm xúc và ngẫm nghĩ sâu lắng.

Lại thêm một hi sinh khác nữa của người lính biển. Sín, nhân vật trong truyện Sóng trên đỉnh núi. Từ một đứa con của bản Cỏn, một bản người Mông ở dưới chân núi Cô Phài phía cực bắc xa xôi, Sín trở thành anh lính đảo. Anh đã ra đi khi cứu dân gặp nạn trong một cơn áp thấp nhiệt đới đang lớn dần lên thành bão. Và, Sín cũng đã theo những con sóng vô hình trở về với vùng cao của mình: Trên bàn thờ, tấm ảnh của Sín mặc áo quân phục đang cười tươi để lộ hàm răng trắng muốt như hoa mận…

Ở Hoài niệm U Đôn Xay, Kí ức binh nhì hay Tàu ngầm thì đời sống người lính lại được khai thác theo lối khác. Nguyên liệu truyện có thể là hồi ức của người khác mà tác giả đã khai thác được hay là những kỉ niệm của chính mình. Cái thấy khá rõ trong truyện ngắn của Lê Mạnh Thường là các nhân vật người lính của anh có tâm hồn cao cả, trong sáng, dũng cảm và sẵn sàng vượt mọi gian khó éo le để vươn lên. Họ luôn hướng đến cái cao đẹp, cái anh hùng, kể cả trong chiến đấu hay đời thường, trong việc chung và chuyện riêng, kể cả tình yêu đôi lứa…

Xu hướng viết về cái tốt đẹp bây giờ có vẻ như không phải là sự ưu tiên lựa chọn của các nhà văn trẻ. Những phần mảng tối tăm, xấu xa của con người, của xã hội được không ít cây bút trẻ chú tâm khai thác, đào xới. Chuyện cướp, hiếp, giết dường như là phôi liệu chính trong văn xuôi của lớp trẻ hiện nay (!?). Lê Mạnh Thường hình như đã chọn một hướng đi khác: quan tâm, ưu tiên viết về cái tốt đẹp của con người. Ta đọc được điều ấy trong những truyện ngắn về người lính mà tôi đã đề cập ở trên và ở các truyện Tàu ngầm, Giọt phù sinh… Và, trong tập Biển khóc, ở một mức độ nào đó, cách chọn này của anh đã có hiệu ứng. Đọc truyện ngắn của Lê Mạnh Thường ta thấy tin yêu cuộc sống, con người hơn và đương nhiên không thể không nghĩ tới trách nhiệm của mình với đất nước, với xã hội hiện nay. Nhiều trang viết sống động ấm áp về tình người, tình đời có trong tập truyện ngắn này của Lê Mạnh Thường.

Kể lại một câu chuyện có đầu có cuối không phải là điều khó của người viết truyện ngắn. Tôi nghĩ, ấn tượng, ám ảnh của truyện ngắn đối với người đọc trước hết và chủ yếu không phải ở cốt truyện mà phải là nhân vật và chi tiết. Không có nhân vật nổi bật, không có chi tiết ám ảnh không thể có truyện ngắn hay. Trong truyện ngắn của Lê Mạnh Thường nhìn chung các nhân vật chưa được khắc họa đậm nét về diện mạo, tính cách nhưng đó đây đã có những chi tiết khá ám ảnh. Đây là một ví dụ: Khó khăn lắm chú (ông Ẩn – nhân vật trong truyện ngắn Tàu ngầm nguyên là lính đặc công chiến đấu ở Campuchia kể) mới tiếp cận được con bò bị giết. Chú rút dao găm ra khứa dần, khứa dần. Một lúc sau chiếc đùi bò rời ra. Chú kéo về phía quân mình. Trên đường về, chú gặp xác mấy thằng giặc bị giết. Chú lấy dao rạch ống quần nó ra lấy một mớ giẻ về. Bọn mày biết gì không? Chú lôi cái đùi bò xuống hầm rồi dùng giẻ đốt lên, xắt từng miếng thịt bò ra nướng. Thủ pháp đồng hiện được Lê Mạnh Thường sử dụng khá nhiều trong các truyện. Yếu tố huyền ảo tâm linh cũng được anh dùng tới trong truyện ngắn Biển khóc, một tác phẩm khá trong tập sách. Tuy vậy, theo tôi, vẫn còn một số truyện ngắn anh viết chưa tới như Giọt phù sinh, Boeng mặt đất.

Lê Mạnh Thường đang đi chặng đầu của con đường sáng tác văn học dài lâu và rất cam go. Chúng ta vui mừng chia sẻ với những thành công ban đầu của cây bút trẻ này và không thể không hi vọng ở anh

N.H.Q

Nguồn: vannghequandoi