Chia tay nhà văn Nam Hà
ANH NGỌC
Người xưa có câu rất thấu lý: “Khôn văn điếu, dại văn bia”, tôi nhớ đại khái, không hiểu có sai chữ nào không. Nhưng theo ý tôi hiểu thì câu này ý nói viết văn điếu cho người vừa nằm xuống, trong sự thương tiếc của mọi người thì chỉ cần nói toàn lời hay ý đẹp, màu mỡ phô ra hết… thì dễ viết đã đành, mà cũng dễ được lòng mọi người, dù có người cũng biết rằng đó chỉ là nói một phía mà thôi…, còn văn bia thì khác, được khắc vào đá, đã tồn tại mãi mãi, lại phải đánh giá đúng toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp một con người là điều rất khó, y như viết phê bình loại đại tài vậy. Nhưng đó là nói chung về hầu hết con người trên đời, nhưng thảng hoặc cũng có những con người, những cuộc đời ra ngoài thông lệ này, chẳng hạn vì những người ấy suốt đời sống đôn hậu, bình lặng, tôn trọng mọi người, không có một tỳ vết gì về ứng xử trên đời, sự nghiệp có thể lớn hay bé, nhưng không có gì phải phàn nàn. Vâng, khi nghĩ về nhà văn Nam Hà vừa tạ thế, tôi chợt nghĩ đến ý này, vì nhà văn Nam Hà quý mến của chúng ta đúng là một con người như thế. Và với ý nghĩ ấy, tôi sẽ kể ra đây mấy kỷ niệm về nhà văn Nam Hà, với sự yên tâm là mình hoàn toàn trung thực, nói những điều hay và vui như vốn có và không nói điều gì không hay chỉ vì nó không hề có, chứ không phải không nói. Và như thế, viết về một người thân quý vừa qua đời, dù đau buồn, thương tiếc nhưng lòng vẫn được an ủi, cái buồn cũng như vơi đi.
Vâng, theo cách ấy, tôi cứ kể vui vui mấy kỷ niệm thôi nhé:
Mặc dù đã biết đến tên nhà văn Nam Hà và biết bài thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” rất hay của anh, nhưng hình như sau khi về báo Quân đội nhân dân một thời gian, tức là năm 1973, 1974 gì đó tôi mới biết nhà văn Nam Hà, khi ấy đã (hay là sắp nhỉ?) thành hôn với một người là bà con của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Cả hai anh đều là người Nghệ An, đồng hương với tôi, và tính tình thì có nhiều điểm giống nhau. Thoạt gặp đã thấy ngay là người trung thực, hiền lành và mộc mạc đúng như chất đồ Nghệ không sai. Trong khi, dạo ấy cuộc sống hậu chiến đã mở ra lắm trò ăn chơi, du hí…, thì hai ông này đều là mẫu người không liên quan gì đến lối sống của cánh trẻ, nhất là giới văn nghệ sĩ ngày ấy. Chân chỉ hạt bột – đúng là chỉ có bốn từ ấy thôi. Thêm nữa, khi có ai hơi tỏ ra quá trớn trong lối sống, nhà văn Nam Hà cũng nhẹ nhàng góp ý. Cái việc anh ấy quan tâm đến người khác hoàn toàn là vì bản chất anh quá quý người và tử tế thế thôi. Chẳng hạn như có lần, tôi được một tờ báo có nhã ý mời ra làm tổng biên tập, trong lúc tôi đang phân vân, thì anh Nam Hà đã nói với tôi là nên ở lại Văn nghệ Quân đội thì tốt hơn, môi trường quá thuận lợi, quyền lợi, quân hàm, lương bổng sẽ tốt hơn, lại ít phải lo lắng gì, vì ông biết cái tạng như tôi không làm lãnh đạo được (tài thật, nhìn người thế thì… thánh thật). Chính vì nghe ông và một vài bạn khác như Vương Trọng, Trần Đăng Khoa mà tôi đã từ chối cái chức danh quyền rơm, vạ đá, danh chẳng biết đâu, chỉ đấu đá suốt ngày, làm ba hôm khéo lăn ra ốm mất. Thật hú vía!
Nhưng lần tôi nhớ nhất về tình cảm của anh Nam Hà là lần, vào đầu năm 1975, lúc ấy tôi đang làm ở báo Quân đội Nhân dân, tôi được cử đi vào chiến trường khu 6, tức Cực Nam trung Bộ, để công tác, phản ánh chiến cục xuân 1975. Anh Nam Hà vốn là người có mặt ở chiến khu này suốt nhiều năm trước đó trong kháng chiến chống Mỹ. Nghe tôi sắp đi vào cái mặt trận cũ của mình, anh Nam Hà (đang công tác bên Văn nghệ quân đội nhé) đã nhiều lần gặp tôi, kể cho tôi nghe tình hình trong đó, cả chuyện đánh giặc cũng như chuyện sản xuất, kiếm sống để tồn tại ở cái mảnh đất đúng là “cực nhất” không phải của Trung Bộ mà của cả nước, với biệt danh chiến khu lé bép, củ nần mà… Anh giới thiệu cho tôi các bạn bè còn trong đó, cách xử sự khi gặp địch hay khó khăn trong sinh hoạt và làm việc… Cho đến khi vào đến nơi, tận mắt trông thấy và sống cuộc sống với quân và dân cái nơi gian khổ nổi tiếng này, mới hiểu hết sự chịu đựng và phấn đấu kinh khủng của quân dân nơi ấy, và đặc biệt là của một người lính viết văn như anh Nam Hà. Thật không hiểu anh đã lấy sức lực đâu ra mà vừa theo bộ đội đánh giặc, vừa tăng gia sản xuất để kiếm thức ăn… lại còn giành thời gian để viết hết truyện ngắn này đến truyện dài khác, và làm cả thơ nữa – không chỉ có bài thơ nhắc tới trên đây đã quá nổi tiếng được anh làm từ trên đường Trường Sơn đâu nhé…
Tôi đã nghe các bạn anh còn trong đó như các anh Trọng Thủy, Trúc Linh… kể về những ngày anh Nam Hà ở chiến khu này. Hầu như chiến dịch nào quan trọng, ác liệt, gian khổ nhất anh đều có mặt… Họ đặt biệt hiệu cho anh là “Ông bốn ngàn năm” vì tinh thần trong bài thơ nói trên và tinh thần chiến đấu và phẩm chất sử thi trong đời cũng như trong tác phẩm của anh. “Bốn ngàn năm”, nghe thì có vẻ khẩu hiệu, như sách giáo khoa lịch sử, nhưng đó là một tinh thần của truyền thống muôn đời không cũ trong lòng con dân nước Việt ta từ xưa và sẽ mãi mãi tồn tại….
Từ ngày ra Bắc, về Văn nghệ Quân đội, điều kiện cho phép, thì… thôi rồi Lượm ơi, khẩu đại bác Nam Hà đã không ngừng nhả đạn, năm nào cũng có sách mới, cuốn nào cuốn nấy dày cộp. Tôi đã nói đùa là nếu chồng sách anh Nam Hà đã in lên thì chiều cao của chúng khéo đến vai anh ấy chứ không ít. Tôi lại nói đùa, nếu đã muốn bắt đầu đọc sách của anh Nam Hà thì phải chuẩn bị chu đáo, mọi việc phải làm xong trước, chuẩn bị lương thảo đủ dùng cả tháng, rôi hãy tính chuyện mở sách ra mà đọc nhé. Anh Khuất Quang Thụy còn có lần nói đùa là có thể mở một cuộc thi đọc sách của anh Nam Hà, trao giải hẳn hoi… ai đọc hết thì có thưởng xứng đáng… Ấy là nói đùa yêu thôi, vì sách nhiều và dày quá, chứ nói như nhà văn Nguyễn Trọng Oánh từng nhận xét rất đúng là anh Nam Hà rất có đầu óc của nhà quân sự, của các ông tướng tham mưu, nên đọc sách của anh ấy hiểu rất tường tận về các trận đánh, như cách ta ngồi trên cao mà quan sát trân đấu diễn ra dưới tầm mắt vậy, thú lắm chứ….
Vì là một người làm thơ, đáng lẽ tôi phải giành nhiều lời nhất để nói về bài thơ tuyệt vời của anh Nam Hà là bài “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”, nhưng bài này đã quá nổi tiếng, vô số người đã biết và đã thuộc nằm lòng bốn câu thơ có thể gọi không ngoa là bất hủ của anh là:
“Đất nước của những người con gái, con trai
Đẹp hơn hoa hồng, rắn hơn sắt thép
Phút chia ly không hề rơi nước mắt
Nước mắt để giành cho ngày gặp mặt…”
Nói thật, đó là những câu thơ đẹp bậc nhất trong thơ thời chống Mỹ. Bao thế hệ thanh niên ngày ấy, như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói, đã lên đường ra trận vì sức hút của những câu thơ ấy của nhà văn Nam Hà. Một quy luật cũng thật lạ trong văn chương các bạn nhỉ. Mặc dù nhà văn Nam Hà là nhà văn chính xác rồi, mặc dù kho tàng văn xuôi của anh rất đồ sộ và có giá trị, nhưng chưa chừng bốn câu thơ trong bài hiếm hoi nói trên của anh lại bất tử và trở thành biểu tượng, hay ta hay gọi là thương hiệu, của nhà văn Nam Hà sẽ tồn tại mãi với mai sau. Chính vì vậy, tôi còn nhớ là có lần Tổng cục chính trị và Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức một đêm thơ nhạc kỷ niệm ngày 22.12 (hình như vào năm 2009), tại Cung Hữu Nghị Việt Xô, chúng tôi đã lấy bài thơ của anh Nam Hà làm tiêu đề và tinh thần chung cho cả đêm diễn hoành tráng ấy.
Bài cũng đã khá dài, những chuyện thú vị về nhà văn Nam Hà khó lòng kể hết ra đây. Chỉ kể thêm về chuyện phẩm chất an nhiên của nhà văn Nam Hà trong đời thực. Là một người sống lặng lẽ, đứng ngoài vòng thị phi, anh bình thản sống và bình thản làm việc, thậm chí cả bình thản để chết. Tôi còn nhớ dạo sắp chia tay với thế kỷ 20 và thiên kỷ thứ 2, có lần họp giao ban, ngồi cạnh nhau, anh Nam Hà mỉm cười bảo tôi: “Cứ nổ pháo mừng năm 2000 xong thì muốn chết lúc nào thì chết”. Thanh thản như thế là đạt đến lão thực rồi!
Giờ thì đã vượt xa cái mốc năm 2000 đến 18 năm rồi, nhà văn Nam Hà đã dừng lại cuộc sống và cũng là cuộc chơi của mình trên cái cõi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi là “Cõi Tạm” này, để thanh thản phiêu diêu đi vào Cõi Thiên Thu của những Người Hiền, trong sự thương tiếc và tưởng nhớ của tất cả người thân, bạn bè, cùng đông đảo các thế hệ bạn đọc.
Với mấy chút kỷ niệm nhỏ nói trên, tôi, một thằng em đồng nghiệp, đồng hương của anh xin được thắp nén nhang cúi đầu giã biệt anh, nhà văn, nhà thơ Nam Hà vô cùng yêu kính của tất cả chúng ta!
21.5.2018
A.N.