Tớ sắp chết! Cậu biết không? Tớ đang chết dần…

Một giọng nói ngàn ngạt như vọng lên từ vực thẳm. Tôi giật mình ngó quanh. Không ai. Chỉ tôi và Huân. Anh đang nhìn tôi qua ly cà phê và chậu cây thiên tuế của nhà hàng “Hương Đêm”.

Tôi cười khì:

– Cậu thì có mà cho vào cối giả cũng vẫn sống nhăn…

Những lời sắp lẩy ra bỗng rơi đâu mất. Tôi vừa bắt gặp cái nhìn trống hoang trong mắt anh. Huân chìa ra mảnh giấy nâu xỉn ghi kết quả sinh thiết của bệnh viện K.

Ung thư!

Những người tôi quen đã đi xuống mộ quá nhiều vì ung thư. Tôi nghĩ đến những đến những con sâu nhỏ màu xanh đang quằn quại giẫy chết trong chất độc dioxin màu da cam hay dưới bình phun vô-pha-tốc và ruột gan quặn thắt buồn nôn. Trước sự tàn bạo của chính mình, con người hơn gì những con sâu đó?

Huân đẹp quá! Bốn mươi hai. Khuôn mặt với nước da hơi tái được viền bởi bộ râu quai nón ửng xanh. Đôi mắt dài anh minh như thấu hiểu tất cả. Tiến sĩ y khoa. Chưa vợ. Và ung thư dạ dày.

Không dám nhìn Huân, tôi tránh trớ hướng vào cành lá thiên tuế đang úa vàng và thấp dần về đất trong chậu cảnh. Thiên tuế nhọc nhằn lắm mới ra nổi một lá.

Tôi đang rủa thầm sao bệnh viện nỡ để cho con bệnh biết mình sắp chết thì Huân đã chuyển giọng, cố làm ra vẻ bất cần:

-Với tớ, tất cả đã rõ ràng. Gọi cậu đến không phải để than vãn. Vài tháng nay, tớ đã cố dọ dẫm đồng hành với thần chết.

Cậu có biết trẻ con sợ ma, chúng làm thế nào không? Đầu tiên, nhắm chặt mắt lại, gào lên. Gào chán bắt đầu mở he hé mắt, nhắm tít, rồi lại mở ra, cố mở to dần và mở hẳn. Tớ cũng vậy, cơn hoảng loạn qua rồi. Chết trẻ thế này có lẽ lại hay, được nhiều người tiếc. Cậu đi đưa ma tớ chứ? – anh cười chua chát.

Tôi quay đi, cắn môi đến bật máu, lau vội giọt nước mắt rớt ra ngoài kính. Huân ơi! Rồi đây nắp quan tài sẽ ập xuống trong tiếng búa. Có lẽ chiếc quan tài sẽ nghẹn lại khi phải nuốt chửng một người đàn ông tuấn tú như anh!

Một cô gái bó chặt đùi trong chiếc mini juyp tím núng nính tiễn khách. Quay lại, vừa trông thấy Huân, cô õng ẹo tiến đến. Vầng trán rạng rỡ của Huân chút nữa thì cộc phải đôi đầu gối rám hồng đong đưa:

– “Tươi mát” một giây đi, anh yêu!

Tôi trừng mắt. Suýt nữa đã đập thẳng chiếc gạt tàn vào khuôn mặt đẹp trơ trẽn ấy. Có lẽ trông tôi dữ dằn lắm nên cô ta sợ hãi bỏ đi, lẩm bẩm:

– Đ… gì. Đồ mặt trắng các người bao giờ mới có nổi một xu rách! Cứ vờ cao đạo…

Huân ngửa đầu ra sau, cười, cái cười của người đã sang sông và nhìn lại chuyến đò đầy mắm tôm với cái nhìn bao dung.

Mà phải! Rồi đây anh trắng tay. Cả đến một câu chửi tục cũng không còn khả dĩ khuấy động thế giới đen ngòm mà anh sắp bước vào.

Tôi đang nghĩ lan man, Huân gọi:

– Này, tớ bảo cậu đến để nói điều khác kia…

Anh chuyển chỗ, nhìn ra đường, liếc đồng hồ rồi kéo tôi sang. Một lát, anh khẽ kêu: “Kia rồi! Nhìn đi”.

Phút chốc, vẻ đau đớn của con báo bị trọng thương biến mất. Đôi hàng mi anh lưng chừng khép và hơi run rẩy. Chỉ khi chờ người yêu, người ta mới có được vẻ xao xuyến thế.

Tôi nhìn theo hướng tay anh trỏ, tưởng đến bóng yêu kiều của một thiếu nữ sẽ hiện ra đầu con đường nắng nhợt. Và khoảng dăm ba phút sau một chấm nhỏ hình xoan tiến đến gần.

Đó là cô gái nhỏ xíu chỉ cao khoảng hơn một mét. Ngực lép, đôi mắt tròn mở rưng rưng. Làn môi trên hằn một vết sẹo trắng kéo miệng hơi xệch về bên trái. Có lẽ đó là sẹo vá môi. Ngược với môi trên, môi dưới cô mọng đỏ, hơi lõm giữa như một lúm đồng tiền nhỏ xíu thoảng qua, chia thành đôi cánh hoa nũng nịu. Chiếc làn trên tay cô là thứ làn đi chợ của các bà nội trợ từ những năm sáu mươi. Dáng đi khập khiễng của cô khiến người ta nghĩ đến bóng con chim sâu đang nhẩy chon von trên đường, mỏ quắp một cành lá lệch người. Tôi nhìn rõ cô gái vì cô xê dịch rất chậm trên đường. Rồi bỏ qua cô, tôi ngóng ra xa. Người mà Huân chờ, hẳn là một người đẹp.

– Nhìn đâu thế? Nghe đây!

Huân rút từ trong túi ra một bức thư dày cộp, được bọc ngoài bằng ni lông hơng và ướp nước hoa:

Đọc đi! Đọc qua cho biết.

Ngoài bì thư đề “Gửi anh M”. Nét chữ không đều đặn, chứng tỏ người viết hẳn phải là người mơ mộng.

Tôi ngạc nhiên:

– Cậu đọc trộm thư ai vậy?

– Của tớ! Thư tình người yêu! Đọc đi rồi sẽ biết.

Trang giấy lấm tấm xanh. Những đoạn nhạt màu có lẽ vì nước mắt.

“Anh yêu!

Bẵng đi bốn tháng ròng, em không nhận được chữ nào của anh. Dường như em sắp chết. Chị Văn em bảo thư thất lạc là thường. Em tưởng anh đã tan ra như một làn khói!

Anh ơi! Tạo hóa đã say rượu khi nặn ra em. Hồi mười bốn tuổi, em suýt uống cạn bát nước lá trúc đào. Đó là lần đầu tiên em nhìn thấy toàn thân mình hiện mồm một trong tấm gương lớn mà bố mới mua về.

Bố em nói, em là một con nhỏ đã nhồi quá nhiều tiểu thuyết vào đầu. Người đẹp và đĩnh đạc. Vì thế, em là một ” tác phẩm” làm hổ danh người. Lúc khách đến nhà em thường kiếm cớ lánh mặt để làm người vừa lòng.

Lúc thi vào đại học đạt điểm ưu nhưng không một trường nào nhận vì lỗi hình thể, em đã cầu cho mình hoá điên – người điên sung sướng vì họ trôi mông lung trong thế giới huyền ảo và họ không nhận ra họ. Thường thường, em thắp hương khấn cầu được chết. Tại sao Thượng Đế nỡ đặt bộ óc vào đầu một đứa con mà ngài đã nặn ra trong cơn say?

Thế là em ở nhà với nồi niêu, những con mèo và đám tiểu thuyết. Người yêu đầu đời của em là ông Rôchetxtơ trong bộ “Jên Êrơ”[1].

Đêm đêm, đôi khi em thấy Rôchetxtơ cúi xuống mỉm cười. Ông mở vạt áo choàng sẫm màu, dịu dàng nhốt em vào và đi ra ngoài trời trăng.

Nhưng em chợt nhận ra, ông thật cao lớn, lớn quá so với khổ người bé tí của em. Em rụt đầu lại. Rôchetxtơ dừng lại bởi ông thấu hiểu mọi nhẽ. Ông nói:

– Này cô bé xấu xí yêu quý! em muốn ta nhỏ lại một chút, phải không>

Em gật đầu, ngước nhìn ông biết ơn. Nhưng có tiếng máy bay sầm sập. Bom xé. Nhà đổ. Trẻ khóc.

Rôchetxtơ đặt em xuống, lao vào lửa. Một lát, người ta khiêng ông ra. Hai con mắt ông chỉ còn là hai hố trống ngòm đỏ. Rôchetxtơ đã chết.

“Ngay cả trong mơ, trời cũng cắn xén của em. Trời không cho em hưởng trọn một giấc mơ nào”. Em khóc với anh Tuân em.

Anh Tuân lặng lẽ vuốt tóc em. Những trò chơi trẻ con mà anh ấy thường miệt mài bày đặt làm cho em thích nay không cần nữa.

Một tháng sau, em nhận được bức thư của người con trai giấu mặt ký tên M. Thư anh.

Nhiều khi em tự hỏi: Anh thật hay chỉ là hư ảo? Tại sao anh giấu mặt? Em muốn tìm anh. Sẽ được, nếu em cố tìm, nhưng lại sợ “Dù chỉ một lần thôi em tìm biết anh thì những lá thư sẽ không bao giờ trở lại” như anh đã viết. Vì thế, chính em cũng sợ gặp anh. Thôi thì hãy bằng lòng với những lá thư. Ba năm nay, em đeo lá thư đầu tiên của anh trước ngực, trong chiếc túi lụa nhỏ sau lần áo lót.

Anh ơi! Có biết em còn muốn tự dối lừa mình hơn nữa, để không nghĩ đến một ngày sẽ chẳng còn thư, nghĩa là chẳng còn anh. Và thế chẳng còn em.

Giấy báo tử của anh Tuân – người yêu quý em nhất trên đời này. Rồi bặt thư anh. Em đã nói dường như em sắp chết. Mẹ nhận được giấy, bị xuất huyết não nằm liệt giường. Cả ngày mẹ nằm mở mắt chong chong, thảng thốt nhìn em cười như nhìn một vật lạ. Bố bị huyết áp biến chứng, đi lại nhiều khi phải nhờ em dắt. Chị Văn vừa gặp một thằng Sở Khanh. Em cho rằng những người tốt thường không gặp may. Vì thế, em lo cho anh.

Cuối cùng trời phật cũng động lòng trước lời khẩn cầu của em. Bốn tháng sau, em lại nhận được thư anh, mặc dù giọng điệu và nét chữ hơi khác. Anh bảo vừa bị điều đi làm công tác bí mật nên không được phép viết thư. Em cũng mong là như vậy. Thế giới ngoài kia đầy bí mật. Và điều bí mật lớn nhất là anh.

Anh ơi! Em vẫn còn sống, chừng nào còn thư anh…”

Lá thư dài như những trang tiểu thuyết và cuốn hút như có ma lực. Hơn cả những dòng chữ là một vẻ thiêng. Tôi rụt tay về rồi lại chạm nhẹ mấy đầu ngón tay lên trang thư. Nghĩ đến một thánh đường màu trắng, Trên đó, một trái tim nhỏ xíu đang thoi thóp đập.

-Thư cô ấy đấy ư?

-Phải!

-Lẽ nào? Cậu… Cậu yêu cô ta?

-Không yêu. Không đời nào. Tớ là kẻ duy mỹ.

-Thế…tại sao?

– Cậu đoán được rằng tớ là tác giả của những bức thư gửi cho cô ấy rồi chứ? Đúng. Nhưng chỉ đúng một nửa…

Và anh ngả người sang, dứt chiếc lá thiên tuế vừa đổ xuống, uốn cong thanh hình chiếc lược vàng, mơ màng kể cho tôi nghe câu chuyện sau, câu chuyện rất khó tin mà xưa nay tôi tưởng chỉ gặp trong tiểu thuyết:

*

“Đã mấy năm rồi, mà mỗi lần nhớ lại, ruột gan tớ như bị ai đó nắm chặt lấy, xoắn mạnh.

1974. Tớ ở chiến trường Buôn Mê, cùng đơn vị với Tuân. Tuân là hoạ sĩ, nhập ngũ năm trước. Cả ngày cậu ta chỉ nói vài câu, mắt cứ lơ mơ buồn. Đêm đêm, cậu ta thường trùm chăn viết thư dưới ánh đèn pin lúc tắt lúc bật lập loè như ma trơi. Đồn rằng cậu ta viết thư cho người yêu đẹp lắm ở Hà Nội, sợ mất nên cứ phải giữ bằng thư. Cậu từng là lính, biết rồi đấy. Trong chiến tranh, người ta quen buộc mình và người khác tự bóp nát tim, cốt che giấu những tình cảm tự nhiên nhật, hy vọng rằng vì thế khả dĩ chịu đựng được những hoàn cảnh quái gở. Vì thế cho nên, dù Tuân gan lì trong các trận đánh nhưng vẫn bị xếp vào loại có biểu hiện yếu đuối. cần kèm sát, đề phòng đảo ngũ.

Trận ấy tớ đi bên Tuân. Tiếng súng đã thưa thớt. Chiều sậm tái buồn đứt ruột. Đã kết thúc một trận đánh mà cả hai bên dần như chỉ vờn nhau để thăm dò.

Tớ vốn là lính mới tò te nên đi lại trong rừng quá chật vật, cứ rớt lại đằng sau. Tuân dừng lại chờ tớ. Không lê nổi chân nữa, tớ ngã ngồi xuống một tảng đá:

-Khát khô cả họng. Đứt hơi mất!

Tuân dừng lại, nhìn quanh. Đá cũng nâu bầm ong ong. Những thân cây trụi lá đen sẫm đan chằng chịt như mê hồn trận của quỷ sứ. Không còn tìm đâu ra nước. Tuân cúi xuống, dò dẫm trên lòng suối khô nứt nẻ. Hồi sau, anh reo lên khe khẽ, vồ lấy vật gì bẩn thỉu tròn tròn bằng đầu ngón chân cái và đưa cho tớ.

-Đập vỡ ra và mút đi. Đỡ khát đấy!

Tớ ghê tởm nhìn, mặc dù cổ họng như đang bị cào xé. Tuân đón lấy, khéo léo đập vỡ. Lòng bàn tay anh lầy nhầy một thứ đen đen mông mốc. Nhìn kỹ, hoá ra đó là một cái ruột ốc còn cựa quậy.

– Có lẽ đây là cái ruột ốc duy nhất còn sót lại của rừng này. Số cậu hên thật. Nuốt đi!

Tớ oẹ khan mấy tiếng. Nhưng cuối cùng, khát quá, tớ liều chết đón lấy vật bẩn thỉu đó cho vào mồm nuốt chửng rồi lấy tay bưng miệng, nước mắt nước mũi trào ra. Nhưng cùng với ghê tởm, có một cảm giác dịu mát lan lan đầu lưỡi khiến tớ tỉnh hẳn. Mở mắt ra, tớ thấy “Quả táo Adam” nơi cổ Tuân giật giật mấy lần có vẻ thèm thuồng. Hoá ra anh còn khát hơn cả tớ.

-Sâm của Trường Sơn đấy. Đừng ghê!

Tớ nhăn mặt khổ sở nhìn anh. Cả hai cùng phá lên cười. Mặt Tuân sáng ngời như trẻ thơ. Anh nhặt được bên chân một quả trứng nhỏ trắng xanh, tung sang:

– Trứng rắn đấy. Hồi bé mình và con Tâm – Tên em gái Tuân – bị một phen hú vía. Nhặt được quả trứng như thế này, hai anh em thay nhau ấp trong tủ quần áo. Con Tâm cứ đinh ninh đó là trứng Tiên. Đủ tháng đủ ngày, hiện ra một vật loằng ngoằng…

Bỗng một tiếng “bục” khẽ. Tuân đưa tay ôm ngực và cứ thế, thấp dần, thấp dần, không một tiếng kêu, gục xuống. Khoảng trắng của bàn tay anh cứ bị nuốt dần, thành một quầng máu sủi bọt. Im lặng rùng rợn.

Tớ kinh hoàng thét lên, bỏ chạy. Chạy được vài chục bước, tớ vấp dúi dụi vào một búi cây, lúc đó mới sực tỉnh, hộc tốc chạy trở lại, ào tới, đỡ Tuân trong tay, rối rít lay gọi…

Hồi lâu, Tuân mới khó nhọc mở mắt. Cơn đau làm nước mắt cứ nhểu xuống ướt đẫm cả chân tóc:

– Mình thấy bỏng rẫy trong ngực. Chết mất!

Tớ băng cho Tuân. Nhưng máu cứ lầm lì thấm ướt đẫm hết lần băng này đến lần băng khác – một viên đạn lạc đã găm vào dưới bả vai anh. Tớ chỉ còn biết đặt anh lên đùi, lật bật vuốt nửa ngực lành trong vô vọng. Và máu cứ rỉ rả chảy xuống đùi tớ. Chốc lát, tớ đã ngồi trong vũng máu và cảm thấy như từng giọt máu mình cũng đang hối hả rời huyết quản.

Kỳ lạ là những lời cuối cùng, Tuân không nói về anh, về cái chết như một con trăn lớn đang nhằn từng phần thân thể. Anh chỉ kể về cô em gái tật nguyền tên Tâm. Giờ mới biết, những đêm anh cặm cụi viết thư bên ánh đèn ma trơi ấy là viết cho em Tâm.

– Mình chết…Thiếu thư… con bé sẽ chết mất. Ngày ấy, mình giằng bát nước trúc đào trên tay nó… Rồi nghĩ ra những bức thư của chàng trai ẩn danh…

– Thế mà cô bé cũng tin ư? Khó tin lắm!

– Khó, nhưng tin, vì nó muốn tin. Nó đã nhồi vào đầu bao nhiêu điều phi lý…

– Nghĩa là một phần, cộ bé tự dối mình?

– Biết làm sao? Và mình sung sướng. Cậu không có em gái tàn tật, không hiểu được. Mắt con bé rưng rưng. Nó cần những lời yêu đương ngọt ngào như cần nước…

Tuân bắt đầu thở dốc:

– Bây giờ….chàng trai ẩn danh ấy… chết. Những bức thư…chết. Và cô bé… Trời ơi!

Mắt Tuân dại lạc đi trong cơn đau giẫy chết. Anh quằn người, cào một nắm đất lẫn sỏi tống vào mồm. Một viên sỏi vỡ “cóc” nghe khô rợn người giữa hai hàm răng nghiến chặt. Anh ngước lên nhìn tớ, và cầu khẩn. Miệng mấp máy toan nói. Nhưng cổ anh đã ngật ra. Cái nhìn đau đáu tạc lại trên khuôn mặt trắng nhợt như thạch cao.

Cậu có tin không? Tớ gào lên, vật vã lu loa như một mụ đàn bà ngoa ngoắt. Một mình trong rừng với xác chết trên đùi. Những thân cây đen ngòm như những bộ xương đang sắp nhảy bổ vào xiết cổ. Tất cả được hiện mờ mờ qua màn sao nhạt nhẽo hắt xuống đất, dưới sàng cành cây ma quái.

Qua cơn, tớ dùng lưỡi lê hì hục đào đến kiệt sức mới được một hố nông choèn. Lấp đất xong, tớ nằm qua đêm bên mộ. Giờ thì không còn sợ nữa, tớ nằm ngẫm ra những câu triết lý dở hơi về sự đau xót của kiếp phù sinh. Tảng sáng, khi tớ lết về, mang theo hai chiếc ba lô và hai khẩu súng, mọi người đổ xô tới định băng cho tớ vì thấy người bê bết máu và nồng nặc mùi hôi như mùi người chết.

Một tuần sau, tớ dở ba lô Tuân, xem bức thư cuối cùng anh chưa kịp gửi. Tớ chép đi chép lại thư này để bắt chước nét chữ và cho giọng điệu tiểu thuyết ngọt ngào mơ mộng ăn sâu vào đầu. Vài tháng sau, khi đã nhập vai, tớ gửi thư cho em Tâm theo địa chỉ có sẵn trong cuốn sổ Tuân. Bì thư hai lớp. Lớp trong đề “Thương gửi em Nguyễn Thị Tâm”. Lớp ngoài đề: “Gửi chị Thanh Văn – Báo Phụ nữ – 47 – Hàng Chuối – Hà Nội”. Có lẽ đó là người chuyển giao thư cho em Tâm bằng những lời nói dối hợp lý nhất.

Nhìn chung, công việc này gần như là một gánh nặng, Trước đây, tớ tưởng rằng những câu chuyện ấy chỉ đọc thấy trong sách vở. Lúc ấy có ngờ đâu rằng, sau này, mình lại là nhân vật chính trong câu chuyện huyền hoặc như vậy. Xưa nay, tớ vốn là thằng lười viết thư nên đánh vật với những bức thư kiểu này toát cả mồ hôi. Nhưng tớ nhớ ánh mắt cầu khẩn trong cơn hấp hối của Tuân và thấy ham sống hơn bao giờ hết.

Đến lá thư thứ mười một, chiến tranh chấm dứt. Tớ trở ra Hà Nội, lần đến nhà Tuân, chuyển di vật của người đã khuất. Trông thấy em Tâm, điều đầu tiên là tớ thầm oán trời đất sao nỡ thổi vào cái vỏ tật nguyền ấy một lương tri. Từ đó, thỉnh thoảng tớ ghé qua nhà Tâm.

Những lá thư vẫn được gửi đi. Hình ảnh cô bé đáng thương cứ lặng lẽ hiện lên trên mặt giấy. Tớ nghĩ đến hình chàng Trương Chi xưa thấp thoáng trong đáy chén bạch đàn. Từ lúc nào không biết, tớ trở thành hai. Một tớ trong tiểu thuyết tình lãng mạn, đóng vai chàng trai ẩn danh viết thư cho cô bé tật nguyền những lời văn như cóp từ những cuốn tiểu thuyết tình ba xu, về một tình yêu mơ mộng không bao giờ đạt tới. Một tớ gần như yêu cô gái vô hình tên Tâm. Nàng ẩn hiện chơi vơi, mặt bị che khuất sau màn voan trắng. Chấp chới trên nền đó chỉ là đôi mắt mở như rưng rưng và cánh môi dưới thắm nồng nũng nịu. Nàng như sương, như mật, như Đức Mẹ.

Thế là tớ đã ôm ấp một tình yêu không thật. Kẻ đi gieo ảo ảnh cho người khác nay lại tự ấp ủ lấy một ảo ảnh cho mình. Rồi công việc cứ cuốn đi. Hết luận án phó tiến sĩ lại đến tiến sĩ. Các cuộc hội thảo… Mà không biết rằng bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Và lẽ ra đã kịp lấy một cô vợ đẹp, nếu như không luôn cảm thấy bên cạnh ảo ảnh đó, bất cứ cô gái nào cũng trở nên dung tục…”

Huân đưa tay vuốt tóc. Một sợi bạc vô tình giắt vào kẽ tay. Anh nhìn nó giây lâu, chợt ứa nước mắt:

– Thế mà nay tớ cũng sắp chết. Cũng vắn số như anh trai Tâm. Có may hơn chăng là có nhiều thời gian để tìm người thay thế… Tìm người có đủ lòng tốt để kéo dài một công việc khá kỳ quặc, nhẫn nại thêu dệt những cuộc tình mơ mộng không để cho mình. Điều đó gần như việc làm của một nhà văn và của một người điên. Người đó, phải là cậu.

Tôi hoảng hốt:

-Tại sao? Tớ đã có vợ. Bất tiện lắm!

-Không cãi. Chọn cậu, vì cậu từng là lính. Cuộc chiến vừa qua đã biến chúng ta thành những người kỳ lạ, có thể là quái nhân so với lối suy diễn thông tục hiện thời. Hơi trái tự nhiên và khó tin… Song đó là điều có thật. Và đó sẽ là điểm sáng nhất trong câu chuyện cổ buồn thảm mà đời sau kể về cuộc chiến này.

– Nhưng…

– Thôi đi! Đây là yêu cầu của một người sắp chết.

Anh thui thủi đứng lên, không cho tôi tiễn,

Và đêm ấy, tôi không ngờ cả cuộc chiến tranh lại tái hiện trong tôi qua giấc mơ ngắn ngủi. Cả một đất nước rùng rùng ra trận, chân đi dép lốp, tay cầm súng, ngực đeo những lá thư. Những trang văn nói về thư, bay cùng những lá thư thất lạc và không thất lạc, có người nhận và không có người nhận cứ bay đầy trời như lá rụng. Và trong đó tôi thấy rất rõ tôi, vàng bủng, đang chạy, đưa một phong thư lên miệng mút mút và hô “xung phong” trước khi ngã xuống.

*

Những ngày tiếp theo Huân võ vàng tiều tụy và xọp đi nhanh như một trái cây héo. Tôi thường bắt gặp anh nằm trên giường ôm bụng lăn lộn, miệng thổ ra máu. Lúc được yên ổn một chút, anh thường đọc đi đọc lại lá thư của em Tâm.

Một ngày nắng đẹp nhất, ngày không ai nỡ nghĩ đến cái chết. Thế mà Huân chết. Tôi đẩy cửa vào, anh đã nằm như ngủ trên giường. Mấy dòng nguệch ngoạc này có lẽ anh dành cho tôi:

“Thời sinh viên, hai đứa đã đọc cho nhau nghe “Chiếc lá cuối cùng”[2].

Có hiểu “chiếc lá cuối cùng” đối với người sắp chết là thế nào không? Tớ không có chiếc lá đó.

Hãy đặt trên bậu cửa nhà em Tâm “chiếc lá cuối cùng”.

Vĩnh biệt”.

Tôi mụ mị ra đường, vẫy một chiếc xích lô đi báo tang.

Phố phường đặc ngầu tiếng chửi thề văng tục. Ngã tư xôn xao: Một tên cướp vừa giật chiếc hoa tai hai chỉ của người đàn bà áo trắng. Máu loang lổ bả vai. Tưởng rằng chỉ trong chiến tranh mới có máu?

Cổng toà án. Một cụ già vừa bị thua kiện, mất nhà. Cụ ngồi bệt bên lề đường, tay ôm mặt: “Công lý ôi! Cứu tui! Công lý đâu rồi?”. Cách đó không xa, một người đàn ông hồng hào liếc xéo sang, kín đáo cười khẩy trước khi chui hẳn vào chiếc ô tô sang trọng, phóng vút, để lại phía sau một cuộn bụi.

Trong dòng đó, ngày mai, sẽ có chiếc xe tang của Huân hoà vào dòng người mê sảng nặng mùi tục luỵ.

*

Đám tang Huân. Tôi không trông thấy Tâm. Nhưng khi đám người theo xe tang về hết, tôi ngoái lại. Hình như có bóng chim sâu chon von thấp thoáng sau bia mộ, giữa làn khói nhang quặn quẹo. Tôi đồ rằng đó là ảo ảnh.

*

Đến lượt tôi vụng trộm viết thư cho em Tâm thay Huân. Phần lớn tôi viết ở cơ quan, lẫn trong đống giấy tờ bề bộn. Tôi rất sợ bị ai bắt gặp. Tôi cũng thường ngồi một mình trong nhà hàng “Hương Đêm” để ngắm dáng em xê dịch chậm chạp trên đường vào những buổi chiều tà, lòng se buồn.

Tôi đã có vợ. Tôi yêu nàng. Có lẽ vì thế, tôi viết thư khá khó khăn và ít hơi hướng của linh hồn sống. Lúc bận bịu hay lười biếng chưa kịp viết, ban đêm, khi đang ôm tấm thân yêu kiều của nàng trong tay, tôi thường thấy treo trên không trung bốn con mắt hình chiếc lá. Hai trong bốn chiếc lá lấp láy nhìn tôi. Hai chiếc còn lại thõng xuống im lìm và máu từng giọt, từng giọt một dâng lên ngập tròng hai chiếc lá. Tôi vùng dậy, đỡ lấy trái tim đập nặng nhọc trong lồng ngực.

Vợ tôi thấy vẻ thảng thốt, đã bắt đầu ngờ vực tôi chán hàng và yêu dấu tình nhân. Nàng thường tìm cớ dỗi hờn.

Tôi buồn, nên càng hay đến quán cà phê.

Tuần nay, chờ đã mấy chiều mà không thấy bóng em đi tới. Cái chấm nhỏ xíu hình xoan ấy.

Tôi tìm đến nhà em theo địa chỉ Huân để lại.

Bố em đi khập khững trong nhà như một bóng ma. Em nằm trên giường đặt cạnh cửa sổ tầng trệt. Gò má xanh nổi rõ những mạch máu nhỏ li ti.

Tôi cố tình làm ra vẻ một khách qua đường. Nhưng em đã cất đầu lên nhìn tôi, nói yếu ớt:

– Em biết anh vẫn thường gửi thư cho em – những bức thư ba lần thay chữ. Em đã nghi ngờ và để ý anh từ mấy tháng nay. Anh là Hoàng. Thường ngồi quán cà phê “Hương Đêm”. Em thấy thư chữ lạ, bắt nọn chị Văn… và đã rõ…

Mắt em dâng đầy nước. Nhưng nước chỉ sóng sánh không tràn khỏi bờ mi:

– Những năm qua, các anh là cánh tay chìa ra cho một kẻ sắp chìm. Nhưng khi anh Huân chết, cô bé yêu Rôchetxtơ cũng đã bỏ đi. Em đã qua thời có thể còn tự dối mình rằng sau vỏ trứng có một hoàng tử nhỏ xíu. Đã đến lúc phải trở thành một người đàn bà… Thật khó chịu đựng…

Tôi toan ngắt lời. Nhưng em đã đặt ngón tay nhỏ như tay trẻ con lên môi tôi:

– Đừng lo! Em không chết nổi đâu. Sẽ cố. Nỡ nào cướp công các anh… – Em nghẹn ngào tiếp:

– Nhưng anh đừng viết thư nữa nhé. Chỉ xin anh thỉnh thoảng ghé thăm. Thế giới của các anh quá rộng lớn. Còn thế giới của em thì nhỏ bé. Em phải trở về thế giới của chính mình.

Phía chân trời có thể có một chú lùn. Nếu có, chú sinh ra là để cho em. Chú sẽ đến, cười bằng cái miệng rộng: “Cô bé xấu xí đợi anh lâu lắm rồi phải không?”

Tôi bỏ chạy ra đường, vội đeo kính râm vào để mọi người không nhìn thấy mắt đỏ.

Tôi đến mộ Huân. Nhớ câu hát anh thường vu vơ trên môi

“Ru em

mệt lả cơn đau Ru em

về giữa chiêm bao

Ru em. Ru em – gầy yếu hư hao…”

Và trên mộ, gió lắt lay thổi qua đám hoa lưu ly ai trồng:

“Ru…u…u”..

Đồ Sơn tháng 6-1992

V.T.H.

(In trong “Biển cứu rỗi”, tập truyện ngắn Võ Thị Hảo, NXB Hà Nội)

[1] Nhân vật chính trong tiểu thuyết Jên Erơ của Sác-lôt Brônti.

Exit mobile version