Tỏ rõ lòng ưu ái với người dấn thân vào nghiệp chữ nghĩa, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn dành nhiều lời thân mến gửi vào những bài phê bình, chân dung gọn gàng nhưng giàu tình cảm anh viết về họ.
Có những người cách xa đằng đẵng về thời gian, thế hệ, chẳng bao giờ mong dịp gặp gỡ, bởi đơn giản, khi Lê Thiếu Nhơn lớn lên thì bóng hình họ đã xa xôi. Có những người cách trở về không gian mà việc nghề văn, nghề báo chỉ cho nhau gặp trên mặt chữ chứ không có dịp giáp mặt, cầm tay. Nhưng tác giả cuốn “Hoa rơi hữu ý” vượt qua ngăn cách để phát sáng đôi mắt xanh thân mật với những con người mà anh cho là có sứ mệnh đặc biệt trên thế gian. Điều thú vị khi đọc cuốn sách này, là những trang viết cho thấy sự nhập cuộc của tác giả ở tư thế hóa thân vào người đồng hành, người bám theo dấu chân thi nhân đi qua gập ghềnh, sóng gió cuộc đời và phảng phất chút không khí thời cuộc, để từ đó, người đọc phần nào hiểu lý do vút lên của những câu thơ. Nhưng Lê Thiếu Nhơn cũng không đi vào bình bán tỉ mỉ hay luận bàn câu chữ, ngữ nghĩa, nếu làm việc đó, chắc dành cho mỗi tác giả, anh phải làm cả cuốn sách dày. Mà anh viết khái quát tinh thần chung, đặc trưng tinh tế và thú vị của mỗi gương mặt thi nhân qua sự bao quát cả văn nghiệp của họ và chọn lấy một số thí dụ tác phẩm cụ thể để chứng minh. Người đọc do đó có được cái nhìn rộng với tâm hồn, thế giới nghệ thuật của các nhà thơ, lại vừa “nhâm nhi” một số câu, đoạn độc đáo mà người viết phê bình, chân dung đã khéo léo lựa chọn. Và như thế, “Văn Cao tự do tái sinh những trải nghiệm” hiện lên với ba giai đoạn thơ: giai đoạn mềm mại, đắm đuối; giai đoạn lạc quan, hào sảng; và giai đoạn can trường, sắc sảo; Phùng Cung hiện lên giữa những câu thơ tả cảnh nông thôn nhưng đau đáu u uẩn như món quà của thân phận; Trần Huyền Trân đi qua cay cực, chìm nổi để thơ phát sáng; Thi Hoàng hiện lên sinh động trong cuộc miệt mài truy đuổi bút pháp cá nhân; Trần Quốc Thực nhìn sự vật bằng cảm giác rồi dùng hình ảnh để thi vị hóa cảm giác ấy; thơ Trần Thị Huyền Trang nhiều giăng mắc riêng tư nhưng luôn thoát khỏi những cái tôi tù đọng của cá nhân ích kỷ… Và nhiều gương mặt khác nữa, nhà thơ Chim Trắng, Hữu Loan, Hoàng Nhuận Cầm, Triệu Từ Truyền, Hải Kỳ, Lê Thành Nghị, Phạm Công Trứ, Thanh Tùng…, với ai, Lê Thiếu Nhơn cũng cố gắng gọi ra, theo cách nhìn của mình, những nét độc đáo gần như một mô hình, nguyên tắc, hay thói quen sáng tạo của họ.
Mỗi nét sáng tạo ấy, từ riêng tư nhưng đã thành đóng góp cho đời sống chứ không chỉ với văn học. Và tự Lê Thiếu Nhơn, dường như anh cũng ngầm giao nhiệm vụ cho mình, là phải qua những gương mặt hay trường hợp thơ ca danh tiếng, độc đáo, hay phát sáng một cách khiêm nhường, làm cho người đọc thấy thơ ca và nhà thơ thật sự quan trọng trong cuộc sống, thật sự cần cho nhân tâm, nhân quần, chứ không chỉ là chuyện riêng của mấy người văn bút mang tiếng bị “giời đày”.
(“Hoa rơi hữu ý”, chân dung – phê bình, Lê Thiếu Nhơn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh)
Theo Hoàng Hoa
Báo Thời Nay
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài