“Mặt trời của bố, con ở lại với mẹ nhé!”

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

(Bản gốc của tác giả. Bài đã đăng trên báo An ninh Thủ Đô với tên bài là “Bỗng chiều nay cả Hà Nội lặng im…”)

Năm 2010, tôi viết truyện ngắn MẶT TRỜI Ở LẠI(*), như một duyên định. Đề tài về công an, nhất là công an Thủ đô thì nhiều. Nhưng trong tôi cứ ám ảnh về hình ảnh người lính cứu hỏa.

Vào đêm 20 tháng 5 năm 2010, tôi khi đó như có sự dẫn dắt, đã gần 12h đêm, ý tưởng chợt nảy trong đầu. Và tôi viết liền một mạch cho đến 3h sáng kịp hoàn thành để gửi tham gia cuộc thi viết về đề tài trước ngày 31 tháng 5.

Đã có nhiều cuộc điện thoại gọi cho tôi để chia sẻ ý nghĩ của họ về truyện ngắn này. Trong đó có một cuộc gọi đặc biệt mà tôi còn nhớ mãi. Đó là cuộc gọi của chính người vợ một vị chỉ huy đơn vị PCCC của Thủ đô. Chị nói rằng đọc truyện Mặt trời ở lại, chị đã khóc nhiều, thương cho anh em đã hy sinh để cứu hỏa. Mà sao nhà văn viết và tả giống cuộc sống thực của anh chị hồi mới lấy nhau thế. Tôi liền trả lời: “Không giống đâu chị, em hình dung ra thôi… Mà em cũng vừa viết vừa khóc, dù là sáng tác”.

Nhân vật của tôi đã hy sinh khi cứu hỏa. Tôi không muốn bất cứ ai giống như vậy, dù đó là hình ảnh anh hùng, là chiến binh anh hùng trong thời bình.

Với tôi, người lính cứu hỏa nói riêng, và người công an nhân dân nói chung, đều có cuộc sống riêng vô cùng phong phú. Như bất cứ ngành nghề nào khác, họ vui vẻ, hấp dẫn; họ cũng có những tính cách đặc thù riêng, bí ẩn và lôi cuốn…

Khi tôi sang Mỹ năm 2002, sau khi xảy ra vụ tấn công Tòa Tháp Đôi. Chúng tôi được Đại sứ quán Mỹ đưa đến tham quan cảnh đổ nát tiêu điều. Phía bên ngoài là hàng hàng lớp lớp những bông hoa tươi khô đủ các màu, những bức ảnh và những lá thư đặt tưởng niệm những người đã ra đi… Hơn ba trăm bức tượng lính cứu hỏa được dựng ngay ngoài hàng biên của hố đen sâu thẳm chôn vùi bao sinh mạng, bao ước mơ hạnh phúc. Những người lính cứu hỏa đã lao vào lửa để cứu ra rất nhiều người. Và họ đã hy sinh trong lửa, trong sự đổ sập kinh hoàng của một biểu tượng trên đất Mỹ. Không ai có thể bình thản trước cảnh tượng đó. Hình ảnh những bức tượng lính cứu hỏa và hố đen ngổn ngang khổng lồ ấy đậm sâu trong trí não tôi, một nhà văn Việt Nam.

Năm 2019, tôi viết tiếp truyện ngắn LÍNH CỨU HỎA. Truyện Mặt trời ở lại viết về sự hy sinh dũng cảm của người chiến sĩ PCCC. Còn Lính cứu hỏa thì viết về sự dũng cảm cứu hỏa và cuộc sống tiếp nối của người chiến sĩ PCCC với thương tật vĩnh viễn làm biến dạng gương mặt.

Đã có rất nhiều vụ cháy do sơ ý nhỏ. Chỉ một ngọn lửa rất mảnh, rất không đáng lưu tâm trong bao nhiêu sự việc hàng ngày mà con người cần lưu tâm. Lần nào cũng vậy, khi sự cố xảy ra, người ta cũng lại nhắc nhau: Hãy cẩn trọng với lửa. Bởi lửa rất gần con người trong cuộc sống thường ngày. Lửa rất cần và cũng là mối đe dọa thường nhật, có thể thiêu rụi nhiều vật thể, nhiều sinh mạng, nhiều mỹ từ… Vậy nhưng người ta vẫn rất mất cảnh giác. Vẫn tiếp tục không hiểu hoàn cảnh của nơi mình sinh sống.

Tôi nhớ những bộ phim hay những cốt truyện xưa. Vào giờ nhập nhoạng, người ta cho một lính tuần gõ mõ: Cẩn thận củi lửa!

Bởi mỗi người dân nên nhớ, chúng ta đang sống yên ổn là sự may mắn, là phúc phận. Nếu xảy ra hỏa hoạn, với phương tiện cứu hỏa đang cố gắng phù hợp với địa hình và kiến trúc nhà, nhưng cũng có phần hạn chế với địa hình đô thị hay nông thôn… ở Việt Nam hiện nay, sẽ là sự hy sinh của những người lính cứu hỏa.

Nếu làm hết tất cả những gì có thể, gia đình ấy sẽ không mất đi người con trai hiếu thuận, người chồng là điểm tựa vững chãi… Sáng sáng, anh vẫn sẽ đẩy xe hàng ra ngõ cho mẹ rồi mới đi làm, cái con ngõ nhỏ của phố Pháo Đài Láng, mà ai cũng nhớ ra một người mẹ vui vẻ hàng ngày. Giờ đây, bà sẽ sống ra sao? Và người vợ, ngất lên ngất xuống khi nghe tin chồng đã hy sinh. Những đứa con thơ, nay phải tự mình đứng vững. Hệt như cậu bé trong truyện Mặt trời ở lại của tôi năm nào… Anh là Trung tá, Đội trưởng Đặng Anh Quân (sinh năm 1977). Anh tham gia huấn luyện chiến sĩ nghĩa vụ vào tháng 3/1997 tại đơn vị đặc nhiệm CAND. Hơn 20 năm công tác, với sự dũng cảm, mưu trí, anh được đồng đội tín nhiệm, phân công và trải qua nhiều vị trí chủ chốt trong đội. Tháng 1/2022, anh đảm nhận vai trò Đội trưởng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Cầu Giấy.

Nếu chỉ cần cẩn trọng chút thôi, những que hàn kia sẽ không làm bắn ra những tia lửa quái ác, người con trai mới hai mươi tư tuổi ấy sẽ còn cứu được nhiều người, nhiều chú chó, nhiều thứ quý giá trên đời… Trung úy Đỗ Đức Việt sinh năm 1998, cũng có cha là lính cứu hỏa. Nên anh mơ ước lớn lên sẽ nối nghiệp cha. Anh còn hứa hè năm sau đưa bà ngoại đi Sapa hay du lịch ở đâu đó. Rồi bà sẽ đợi dự đám cưới của cháu trai. Một đám cưới nay vĩnh viễn không còn nữa… Hệt như câu chuyện tôi viết năm nào, người chồng hứa sẽ đưa vợ con đi nghỉ mát, sẽ dạy cho vợ con bơi, mà rồi anh ra đi mãi mãi…

Và còn Nguyễn Đình Phúc, liệt sĩ hy sinh khi còn quá trẻ, chưa ai biết gì mấy về người con trai này. Ai người thương? Ai bạn hữu tuổi trẻ? Cứu được gần chục người rồi, nếu sợ lửa có lẽ không ai dám xông vào nơi chốn ấy lần nữa. Binh nhì Nguyễn Đình Phúc, chàng trai sinh năm 2003 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bố Phúc mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, nên anh hiện đang sống cùng mẹ. 2 mẹ con Phúc mở quán đồ ăn chay. Hai năm nay dịch dã kéo dài nên thu nhập của gia đình bị giảm sút. Hàng xóm của gia đình Phúc ở khu tập thể Nghĩa Tân cho biết, họ vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót vì ai cũng hiểu Phúc thương mẹ và rất có hiếu. Ngay trong sáng 1/8, Phúc cùng đồng đội đã giải cứu thành công 2 người dân tại đám cháy ở Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy). Và chiều hôm đó, anh tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ tại 231 Quan Hoa.

Ai đó viết những dòng xót xa. Tháng tám vừa sang thu về gõ cửa/ Thấp thoáng phố dài lá vàng bay trong gió/ Bỗng chiều nay cả Hà Nội lặng im/ Qua tin báo ngờ đâu là sự thật/ Ba người lính cứu hỏa hy sinh ngăn biển lửa bủa vây giăng lối…(**)

Tôi cứ những mong, họ không ra đi như vậy, thân thể họ có thể bị méo mó biến dạng. Như truyện Lính cứu hỏa mà tôi đã viết. Để những người cha người mẹ người vợ người bạn còn được nhìn thấy, còn được chăm nom.

Nhân vật lính cứu hỏa đã nói: “Ngọn lửa đã lấy đi của tôi một nửa gương mặt thật. Ngọn lửa u uẩn và vô cảm. Vào những thời khắc riêng biệt, tại nơi nào đó, chúng thiêu rụi mọi thứ, khiến con người dường như bất lực…”

Nhân vật cô gái trong truyện còn được chăm nom những người lính cứu hỏa của cuộc đời cô:

“Kể ra cuộc đời cũng có những trùng lặp khó lí giải. Ví như việc cô gái tên Miên con người lính cứu hỏa kia, lang thang trên mạng, lại quen và yêu một lính cứu hỏa như bố mình. Rồi cả hai người cô yêu thương đều cùng bị nạn từ lửa. Và cô đã lựa chọn cách sống của mình một cách dũng cảm.

Lửa luôn thiêu rụi mọi thứ.

Nhưng lửa cũng khiến cho vạn vật hồi sinh từ tro tàn…”

Nhưng câu chuyện mà chúng ta đang phải đối diện là có thật.

Họ còn quá trẻ. Còn bao nhiêu dự định trên cõi đời này. Các anh đã ra đi. Như những ánh sao trên bầu trời. Những ngôi sao mà không ngọn lửa nào có thể thiêu rụi. Hay họ chính là những thiên thần mà chúng ta đã từng có, đã từng được hưởng sự chăm lo của họ.

Cuộc sống vẫn tiếp nối.

Không sự bất cẩn nào có thể ngăn được dòng chảy cuộc sống. Nhưng dường như những ngôi sao xanh trên bầu trời kia luôn nhắc nhở cho chúng ta, cuộc sống này không cần phải có những hy sinh mất mát thêm nữa.

Tôi cứ mong, một niềm mong mỏi kiệt cùng, rằng sẽ không còn cậu bé nào phải trở thành người lớn khi mới 9 tuổi, như cậu bé trong truyện Mặt trời ở lại của tôi:

“Khi bố cháu tan chảy vào giữa tòa nhà trung tâm, cháu nghe tiếng bố gọi cháu và bảo: mặt trời của bố, con ở lại với mẹ nhé. Cháu ở lại và cháu biết mình phải làm thay bố mọi việc”

          – Viết tại Huế, ngày 3.8.2022, Kính dâng linh thiêng những anh hùng cứu hỏa –

(*)Truyện ngắn đoạt Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn viết về hình ảnh Người chiến sĩ công an Thủ đô – Công an tp HN và báo An ninh Thủ đổ phối hợp tổ chức, năm 2010

(**) Theo: Hội Người Thích Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy