Phạm Thị Ngọc Thanh sinh năm 1984, hiện đang là giảng viên Cao đẳng Hà Nội, là cộng tác viên của nhiều tờ báo và Nhà xuất bản. Ngọc Thanh sáng tác từ năm 1997, cho đến nay ngoài tác phẩm Thơ, Văn đăng trên các báo và diễn đàn Văn học, Ngọc Thanh đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Trổ bông” (2012); tập Tản văn “Hình hài của gió” ( 2013) và Tiểu thuyết “Ba bước tới mặt trời” (2013).

“Ba bước tới mặt trời” Tiểu thuyết về đề tài Học sinh – Sinh viên nhưng nội dung vươn xa hơn nhiều so với  cuốn Tiểu thuyết cùng đề tài ấy ! Trong “Ba bước tới mặt trời” có những mối tình, muôn vẻ – trong đó có những mối tình rất đỗi thơ mộng, thiêng liêng; có tình bạn đồng học thiết thân, đa phong cách; có nỗi buồn mất mát của chiến tranh và tinh thần anh dũng hi sinh của chiến sỹ anh hùng; có phương pháp kể chuyện huyễn tưởng về  người chết, nhưng vẫn tồn tại nơi cõi riêng của họ, nhằm chứng minh cho một ý tưởng rằng: mọi lời hứa cần phải được thực hiện. Tiểu thuyết tràn đầy chất thơ và đậm tính nhạc như một bản tình ca dễ thương của cuộc sống.

 

MẶT TRỜI CỔ TÍCH TRONG TIỂU THUYẾT CỦA

PHẠM THỊ NGỌC THANH

Phan Tuấn Anh

Bạn đọc trong cả nước, mà đặc biệt là cư dân mạng blogger Yume vốn không xa lạ gì với những vần thơ đẹp, trong sáng như pha lê của Phạm Thị Ngọc Thanh. Gần đây, chị lại chuyển dịch ngòi bút sang cả tản văn và tiểu thuyết, một quá trình khá tự nhiên đối với những người cầm bút có nội lực, bởi vì một thể loại cố định với những quy phạm cụ thể dường như là không đủ cho sức sáng tạo và trữ lượng cảm xúc của họ. Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Ba bước tới mặt trời (Nxb Quân đội nhân dân, 2013) của Phạm Thị Ngọc Thanh, quả thật ban đầu tôi khá ái ngại, bởi một nỗi lo lắng mơ hồ rằng chị sẽ không vượt được chính mình, vượt qua những thành công nhất định ban đầu trong thơ. Tuy nhiên, khi bị cuốn vào tác phẩm, nỗi lo lắng mơ hồ ấy dần tiêu tan, bởi vì, dẫu là tiểu thuyết, nhưng dấu ấn thi ca trong từng dòng văn xuôi vẫn hết sức đậm nét. Tôi muốn nhấn mạnh đến đặc trưng đầu tiên trong tiểu thuyết của Phạm Thị Ngọc Thanh, đó là “chất thơ”, là thi tính ngầm chảy trong nguồn mạch cảm xúc, phương thức xây dựng hình tượng, diễn ngôn truyện kể và phương thức cấu tạo văn bản.


Trước tiên, xét về mặt cốt truyện, Ba bước tới mặt trời là một câu chuyện cổ tích có hậu, nơi mọi mối tình và mọi nhân vật chính đã tìm được cho mình những bến bờ, sự hòa giải và cả sự phục sinh. Đã có những mâu thuẫn (giữa Linh Trang với Hạ Lan), những bi kịch (“cái chết” của thầy Hưng, của bố Hạ Lan), những thử thách (mẹ của Hà), những yếu tố kỳ ảo (hai bóng ma trong rừng của hai chị em)… nhưng tất cả những yếu tố đó không làm nên giá trị cho tác phẩm. Giá trị của tác phẩm cũng không nằm ở chỗ lạc quan, kết thúc có hậu, thậm chí, chúng tôi xem đôi khi đó còn là nhược điểm của cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên, giá trị của tác phẩm nằm ở chỗ, dẫu biết có những thứ vô lý, khó trở thành hiện thực, hoặc quá cao thượng, nhưng cách kể, cách xây dựng hình tượng, cách tác giả xây dựng giọng điệu của diễn ngôn truyện kể quá đẹp, quá lung linh và lãng mạn, làm cho người đọc cứ như bị cuốn trôi vào một miền cổ tích. Để vẽ nên miền đất huyền diệu đó, Ngọc Thanh đã kì công sử dụng nhiều màu sắc để “cọ vẽ” nên thế giới của mình, từ màu vàng của hoa osaka, đến màu xanh lam ngọc của bầu trời thu, màu tím của hoa thạch thảo, màu vàng ươm của hoa cải, màu hoa đỏ máu của phượng, rồi đến cách sử dụng mùi của một “đầu bếp”, như mùi hoa sữa đầy ám ảnh trang viết của chị, rồi đến cách sử dụng âm thanh của một “nhạc sĩ”, từ tiếng đàn guitar, tiếng đàn piano của Hà, cho đến tiếng hát trầm ấm của anh. Việc xâm nhập sâu vào nội tâm của nhân vật Hạ Lan, một tâm hồn đẹp, trong sáng, nhạy cảm và chịu nhiều mất mát trong cuộc sống cũng góp phần tạo thi/nữ tính cao hơn cho cuốn tiểu thuyết. Do đó, mặc dù ngôi kể được tác giả lựa chọn là ngôi thứ ba, nhưng tính chủ quan, sự xâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật đã biến ngôi kể đó mang bản chất và ưu điểm của ngôi kể thứ nhất. Tính duy cảm, nội tâm, nặng về cảm xúc của ngôi kể đã quy định phần nào giọng điệu trữ tình của tác phẩm.

Mặt khác, Ngọc Thanh với tư duy thơ ca rõ rệt đã chia tác phẩm của mình theo cấu trúc 40 chương, chỉ trong chưa đầy 210 trang sách khổ nhỏ, với nhiều khoảng trống, nhiều đoạn bỏ lửng. Tức là, trung bình cứ 5,25 trang, tác giả lại kết thúc một chương. Đó chính là lối cấu trúc với nhiều chỗ dừng, chiếu nghỉ và khoảng trống của tư duy thơ, giúp người đọc thường xuyên có điểm lắng đọng, suy tư và đồng cảm. Lối viết của Ngọc Thanh cũng đậm tính trữ tình, nên nhiều chương, thực ra có thể xem độc lập như những bài thơ văn xuôi. Người đọc do đó, đến với tiểu thuyết của chị cũng nhẹ nhàng, trữ tình như khi đọc tập thơ của Ngọc Thanh. Chúng tôi còn lưu ý một điểm nữa, đó là Ngọc Thanh là người làm thơ hay, và chị cũng biết vận dụng thế mạnh này của mình khi viết văn xuôi, bằng cách đưa nhiều văn bản thơ vào trong diễn ngôn truyện kể. Chúng tôi thống kê được có không dưới 10 lần, những văn bản thơ thuần túy đã được kết hợp vào trong diễn ngôn tự sự. Việc liên văn bản giữa thơ và văn xuôi đã làm mềm hóa tính tự sự, mà nâng cao tính trữ tình cho văn bản. Phương thức này cũng góp phần tạo ra những khoảng trống, những trường liên tưởng liên văn bản, buộc người đọc phải gợi nhớ đến nhiều bài hát, nhiều bài thơ của cả Ngọc Thanh và của những tác giả thành danh khác. Qua đó, biên độ nghĩa và quỹ đạo cảm xúc cũng dường như được kéo dài ra, sâu lắng hơn và ngân nga hơn. Nhiều bài thơ trong Ba bước tới mặt trời chúng tôi đánh giá là những bài thơ hay, ngay cả khi chúng đứng độc lập ra thành văn bản riêng. Ví dụ: Em có về thăm lại chốn xưa – Nhặt dùm tôi mộng mơ trong mắt – Trong ký ức vẹn nguyên và thành thật – Của mùa thu thơm ngát bên đường – Nhặt dùm tôi cành hoa dại không hương – Mong manh tím mội nỗi buồn hư ảo – Nhặt dùm tôi hạnh phúc sau cơn bão – Nhặt dùm tôi nỗi nhớ một người” [trang 42].

Thi tính trong cuốn tiểu thuyết còn thể hiện ở cách xây dựng tính cách nhân vật và quan niệm nghệ thuật về con người của Ngọc Thanh. Dường như với tác giả, mỗi nhân vật chỉ là một nốt nhạc khác của sự thống nhất một bản nhạc chung, với âm điệu, ca từ thống nhất và nối kết. Cái thế giới cổ tích mà Ngọc Thanh xây dựng dường như ít cá tính, ít sự đa diện, ít sự chuyển hóa tính cách, ít những con người xấu. Mỗi nhân vật là một cái đẹp khác trong cái đẹp chung mà chị hằng đeo đuổi, ám ảnh, đúng với bản mệnh một thiên thần áo trắng mà Ngọc Thanh từng vận vào trong hành trình sáng tạo thi ca. Trong thơ, và cả trong cổ tính, người ta không đi tìm những cá tính, sự đa diện, sự biến chuyển tư tưởng của nhân vật, người ta chỉ đi tìm cảm xúc, tìm cái ý nghĩa tổng phổ và sau cùng của tác phẩm. Chính vì vậy, cần xây dựng một lối đọc tiểu thuyết của Ngọc Thanh theo lối đọc thơ và đọc cổ tích, nhằm lần ra ý nghĩa và giá trị những nhân vật của chị. Kể ra, trong một thế giới nhiều bi quan, vỡ mộng, phân mảnh mà chúng ta đang sống, vẫn có thể viết và nghĩ như Ngọc Thanh về con người, về quan hệ giữa người với người thì là ảo tưởng, nhưng là cần thiết, bởi nếu chúng ta không hướng về cái đẹp, cái thiện, không nghĩ con người như chính giá trị và bản mệnh người của nó, thì thật là tệ hại và càng có nguy cơ đánh mất niềm tin vào tương lai. Chẳng phải, trẻ con trong mọi thời đại đều yêu mến cổ tích, và mỗi chúng ta, trước khi trưởng thành làm người lớn, hoặc để cuộc đời biến mình thành người lớn, cũng đã từng là trẻ con – quãng đời đẹp nhất của mỗi người đó hay sao?

Mỗi câu chuyện tình yêu luôn có một hạnh phúc riêng và một bi kịch riêng. Tất nhiên, không thể lấy phần hạnh phúc nhằm khắc phục và chữa lành cho những bi kịch. Mối tình giữa ba nhân vật Hưng – Hạ Lan – Hà phần nào vừa đủ đắng cay, bi kịch, thử thách để trở nên ý nghĩa, nhưng cũng vừa đủ hạnh phúc để ủi an và làm chỗ dựa tinh thần cho con người hậu hiện đại vốn đã quá nhiều hoang mang bởi những vết thương và sự thất bại. Tình yêu, dẫu sao chân mệnh và ý nghĩa của nó cũng là đi tìm hạnh phúc, dẫu theo thói thường, nó hay mang lại khổ đau, đến mức nhiều khi người ta tin một cách chắc chắn rằng tình yêu tức khổ đau, hoặc vẻ đẹp hay giá trị của tình yêu nằm trong chính nỗi đau và sự bất thành của nó. Ngọc Thanh hiểu rõ nguyên lý ấy, nhưng chị vẫn trả tình yêu lại cho tình yêu, tức cho những hạnh phúc, và đưa những lời hẹn thề quay về được với nhau như thủa ban nguyên thoạt kỳ thủy. Dĩ nhiên, cũng như tình yêu, mỗi tác gia và tác phẩm vẫn luôn có những giới hạn. Chúng tôi tin trong những tiểu thuyết sau, tác giả sẽ tiếp tục hành trình sáng tạo của mình với những tiểu thuyết mang chiều sâu tư tưởng hơn, cốt truyện hợp lý hơn, áp dụng nhiều kĩ/chiến thuật tự sự hiện đại hơn… Nhưng nếu chỉ dừng lại ngang chừng này thôi, tôi tin chúng ta vẫn có một Ngọc Thanh đúng như tên gọi của chị, một viên ngọc xanh sáng đẹp, và mọi người vẫn chờ viên ngọc ấy không ngừng mài dũa để sáng long lanh hơn nữa trong viễn trình sáng tạo.

Trường An, 16/6/2013

Exit mobile version