Bắt đầu là tiếng “meo” rất nhỏ, rời rạc, có vẻ dè dặt vang lên từ nóc nhà bên cạnh. Tiếp đến là sự di chuyển nhẹ nhàng, nghe sột soạt như tàu chuối cọ vào mái tôn, rất chậm nhưng riết róng.Tôi lắng tai. Có gì đó hối thúc, một sự đợi chờ dậy lên trong lòng. Im bặt. Không gian như ngưng đọng. Tôi cảm thấy tức ngực. Một nỗi sợ mơ hồ.Tôi mở mắt và cuống cuồng kéo tấm chăn trùm kín đầu. Gã đàn ông gặp lúc chiều, hơi thở ám khói thuốc và nồng nặc mùi rượu bia đã về với gia đình sau khi ngấu nghiến và ném cho tôi mấy tờ tiền. Tiền vẫn nằm vương vãi trên chiếc bàn nhỏ kê ở cạnh giường kia. Tôi nằm im, nghe ngóng. Một tràng âm thanh rượt nhau, rùng rợn, thê lương xa dần. Mồ hôi như đang tứa ra, nhớp nháp lưng tôi. Tôi muốn phát khóc, vì sợ, vì bị vây hãm  trong sự hụt hẫng tận cùng không có gì bấu víu… Tôi cảm thấy thấy lạnh. Bắt đầu từ đôi bàn chân dần dần lên đùi và dừng lại ở vùng giữa hai chân. Tôi khép chặt chân lại, nhưng vẫn lạnh  như ai ném từng vốc nước đá  vào người vậy. Một dòng nước, đúng hơn là một tinh thể lỏng nguyên khối, trơn tuột vừa rời khỏi tôi, trôi chuồi ra ngoài… Bụng tôi trống rỗng. Không thể nào… Nước mắt tôi bắt đầu tứa ra. Tôi mụ mị và  thiếp đi trong tư thế ngồi ôm gối.

Tôi choàng tỉnh lúc gần sáng. Tiếng gà eo óc phía làng xa. Ngoài kia mảnh trăng thượng tuần vàng úa treo chếch phía đỉnh trời. Từng cơn gió hào phóng thổi vào, tấm màn cửa bay phần phật. Tôi vẫn ngồi bất động, vô cảm. Chuyện tối qua  gần  như bị triệt tiêu, xóa vết. Đấy chỉ là cơn ác mộng. Cặp mắt tôi ráo hoảnh, đôi tay mỏi nhừ như vừa ôm vật gì đó lâu quá…Tôi nhìn đồng hồ. Phải chuẩn bị bữa sáng, trang điểm và đi đến điểm hẹn với đại gia Việt kiều ấy thôi. Tôi nhẩm lại địa chỉ quán cà phê cần đến. Tôi xếp chăn màn và đi vào phòng tắm. “Ối!” Tôi há hốc mồm. Một cục máu bầy nhầy nằm dưới sàn xâm xấp nước. Không thể như thế được. Tối qua, tôi nhớ mình không rời giường và cũng không làm điều gì ngu xuẩn, dại dột mà. Tôi định thần và nhìn vào gương. Một gương mặt mèo. Cặp mắt màu xám tro, lạnh lẽo, buồn bã. Tôi lắc đầu hét lên và bỏ chạy.

Tôi bị sốt phải nằm nhà sau sự cố. Đúng hơn là chấp nhận để giữ thanh danh cho gã đàn ông đốn mạt kia. Một cơ sở không giấy phép, dụng cụ y tế nghèo nàn nhưng được cái là tận tình và giá lại bèo. Gã đàn ông để lại cho tôi xấp tiền vừa đủ giải quyết của nợ và bồi dưỡng một tháng. Gã lạnh tanh đến không ngờ trước khi mang chiếc khẩu trang to dày vào mặt. Cắt liên lạc nhá, sơ suất như thế này có ngày chết cả lũ. Tôi cảm thấy buồn nôn hơn là giận gã. Được thôi, đến cả thân tôi cũng không tiếc huống gì gã công chức quèn ham của lạ
như anh. Tôi nhếch môi, nhét xấp tiền vào áo ngực rồi thầm nghĩ như để trấn an và nuốt sự ê chề vào lòng. Có đúng là của anh hay không mà tinh tướng!


Đến ngày thứ ba, không chịu được cảm giác trống vắng, sự bứt rứt chân tay, tôi cố gượng dậy và ra ngoài. Còn đi đâu thì chưa biết. Nhưng ít ra lúc này  cần xa cái phòng trọ chật, ẩm thấp và thum thủi chua chua mùi phân mèo này càng nhanh càng tốt. Nếu phải ở đây một giây phút nào nữa chắc tôi điên mất. Khi đi ngang hành lang hẹp, lách người qua cổng phụ dành cho xóm trọ, tôi cảm thấy nhột sau lưng, thì ra mấy con bé mặt trát đầy phấn ngày nghỉ tối đến quán bar đang nhìn tôi và bàn tán gì đó. Mặc, tôi ngẩng cao đầu và nện gót giày mạnh hơn. Một tràng cười đuổi theo tôi cho đến tận ngoài đường.

Tôi phải đến công ty khi trong đầu vừa nhớ ra việc phải hoàn tất hồ sơ hợp đồng cuối tuần này giao. Bác bảo vệ vui tính hôm nay nhìn tôi lạ lẫm, ý chừng dò xét. Có lẽ trông sắc diện của tôi hãy còn xanh xao hay vì tôi không vồn vã bắt chuyện như mọi ngày. Có lẽ cả hai. Tôi đang bước những bước đi không vững với bộ mặt buồn bã, mệt mỏi, với cái đầu như tảng đá đè lên vai. Đi lên hết cầu thang bộ tầng một, tôi dừng lại. Cũng may không có người nên tôi thoải mái tựa lưng vào tường thở dốc.

Thật chẳng ra làm sao nữa. Tôi  ngạc nhiên, rủa thầm  khi  thấy dáng Người Quen đang đổ ập vào người gã giám đốc trẻ. Tôi vội quay mặt, nhưng chắc rằng họ cũng thấy được cái bóng tôi lướt qua theo phản xạ. Vào phòng mình, tôi thừ mặt và nốc cạn cốc nước mát giải nhiệt cùng sự khó chịu đang nghẹn ứ. Một lát sau Người Quen bước vào, ngồi xuống chiếc bàn đối diện với tôi, tay vân vê đuôi tóc vừa như thách thức vừa như thăm dò thái độ của tôi. Tôi phớt lờ và mở máy. Dữ liệu trống trơn, tất cả tài liệu đã bị ai lấy hết. Tôi đảo mắt và nhấp chuột lia lịa để kiếm tìm. Định bụng đứng dậy đi hỏi trưởng phòng thì Người Quen đã lên tiếng. Tôi đã bị gạt ra ngoài không thương tiếc. Người Quen đã thay tôi theo lời trưởng phòng, đổi lại trưởng phòng sẽ được cất nhắc và Người Quen sẽ đồng hành với gã giám đốc trẻ trong buổi kí hợp đồng lần này. Tôi nghe buốt trong tim, một cảm giác hụt hơi xuất hiện. Tôi bị kéo tuột xuống ghế, mất hết sức sống. Gương mặt Người Quen chập chờn, biến dạng trước mắt tôi.

Tôi đã bị sa thải vì hay nghỉ việc không xin phép, ảnh hưởng nhiều đến công ty. Lý do đưa ra không thuyết phục lắm, nhất là với tôi, một nhân viên thông minh lại xinh đẹp. Hợp đồng muốn được kí nhanh, giám đốc đều kéo tôi đi cùng. Mấy đối tác mới gặp hay giở trò mèo vờn chuột, ỡm ờ với tôi trong bàn tiệc, trong quán karaoke…Tôi đã dè chừng nhưng khi thấy hàng ria mép tựa con râu róm nhấp nhỉnh và cái nháy mắt ra hiệu của gã giám đốc trẻ tôi đã bất chấp, ít ra mang về lợi nhuận cho công ty.  Tôi biết ở công ty này nhiều người ganh ghét, đố kỵ với tôi, ngấm ngầm muốn hất tôi ra khỏi vị trí mà tôi đang ngồi. Thêm nữa gã giám đốc trẻ lại là kẻ đầy mưu mô và dâm đãng. Gã muốn tôi phục vụ gã ở mọi lúc mọi nơi khi gã có nhu cầu, nhưng rồi lại bỏ rơi tôi không thương tiếc khi có con bé nào mê hoặc được gã. Người Quen là một ví dụ. Con bé nhà quê rặt từ dáng hình đến cách nói năng được tôi đưa vô công ty làm. Nhận lương tháng đầu nó đã nhờ tôi đưa đi tút tát lại mọi thứ, cảm ơn tôi rối rít, nguyện suốt đời không quên ơn tôi. Ấy vậy mà nó đã trở mặt chơi tôi một vố, đau thật. Tôi không giận nhiều mà lại có cảm giác thương hại nó. Sành sỏi trót đời như tôi mà nhiều lúc còn thấy chống chếnh, lạc lõng. Cái thành phố đông dân, hỗn tạp và nhiều cạm bẫy sẽ không dung nạp những con người ngác ngơ, nhiều tham vọng mà thiếu bản lĩnh như nó được. Nó sẽ bị đào thải, chịu sự ê chề nhục nhã nếu cứ muốn đeo bám mấy gã đàn ông mà không ngụy trang cho mình vỏ bọc vừa đàng điếm vừa nhu mì, cuốn hút. Tôi tự hào nghĩ thế và  bước ra khỏi công ty nhẹ hẫng như thể vừa tắm gội xong. Chính tôi cũng không ngờ cảm giác của tôi lúc ấy. Ra đến cổng, như một thói quen, tôi nhìn lại, từ trên tầng hai gã giám đốc trẻ vạch màn cửa, ném cái nhìn sắc lạnh theo tôi.

Đêm ấy tôi lại mơ. Những giấc mơ không đợi cứ trở về ám ảnh tôi. Và dường như trong những lần mơ ấy, hình ảnh con mèo già hom hem hay nằm sưởi nắng dọc hành lang đầy bụi bẩn đều có mặt. Con mèo già ấy có bộ lông màu xám và cặp mắt lạnh, khi bị đánh động thường phản ứng bằng tiếng meo yếu ớt rồi lại lim dim mắt tiếp tục tận hưởng sự khoái cảm đang âm thầm dâng lên trong lòng hay phớt lờ mọi xô bồ bên ngoài tôi cũng không biết nữa. Tôi không ưa nó nên hay tránh hoặc quát nó một câu cho nó vọt lẹ nhưng lần nào nó cũng làm tôi bực mình. Thay vì ngoan ngoãn nó lại uể oải ngước nhìn tôi rồi khép mắt. Dần dà, tôi đâm chán và chọn cách đi lối khác…

Những tiếng mèo vờn nhau, cào cấu nhau rồi rú lên từng hồi. Mùa động tình của những ả mèo đã đến. Không biết mèo đâu mà nhiều lắm thế, chúng tập trung lại, rần rật suốt đêm. Người ta bực quá, quát mắng và lùng sục tìm kiếm, lấy gậy chọc cho chúng chạy biến. Nhưng chỉ một lúc thôi, chúng lại mò tới vừa ai oán thê thương vừa hừng hực, tranh cướp. Tôi không tham gia việc đuổi mèo mà chỉ nằm lắng nghe để nhận biết rằng loài vật, kể cả con người lắm khi khó lý giải, nhất là vấn đề thuộc về sinh lý. Tôi không muốn mang mình ra để bào chữa cho việc dễ dãi trong các mối quan hệ, nhưng ít nhiều thấy rằng bên cạnh nhu cầu, con người ta còn muốn hả hê thỏa mãn một ý đồ nào đó nữa. Nhiều kẻ đến với tôi vẫn đang hạnh phúc với vợ. Hàng ngày, họ vẫn sóng đôi đến cơ quan, đi dạo công viên vào những buổi chiều hay cùng dùng bữa trong một nhà hàng sang trọng. Thế mà họ lại vẫn muốn ra ngoài, tìm cảm giác lạ. Tôi đem thắc mắc này hỏi nhiều người khi họ đang siết chặt lấy tôi và rên ứ hự để nhận một tràng cười khoái trá, cùng cái nhún vai khó trả lời. Thực sự, nhiều lúc tôi muốn tung hê, đạp đổ để trở lại cái thời mười tám đôi mươi, được săn đón bởi nhiều ánh mắt vụng dại của mấy chàng trai mới lớn nhiều mơ mộng. Đêm về  được đọc những dòng tin nhắn ngây ngô của họ mà cười rung rúc. Nhưng rồi, tôi lại phớt lờ, phó mặc để cuộc đời đẩy tôi đi đến đâu, miễn sao tôi có tiền. Có tiền để tôi tự cho mình cái quyền mà bị người ta tước đi khi còn nhỏ.

Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi tiếng càu nhàu khó ngủ của mấy người phòng bên, cả những tiếng chân vội vã của lũ đàn ông khát tình nhưng cạn túi tìm đến dãy phòng trọ tồi tàn này. Có cả lời qua tiếng lại nữa, dù cố gắng hạ giọng nhưng ban đêm vẫn nghe rõ một bởi không sòng phẳng, hàng không như ý muốn hay có kẻ xong việc muốn quỵt nợ, chuồn đi. Tôi nhếch mép khinh bỉ họ, khinh cả mấy con bé không biết cách kiếm tiền kia. Dại gì mà chiều chuộng những thằng công nhân nghèo mạt, toàn thân lúc nào cũng rin rít vị mùi mồ hôi vì tắm táp qua loa hay mấy tên xa vợ lâu ngày hễ say xỉn là hứng lên đi tìm gái mà như đi bắt trộm… Được mấy đồng mà lại mang tiếng mất giá. Còn tôi chỉ cần cái nhấp chuột và vài dòng PR là tha hồ lựa chọn. Ngẫm ra tôi đẳng cấp hơn bọn họ nhiều.

Tôi phải đi đâu đó một chuyến. Ý nghĩ này  hình thành và thôi thúc khi tôi chứng kiến xác mèo con dính đầy máu nằm trước cửa phòng. Có thể ả mèo cái nào đó sơ ý đánh rớt khi tha con chạy trên nóc nhà, cũng có thể ai đó ác ý bày trò hại tôi. Tôi lặng lẽ quấn  cái xác tội nghiệp kia vào chiếc khăn sạch, bọc ngoài tờ báo, bỏ trong túi xách và mang đi. Hành động này khiến mấy người ở dãy trọ, nhất là mấy cô bé phòng bên chột dạ, thắc mắc. Chúng nhìn từng cử chỉ của tôi không chớp mắt. Nhẹ nhàng, cẩn trọng và đầy nâng niu với cái xác mèo con là điều mà có lẽ lần đầu chúng chứng khiến thì phải. Và tôi đã biết mình nên đến đâu. Đó là một nghĩa địa đặc biệt nằm ngoài rìa thành phố. Nơi dành chôn thai nhi và những đứa trẻ vô thừa nhận yểu mệnh. Ông già chăn bò thấy tôi ngơ ngác bần thần không biết bắt đầu làm gì với cái bọc lấy ra từ túi xách đã hướng dẫn tận tình. Khi biết đấy chỉ là xác mèo con, ông già đã há mồm ngạc nhiên, dừng cuốc. Nhưng một thoáng thôi, có lẽ nhìn tôi lúc này quá tội nghiệp, chắp tay trước ngực kính cẩn và nhìn không chớp từng nhát cuốc bổ xuống đất nên ông già dịu giọng: “Đó là việc nên làm con ạ!” Tôi gật nhẹ đầu. Một làn gió mang theo hơi sương lành lạnh tạt qua, làm tóc tôi bay lòa xòa trước trán. Tôi khẽ đằng hắng để kiềm chế cảm xúc đang len lén dâng lên. Một buổi chiều như bao buổi chiều trong đời nhưng hôm nay tôi bỗng thấy lạ. Tiếng “con” mà ông già vừa cất lên khiến mắt tôi ầng ậc nước. Tôi  mủi lòng, nhạy cảm quá chăng? Tôi bị đuổi việc hay bị bọn đàn bà rảnh việc khỉnh bỉ ném những cái nhìn hằn học khi tôi được mấy gã đàn ông lắm tiền sinh tật dắt vào nhà hàng, nhà nghỉ cũng không khiến tôi tức tưởi. Tôi khóc vì đã rất lâu cái tiếng “con” kia tôi không còn được nghe từ miệng của người đàn bà khốn khổ, là mẹ tôi nữa. Tôi rất yêu mẹ, nhưng không thể gần mẹ được, vì phải mưu sinh, phải có tiền, phải thay đổi số phận. Một người mẹ tật nguyền, một ngôi quán bán vài thứ lặt vặt và mảnh vườn nhỏ không thể giữ chân tôi lại. Dù mẹ coi tôi là lẽ sống, là báu vật trên cõi đời này nhưng mẹ không thể hiểu được rằng tôi cần phải đi. Đi để khỏi nhục vì nghèo, khỏi nhục vì là kẻ không cha. Tôi không trách gì mẹ, chỉ hận kẻ thương hồ hay neo thuyền ở bên sông gần nhà đã buông mấy câu đường mật cùng với những lời hứa hẹn giả tạo, rằng bất chấp tất cả để có mẹ tôi. Nhưng rồi, định kiến hẹp hòi đầy oan nghiệt đã đánh gục niềm tin của ông ấy và mẹ tôi phải ôm nỗi đau âm thầm trong đắng cay và tủi nhục. Thật tình, nghĩ lại tôi thấy mình bạc bẽo vì đã không ở nhà với mẹ. Nhưng tôi lại biện minh cho sự ra đi của mình bằng lí lẽ rằng sẽ tìm được người đàn ông phản bội mẹ, để nghe ông ta nói gì làm gì. Tôi sẽ kiêu hãnh ngẩng cao đầu khi trong tay có tiền và bắt ông ta phải trả giá. Cũng vì ý nghĩ điên rồ ấy mà tôi đã dấn thân vô cái chốn nhơ nhớp dù rằng tôi ra trường xin được công việc ổn định, lương tháng dư dả chi tiêu ở thành phố đắt đỏ này. Và như đã mặc định trong đầu, trong lúc truy hoan bao giờ tôi cũng lén nhìn dưới cằm mấy gã đàn ông đang hùng hục cấu xé tôi, xem có cái nốt ruồi to như hạt đỗ kèm theo sợi lông xoăn xoăn hay không. Rồi một lần tôi đã đạp mạnh vào hạ bộ của người đàn ông như thế và bỏ chạy…

Ông già đã đào xong cái hố, độ sâu vừa phải, nhỏ thôi, nhưng trông ngay ngắn. Khi trông thấy tôi khóc, ông lắc đầu đồng cảm và tự tay đặt xác con mèo xuống đáy hố. Tôi cũng vội vàng hất những nắm đất mịn lấp dần cái xác đang lạnh ngắt kia. Bóng chiều đã ngã xuống, hoàng hôn như tấm voan trắng đục phủ tràn khắp nẻo. Ông già phủi tay, bảo sẽ lùa bò về. Tôi dúi vào tay ông ít tiền nhưng đã bị thoái thác: “Không nên con ạ, tiền không phải là tất cả. Hãy giữ mà nhang khói cho những sinh linh vô tội đang nằm kia!” – Tôi sững người mà nhớ ra rằng đã rất lâu tôi chưa đến đây thăm viếng kể từ ngày đó.

Ông già dần khuất sau gò đất và lùm cây dại mọc chằng chít ở mé đường. Còn lại một mình, tôi không có cảm giác sợ hãi như mọi lần ở nơi vắng vẻ mà dạn dĩ hơn nhiều. Tôi dạo quanh khu nghĩa địa, đếm từng ngôi mộ be bé nằm thẳng hàng, có cái bị chìm lấp bởi cỏ gai hay dây leo bám đầy. Một không gian yên tĩnh. Thảng hoặc tiếng chim xé ngang rồi vụt biến. Tôi vẫn mãi đi, như mụ mị trong vô thức. Tiếng mèo rú, tiếng trẻ oe oe khóc, và cả cục máu bầy nhầy nằm dưới sàn xâm xấp nước.. Đến khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện.

Tôi thay số điện thoại và tìm cơ hội việc làm qua các trang mạng. Căn trọ tôi thuê trông sạch sẽ, ngăn nắp. Chỉ mươi phòng chia làm hai dãy đối diện nhau. Hầu hết là sinh viên. Hôm đầu tiên đến tôi đã sững người khi trông thấy chú mèo con nằm ngoan trong tay cô bé sinh viên năm nhất. Tôi định tránh xa nhưng cặp mắt xoe tròn, dễ thương của nó như thôi miên đã kéo tôi quay lại. Cô bé niềm nở: “Chị ơi, trông nó đáng yêu không nào?”. Tôi gật đầu, ngần ngại chạm khẽ vào lưng con vật có bộ lông mềm mịn. Thoải mái dễ chịu lắm. Cô bé cười rất tươi, bảo em mang từ quê lên đấy. Ở dưới quê còn có con mèo mẹ nữa. Nó già lắm rồi. Xa con chắc nó nhớ lắm đây! Tôi vuốt ve chú mèo lần nữa và quay quả bước nhanh vào phòng, vụng về giấu vội giọt nước mắt chực rơi xuống.

Lần đầu tiên tôi khó ngủ, không phải vì lạ phòng, lạ chỗ ở mà là không có tiếng mèo. Mỗi đợt gió khua xào xạc đầu dãy nhà là tôi lắng tai nghe. Phòng đối diện chú mèo con chắc đang ngủ ngon lành cùng với cô bé rồi. Tôi lẩn thẩn với ý định sẽ mượn chú mèo kia ít bữa, liệu cô bé ấy cho mượn hay không.Nghĩ đến điều này tự nhiên tôi cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết, Tôi bật nhạc. Bản nhạc không lời êm dịu ru tôi chìm vào giấc ngủ.

Tôi bị đánh thức bởi tia nắng sớm xuyên qua ô cửa sổ, chiếu thẳng vào mắt. Mấy phòng bên mọi người chắc đã đi làm hay đến trường nên xung quanh yên ắng. Tôi nhoài người nhìn sang phòng đối diện như thể tìm xem chú mèo con dễ thương có nằm đâu đó không. Nhưng không thấy gì ngoài vạt nắng vàng ươm nhảy nhót theo sự chuyển động của tán cây đầu dãy trọ. Tôi cũng chuẩn bị đi gửi hồ sơ. Hôm qua người bạn học cùng đại học đã mách cho tôi một công ty đang cần người. Tôi cầm lấy gương, khuôn mặt tôi rạng rỡ đến không ngờ. Niềm vui chợt lan tỏa, tôi nhẩm hát bài tình ca theo từng nhát lược chải lại mái tóc uốn cong, hợp mốt. Một chút son môi, một tí phấn cũng đủ tôi thầm cảm ơn tạo hóa đã cho tôi nhan sắc mặn mà này. Tôi sẽ bước ra đường, trên đôi chân của sự trưởng thành để đi đến nơi  sẽ cho tôi niềm tin yêu cuộc sống. Tôi khoác túi lên vai, mở cửa. Nghe động, chú mèo con phóc nhanh ra từ cửa sổ phòng đối diện. Tôi trông thấy ánh nhìn của nó đầy da diết, thương yêu.

Nguồn Văn nghệ số 13/2016