Suýt nữa, tôi đã “đối mặt”với Thanh Thảo trong đêm khai mạc Festival Huế 2012. Gọi là “đối mặt” vì chưa được diện kiến nhà thơ lần nào nhưng đọc thơ ông viết lại không thể thanh thản được. Thế là cứ phải bay người theo những vệt sáng cảm xúc mà nắm bắt biểu tượng, mà cứu thua những pha tẽn tò nông nổi cảm nhận của mình như thủ môn mới xỏ găng vào nghề. Chẳng biết có phải vì thấu triệt tinh túy thơ ca-nhân dân-bóng đá hay không mà chữ nghĩa Thanh Thảo tinh quái đến thế.
Thú thật, không dám bon chen vào biển người phố Huế để tìm một cái “tôi” tráng kiện. Và rồi, tôi lại tự an ủi mình ở nhà trông 50 em sinh viên miền núi đi thực địa mà tôi ngồi ở nhà uống bia và “nhắm” với… thơ Thanh Thảo. Thứ thơ không bảng lảng như sương khói nước Nam, “khó ăn ảnh” như tân hình thức vì nó không phẳng, không đơn tuyến mà đan cài nhịp nhàng như một hàng tiền vệ. Bởi thế, nếu chỉ mải mê bẻ chữ, tìm nghĩa trong thơ ông thì khác gì cúi mặt mò trăng. Điều nên làm nhất và đáng làm nhất là quay lại, ngước mắt lên mà đối mặt chủ thể ôn hòa, điềm đạm đó. Ông là một mật mã. Hẳn thế, không bí ẩn như thế thì sao đủ cao tay vận hành một sơ đồ chiến thuật chữ nghĩa như thế này.
Câu thơ gồng lên sống lưng trâu
Tôi không mấy quan tâm đến cách phân loại, khảo cứu thơ ca Việt Nam. Đơn giản, đó chỉ là cách để làm sách cho học trò. Thậm chí là thổi phồng những gì ở mức độ thao tác lên thành ý tưởng hay đóng góp. Làm thơ, ở thời đại nào, tư tưởng, phương pháp sáng tác nào cũng chỉ là chất liệu, phương tiện để đạt đến hồn dân tộc. Thứ mà chỉ có dáng dấp, hình hài, độ trầm, bổng, đậm nhạt thậm chí là dị mọ, quái gở ở xứ sở đó mới có. Cái hồn ấy được thi sĩ gọi ra, cả cộng đồng hò reo như anh ta vừa hạ thủ chú bò tót, vừa lấy trái tim mình ra soi đường. Bản chất thơ ấy ở Thanh Thảo hình như thành một tự giác khó cưỡng. Một thứ ngôn ngữ thô nhám hơn triết học nhưng tinh túy hơn bùn đất. Và, không cách gì nói về thơ hay hơn bằng cùng thử đọc thơ ông:
có những lúc chán như con gián
anh lặng nhìn cây mai
mọc bình thường rễ trong đất ngọn lên trời
miễn uốn éo
cây mai cũ như lời hứa
ngày cha mẹ thành duyên
chiếc nhẫn đính hôn là một bình vôi
màu gan gà
cha mẹ không sống mãi với anh, trừ cây mai và bình vôi
thanh thản
mỗi mùa xuân hoa vàng vôi trắng
trời xanh đất nâu
như người thân chưa gặp đã lâu
anh vô nhà chào bình vôi ra ngoài sân chào cây mai cổ
chợt lớ ngớ như đứa nhỏ
quên mặc áo mới đón xuân về.
(Có những lúc)
Có gì đâu mà ông cũng “tạo sóng” được. Bình vôi đời cha mẹ, nghĩ kĩ ra cũng lung linh, thanh thoát. Hồn nó hợp với tình người thì nảy lên thành chiếc nhẫn đính hôn mảnh mai, lấp lánh. Thế rồi từ cũ kĩ mọc ra tươi non, từ đời cha truyền lại đời con, từ suy cảm nảy ra ý tưởng. Câu thơ đời thường nhất của Thanh Thảo đấy. Từ vô tri, khô khan cứ nảy mầm kiểu đó bằng một cách tạo sóng qua năng lực chữ nghĩa. Không! Thanh Thảo tuyệt không phải là muốn làm dáng. Sóng ấy là con sóng gợn lên, gồng lên từ cơ cực lam lũ như chân trâu nhẫn nại gồng lên một nét sống lưng. Bảo đó là thiếu mĩ cảm ư? Đẹp từ đâu tới nếu không phải từ hoa nở trên đất, từ cái sáng tạo vượt qua tầm thường? Núi sông có một dãy Trường Sơn, trời mây có dáng cầu vồng, ngực căng từng nhịp sống nén cơn đau và gồng mình cam chịu lo toan. Nét lưng trâu ấy cứ phảng phất trong thơ ông như cái đẹp tất yếu phải hiện hình trong những điều giản dị:
con đường làng mấy mươi năm mòn
dần dưới chân người, chân trâu, chân mưa
đường lầy thụt dẫn về yên tĩnh
ta đã có những con chuồn chuồn, con cá, con cua
(Ở quê nhà)
Chọn cái hình ảnh mòn nhất trong văn chương để tả đường mòn, Thanh Thảo tự đưa mình vào thế khó. Chân người. Thường! Thêm dấu chân trâu. Vẫn mờ nhạt. Nhưng đến dấu “chân mưa” thì cồn lên thật. Con người, con trâu, “con” mưa, ba thực thể ấy tự soi vào nhau mà lập thành ý mà cồn lên thành tứ. Đường ấy biết trầm tĩnh lùi về thảo thơm, cưu mang mà không đưa tới bon chen, chia li. Bởi đứng trước một giọng thơ không chịu bình yên như thế, người viết quyết đi tìm thêm những “sống trâu” khác. Lúc thì anh đồng nhất vào biểu tượng, quyết phối âm-dương với cũ kĩ của cỏ cây, của mòn vẹt đất đai để khỏa lấp, bồi tụ cho nhau mà bùng nổ:
Một ngày nào đó
Cây xanh chìa cho anh chiếc lá
Viết mấy chữ lờ mờ
Như thể anh cùng họ với cây
Buồn lặng trong đêm bụi bặm trong ngày
Chiếc lá có gì muốn nói
Một ngày nào đó
Rồi có khi chỉ tâm tình, kể về cái hệ lụy đời thường khi mang hài cốt anh về quê hương. Nhà thơ, thì cũng phải nín nhịn, bụi bặm như thường dân. Nhưng, chính cái hằng ngày bình thường, quen thuộc ấy cứ cứ cứa vào sợi tơ lòng thi sĩ mà nghẹn như tiếng nhị cầm hơi cho một tiếng lòng:
Mỗi lúc xe dừng thằng cháu vật vờ thắp nén hương
mỗi bữa cháo chợ cơm đường giấu giếm mời anh một bát
không dám nói không dám nấc
Anh hun hút thế giới chảy ngược
em ngẩn ngơ rát mặt bụi đường
Cứ giấu giếm thế, trầm uất thế để làm gì, nếu không phải là hào sảng một tình máu mủ đã ấp ủ, đã hạ thổ một men thơ trong lòng núi sông.
Bùng nổ một hàng tiền vệ
Nhưng, Thanh Thảo còn là một người khéo dựng cấu trúc và vận hành nó. Cấu trúc ấy không tĩnh cho người ta ngắm mà rất động. Các ý tứ cứ đan cài, mơ mang, thu hồi, hỗ trợ rồi bùng nổ một cái ý:
quân di chuyển những dòng sông chảy ngược
mây uy nghi Yên Tử thuở nào
còn in dáng Trần Nhân Tông mắt dõi về phương Bắc
tính nước cờ ung dung trên cao
(Tổ quốc)
Đưa qua, đưa lại 4 câu thơ, tưởng đùa nhưng thật. Hai câu thơ mở hướng sông, hướng mây diệu vợi, thế mà lại thu về dáng Thái thượng hoàng uy nghiêm trên ngọn Yên Tử. Rồi, kết thúc màn phối hợp ấy là tung ra một liên tưởng như tia chớp khiến người đọc không đoán nổi. Chọc thủng hàng thủ đoán bắt ý tứ mòn sáo, tự động hóa. Thế là ta thua: tính nước cờ ung dung trên cao.
Ai đó sẽ cho là cách tân thơ là sự bày vẽ rắc rối cho một thứ vốn đã chẳng gọn gàng gì là thơ. Nhưng nói thế với Thanh Thảo thì oan quá. Thơ có quyền mượn cách nói của nhạc, cách nghĩ của họa thì sao không thể có cả cách tổ chức của bóng đá. Một sáng tạo không chê vào đâu được nếu không muốn nói là: Xé rào cho thơ rất thông minh. Sự cách tân ấy bằng mấy lần cạo rửa, tô vẽ của nhiều cây bút trẻ làm mới thơ mình:
Đêm nay ai dắt tay nhau vào tiệc cưới
ai thức trắng lội sình
ai trầm ngâm viết những câu thơ thông minh
ai trả nghĩa đời mình bằng máu
máu đỏ thật không ồn ào
máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo
Bắt đắt từ cưới, từ hành quân rồi đến máu – thứ duy nhất kết nối được hai hướng đi cùng phương, ngược chiều ấy. Như một tam đoạn luận, một phối hợp tam giác, câu thơ cuối bùng nổ một ý nghĩ xuất thần: máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo.
Có phải ông đã nhìn ra bản chất thơ từ cuộc sống không, khi đất nước lâm nguy, ngực căng tràn tuổi đôi mươi nào cũng lặng lẽ tuôn dòng máu: Máu của người hi sinh, của trái tim căm thù rỏ máu thương nhân dân đất nước, của bầu nhiệt huyết vượt ngưỡng chứa đựng của hằng thường. Nói đi nói lại vẫn là chuyện người đấy – đất ấy, hoa ấy – đất ấy, trời ấy – đất ấy. Đơn giản vậy thôi thì có gì là mật mã nhỉ? Không dụng công kiểu cách, sống là nghĩ thật sâu để rồi người đọc lại được nhìn thật sâu vào ý nghĩ của ông để mà liên tưởng. Có lẽ nhà thơ Thanh Thảo của tôi đêm ấy ở bên kia cầu Tràng Tiền là một người như thế.
Lâm Việt
Nguồn: Toquoc