Vai trò đầu tiên của ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp giữa người và người trong xã hội. Dần dà, hệ thống ngôn ngữ ấy phát triển, mở rộng, tạo nên những thứ tiếng khác nhau mang đặc trưng của vùng miền v.v… Người ta dùng nó để lưu lại những gì đã xảy ra, những gì mình đã được chứng kiến hoặc những gì mà họ suy tư, họ cho là đúng, là tín ngưỡng, là niềm tin của mình, để sáng tạo ra những câu chuyện, những truyền thuyết, thơ ca và chữ viết. Từ chức năng giao tiếp ban đầu, ngôn ngữ kiêm luôn chức năng sáng tạo nghệ thuật, tạo nên một hệ thống ngôn ngữ khác hẳn với ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Đó là thứ tiếng nói bóng bảy hơn, trau chuốt hơn và giàu hình ảnh hơn. Thứ ngôn ngữ này ngày càng tinh tế qua khối óc và bàn tay điêu luyện của nhà sáng tạo. Đó là ngôn ngữ nghệ thuật.

Như vậy, ngôn ngữ nghệ thuật chính là thứ ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm được dùng chủ yếu trong văn bản nghệ thuật và các tác phẩm văn chương. Nó bao gồm ba thể loại: Ngôn ngữ tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, kí sự, phóng sự,…), ngôn ngữ thơ (ca dao, hò, vè, thơ,…) và ngôn ngữ sân khấu (kịch, chèo, tuồng,…). Nó được đặc trưng bởi tính hình tượng, tính biểu cảm và tính cá nhân (phong cách riêng của tác giả). Đồng thời có vai trò và nhiệm vụ thông tin, giải trí, giáo dục, tuyên truyền,…Nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Cảnh gọi nó là “người thuyết minh” trong văn bản.

Cũng theo Nguyễn Phan Cảnh thì chính sự giống nhau, gần nhau giữa các đơn vị ngôn ngữ đã đảm nhiện chức năng thuyết minh cho các tín hiệu ngôn ngữ xuất hiện trên thông báo là “người thuyết minh” trong văn bản. Khác với các loại hình nghệ thuật khác có thể nhìn thấy được, sờ mó, nghe được như tranh, tượng, điêu khắc, nhạc… Trong nghệ thuật ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật là cái xuất hiện trong ý thức, trong trí tưởng tượng của mỗi người, nó cần sự ăn khớp giữa lời nói và cái muốn thể hiện.

Tôi gọi “người thuyết minh” trong văn bản là “mật mã nghệ thuật”. Giữa ngôn ngữ và người sáng tạo luôn có một sự kết hợp, tương quan, ảnh hưởng lẫn nhau. Mỗi nhà văn, nhà thơ có một “mã” nghệ thuật đặc trưng cho phong cách của mình. “Mã nghệ thuật” ẩn giấu trong đó tư tưởng, tình cảm, tâm tư, suy nghĩ của “nhà tạo mật mã”. Trong bất cứ một tín hiệu ngôn ngữ nào cũng luôn tồn tại cái nghĩa thật sự, nghĩa xã hội, nghĩa phổ biến của nó, cái nghĩa mà ta thường gọi nôm na là nghĩa “đen”. Khi tín hiệu ngôn ngữ ấy đi vào văn bản nghệ thuật và trở thành một “mã nghệ thuật” cần được giải đáp bởi người đọc, cái nghĩa “đen” của nó đã bị biến đổi thành một nghĩa khác. Đó chính là cái nghĩa mà người viết muốn gửi gắm. Giải mã được khía cạnh này cũng có nghĩa là đã nắm bắt được “người thuyết minh” trong văn bản nghệ thuật.

Lấy một bài thơ của Hồ Xuân Hương làm ví dụ. Bài “Bánh trôi nước”. Chọn bài này là vì còn có khá nhiều tranh cãi giữa tín hiệu ngôn ngữ và cách giải mã.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Đọc bài thơ, đúng như chủ đề đã nói, đây là một bài thơ tả về cái bánh trôi nước thật sự và cả cách thức làm bánh. Một cái bánh trôi “vừa trắng lại vừa tròn”, khi đem vào nấu thì “bảy nổi ba chìm” trong nồi nước. Bánh tròn hay méo, rắn hay nát cũng đều là do người nặn và nhân bánh là đường đỏ “tấm lòng son”. Từ những mã ngôn ngữ này người ta liên tưởng đến thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, vất vả, cực nhọc, không tự chủ. Nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là, có thật nói đến bánh trôi nước là nhà thơ muốn nói đến người phụ nữ hay không?

Trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có thời kỳ nào lại coi “tròn” là tiểu chuẩn để đánh giá vẻ đẹp của nữ giới. Ca dao có câu

“Những người thắt đáy lưng ong

Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con

Những người béo trục béo tròn

Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày.”

“Tròn” không phải là tiêu chuẩn của cái đẹp. Nguyễn Du từng tả vẻ đẹp của Thúy Kiều trong “Đoạn trường tân thanh” như sau: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Và “Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”. Đó mới là tiêu chuẩn của cái đẹp mặn mà, sắc sảo. Chính Hồ Xuân Hương cũng từng viết “Xiếu mai chi dám đường trăng gió/ Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh” (Tranh tố nữ). Sao có thể khẳng định rằng “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” là ám chỉ một cô gái đẹp đẽ, xinh xắn, tròn trịa, trắng trẻo được. Theo tôi, cái mà tác giả muốn gợi lên ở đây chính là “gò Bồng Đảo” của người phụ nữ. Câu “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” là cái trào lộng của Hồ Xuân Hương. Đây là phong cách khá quen thuộc trong thơ Nôm của bà. Khi “giải mã” được cái mà Hồ Xuân Hương muốn nói tới thông qua “Bánh trôi nước”, mọi chuyện trở nên dễ dàng. Đó mới chính là Xuân Hương, một con người luôn nở nụ cười ngay cả khi buồn nhất. Còn “Bảy nổi ba chìm với nước non”, cũng không có gì là khó hiểu khi người ta gán nó với thận phận của người phụ nữ. Như vậy là có sự đối chọi giữa hai cách hiểu. Tuy nhiên, ai cũng biết, “gò Bồng Đảo” là đặc điểm nhận dạng của phái nữ. Dùng hình ảnh này để nói về họ cũng đâu có gì là lạ. Trong thơ Hồ Xuân Hương có đầy rẫy những “đặc trưng” này. Cái mà tôi muốn nói ở đây, “Bánh trôi nước” không phải là hình tượng người phụ nữ mà chỉ là một “bộ phận đặc trưng” của người phụ nữ mà thôi.

Phong cách cá nhân là thứ quyết định tín “hiệu mật mã”. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều có cá tính riêng, có cái nhìn khác biệt đối với sự vật, sự việc, hiện tượng. Do đó, những “mật mã” mà họ sử dụng cũng sẽ không giống nhau. Cùng một hiện tượng, một chủ đề không có nghĩa là sẽ có cùng một cái nhìn. Đó chính là sự khác biệt giữa tứ thơ của các tác giả. Tứ thơ, đó là cách thức mà nhà thơ thể hiện tâm trạng, quan điểm của mình, là cái làm nên chất riêng của mỗi tác giả. Vẫn là “Đèo Ba Dội”, nhưng qua con mắt của bà Huyện Thanh Quan, đó là một khung cảnh man mác, buồn thương, não nề. Còn với Hồ Xuân Hương, nó tràn trề sức sống, nó chuyển động, và đầy màu sắc. Cùng là tình yêu, Xuân Diệu  rạo rực, đam mê nhưng Huy Cận lại âu sầu, ủ rũ. Tất cả những yếu tố này đều được quyết định bởi phong cách lập mã của riêng mỗi nhà thơ.

Khi người lập mã đã mã hóa tác phẩm của mình rồi thì tung nó ra bên ngoài cho người thưởng thức, trách nhiệm giải mã thuộc về người đọc. Muốn hiểu được câu thơ ấy nói gì, nhà thơ ấy muốn gửi gắm điều gì buộc người tiếp nhận phải giải mã cho bằng được những tín hiệu ngôn ngữ thơ đó. Có những tín hiệu đơn giản, nhưng cũng có những mật mã vô cùng phức tạp. Nó phụ thuộc vào bàn tay và khối óc sáng tạo của tác giả đồng thời cũng tùy thuộc vào khả năng tìm tòi, đồng sáng tạo của người đọc. Muốn giải mã được văn bản, trước hết, người tiếp nhận phải tẩy đi được cái chức năng định danh ban đầu của ngôn ngữ.

Với vai trò là một công cụ giao tiếp, ngôn ngữ luôn được mặc định sẵn về mặt ngữ nghĩa. Đó là cái nghĩa định danh, nghĩa từ vựng học. Người viết đã dùng thao tác lựa chọn để gạt cái nghĩa phổ biến sang một bên và biến từ ngữ sử dụng trong bài thành một “mật mã”. Đó chính là lý do vì sao “con ốc” hay “quả mít” trong thơ Hồ Xuân Hương thoát thai thành người và “cái quạt” không còn là cái quạt bình thường trong thực tế. Vấn đề đặt ra cho người giải mã là phải từ những tín hiệu ngôn ngữ sẵn có trong bài, suy đoán, tìm tòi để hiểu ý nghĩa của hình ảnh đã được mã hóa. Nếu có sự khác biệt giữa các “mã” đã được giải, lẽ đương nhiên là sẽ tạo ra những tranh luận, lúc này người giải mã còn phải kiêm luôn công việc của một người chứng minh, xác thực. Qua cách lý giải, qua những dẫn chứng để khẳng định lập luận của mình. Trong phê bình, thật khó để nói là ai đúng ai sai. Chỉ có thành công hay chưa thành công. Khi chứng minh được luận điểm của mình là đúng và thuyết phục được đông đảo người đọc, có được sự ủng hộ và đồng tình, thì nhà nghiên cứu phê bình ấy đã thành công. Ngược lại, nếu không thuyết phục được người khác công nhận lập luận của mình, cũng có nghĩa là chưa thành công. Chưa thành công chứ không hẳn là thất bại. Vì biết đâu, một ngày nào đó, chính họ lại tìm ra đầy đủ những chứng cớ thuyết phục được mọi người.

Trong quá trình lập mã và giải mã này, lựa chọn là một thao tác quan trọng và hết sức cần thiết. Nó thể hiện một cách rõ ràng nhất, chính xác nhất cái mà người viết muốn nói. Đồng thời, nó cũng chính là tín hiệu mật mã của bài thơ.Ví dụ, trong bài thơ “Gửi lòng con đến cùng Cha”, Thu Bồn đã viết:

“Hành trang Bác chẳng có gì

Một đôi dép mỏng đã lì chông gai.”

Tôi đánh dấu từ “lì”, trong tiếng Việt, “lì” cùng trường nghĩa với “mòn, cùn, chai,…”. Vì sao tác giả không dùng “cùn” hay “mòn” mà dùng “lì”. Hiệu quả ở đây không chỉ để cho đúng với luật thơ lục bát, từ “lì” mang đến cách hiểu có giá trị hơn so với các từ còn lại trong trường nghĩa của nó. Ngoài cái nghĩa đen là đôi dép này đã cũ, đã mỏng, đã mòn, đã được sử dụng rất lâu rồi, nó còn mang thêm tính can trường, gan góc, lì lợm, đạp bằng mọi thử thách gian lao.

Lấy thêm một ví dụ khác trong thơ Hồ Xuân Hương, bài “Đá ông Chồng bà Chồng”. Trong đó có câu:

“Gan nghĩa giãi ra cùng nhật nguyệt

Khối tình cọ mãi với non sông.”

Tôi đánh dấu từ “cọ”. “Cọ” nằm trong trường nghĩa của “chà, xiết, mài, miết,…”. Xuân Hương chọn từ “cọ”, vì đây là từ có khả năng gợi tả và phù hợp với “phong cách lập mã” của bà nhất. “Cọ”, nó vừa gợi cái cảm giác thân thiết, lại vừa mang cái tính giễu cợt, suồng sã rất đặc trưng của “bà Chúa thơ Nôm”.

Nói tóm lại, “mật mã nghệ thuật” chính là những “tín hiệu ngôn ngữ” cần được “giải mã” trong một văn bản nghệ thuật. Việc lập mã thuộc về tác giả và giải mã là một trò chơi trí thức thú vị đối với độc giả. Một mật mã kêu gọi được sự quan tâm, chú ý của nhiều người, dẫn dắt họ vào mê cung củ0a ý nghĩa, buộc họ phải phát huy hết khả năng của mình để tìm tòi, phát hiện, giải đáp và chứng minh, đó là một mật mã đã thành công trong công việc “mã hóa” ngôn từ của mình. Và chắc chắn người lập ra “mật mã” này sẽ được hoan nghênh và công nhận.

Vũ Thị Huế

Nguồn: vanvn.net.