Với M. Duras, tình yêu là ân sủng của thượng đế. Khoái cảm tính dục là một món quà tuyệt vời mà chúa ban tặng loài người. Vậy thì, sống, đó là sự hưởng thụ khoái cảm. Niềm ham sống của con người chỉ có thể tồn tại, khi còn cảm nhận được ân sủng tuyệt vời này. Viết và yêu là hai trạng thái song tồn trong cuộc sống của Duras. Tôi, người đàn bà mang gương mặt khoái lạc. Đó là một cách nói của Duras, như một tín hiệu để hướng người đọc vào văn bản – một thế giới luôn tràn đầy nhục cảm. Và, cũng là một tuyên ngôn: viết, là sự hiển lộ niềm khoái lạc thân xác và giải phóng nỗi cô độc, dồn nén, ứ đầy.
Bạn đừng đánh đồng tinh thần hiện sinh và lối sống trụy lạc của giới trí thức Pháp. Trước khi bước vào hang động ái tình của M. Duras, chúng ta đừng quên, M. Duras từng là một chiến sĩ cộng sản, từng hoạt động hết mình trong phong trào kháng chiến chống Đức quốc xã – thế chiến II. Bà là bạn thân và đã cùng sát cánh bên tổng thống François Mitterand (1981-1995) trong những tháng ngày cam go nhất. Bà làm hết mình, từ việc bán báo, nấu cơm cứu tế, kể cả việc “tra tấn tù nhân”. Dường như, những nghệ sĩ lớn của Pháp đều là những nhà hoạt động xã hội, những chính trị gia.
Văn bản của M. Duras tràn đầy nhục cảm thân xác. Mỗi cuốn tiểu thuyết là một sự thể nghiệm thân xác bằng nghệ thuật ngôn từ. Tính tự thuật – nếm trải đàn bà này, đã tạo sự tò mò, thú vị của độc giả khi tiếp xúc văn bản của M. Duras. Dù ở ngôi thứ nhất – je, hay ngôi thư ba – elle, người đọc vẫn nhận ra một Duras yêu đương cuồng nhiệt, say đắm, đớn đau thân xác trong văn bản.
Tất nhiên, cội nguồn cho sự tiềm tàng năng lượng tính dục đó, còn là chất man dại của phương Đông. Người Pháp thích M. Duras vì cái chất man dại – annam này: làn da ngăm ngăm, mái tóc đồng thau nhức nhối, ẩm ướt, đôi mắt âu sầu, quyến rũ, gợi cảm. Đó chính là hơi thở của đất, là mùi và màu của sông nước miền nhiệt đới đã ngấm vào Duras qua mười tám năm sống ở Đông Dương – Việt Nam.
Bản nhạc thân thể: thanh sạch, vô tội
Chủ nghĩa tự yêu mình (narcissisme), tự say mê và tụng ca thân xác, đó chính là gương mặt của nữ sĩ Duras. Sau khi mất (1996), phần đa bạn bè và những người tình của bà đều thừa nhận: M. Duras là người đàn bà say mê khoái lạc. Sống, là chinh phục và hưởng thụ khoái lạc.
Mỗi tác phẩm là một bản nhạc thân thể. Vô tận. Ám ảnh. Nhưng đẹp và thanh sạch tuyệt vời. Hình như, văn chương giữa hai bờ thế kỷ này, khó tìm được những trang mô tả tình dục đẹp như trước? Tình yêu không còn thiêng liêng, say đắm. Đồng tính, thủ dâm, loạn luân, tất cả phô ra trên trang sách một cách thô tục, trần trụi, trơ trẽn… Văn chương hậu hiện đại, về cơ bản, mô tả sự bất lực tính dục hơn là niềm say mê tính dục.
Ở M. Duras, tính dục đứng cao hơn thân xác. Đó là một thứ mỹ học của tính dục. Đẹp, thuần khiết, vô tội. Có lẽ, đó không chỉ là kỹ thuật viết. Đó còn là bản năng viết – của đàn bà. M. Duras viết bằng hơi thở gấp gáp, si mê, cuồng loạn của những cuộc tình. Bà luyến láy ngòi bút trong niềm đam mê vô tận đó. Ngập ngừng, ngưng động, trì hoãn trong câu chữ, rồi tuôn chảy ào ạt như những đợt sóng tình. Duras đã tạo ra những khoảng trống, khoảng trắng, khoảng lặng trên văn bản. Đẹp và quyến rũ một cách lạ thường.
Xin dừng lại ở Người tình/ L’Amant – tác phẩm viết về tính dục đẹp nhất của Duras. Trong văn bản, scène làm tình của cô bé da trắng mười lăm tuổi rưỡi với chàng trai Trung Hoa được mô tả cận cảnh. Scène này tái đi, tái lại trên văn bản như một điệp khúc ái ân say mê, vậy mà người đọc không cảm thấy sự thô tục:
(Cô không nhìn anh. Cô sờ người anh. Cô mơn man sự êm dịu của giới vật, của làn da, cô vuốt ve màu vàng óng ả, điều mới lạ chưa từng biết đến. Anh rên rỉ, anh khóc. Anh ở trong một tình yêu tệ hại.
Anh vừa khóc vừa yêu cô. Ban đầu là một sự đau đớn. Và rồi cái đau bị lấn át, bị thay đổi, dần dần bứt ra, bị cuốn về phía hoan lạc, siết chặt lấy cô.
Biển cả, vô hình dạng, không gì có thể sánh được…” ([1])
(Nguyên bản tiếng Pháp “Elle ne le regarde pas. Elle le touche. Elle touche la douceur du sexe, de la peau, elle caresse la couleur dorée, l’inconnue nouveauté. Il gémit, il pleure. Il est dans un amour abominable.
Et pleurant il le fait. D’abord il y a la douleur. Et puis après cette douleur est prise à son tour, elle est changée, lentement arrachée, emportée vers la jouissance, embrassée à elle.
La mer, sans forme, simlement incomparable..” (tr. 50, L’Amant, Les éditions de Minuit, 1984)
Bao nhiêu cuộc tình, bao nhiêu tháng năm qua đi, để có thể giữ lại những trang viết như vậy về mối tình đầu tiên? Ngay cả khi Duras đã về già, ở tuổi ngoài 60, ngồi viết lại mối tình đầu đời này, giọng văn vẫn đam mê, dồn dập.
Nhân vị – đàn bà: say đắm với tình nhân, ngọt ngào, tận tụy với người bạn đời…
Phá vỡ quan điểm hôn nhân duy nhất – một định chế xã hội trói chặt cuộc đời người phụ nữ trong thế giới vô vị, nhàm chán, M. Duras đã mặc khải cái tôi – đàn bà bằng những cuộc tình tự do.
Cũng như một G. Sand ở lâu đài Nohant thế kỷ XIX, vây quanh M. Duras ở phố Saint-Benoît là những người đàn ông trí thức – nghệ sĩ, chính trị gia ([2]). Đó là những năm 1943-1945, một thời hoạt động cách mạng gian truân, nguy hiểm nhưng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của Marguerite Duras. F. Mitterrand – cựu tổng thống Pháp từng sống trong ngôi nhà của Duras, và nhờ nơi đây, ông đã làm nên một sự nghiệp chính trị huy hoàng.
Đây cũng là thời kỳ – đàn bà nhất của M. Duras. Tuổi 30. Đẹp, quyến rũ và say mê. Thông minh, kiêu hãnh và gợi cảm. Duras làm chao đảo đàn ông Paris thời bấy giờ.
Cũng phải nói rằng, đàn ông Pháp nhìn nhận phụ nữ có phần khác đàn ông Việt Nam. Họ rất thích người đàn bà ở tuổi ngoài 30. Họ cho, đó là một thứ quả không quá xanh, và cũng không quá chín. Đậm đà. Bí ẩn. Vô tận… Còn đàn ông Việt Nam, lại thích những thứ quả xanh tơ? (Hình như vậy!). Và cái văn hóa “thích” này của đàn ông phương Đông đã khiến cho cuộc đời của một người đàn bà rút ngắn lại như khoảnh khắc của cánh hoa phù dung?
M. Duras đã sống đúng nghĩa cái nhân vị – đàn bà, ở cái tuổi Entre trente âges, để sau này, viết đúng nghĩa của một nhà văn.
Trong số chính trị gia nói trên, Robert Antelme và Dionys Mascolo đều là những người tham gia hoạt động trong phong trào kháng chiến chống Phát xít Đức, dưới sự chỉ đạo của François Mitterrand. Cả hai đều yêu quí nhau và đều được Duras say mê. Một bên là Robert Antelme, với danh nghĩa là người chồng có hôn thú – hợp pháp; bên kia là người tình si mê, nửa bí mật, nửa công khai. Robert yếu ớt về thể xác, tận tụy về tâm hồn, Dionys cuồn cuộn đam mê thân xác. Nàng trở thành câu chuyện scandale ở phố Saint-Benoît, và làm xôn xao cả kinh thành Paris vào thời bấy giờ.
Thông minh, bản lĩnh và quyến rũ, vì vậy cả Robert và Dinoys đã say mê nàng, và trên hết, khuyến khích tài năng sáng tạo của M. Duras. Còn Duras? Nàng chăm sóc Robert như một người mẹ, ân cần, dịu dàng, nhẫn nại. Tôn thờ Dionys như một người tình tuyệt vời. Không ai làm tình tuyệt vời như Dionys – Duras thổ lộ.
Kết cục của cuộc tình say mê này là M. Duras đã có con với Dionys – đứa con mà nàng khao khát từ lâu. Robert đã ra đi một cách cao thượng. Và, họ vẫn là hai người bạn trai sống chết cùng nhau, dù cho, sau này, Duras tiếp tục những cuộc phiêu lưu tình ái…
Khoái cảm tính dục có thể hóa giải tuổi tác, nỗi cô đơn và cưỡng lại cái chết?
Với M. Duras, tình yêu xuyên màu da, xuyên sắc tộc và xuyên tuổi tác. Qua Duras, các phạm trù đạo đức, các định chế xã hội trở nên nát vụn.
Mối tình kỳ dị, đam mê, tốn nhiều bút mực của công luận, đó là chuyện tình cuối đời giữa Duras với chàng sinh viên khoa triết Yann Andréa nhỏ hơn bà gần 40 tuổi. Lúc này, Duras đã ở tuổi 66, còn chàng trai chỉ mới 28. Từ tôn sùng, ngưỡng mộ, đến bị chinh phục và si mê, Yann Andréa đã ở lại trong chốn hoàng cung ái tình của Duras cho đến trọn đời ([3]).
Nóng bỏng, đam mê, run rẩy như mối tình đầu tiên, Yann đã làm trỗi dậy tất cả niềm khao khát sống, khao khát sáng tạo ở người đàn bà này. Họ chốt chặt bên nhau trong niềm đớn đau lạc thú. Thế giới ngưng động. Thượng đế mỉm cười. Bất chấp thời gian. Bất chấp không gian…
Với mối tình kỳ lạ này, bật ra hai điều cần suy ngẫm:
Thứ nhất, tình yêu và khoái lạc, là yếu tố quan trọng nhất để thăng hoa nghệ thuật. Nếu không có Yann, có thể M. Duras chỉ là một người đàn bà nát rượu, sống trong huyễn tưởng của những khát vọng bị lụi tàn.
Xét trong khoảng thời sống với Yann, M.Duras đã viết rất dồi dào, mãnh liệt. Hầu như, những tác phẩm quan trọng nhất, Duras sáng tác sau năm 1980, kể từ cuộc tình định mệnh, dấn thân này. Tác phẩm L’Amant viết về mối tình đầu tiên ở Việt Nam, nhưng cái hơi thở gấp gáp, nồng say đó đã được Duras tái hiện trong cánh tay người tình là Yann. Yann là người đọc đầu tiên, cũng là người chữa bản thảo tác phẩm nổi tiếng này. Hàng loạt cuốn tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, điện ảnh của Duras được viết từ cảm hứng cuộc tình với Yann. Cần mẫn, ái mộ, Yann vừa là người tình, vừa là đứa con bé bỏng, người thư ký tuyệt vời nhất của Duras.
Thứ hai, mối tình đam mê thân xác này đã đánh đổ một luận đề sinh học về phụ nữ. Rằng, đàn bà ngoài 50 “chẳng là gì nữa cả”. Trên thực tế, đàn bà là một thế giới bí ẩn, bất ngờ và tiềm tàng hơn đàn ông rất nhiều. Những luận đề khoa học và cái nhìn định kiến của đàn ông, khiến cho phụ nữ bị nhốt trong những huyền tưởng có tính lừa mị. Duras như một dòng thác, một hang động vô tận để Yann ngụp lặn trong thế giới đó. Bà nhào nặn Yann trong cánh tay tình ái và trong những trang viết tràn đầy nhục cảm… []
Yann, em yêu anh. Tạm biệt. Đó là câu cuối cùng, nàng nói với người tình Yann để đi về thế giới bên kia. Và biết đâu, còn phiêu lưu trong một chốn trường tình mới? Cũng không chừng! Như cách nói kiêu hãnh, khiêu khích của Duras đối với đàn ông Paris… []
Sống đam mê. Viết trong im lặng. Marguerite Duras là một kiểu hiện sinh – nữ quyền đáng khâm phục. Sống và thể nghiệm hết mình về cái nhân vị đàn bà, Duras đã làm nên một sự nghiệp văn học lẫy lừng – một huyền thoại trên văn đàn Pháp.
Miên man giữa nghĩa địa Montparnasse để tìm mộ “nàng“, tôi tự hỏi: liệu phụ nữ Việt Nam, có thể sống như Duras, viết như Duras và tận hưởng một miền khoái lạc như Duras?
Trần Huyền Sâm
________________
Nguồn: TCNV 01-2012.