Năm 2015, Marc Levy trình làng cuốn tiểu thuyết thứ mười lăm, cuốn sách mới nhất của ông với tên gọi “Elle et lui” (Cô ấy và anh). Ông là nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất trong lịch sử và cũng là một trong những nhà văn được độc giả trẻ ở Việt Nam yêu thích nhất.
Marc Levy – nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất trong lịch sử. Ảnh: Claudiapaul |
“Mỗi câu chuyện tình của Marc Levy đều đặc biệt và để lại nhiều dư vị. Tình yêu trong câu chuyện luôn luôn tràn ngập, thế nhưng đằng sau tình yêu còn là duyên nợ, còn là thực tế khiến ta dần dần học được sự chấp nhận, trách nhiệm, sự bao dung trong cuộc sống” – một độc giả VN bình luận trên một diễn đàn sách trực tuyến khi nói về những tác phẩm được yêu thích của Marc Levy như Nếu em không phải một giấc mơ, Em ở đâu, Đêm đầu tiên, Mạnh hơn sợ hãi, Mọi điều ta chưa nói, Kiếp sau…
Nhiều độc giả hâm mộ nhà văn Pháp Marc Levy cho rằng “những tác phẩm của ông truyền cho độc giả niềm tin, chẳng bao giờ muộn để khám phá năng lực trong bản thân mỗi người”.
Năm 2015, Marc Levy trình làng cuốn tiểu thuyết thứ mười lăm, cuốn sách mới nhất của ông với tên gọi Elle et lui (Cô ấy và anh).
Lấy bối cảnh Paris đương đại, Elle et lui là một câu chuyện tình lãng mạn giữa cô gái tên Mia và chàng trai tên Paul. Nàng là diễn viên, chàng là văn sĩ. Nàng người Anh, chàng người Mỹ. Nàng là một ngôi sao nhưng chàng không hay điều đó.
Nàng cảm thấy cô đơn và chàng cũng vậy. Chàng luôn khiến nàng bật cười. Nàng là người vụng về tới mức “không thể cứu chữa”. Họ đã gặp nhau và rồi câu chuyện “hài kịch tình yêu” bắt đầu…
Đầu tháng 12-2015, Marc Levy cho biết ông đang thương thảo để bán bản quyền tiểu thuyết mới nhất của mình cho hãng phim muốn chuyển thể tác phẩm thành kịch bản phim.
Marc Levy tiếp tục thành công trong năm 2015 với tác phẩm Elle & lui. Ảnh: lefigaro |
Sinh ngày 16-10-1961 tại Boulogne-Billancourt, Hauts-de-Seine, Pháp năm 18 tuổi, Marc Levy gia nhập Tổ chức chữ thập đỏ của Pháp và tình nguyện làm việc không lương tại đó trong sáu năm. Song song với đó, ông học quản trị và máy tính tại Đại học Paris-Dauphine.
Trước khi đến với nghiệp văn, Marc Levy hoạt động trong những lĩnh vực có thể nói gần như chẳng “dính líu” gì tới văn chương chữ nghĩa. Năm 1983, ông thành lập công ty chuyên thiết kế đồ họa trên máy tính tại Pháp và Mỹ.
Trong chia sẻ với tờ Wall Journal Street về giai đoạn này, ông nói: “Chúng tôi đã mua những thế hệ máy tính thứ ba và thứ tư mà hãng IBM bán tại Paris và mua bằng tiền từ khoản vay của sinh viên”.
Sáu năm sau, 1989, do mất phần lớn quyền kiểm soát tại công ty này, Marc Levy từ chức và gây dựng lại sự nghiệp từ tay trắng.
Năm 27 tuổi ông lập gia đình và sau đó ly hôn. Bấy giờ ông cũng gặp những thất bại đầu đời ở lĩnh vực kinh doanh.
Levy nhớ lại: “Trong gần như chỉ vài tháng, tôi từ một người đàn ông có vợ, sống trong căn hộ xinh đẹp ở tầng sáu một khu ngoại ô đắt đỏ của Paris kiêm giám đốc điều hành của một công ty có 80 nhân viên, bỗng trở thành một người cha đơn thân sống trong căn hsộ vỏn vẹn 15 mét vuông với một đứa trẻ đang tuổi cần bú sữa…” Ông nhận trách nhiệm nuôi con theo thỏa thuận giữa hai vợ chồng sau khi ly hôn.
Sau đó ông tham gia đồng sáng lập một công ty xây dựng kiêm thiết kế nội thất với hai người bạn. Đây cũng là một trong những công ty kiến trúc văn phòng đầu tiên tại Pháp.
Ở tuổi 37, Marc Levy viết cuốn sách đầu tiên dành cho con trai ông. Thoạt đầu, Levy không có ý định xuất bản. Ông nói: “Điều tôi thực sự muốn chia sẻ trong cuốn sách này với con trai tôi, người sau này cũng sẽ trở thành một người đàn ông giống như tôi, đó là thất bại lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là khi người ta né tránh mọi sai lầm bằng cách chẳng làm gì cả”.
Tới đầu năm 1999, chị gái ông, bà Lorraine, khi đó là một nhà biên kịch (hiện bà là đạo diễn phim) khuyến khích ông gửi bản thảo cuốn sách tới nhà xuất bản Editions Robert Laffont.
Đơn vị này ngay lập tức quyết định xuất bản cuốn If Only It Were True (năm 2000) và chỉ trong 8 ngày họ ký xong hợp đồng xuất bản với ông. Tác phẩm này được dịch sang tiếng Việt với 2 tựa: Nếu em không phải một giấc mơ, Nguyễn Thị Bạch Tuyết dịch, NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam liên kết xuất bản năm 2006. Ngoài ra còn một bản dịch khác là Và nếu như chuyện này là có thật, Lê Ngọc Mai dịch, NXB Văn học ấn hành năm 2002.
Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg của hãng Dreamworks giành được quyền chuyển thể tác phẩm Nếu em không phải một giấc mơ thành phim. Bộ phim này (với sự góp mặt của hai ngôi sao Reese Witherspoon và Mark Ruffalo) từng chiếm ngôi vị số một về doanh thu phòng vé tại Mỹ năm 2005.
Sau thành công rực rỡ của tác phẩm đầu tay với gần nửa triệu bản sách bán ra, Marc Levy bắt đầu dành toàn thời gian cho sự nghiệp văn chương. Hầu như mọi tiểu thuyết của ông về sau, ít nhất là 12 cuốn trong đó, đều nằm trong danh mục sách best-seller tại Pháp. Những cuốn sách của ông được nhiều người biết tới nhất ngoài cuốn đầu tay còn có cuốn Vous revoir (Gặp lại em) và The First day (Ngày đầu tiên).
Không chỉ thành công trong nước, sách của Marc Levy cũng liên tục lọt vào danh sách best-seller của nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Đức, Italy, Nga và Đài Loan.
Theo Ladydeelg, hiện tại Marc Levy là nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất trong lịch sử. Tác phẩm của ông được dịch sang 49 ngôn ngữ, bán được trên 30 triệu bản và một số tác phẩm được chuyển thể thành phim.
Tờ Wall Journal Street cho biết trong bảy năm liên tiếp, Levy là tiểu thuyết gia có lượng sách bán chạy nhất trên toàn thế giới. Sau cuộc đổ vỡ hôn nhân lần thứ nhất, Marc Levy đã tái hôn. Hiện ông sống cùng vợ – nhà báo Pauline Leveque – và con trai tại khu West Village ở New York.
Theo tạp chí Ici Paris số cuối tháng 11-2015, bà Pauline Leveque sắp sinh cho Marc Levy một cô con gái và nhà văn Pháp rất hạnh phúc với việc làm cha lần thứ hai.
Theo D.Kim Thoa – Tuổi trẻ online