Minh họa của Choai

Saadi Salama, đại sứ Palestine, có lẽ là một trong những nhân vật ngoại giao “hot” nhất ở Việt Nam và được truyền thông săn đón nhiều nhất, phần là bởi anh đã trải qua 16 cái Tết ở Việt Nam và nói tiếng Việt còn thạo hơn cả người Việt.

Thậm chí thổ âm Bắc, Trung, Nam anh đều nghe được tuốt, lúc đàm đạo thường sử dụng đủ kiểu thành ngữ, tục ngữ, tiếng lóng khiến ai nấy đều hoa mày chóng mặt mà cười nắc nẻ, phần vì anh vừa gây sốt truyền hình khi tham gia chương trình “Ai là triệu phú?” hồi đầu năm 2017 rồi tức thì giành được giải thưởng 40 triệu. Ngồi nói chuyện, Saadi hay hồi cố về thời bao cấp, đặc biệt là dư vị phở thời ấy.

Sang Việt Nam học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp từ năm 1980, mãi hai tháng sau khi đặt chân đến Việt Nam, nhà ngoại giao tương lai mới được thử bát phở đầu tiên và từ đó đến giờ, phở đối với anh cũng quan trọng chả kém gì món Maqluba của người Palestine.

1. Tuần nào cũng phải ít nhất một lần Saadi ra “nhà hàng vỉa hè” ăn phở. Kể về chuyện ăn uống thì anh bảo “Tôi vẫn nhớ lần đầu tới Việt Nam, không thể nào chịu được mùi nước mắm. Bữa đầu tiên ăn ở căng tin trường có cơm trắng, canh mướp, thịt lợn và bát nước mắm, nhưng không cầm được đũa nên tôi chẳng ăn được gì. Thế là phải đi tìm bánh mỳ.

Trong suốt ba tháng liền, tôi chỉ ăn bánh mỳ. Cho tới khi được thử bát phở đầu tiên thì không còn muốn ăn bánh mỳ nữa. Từ đó trở đi, phở, nước mắm và các món ăn Việt Nam khác không bao giờ thiếu trong bếp nhà tôi, cho dù sau đó tôi đã rời khỏi Việt Nam để công tác ở nhiều quốc gia khác”.

Saadi cũng hay nhớ những thứ mà… người Việt thường hoài niệm, kiểu như “Ngày xưa người dân từ ngày 23 tháng Chạp đã lo tiễn ông Táo về trời, từ nhiều nhà khói bốc lên vì luộc bánh chưng. Giờ thì ai cũng đặt bánh chưng. Tôi không còn nhìn thấy khói bánh chưng nữa. Ngày xưa chỉ có Tết mới ăn bánh chưng. Bây giờ, lúc nào thích bánh chưng thì chỉ cần a lô là có ngay. Không có khói bánh chưng nữa cũng làm tôi thấy nhớ”.

2. Saadi sành ăn và hay tự đi chợ, tự nấu cơm đãi mọi người. Đến nhà Saadi ăn tiệc, mỗi lần một thực đơn khác nhau nhưng chẳng bận nào thiếu được món Maqluba, Hummus, Tabouleh và Moutabal. Tôi chưa từng được đi Trung Đông. Buồn thế! Giấc mơ “Nghìn lẻ một đêm” cứ âm ỉ mãi thôi. Đã thế, những dư vị ẩm thực kỳ lạ ở nhà anh Saadi càng làm tôi tò mò.

Người Trung Đông và Ấn Độ là những dân tộc “bí hiểm”, nên món ăn của họ cũng kỳ bí không kém, lúc nếm thử không bao giờ biết được thứ mà mình đang nhai đây được làm từ loại thực phẩm nào. Hummus là một kiểu như thế, một loại nước sốt đặc biệt của Trung Đông mà chủ nhà thường mang ra đầu tiên cùng với Tabouleh để khai vị với bánh mì.

Tôi ăn tì tì hết đĩa nước sốt đặc phết bánh mì là coi như xong bữa. Chỉ biết rằng nó ngon lắm thôi, béo ngậy và thơm quá đỗi, chứ chẳng rõ những gì được xay ra thành thế. Anh Saadi bảo ấy là hạt đậu gà, ngâm qua một đêm rồi xay nhuyễn với dầu vừng, chanh, ô liu và tỏi, mà càng nhiều tỏi càng ngon. Mấy lần sau tôi mới ra vẻ tinh thông “Món này em thấy trên mạng bảo khắp Trung Đông nơi nào cũng có”. Saadi nhăn mặt phản biện, y như cách tôi bảo vệ phở:

– Nhưng mà em biết không, chỉ ở Palestine mới có loại chanh vàng ngon như thế. Ô liu nữa. Ô liu Palestine được trồng bằng chất đất đặc biệt nên không ở đâu ngon bằng. Không có chanh và ô liu ấy thì không thể ra được món Hummus ngon như thế.

– Vâng, cả người nấu ngon nữa chứ, không thì còn lâu mới ra được Hummus ấy – Tôi nịnh, quên mất rằng anh Saadi toàn mua chanh đào ngoài chợ Hàng Bè và ô liu Tây Ban Nha bán ở siêu thị.

3. Saadi quả là một bếp trưởng cừ khôi. Món Tabouleh mới thực tuyệt, mà lần nào anh cũng bày một đĩa tí xíu trước mặt mỗi thực khách, ăn theo suất ấy mà. Tabouleh, salad truyền thống của người Trung Đông vùng bờ Địa Trung Hải, chỉ là sự pha trộn giản dị giữa những tinh thể li ti của mùi tây, hành tây, bạc hà, cà chua, chanh và ô liu mà thơm mát đến vậy.

Tôi thường vẫn chưa hết thòm thèm sau màn khai vị của những bữa tiệc nhà anh Saadi, mắt hay nhòm sang đĩa Tabouleh của người bên cạnh. Chả có lẽ mà xin thêm chủ nhà. Món ấy sau về tôi hay tự làm, nhưng cứ thế nào ấy, thì vẫn là li ti mùi tây, hành tây, bạc hà, cà chua, chanh và ô liu… mà cứ thế nào ấy…

Hay vì phòng ăn sáng choang trong căn hộ màu da cam của tôi còn thiếu một bức tranh “Cô dâu Palestine” của họa sĩ Ismail Shammout, thiếu những tấm rèm voan trắng trong ánh đèn vàng hư ảo và cả âm điệu Trung Đông du dương từ chiếc đầu đĩa của anh Saadi? Thôi thì món tự làm, ăn tạm cho có vitamin C. Nhưng riêng món Moutabal khét cháy thì tôi chịu, vì chẳng biết họ nướng cà tím ra làm sao.

Moutabal cũng từa tựa công thức của Hummus, chỉ có điều đậu gà sẽ được thay bằng cà tím nướng xay nhuyễn, sao cho cái vị ám khói đặc trưng ấy vẫn còn lưu lại sau khi trộn mới là thành công. Người Trung Đông vùng bờ Địa Trung Hải hay ăn cà tím, thấy những món nổi tiếng nhất hầu như thức gì cũng có cà tím cả. Mà cà tím là loại thực phẩm mới nhạt nhẽo và khó nấu làm sao. Tôi chưa bao giờ biết nấu cho ngon một nồi cà tím ngoài món cà tím bung đậu thịt tía tô.

4. Nhưng niềm tự hào nhất của Saadi không phải Hummus, Moutabal hay Tabouleh gì hết mà là cơm lộn ngược Maqluba*. Ừ đấy, nếu chỉ được chọn một món duy nhất để đãi khách năm châu thì người Việt Nam sẽ chọn Phở (chứ chả phải cơm đâu), người Tây Ban Nha chọn cơm Paella, còn người Palestine thì chọn Maqluba.

Maqluba không đơn thuần là khẩu vị mà còn hay ho về mặt thị giác nữa. Đây là món cơm hầm với cà tím nướng, súp lơ, cà rốt, khoai tây, thịt gà hoặc thịt cừu. Các loại rau củ sẽ được chiên lên rồi xếp xuống dưới đáy nồi cùng với thịt. Khi nào ăn, người đầu bếp sẽ lật úp cái nồi sao cho toàn bộ món cơm trộn đóng đúng hình khuôn nồi thành một chiếc bánh khổng lồ màu nâu trên mặt đĩa, các loại “nhân” rau thịt sẽ nằm gọn phía trên một cách hấp dẫn.

Saadi tự hào nhất về tài nghệ “lật cơm” của mình nên thậm chí có lần còn trình diễn món Maqluba cho các phu nhân đại sứ thưởng thức ở khách sạn Melia. Nhưng một lần đãi khách ở nhà, sau khi hô hào mọi người chú ý để anh biểu diễn “cơm lộn ngược” cho mà xem, ai nấy đều ồ lên khi món Maqluba hào hùng xuất hiện trên đĩa, nhưng Saadi có vẻ không vui, anh bảo cơm hôm nay chưa được đóng khuôn lắm, nên “bánh” vừa thành hình đã từ từ xuôi xị thành đĩa cơm rang to tướng.

Tôi đoán cơm có lẽ hơi nát. Saadi bảo ừ, nhưng mà có sao đâu, ai nấy đều phấn khích với món Maqluba, dù chẳng người nào dám trộn chúng với sữa chua không đường mà thưởng thức như một dân Palestine chính cống. Cơm trộn sữa chua là khoái khẩu ở vùng Trung Đông, có lẽ thế.

Bắt gặp ánh mắt nghi ngờ của tôi, Saadi khẳng định rằng món này đích thực là được sáng tạo bởi chính những người dân quê anh, nhưng sau cuộc di dân của gần triệu người Palestine đi khắp Siria, Jordan, Liban… thì Maqluba đã trở nên phổ biến khắp Trung Đông.

Saadi nghiện phở, và cũng muốn thuyết phục chúng tôi ghiền luôn món Maqluba như thế. Nhưng tôi không hào hứng lắm với món chính này, mà thường chỉ dừng lại ở màn khai vị, và cũng bỏ qua suất tráng miệng nổi tiếng của Palestine là chà là và Kanafeh, một loại bánh ngào mật ong ngọt khé cổ nướng kèm pho mát muối Nabulsi. Thấy tôi bỏ dessert, Saadi tỏ vẻ không hài lòng, và lý do kiêng đồ ngọt dường như chẳng hợp lý chút nào.

Sự kiện Jerusalem hồi cuối năm 2017 khiến dư luận cả thế giới nóng bỏng và Saadi liên tục chia sẻ những tin tức hình ảnh về câu chuyện đau lòng này trên Facebook cá nhân, trong đó có những bức ảnh quân Israel vào lục soát ngôi nhà của anh ở Bờ Tây.

Nhiều bận quên mất Saadi là người Palestine, cứ đinh ninh anh là người Việt mất rồi, nhưng trong một bữa tiệc, Saadi được yêu cầu hát mấy bài dân ca Palestine. Giai điệu ngân nga đặc trưng của vùng Trung Đông cất lên, nghe man mác, u hoài, trong ấy, nỗi lòng người xa xứ, tình yêu quê hương da diết và niềm nhung nhớ một thuở thanh bình đã từ xa lắc lại trỗi dậy từ sâu thẳm người đàn ông đã đi quá nửa đời người.

Và trong khoảnh khắc, hương vị ngọt ngào của món Maqluba bỗng trở nên đắng đót trên đầu môi thực khách, những người cũng đã từng chứng kiến chiến tranh và hãi hùng chúng như một bóng ma đã ngủ yên lâu rồi trong hồi ức.

(*) Maqluba trong tiếng Ả rập nghĩa là “lộn ngược”.

Lao động cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài