Hưng vong triều đại tan làn khói,
Kim cổ tang thương lạnh kiếp tro.
(Qua hồ Tây Thăng Long – Đại Ẩn Am)
Đây Thăng Long – tòa thành cổ – ánh nắng ngã dài trên đình đài lầu các, phủ lấp biết mấy bể dâu. Đây Thăng Long – tòa thành cổ – nơi bị cuộc sống hiện đại và đô thị cô lập, xâm chiếm, hiểu rằng mai đây mình sẽ bị lịch sử quên lãng. Nghìn năm như giấc mộng kê vàng, vẫn còn tưởng thời gian trôi qua chậm rãi, dè đâu ngoảnh lại, nét vàng son thuở xưa đã tan.
Tôi tin vào nhân quả luân hồi và duyên phận. Bởi vậy, khi đứng trước tòa Hoàng thành từng chứng kiến bao bĩ cực thái lai này, luôn có cảm giác ai đang thì thầm bên tai, kể lại lịch sử và huyền tích chốn đây, cũng thuật lại sự thảng thốt của vạn lớp người trước cơn nguy biến của hơn trăm năm về trước. Chạm tay vào tường thành, để cảm giác lạnh lẽo xuyên suốt thịt da, dường bị đẩy ngược về quá khứ xa xôi, mơ hồ thấy tiếng bước chân lính túc vệ qua lại, cũng mơ hồ thấy bóng dáng của một vị quân vương đang phẫn hận vì bị giam trong chiếc lồng son cao quý.
Bỏ quên mất Cột Cờ sừng sững, ngước mắt nhìn “Đoan Môn”, lại thận trọng nhón chân bước, thời gian kết thành vũng nước sâu hun hút làm tê liệt mọi giác quan, chỉ e sẽ đánh động giấc vàng của các nhân vật từng làm mưa làm gió trên vũ đài lịch sử.
Nhớ năm xưa, kết thúc nội biến trong triều, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, mượn điềm thấy rồng bay mà cải danh thành Thăng Long, xây thành đắp điện, mở ba vòng tường. Kể từ đó, Đại La chính thức trở thành Thiên Đô của mảnh đất phương Nam chưa từng được tạo hóa dành cho một thoáng từ bi này. Nuối những tháng năm phồn hoa, dựng các điện Trường Xuân, lầu Trường Minh, gác Nhật Kim… Mở các vườn thượng uyển trồng đầy kỳ hoa dị thảo, nuôi bách thú làm vui. Thảy điểm một nét vào bức họa kinh thành nhộn nhịp náo nhiệt, xa hoa giữa nhân sinh. Có lẽ đời đời quân vương đều mong muốn triều đại mình nắm giữ mãi trường tồn với tuế nguyệt, nhưng có lẽ họ cũng biết rằng trên đời này không gì là bất biến, vì hiểu rõ mới sinh ra “chấp chước”, vì “chấp chước” nên sinh ra đau khổ.
Đã tỉnh chưa hỡi giấc mộng vàng? Từ trên mặt thành nhìn xuống, ngay dưới kia là dòng người hối hả, bên cạnh, một đoàn tham quan người Nhật mê mải lắng nghe chàng trai hướng dẫn du lịch thuyết minh về Hoàng thành. Khoan, có dáng áo dài nào mới lướt qua đây? Cơn lạnh thoáng ập về để tiếng ngâm nga vọng tới từ cõi u minh vang khắp khoảng trời:
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Cảnh cũ lâu đài bóng tịch dương…”
Vụt ngoảnh nhìn, thoáng thấy gió thổi qua lần tóc mai, khách tham quan đã rời gót, nào có ai.
Từng một thời hoa nở, oanh hót, giai nhân như nước, tiếng đàn hát rộn vang, nay Hậu Lâu trầm mặc tựa ngôi mộ cổ phong kín trăm vạn bí ẩn và mối tơ khó gỡ. Con đường lớn vốn dành cho xe ngựa kia từng có những bước chân qua lại tấp nập, phục dịch cho những kẻ ngự trị lầu son gác tía, nay chỉ thấy cỏ dại mọc tràn. Vết đại bác khắc vào Cửa Bắc, phủ đầy rêu xanh, chứng kiến sự thất thủ của Long thành năm 1873 và 1882, cũng cầm giữ hương hồn hai vị Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Tâm huyết, sự can trường cuối cùng đành buông bỏ, hóa thành đôi dòng huyết lệ không sao vãn hồi lại trước nguy biến vong quốc.
Thịnh suy hưng vong, vinh nhục luân chuyển. Trải qua mấy bận thay triều đổi đại, mấy bận thay đổi địa danh từ Thăng Long, Đông Quan, Đông Kinh, Trấn Bắc tới Hà Nội thì nét vàng son rực rỡ trong quá khứ đã khép lại. Đế kinh chịu phải họng súng giáo mác, máu lửa biến loạn ngậm ngùi câm lặng như một vị chúa sơn lâm đến hồi già nua ngày ngày đương bị rút hết máu thịt, nhường chỗ cho tân thành nơi rẻo miền Trung.
Bất giác nhớ tới hai câu thơ trong “Hà thành chính khí ca”, thơ rằng:
Đau đớn nhẽ, ngẩn ngơ dường,
Tả tơi thành quách, tồi tàn cỏ hoa…
Trăm năm cát bụi, nơi này từng giam giữ biết bao linh hồn, hữu danh lẫn vô danh. Một cuốn Toàn Thư xé dọc khoảng trời, lật ngược quá khứ, chôn vùi bao kiếp người không được nhắc tới, bao chuyện thắm tình nhòa lệ, bao giấc mơ lớn, bao tiếng thở dài? Dầu một tay đầy vốc phồn hoa, nhưng liệu đã thôi tiếc hận bởi một thiên truyện giang sơn cẩm tú còn viết chưa thỏa?
Chầm chậm dạo bước trong vô định. Bấy giờ, bóng tà dương trườn trên từng lớp ngói, dần rỏ xuống mặt đất, đứng giữa Hoàng thành, ngước mắt mà trông lên vòm không thăm thẳm. Mây vẫn trôi, vĩnh viễn chẳng ngừng. Phải chăng, ngàn năm trước đã từng có vị đế vương cũng ngắm bầu trời như vậy, còn tôi giờ cũng vô tình tao ngộ với ngài? Vũ trụ vô hồi vô tận, không việc gì có thể chắc chắn hay đoán biết trước. Máu và lệ năm đó đã cạn khô, từng đợt sóng tàn nhẫn dần lặng. Sau buổi hoàng hôn, ngày mai, (có lẽ) mặt trời sẽ lại mọc và rạng tỏa.
(Phạm Thị Thúy Quỳnh)