Ngày 18-5-2015, nhà văn Hungary Krasznahorkai László đã được trao Giải thưởng quốc tế Man Booker (Man Booker International Prize). Trong lễ trao giải, bà Marina Warner, chủ tịch hội đồng giám khảo, đánh giá Krasznahorkai László là “nhà văn có sức mạnh nội tâm và thang điệu đặc biệt, giàu ảo ảnh và trí tưởng tượng, người đã ghi lại cuộc sống hiện hữu trong những tình tiết kinh hoàng, kỳ lạ, khôi hài đến bất ngờ và nhiều khi đẹp tới xúc động”.
Krasznahorkai László – Ảnh: calvertjournal.com |
Bà Marina Warner nhận xét ba tác phẩm Az ellenállás melankóliája (The Melancholy of Resistance), Sátántangó (Satantango) và Sieobo járt odalent(Sieobo there below) là các tác phẩm tuyệt vời được xây dựng trên trí tưởng tượng sâu sắc và những đam mê phức tạp.
KIẾM TÌM TRONG MÊ LỘ
Krasznahorkai László sinh ngày 5-1-1954 tại Gyula, một thành phố miền đông nam Hungary. Ông từng theo học luật tại Trường ELTE (Đại học Tổng hợp Hungary) và nhận bằng ngôn ngữ Hung và sư phạm. Những bài viết đầu tiên của ông được đăng vào năm 1977 trên tạp chí Mozgó Világ (Thế Giới Vận Động), từ 1977-1982 ông làm việc tại NXB Gondolat (Tư tưởng) và từ năm 1982 là nhà văn tự do.
Krasznahorkai là chủ nhân của nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có giải Kossuth (2004) là giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật của Hungary. Năm 1993, tác phẩm Az ellenállás melankóliája của ông đoạt giải Bestenliste-Preis cho sách hay nhất trong năm tại Đức. Năm 2003, ông lọt vào danh sách rút gọn (nằm trong số ít cuối cùng) các nhà văn được đề cử giải Nobel văn chương. Năm 2014, Krasznahorkai László được trao tặng giải thưởng America award in literature, một giải thưởng “đối ngã” (alternative) với giải Nobel văn chương.
Các tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được giới phê bình văn học quốc tế đánh giá cao và rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây như Đức, Mỹ, Anh và Nhật Bản. Nữ nhà văn Mỹ Susan Sontag gọi ông là “bậc thầy Hungary khiến người ta nhớ tới Gogol và Melville tiên tri”, còn W.G.Sebald, nhà văn Đức, thì nhận xét: “thiên cảm toàn năng của những hình tượng mà Krasznahorkai László xây dựng rất gần gũi với Những linh hồn chết của Gogol, và nó giải tỏa mọi mối nghi ngại liên quan tới văn học đương đại của chúng ta”.
Krasznahorkai có lối hành văn khác lạ, rắc rối, trùng lặp, câu văn dài lê thê, dồn dập như những dòng nham thạch phun ra từ ngọn núi lửa sôi sục là tâm hồn và trí tưởng tượng của ông. Văn ông không dễ đọc, ngay cả đối với người Hungary, các nhà phê bình, văn giới và bạn đọc Hungary cũng đánh giá về ông rất khác nhau. Bên cạnh những nhìn nhận tích cực, nhiều ý kiến cho rằng ông có cái nhìn bi quan, tiêu cực về thế giới hiện tại và tương lai của nền văn minh nhân loại.
Nhưng ông tự cho mình là người đứng ngoài dòng chảy của văn chương chủ đạo Hungary và dường như ông ít quan tâm đến những điều đó. Ông luôn tự hoài nghi không biết mình có đích thực là một nhà văn hay không. Theo ông, thật ra suốt cuộc đời cầm bút ông chỉ viết một cuốn sách, chỉ theo đuổi, chỉ đi tìm một hình ảnh mập mờ, một ảo ảnh, lúc ẩn lúc hiện, có khi không thực nào đó.
Ông nói: “Các nhân vật của tôi tìm kiếm không mệt mỏi và sẽ còn tìm kiếm trong một mê lộ, mê lộ đó không gì khác hơn là nơi họ mắc sai lầm và là nơi con người ta chỉ có thể có một mục đích duy nhất: hiểu ra sai lầm này và cấu trúc của nó. Họ trực tiếp đi tìm nguyên nhân sự bất an của mình, đi tìm phương thuốc chữa lành nỗi đau của mình, hay ít ra cũng để nhận ra rằng không có phương thuốc nào cho vết thương của họ…”.
NHÀ VĂN XÊ DỊCH
Krasznahorkai László là nhà văn xê dịch nhiều, cuộc đời ông liên tục là những chuyến đi xa, những chuyến khám phá các miền đất lạ. Chẳng hạn để viết tiểu thuyết Háború és Háború (War and war, 1999), ông đã bỏ ra hàng tháng trời đi khắp nhiều nước châu Âu và Mỹ, đến hầu hết địa danh mà ông đề cập trong cuốn sách. Từ đầu những năm 1990, sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, ông thường xuyên thay đổi chỗ ở. Lúc ở Hung, khi quay sang Đức, khi ở Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Ý, Hi Lạp, Trung Quốc và Nhật Bản.
Quan tâm đặc biệt tới văn hóa Á Đông cổ đại, ông đã nhiều lần tới Mông Cổ, Trung Quốc và Nhật Bản, có những chuyến đi kéo dài tới nửa năm trời. Rất mê Lý Bạch và thơ Đường, ông đã đi bằng tàu hỏa, tàu thủy và cả đi bộ qua những vùng mà ông gọi là “Trung Hoa cổ điển” như quê hương Khổng Tử và Lý Bạch, tiếp xúc với nhiều người dân Trung Quốc đủ các tầng lớp. Ông đã hỏi trực tiếp khoảng 300 người Trung Quốc chỉ duy nhất một câu hỏi: Ngày nay, đối với họ, Lý Bạch có ý nghĩa gì?
Sau các chuyến đi Trung Quốc, ông đã hoàn thành tiểu thuyết Az Urgai Fogoly(The prisoner of Urga, 1993) và sau các chuyến đi Nhật Bản ông đã viết tiểu thuyết Északról hegy, Délrõl tó, Nyugatról utak, Keletrõl folyó (From the north by hill, From the south by lake, From the west by roads, From the east by river, 2003).
Krasznahorkai László là một nhà văn có cá tính rất đặc biệt, một trong số ít những tên tuổi lớn đáng chú ý, một ngôi sao có ánh sáng khác lạ trên bầu trời văn chương đương đại Hungary. Người viết những dòng này cũng đang “đánh vật” với một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông – tiểu thuyết Háború és Háború, nơi có khi cả chương chỉ có một câu (xem trích đoạn – TTCT), hi vọng một ngày không xa độc giả Việt Nam sẽ có dịp thưởng thức món ăn tinh thần rất khác lạ nhưng hết sức thú vị của ông “đầu bếp phù thủy” thượng thặng này.
(Trích đoạn tiểu thuyết Chiến tranh và chiến tranh)
Ảnh: hir.lira.hu |
“Gã không thể nói, hôm sau gã nói với cô tiếp viên hàng không ngồi cạnh gã ở văn phòng MALÉV, đúng là gã không thể nói rằng gã thuộc số những kẻ không ngần ngại gì dám liều mạng đánh tiếng bắt chuyện với những người xa lạ, với nguyên cớ là họ cùng phải chờ một điều gì đó, nhưng cô tiếp viên bên cạnh gã đây, với nụ cười có đôi má lúm đồng tiền nhỏ đúng là quá đẹp, đến nỗi gã, mấy phút vừa rồi, từ lúc ngồi xuống, cứ chốc chốc lại phải liếc nhìn cô, rồi lại phải cố quay đi, và điều này thật bất nhã, gã không làm chuyện đó, tốt hơn hết là gã thú nhận, rằng tình thật là như vậy, theo gã như thế là đỡ xúc phạm hơn, và không đến nỗi hèn, và gã, có lẽ cô không giận gã vì thế, và không coi đó là chỉ để bắt chuyện, và cô không coi đó là cách làm quen, cũng không phải cách bắt chuyện thô thiển, ngu ngốc, cả hai đều xa lạ đối với gã, đơn giản là cô tiếp viên không chỉ đẹp, mà tuyệt đẹp, đến nỗi bên cạnh cô đằng nào thì gã cũng không thể im lặng, không phải gã muốn tán tỉnh, nếu cô thứ lỗi cho gã, đây không phải, dù thế nào cũng không phải, gã không còn tán tỉnh ai nữa, mà do cái đẹp, cái đẹp đặc biệt, mà gã, Korim thấy ở cô tiếp viên, đã đánh gục gã, thế đấy, sự là thế, cô có hiểu không?, Korim nói, không phải gã, Korim đã tấn công cô, mà vẻ đẹp của cô đã đánh gục gã, và vì đã nói đến đây, gã nói thêm ở chỗ này, vậy thì ít ra gã phải xin cô thứ lỗi, đúng thế, vì đến tên mình gã cũng chưa nói ra, tên gã là Korim György, về nghề nghiệp thì đúng vào lúc này gã không muốn bày tỏ điều gì hết, bởi lúc này gã chỉ muốn nói về mọi chuyện ở thời quá khứ, dù về bản thân gã, đúng vào ngày hôm nay, và chỉ riêng cho cô, gã chỉ và chỉ muốn nói ở thời tương lai, mà điều đó thì gần như không thể, bất quá gã chỉ có thể tiết lộ, gã dám bắt chuyện với cô để kể cho cô nghe đêm qua gã đã có một giấc mơ thật kỳ lạ như thế nào, gã thường không bao giờ mơ, hoặc thường không bao giờ nhớ tới những giấc mơ, nhưng đêm hôm qua là một ngoại lệ, gã không chỉ đã mơ, mà còn có thể nhớ lại chính xác giấc mơ ấy, cô hãy tưởng tượng một khung cảnh đẹp không thể diễn tả nổi và thanh bình không thể tin nổi, mà gã, Korim, đã cảm nhận được trong từng tế bào, mặc dù mắt gã nhắm tịt, nhưng gã cảm thấy hai tay gã duỗi ra thoải mái, chân gã hơi dang rộng, rất dễ chịu, và cô hãy tưởng tượng một thảm cỏ dày mềm mại như lớp đệm lông, hãy tưởng tượng một làn gió ấm áp, như bàn tay âu yếm, và cuối cùng hãy tưởng tượng ánh nắng dập dờn như những hơi thở nhẹ phả tới từ rất gần, và thêm vào đó, Korim nói tiếp, sự mịn màng của cây cỏ bao quanh, những con vật nằm nghỉ ngơi dưới bóng mát phía xa, và bầu trời xanh như một tấm vải trên cao, rồi mặt đất thơm tho ở phía dưới, rồi thứ này thứ kia trong sự kế tiếp bên nhau vô tận, và tất cả sắp đặt trong một thế bất biến không thể xê dịch được, cả gã cũng vậy, gã cũng ở trong sự bất biến và không thể xê dịch ấy, gã nằm đó, duỗi dài chân tay, như găm xuống đó, gã nằm dài, lún sâu xuống, chìm xuống, biết nói thế nào nhỉ?, thật khó tin và dựng tóc gáy, cái cách gã dán mình vào sự ngọt ngào ngây ngất của sự thanh bình, như thể có thật một sự thanh bình và ngọt ngào như thế, cô hiểu không?, như thể có thật một quang cảnh và sự yên tĩnh như thế, cô hiểu chứ?, tất cả dường như, Korim nói, dường như… có thể!, dù nếu có một ai đó thì người đó chính là gã, Korim, có thể nói rằng ngay chỉ là một giấc mơ cũng phi lý, dù tất cả những gì liên quan đến gã ngay từ ban đầu đã là phi lý, bởi cô cứ thử nghĩ xem, thử tưởng tượng một con người, là gã, Korim György trong một thành phố nhỏ, cách đây hai trăm hai mươi cây số về phía đông nam, gã bắt đầu từ đâu, bắt đầu tất cả chuyện này đúng là cực kỳ khó, nếu câu chuyện của gã không làm cô chán, đằng nào cũng phải ngồi chờ, gã sẽ kể một vài tình tiết nhỏ để ít ra cũng có thể biết người đang nói là ai, ai đã bắt chuyện với cô, hay để cuối cùng cô biết mình chịu nghe chuyện của ai, khi người đó, chẳng đầu đuôi xuôi ngược gì, bỗng nhiên bắt chuyện với cô”.
“Man Booker International Prize” kèm theo số tiền thưởng 60.000 bảng Anh là giải thưởng cao quý được trao hai năm một lần cho cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn đương thời viết bằng tiếng Anh hoặc có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, được chọn trong số nhiều nhà văn xuất sắc trên thế giới.
Giải Man Booker, do Tập đoàn đầu tư Man Group tài trợ, được sáng lập từ năm 2004 và được trao lần đầu tiên năm 2005 cho nhà văn – nhà thơ – nhà viết tiểu luận Anbani Ismail Kadáré, sau đó lần lượt là các nhà văn danh tiếng Chinua Achebe (Nigeria, 2007) Alice Munro (Canada, 2009), Philip Roth (Mỹ, 2011), Lydia Davis (Mỹ, 2013)
GIÁP VĂN CHUNG (dịch) (Theo Tuổi trẻ online)