Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). Toàn bài Không đề của R. Tagore chỉ vẻn vẹn có 8 từ như sau: Chúa cũng tự tìm mình trong sáng tạo. B. Brecht (nhà thơ Đức) cũng có một bài thơ viết về tình yêu cực ngắn, chỉ vẻn vẹn 11 từ: Em không có điểm yếu/ Tôi có điểm yếu/ Yêu em. Bài thơ Em đã cầm lên một cây đèn của Yves Bonnefoy (nhà thơ Pháp) có dài hơn một chút nhưng vẫn thuộc diện ngắn: Em đã cầm lên một cây đèn và em mở cửa/ Làm gì đây với một cây đèn, trời đang mưa, ngày rựng sáng? Kiểu làm thơ Haiku của Nhật Bản truyền thống, cũng tạo ra những bài thơ ngắn với từng cặp câu một.
Nói chung, làm thơ ngắn cho ra thơ ngắn, không phải là dễ. Có thể ví một bài thơ ngắn đạt đến độ thấu tình đạt lý và luôn mang trong nó sự giải thoát những ghìm nén ở mức độ cao. Và lớn hơn nữa chính là tư tưởng.
Trong Em đã cầm lên một cây đèn, Yves Bonnefoy đã làm được như thế.
Câu một là câu tả và cũng là câu mở đầu. Một sự tưởng chừng như rất bình thường đã diễn ra. Một cô gái chuẩn bị ra đường với hai động tác gần như cùng một lúc: Cầm một cây đèn và làm động tác mở cửa.
Câu hai là câu của tâm trạng và cũng là câu kết thúc. Về thực chất, câu này là một câu hỏi: Làm gì đây với một cây đèn khi mà trời thì đang mưa và ngày thì đang rựng sáng?
Câu này có thể tạm “giải mã” như sau: Một cây đèn không còn ý nghĩa gì nữa bởi nó bị hai “thế lực” đe doạ. Thứ nhất: Nó sẽ bị tắt phụt trước mưa. Thứ hai, nếu không bị mưa “huỷ diệt” thì nó cũng bị ánh sáng của ngày “hủy diệt”. Đơn giản vì ánh sáng của nó quá yếu ớt trước ánh sáng của ngày đang bùng phát.
Và sau sự “giải mã”, ta mới cảm thấy cần phải yêu thương và chia sẻ với sự bất lực và những hạn chế khó vượt qua nổi của mỗi con người, của mỗi thân phận hơn.
Bìa tập thơ ba câu “hoa giấu mặt” của nhà thơ Mai Văn Phấn
Chưa kể, Em đã cầm lên một cây đèn, còn là một tác phẩm kiệm lời, được viết như không và sống động như một vài thước phim quay chậm, rất chậm và rất ấn tượng.
Với một sự chuẩn bị như thế, tôi đã đọc Hoa giấu mặt – tập thơ mới nhất vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 5 năm 2012 của thi sĩ Mai Văn Phấn. Đây là tập thơ gồm cả trăm bài mà mỗi bài chỉ có ba câu.
Nhiều bài thơ: Cái nhìn, Giấc mơ con nhện, Trồng cây nêu trước nhà, Trái chín, Hai mùa, Tìm hoa, Đồng nội, Kiếp trước, Gặp gỡ, Thế đấy, Đi câu, Mong manh, Giữa chợ, Chiếc đèn lồng và một số bài thơ khác, đã làm tôi không khỏi động tâm. Trong số này, có nhiều bài đặc biệt ấn tượng.
Đây là Cái nhìn: Vũng nước nhỏ dưới chân núi/ Soi/ Tận đỉnh. Đây là Trồng cây nêu trước nhà: Xuân/ Ngấm đất/ Đào xuống gặp toàn năm cũ. Đây là Thế đấy: Gió/ Điềm nhiên thổi/ Giữa con thú và cái bẫy. Đây là Đi câu: Buông lưỡi câu/ Không mồi/ Vào bóng trăng. Đây là Mong manh: Giọt sương nín thở/ Treo/ Trên vũng nước bẩn. Đây là Giữa chợ: Mỗi con một hướng/ Chó mèo cô độc/ Trong hơi thở người. Đây là Đèn lồng: Nhìn lâu/ Chiếc đèn lồng/ Nỗi cô đơn hình lục giác. Và còn nữa: Quên đi đôi cánh/ Mình/ Có thể bay. Hay: Được mùa/ Đàn kiến tha thức ăn/ Lên tay Phật.
Có cảm giác: Bằng sự trải nghiệm, bằng thủ pháp vô chiêu, bằng sự tạm lãng quên cái ngã của mình, Mai Văn Phấn đã trình bầy một thế giới thơ có mùi vị thiền, mang hơi hướng thiền. Những câu: Vũng nước nhỏ dưới chân núi/ Soi/ Tận đỉnh; Quên đi đôi cánh/ Mình/ Có thể bay; Được mùa/ Đàn kiến tha thức ăn/ Lên tay Phật…không phải thi sĩ nào cũng có thể viết được.
Và bằng Hoa giấu mặt, Mai Văn Phấn đã chứng tỏ mình là một nhà thơ luôn cách tân, tìm tòi, lật xoay trên một hành trình khó hình dung ra đích đến.