– PV: Chúc mừng anh khi tập thơ “Bầu trời không mái che” được dịch, xuất bản, phát hành ở dạng sách giấy và trên mạng trong phiên bản Anh ngữ. Anh có thể chia sẻ đôi nét về quá trình chuyển ngữ, hiệu đính tác phẩm?”
– MVP: Cảm ơn anh đã quan tâm! Tôi thường tin vào chữ “duyên” của Nhà Phật. Hữu duyên khởi đầu cho việc “xuất ngoại” tập thơ “Bầu trời không mái che” của tôi là khoảng đầu năm 2010, tôi được gặp dịch giả Trần Nghi Hoàng, người đã sống ở Hoa Kỳ hơn 30 năm, trở về định cư tại Hội An từ 2008. Trần Nghi Hoàng, trước hết là một nhà thơ tôi rất yêu mến với hệ thống ngôn ngữ hiện đại, hậu – hiện đại trong các tác phẩm khá nổi tiếng của ông. Ngoài ra, ông còn viết văn và nghiên cứu văn học. Đó là điều thuận lợi tiên quyết để chúng tôi có thể hợp tác. Ban đầu, dịch giả Trần Nghi Hoàng dịch bài thơ Cửa Mẫu, sau đó chuyển cho người bạn thân của ông ở Hoa Kỳ hiệu đính; đó là nhà thơ Frederick Turner – giáo sư sáng lập chuyên khoa Nghệ thuật và Nhân văn Đại học Texas ở Dallas, người khởi xướng Chủ Nghĩa Tự Nhiên Cổ Điển (Natural Classicism) có ảnh hưởng lớn đến mọi châu lục hiện nay. F. Turner đã rất thích thú khi nhận được bài thơ Mothergate (Cửa Mẫu), bởi vẻ đẹp và sự đắm say của nó (trong mail gửi tôi ông đã viết: your beautiful and passionate poetry). Sau đó, F. Turner đã nhận lời biên tập miễn phí cho bản dịch Anh ngữ toàn bộ tập thơ này. Dịch giả Trần Nghi Hoàng đã làm việc cẩn trọng, liên tục gần 2 năm để có được bản dịch ưng ý. Trong thời gian đó, Trần Nghi Hoàng và F. Turner thường xuyên trao đổi với nhau từng câu thơ, từng bài thơ để dịch sát nghĩa nhất mà không làm thay đổi tinh thần thi ca của tôi. Tôi rất biết ơn và kính trọng thái độ ứng xử với thi ca của dịch giả Trần Nghi Hoàng và giáo sư Frederick Turner.
– PV: Với vai trò tác giả, anh đã tham gia vào các công việc của quy trình xuất bản này như thế nào?
– MVP: Sau khi tập thơ song ngữ Anh – Việt “Bầu trời không mái che/ Firmament without roof cover” của tôi được NXB Hội Nhà văn tái bản 7/2012 (bản Việt ngữ đầu tiên in năm 2010), tôi bất ngờ nhận được email của nhà thơ Susan Blanshard – người đại diện cho Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh quốc tại Việt nam mời ký hợp đồng xuất bản. Theo hợp đồng, tập thơ được xuất bản ở 2 dạng, bản in giấy và bản điện tử (e-book). Tác giả được hưởng 10% số tiền sách bán được tính theo giá bìa, sau đó, hết thời hạn khai thác trong hợp đồng, nếu NXB nào muốn in lại, tôi được 70% và NXB được 30%. Bản điện tử đã phát hành trên trang mạng Amazon từ ngày 21/11/2012. Còn với bản in giấy, Page Addie Press sẽ phát hành trước 27/12/2012 độc quyền tại 3 nước Hoa Kỳ, Canada và Anh quốc. Nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng sẽ bị xử lý theo hệ thống pháp luật của Anh Quốc. Phía NXB rất tôn trọng tác giả. Mọi diễn biến, chi tiết về quy trình họ đều thông tin với tôi qua email và điện thoại. Chúng tôi cũng có một số cuộc gặp gỡ trực tiếp để ký kết hợp đồng và thống nhất về nội dung. Hiện giờ, các công việc dây chuyền đã hoàn tất.
Nhà thơ Mai Văn Phấn và dịch giả Trần Nghi Hoàng
– PV: Cảm xúc của anh khi được nhìn “Bầu trời không mái che” trong diện mạo Anh ngữ, cũng như việc nắm bắt những thông tin về việc ra đời, phát hành đến các độc giả nước ngoài?
– MVP: Mỗi lần xem bản Anh ngữ của dịch giả Trần Nghi Hoàng tôi đều cảm thấy thú vị. Ông thực sự là người đọc thơ rất kỹ và tinh tế, đặc biệt rất có tâm khi làm việc và đã thể hiện tài nghệ khi chuyển thơ của tôi sang Anh ngữ. Mỗi ngôn ngữ đều có những đặc thù và bí ẩn của nó, nhưng dịch giả Trần Nghi Hoàng đã nỗ lực cao nhất để dịch chính xác nguyên tác với lòng yêu mến và ngập tràn cảm xúc. “ Em ở đâu thắp đèn lên cho anh nhìn thấy”. Câu thơ ấy của tôi trong bài thơ dài Hình đám cỏ, mà nhà phê bình văn học Rob Mars (Cộng hòa Séc) đã trích trong bài viết, được Trần Nghi Hoàng ngắt thành 2 câu: “ Where are you now? Please light up a lamp so I can see.”, cho thấy sự tinh tế và chính xác của ông. Về những thông tin cuốn sách ở nước ngoài, Nhà xuất bản Page Addie Press vẫn thường xuyên trao đổi và thông tin cho tôi các đường link để vào xem các website đã đưa tin và bình luận về cuốn sách.
– PV: Được biết, tập thơ đã thu hút một số tác giả nước ngoài đọc và bình luận. Anh đã đọc những lời bình luận này, anh thấy họ cảm nhận và khám phá thơ anh ra sao?”
– MVP: Tôi thú vị khi đọc những ý kiến (reviews) đó. Họ cho tôi thấy có nhiều lối vào không gian thơ của mình. Các ý kiến của Katy Miller (Anh), Amanda Evans (Ai – len) và Rob Mars (Cộng hòa Séc) mang đặc trưng cách nhìn tư biện và duy lý của phương Tây. Riêng bài của Raymond P. Keen (Hoa Kỳ) rất sâu sắc, và kỹ, cho thấy người viết rất am tường văn hóa châu Á, đặc biệt văn hóa Việt Nam. Ông đã dẫn câu nói “Trong và ngoài là bất khả tách rời/ Inside and outside are inseparable” của nhà hiện tượng học người Pháp Maurice Merleau-Ponty, nhằm phân tích sự thống nhất của “thế giới chiếu sáng” để đi đến nhận định: “con người trở thành một phần bài hát của chim, tham gia vào đàn chim đang bay, tất cả là dễ bị tổn thương của nỗi đau hiện hữu…”
– PV: Việc xuất bản này sẽ đưa thơ anh đến một diễn đàn văn chương rộng hơn. Anh có chuẩn bị tâm lý để đón nhận và tham gia vào không gian ấy?
– MVP: Từ khi sách của tôi phát hành trên trang mạng Amazon, hệ thống phát hành sách Barnes and Noble Bookstore của Hoa Kỳ, các mạng xã hội…, tôi nhận được nhiều thư qua email của bạn bè cũ và mới, nhận được nhiều thông tin văn chương rất bổ ích. Tuy vậy tôi luôn biết tính hai mặt của diễn đàn đa chiều như hiện nay, mà nhà thơ thì rất cần sự cô đơn, tĩnh lặng cần thiết cho sáng tạo. Tôi luôn sẵn sàng đón nhận các ý kiến đóng góp với thái độ cầu thị. Không gian mới mẻ này chính là cơ duyên giúp tôi có thêm nhiều góc nhìn để tự khám phá và hoàn thiện mình hơn.
– PV: Cảm ơn anh!
Nguyễn Quang Hưng thực hiện