NGÔ VÌNH BÌNH
Nhiều người từ Pháp về cho biết: Bên đó mấy năm trước có in một cuốn sách với nhiều hình ảnh về Điện Biên Phủ. Không phải là những hình ảnh đạn bom hoặc sắt máu về trận đánh, mà là những bức ký họa ghi lại rất đời thường những sinh hoạt của chiến sĩ bộ đội ta ở Điện Biên Phủ. Cuốn sách do Laurent Colin giới thiệu, có đầu đề là: Mai Văn Hiến, một nghệ sĩ trong chiến trận.
Mai Văn Hiến, cựu sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội thời Pháp, đã cùng Nguyễn Sáng là hai họa sĩ được gửi đến Điện Biên Phủ và có mặt ở cuộc chiến đó. Qua cuốn sách thấy một bộ mặt khác của chiến trường, người nghệ sĩ cùng các chiến sĩ không phải đương đầu với bom đạn mà với đủ loại bệnh tật, thiếu đói, “máu trộn bùn non”.
Ông vẽ cảnh sinh hoạt của những người chiến sĩ mà ông chưa hề biết họ tên quê quán, nhiều người trong số họ sau đó đã vĩnh viễn ra đi. Tranh Mai Văn Hiến là tranh “tả trận”, chân thực nhưng cũng có bức thật hóm hỉnh, nên thơ.
Là phác thảo, ghi nhanh trên các thứ giấy bằng bút chì, bút mực, sau đó tô thêm phần màu sắc chiết ra từ lá cây, các loại đất đá, thậm chí là cả thuốc nhuộm quần áo, thuốc ký ninh chữa sốt rét, rồi thuốc đỏ dùng để sát trùng cho thương binh…
Tháng 8 năm 1945 ông tham gia cách mạng tại Hà Nội bằng nghề vẽ tranh cổ động, làm công tác tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đầu năm 1946, Mai Văn Hiến cùng với ba họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Huyến và Nguyễn Văn Khanh được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính chọn giao nhiệm vụ vẽ những tờ giấy bạc đầu tiên cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hoạ sĩ Mai Văn Hiến là tác giả của tờ giấy bạc 5 đồng.
Không chỉ “vẽ ra tiền” ông còn là đồng tác giả chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” – phần thưởng của Chính phủ và Bác Hồ tặng những chiến sĩ tham gia chiến dịch lịch sử này. Trong “Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954”, Bác viết: “Bác và Chính phủ thưởng cho các chú Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Các chú có tán thành không?”
Chiếc huy hiệu cao quý ấy đã được hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích vẽ, thiết kế ngay từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ còn chưa kết thúc. Bấy giờ cả hai ông đều là họa sĩ của báo Quân đội nhân dân, nổi tiếng với những tranh “vẽ tại trận” về bộ đội, dân công, những bức biếm họa về những chàng “vệ túm”, những ông Tây mũi lõ, “bắt gà”…
Để hoàn thành chiếc huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, hai ông đã phải bỏ công suy nghĩ, thể nghiệm tới hàng chục mẫu đưa cấp trên chọn duyệt, và một trong những mẫu ấy là chiếc huy hiệu chúng ta thấy hiện nay.
Ấy là chiếc huy hiệu hình tròn nổi bật lên là lá cờ đỏ sao vàng có dòng chữ “Quyết chiến quyết thắng”, phía dưới là hình ảnh anh bộ đội đầu đội mũ nan có lưới ngụy trang đang giương khẩu súng tiểu liên, xa xa là cảnh núi non trùng điệp… Và phía trên có dòng chữ “Xuân 1954”, phía dưới là những chữ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Khi vẽ chiếc huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cả hai ông còn rất trẻ, mới trên dưới ba mươi tuổi.
Họa sĩ Mai Văn Hiến sinh năm 1923 mất năm 2006. Quê ông ở miền Nam (xã Điền Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông từng là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tham gia quân đội từ năm 1947; đã vẽ nhiều tranh về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như “Gặp nhau” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, 1954), “Những lời dạy bảo”, “Trước giờ ra thao trường” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật, 1958), “Bướm dọc đường”, “Hoa doanh trại”, “Du kích Đông Bắc” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, 1989)… Ông được Bộ Quốc phòng trao Giải thưởng văn học – nghệ thuật đợt đầu tiên, năm 1984. Nhà thơ Vũ Cao có lần viết về ông như sau: “Sau Hội nghị Văn nghệ bộ đội (4/1949), Mai Văn Hiến tiếp tục làm việc ở báo Vệ quốc quân. Vì sốt rét nhiều lần nên sau này gầy đi và da xanh hơn, nhưng sự vui tính thì không giảm mà ngày càng tăng khiến tôi nghĩ: nếu Mai Văn Hiến không nói đùa thì hẳn ông ấy không tồn tại được, dù trong một ngày! Hồi đó, Mai Văn Hiến là người minh họa nhiều nhất cho báo Vệ quốc quân. Nhân vật “vệ túm” được anh vẽ rất vui, nhìn một lần là nhớ. Đặc biệt khi vẽ trẻ con vùng rừng núi, anh tỏ ra rất nhạy cảm. Tranh vẽ các em nhỏ của Mai Văn Hiến bao giờ cũng dễ yêu mặc dù anh chỉ vẽ bằng đôi nét đơn sơ hầu như không có gì gọi là yếu tố kỹ thuật. Năm 1953, anh đi Tây Bắc rồi sang Thượng Lào, được phân công vẽ chân dung Hoàng thân Xuphanuvông để in tặng nhân dân vùng Sầm Nưa, Xiêng Khoảng. Các cuộc hành quân của bộ đội cùng dân công đã gợi ý cho anh vẽ bức Gặp gỡ nổi tiếng sau này. Tranh Mai Văn Hiến từ những ngày đó đến nay bao giờ cũng giản dị…” (Theo cuốn Nhà số 4 Lý Nam Đế – Nxb Quân đội nhân dân, 1997, tr.327-328).
Sinh thời, cả hai ông dù đã “ra quân” nhưng vẫn đều đều cộng tác với tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Quân đội nhân dân (họa sĩ Mai Văn Hiến là “người cũ” của báo Quân đội nhân dân, đồng thời cũng là biên tập viên sáng lập – 1957, của Văn nghệ Quân đội) nên thi thoảng tôi có được đến 65 – Nguyễn Thái Học (ngôi nhà của các gia đình họa sĩ nổi tiếng: họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Văn Giáo, họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Trần Đông Lương, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, họa sĩ Mai Văn Hiến, họa sĩ Song Văn, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm) “hầu chuyện” ông Hiến, người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, một văn nghệ sĩ – chiến sĩ, cán bộ của Tổng cục Chính trị một thời. Lần gặp nào cũng rất vui, thật bầu bạn (dù tôi chỉ là kẻ hậu sinh). Và, câu chuyện dù thế nào cũng trở về một “thời thanh niên sôi nổi” của ông trên chiến khu; về việc cùng họa sĩ Nguyễn Bích sáng tác, thiết kế chiếc huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cũng như những ngày “khoét núi ngủ hầm/ mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non” nhưng “gan không núng/ chí không mòn” chưa xa.
Ông đã đi xa nhưng hình ảnh người họa sĩ tài ba “có cái mũi biết cười” ấy cứ mãi tươi trẻ cùng Điện Biên, cùng báo chí quân đội. Riêng tôi, tôi còn giữ được mấy dòng thủ bút ông gửi. Những dòng chữ đã trải qua một phần tư thế kỷ rồi, đọc lại còn thấy rưng rưng!
N.V.B
Nguồn: Vannghequandoi.com.vn