Nghệ nhân Lê Đình Nghiên trình diễn kỹ thuật vẽ tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Mai Ngọc

Nhắc đến tranh Hàng Trống là nhắc đến một trong những “đặc sản văn hóa” độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người kinh kỳ xưa. Song trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, loại hình nghệ thuật đặc sắc này đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ trên bản đồ di sản Hà Nội.

Tinh hoa một thời vang bóng

Với mong muốn tiếp cận vẻ đẹp tinh tế của dòng tranh từng nức tiếng một thời, chúng tôi tìm gặp họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê, người đã dành 40 năm “lăn lộn” cùng dòng tranh Hàng Trống. Từ đây mới vỡ lẽ, được gọi là tranh Hàng Trống không phải bởi dòng tranh này được làm chủ yếu trên phố Hàng Trống như trước giờ phần đông vẫn hiểu, mà bởi trước kia, cứ gần Tết, người người, nhà nhà làm tranh ở các giáo phường trên đất kinh kỳ Thăng Long lại mang sản phẩm của mình ra đình Hàng Trống tập kết. Có lẽ phải là dân Hà Nội gốc mới nhớ thói quen đã trở thành nếp sống bao đời. Ấy là cứ mỗi độ từ 15 đến 27 tháng Chạp, cả khu Hàng Trống lại tấp nập đông vui. Người mua tranh chúc tụng như Tứ quý, Thất đồng, Tam đa… để nguyện cầu bình an, tài lộc; người sắm tranh thờ như Tam Phủ, Tứ Phủ, Thượng Thiên… mang về nhà hay các đình, chùa để treo. Thời đó, cùng với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, tranh Hàng Trống là thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên. Nhiều gia đình còn thuê các nghệ nhân dát vàng, dát bạc lên tranh để tăng tính sang trọng.

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê nhận định: Tranh Hàng Trống có lịch sử hình thành đã 400 năm và phát triển sớm với dòng tranh tín ngưỡng, tranh Tết. Dòng tranh tín ngưỡng đạt đến độ tuyệt phẩm của tranh dân gian Việt Nam và được liệt vào hàng đặc sắc trong các loại tranh tôn giáo của nhân loại. Đầu thế kỷ 20, khi đời sống văn hóa – xã hội lên cao, tranh Hàng Trống tiếp tục hình thành dòng tranh sinh hoạt xã hội như: Tố nữ, Chợ quê, Hội Tây, Duyệt binh, Múa rồng, Múa lân…; hay dòng tranh phản ánh các tích truyện như: Truyện Kiều, tuồng Sơn Hậu… Đề tài rộng mở, đáp ứng được cả nhu cầu tín ngưỡng và giải trí nên dòng tranh này được đông đảo tầng lớp nhân dân ưa chuộng.

Từng phát triển cực thịnh, nhưng vào thời kỳ chiến tranh, việc làm tranh Hàng Trống bị đứt đoạn. Nhiều gia đình bỏ nghề hoặc chuyển sang làm thời vụ, một số lượng lớn bản khắc tranh cũng vì thế mà mất đi. Vậy là chỉ ngót nghét 50, 60 năm trôi qua, song bóng dáng của một dòng tranh có lịch sử bốn thế kỷ đã dần đi vào quên lãng… Giờ đây, ký ức về một Hàng Trống phồn thịnh với nghề làm tranh chỉ còn trong trí nhớ của những bậc cao niên. Dù một số gia đình vẫn treo các bức Tố nữ, Lý Ngư vọng nguyệt hay Chợ quê nhưng hầu hết là tranh chép, tranh “nhái”, càng ít người biết đây là những hình ảnh vốn thuộc về dòng tranh Hàng Trống.

Nỗ lực giữ “lửa”

Dạo một vòng quanh phố cổ Hà Nội, nơi trước đây vốn luôn sầm uất, rực rỡ với sắc tranh truyền thống, mỏi mắt mới “bói” ra được một cửa hàng duy nhất tại số 5 Tô Tịch còn bày bán tranh Hàng Trống, bên cạnh nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác. Hỏi ra mới biết, chủ nhân của cửa hàng là chị Lê Ngọc Diệp, người từng công tác 12 năm tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) với cương vị cán bộ phụ trách nhóm bảo tồn và phát triển hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Chị chia sẻ, nhờ có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu và yêu thích tranh Hàng Trống nên khi chuyển vị trí công tác, mở ra “Không gian truyền thống Hà Nội” trên đường Tô Tịch, chị vẫn dành một vị trí trang trọng cho dòng tranh này. Đây là cách vừa để thỏa mãn niềm đam mê của mình, vừa để trân trọng di sản nghệ thuật của cha ông và có cơ hội giới thiệu vẻ đẹp tranh Hàng Trống đến công chúng. Chị cho biết, khách hàng chủ yếu của tranh Hàng Trống là những người cao tuổi từng gắn bó với dòng tranh này, cũng có khi là những người trẻ tuổi được nghe nói về tranh Hàng Trống hay một số khách nước ngoài nghiên cứu về tranh dân gian Việt Nam. Và cũng có nhiều khách chưa từng biết nhưng khi đến cửa hàng, thấy tranh đẹp, được giới thiệu về quy trình làm và giá trị của tranh lại thấy thích, mua ngay. “So với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống có kỹ thuật làm phức tạp hơn, độ tinh xảo cũng cao hơn, nhiều người biết đến nó đều thích ngay. Chỉ tiếc rằng, trong khi tranh Đông Hồ được quảng bá tốt và được lồng ghép giới thiệu trong cả những tua du lịch làng nghề, thì tranh Hàng Trống lại không có nhiều con đường để tiếp cận người thưởng lãm. Làm tranh mất công, giá thành cao hơn, người làm ra nó giờ cũng chỉ còn duy nhất một nghệ nhân cho nên dòng tranh này cứ dần mai một, dù tích tụ trong đó là kỹ thuật và tinh hoa của biết bao thế hệ…” – chị Diệp tâm sự.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người duy nhất còn nắm giữ bí quyết làm tranh Hàng Trống tiếp chúng tôi trong căn gác xép nhỏ trên phố Cửa Đông, Hà Nội. Không gian chưa đầy 15 m2 ngổn ngang hộp mầu các loại, bút lông, bản khắc, bản vẽ chì. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được tận mắt chứng kiến tài hoa của nghệ nhân đã từng gắn bó gần 60 năm với nghề, ông không ngần ngại lôi bức Thập điện Diêm vương đang thực hiện dở dang ra tiếp tục thao tác. Dùng bút lông chấm vào bảng mầu rồi “phiêu” trên tranh vẽ, ông say mê nói về công đoạn thực hiện: “Nếu tranh Đông Hồ được in bằng cách bôi mầu lên những bản khắc gỗ, mỗi mầu một bản rồi ấn khuôn lên giấy điệp thì tranh Hàng Trống phải kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật in và vẽ, đòi hỏi có tay nghề mới làm được. Người vẽ sau khi in và vẽ hình xong sẽ tô bằng màu nước hoặc bột mầu rồi mới bồi tranh. Đây cũng là công đoạn khó nhất, đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm nhiều nhất. Xưa kia còn hiếm nguyên liệu, phải vẽ tranh trên giấy in báo nên độ bền không cao, giờ có thể in trên giấy dó độ dai cao, lại được bồi trung bình từ ba đến tám lớp mầu nên tranh Hàng Trống được bảo quản tốt, tuổi thọ dài. Đòi hỏi của người chơi tranh bây giờ cao hơn nên tranh cần được làm cẩn thận, tinh xảo hơn. Những bức thông thường phải mất ba, bốn ngày mới làm xong, còn những bức phức tạp hơn cũng phải mất chục ngày. Bức đơn giản có giá năm, bảy trăm nghìn đồng, còn bức cầu kỳ hơn phải lên tới chục triệu đồng”.

So với những dòng tranh khác, mức phí để chơi tranh Hàng Trống cao hơn, nhưng nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết, vẫn không hiếm người yêu tranh, các nhà nghiên cứu, sưu tầm đến tận nhà tìm ông để đặt mua. Một số người nước ngoài còn đặt hàng qua điện thoại hoặc qua mạng. “Nếu tâm huyết và chịu khó, chắc chắn sống được bằng nghề. Tiếc rằng giờ chỉ còn mình tôi giữ nghề này. Tuổi cao, sức yếu, tôi không làm được nhiều, chỉ ai đặt hàng mới thực hiện” – Nghệ nhân chuẩn bị bước sang tuổi thất thập tâm sự. Tiếc cho vốn quý cha ông, cứ mỗi lần được tham gia triển lãm, ông Nghiên đều cố gắng trình diễn và giới thiệu về nghệ thuật làm tranh, những mong trở thành “mấu nối” hiện tại với quá khứ, dù biết rằng mấu nối ấy đã lỏng lẻo, đuối sức.

Cần được cứu kịp thời

Vẫn biết không chỉ riêng tranh Hàng Trống mà nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác của dân tộc cũng đang loay hoay, vật lộn trên hành trình bảo tồn và phát triển, nhất là khi những “báu vật nhân văn sống” đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Song có lẽ tình trạng cần được “cấp cứu” của dòng tranh dân gian này đang ở mức cấp thiết hơn cả, bởi đến nay, toàn bộ tinh hoa trong kỹ thuật làm tranh chỉ còn được lưu giữ bởi duy nhất một nghệ nhân đã sắp sang tuổi bảy mươi. Bản thân nghệ nhân Lê Đình Nghiên cũng nhận biết điều đó nên luôn trăn trở với việc kiếm tìm những người sẽ thay ông tiếp tục “giữ lửa”. Song tìm được người vừa có tâm huyết, vừa có đam mê, lại có năng khiếu là điều rất khó, nhất là khi tranh Hàng Trống “kén” người làm. Trong gia đình, chỉ mình ông có “duyên” với nghề, làm được nghề. Ông cho biết, đã có một số người yêu tranh Hàng Trống tìm đến ông theo học, song đều bỏ dở. Nếu chỉ học để biết, học cho vui mà không lăn lộn, sống chết với nghề thì sẽ không tiếp thu được những tinh túy nghệ thuật dân gian đã đúc kết hàng trăm năm. Những năm qua, ông chuyên tâm truyền nghề cho người con trai nhưng vẫn không thôi băn khoăn: “Lửa nghề đã “nhen” rồi nhưng có bùng lên, cháy được không và có bản lĩnh gìn giữ hay không lại là chuyện khác và cần thời gian kiểm chứng”.

Vì không được biết đến rộng rãi cho nên số lượng tiêu thụ tranh Hàng Trống còn tương đối hạn chế. Nhưng rõ ràng, nguồn cung vẫn không đủ cầu, lượng tranh làm ra vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của một số người chơi tranh Hàng Trống. Do đó, để cứu sống dòng tranh đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giải pháp cần quan tâm hàng đầu là đào tạo lớp nghệ nhân mới. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhận định: “Theo quy luật, khi không còn người thực hành di sản, di sản sẽ không được công nhận nữa. Bởi thế, trước tình trạng tranh Hàng Trống chỉ còn duy nhất một nghệ nhân nắm giữ bí quyết thực hành, thành phố phải có sự đầu tư cần thiết để truyền dạy khẩn cấp cách thức, kỹ thuật làm tranh. Trước mắt, có thể tuyển lựa một số họa sĩ có tài năng của dòng tranh dân gian để theo học nghệ nhân Lê Đình Nghiên”. Song làm thế nào để nghệ nhân có thể cởi mở, nhiệt tình truyền dạy bí quyết thực hành nghệ thuật cả đời tích lũy? Làm thế nào để tuyển lựa đúng đối tượng theo học, giúp họ có môi trường phát huy? Điều đó đòi hỏi cách ứng xử khéo léo, cẩn trọng với một chế độ chính sách hợp lý, có lộ trình của những người thực hiện.

Theo Hồng Trang – Nhân dân online