Trương Duyệt Nhiên sinh năm 1982 nhưng cô đã có những bước dài trên con đường sáng tác. Yếu tố đem đến thành công cho tiểu thuyết của cô không phải ở cốt truyện mà là sự quan sát và thể nghiệm nhạy bén, sắc sảo cùng những cảm xúc tinh tế giữa tâm hồn tác giả và thế giới bên ngoài… Nhà văn Mạc Ngôn nhận xét. sự kiện nóng


Cô xâu chúng lại thành những chuỗi ngọc chữ mộng mơ, tạo nên những kỳ quan tráng lệ, rực rỡ sắc màu. Sắc màu mơ mộng khiến tiểu thuyết của cô vượt lên mọi phàm tục mà cao quý hoa lệ. Đọc tiểu thuyết của cô, vừa thấy lạnh căm căm vừa thấy nóng bừng bừng, vừa mông lung vừa sáng rõ, vừa chân thật vừa hư ảo.


Đó gần như những lời nói mê của sự mẫn cảm khi tuổi thanh xuân bắt đầu, đến từ nỗi âu sầu tự xương tủy, đến từ niềm hân hoan và mang nhiên của sự trưởng thành, có khi sắc nhọn, có khi lặng trầm – chúng bay bổng mà phiền muộn.

Chỉ ái tình là còn lại!

So với những người sinh vào những năm 70, các bạn trẻ thế hệ 8X trưởng thành sớm hơn. Sự tàn khốc của hiện thực, sự vây bức của thông tin… không giờ nào khắc nào thôi lôi kéo nỗi buồn, sự phân biệt và suy tư của họ.
Họ không có tín ngưỡng cố định mà thống nhất, vì thế họ đã bắt đầu đi tìm niềm an ủi cho tâm hồn từ rất sớm. Điều đó chẳng hề đơn giản như đi tìm một trường đại học lý tưởng hay đáp án cho một bài kiểm tra.
Quan niệm về tình bạn, tình yêu, gia đình của người trưởng thành chen vào tầm mắt của họ quá sớm. Họ cả nghĩ, mẫn cảm, dễ bị tổn thương, nhưng đôi lúc lại thể hiện một sự kiên cường đáng kinh ngạc. Họ không tình nguyện sa vào thế tục quá sớm, vì vậy không tôn thờ tiền bạc và quyền thế, khi ấy, chỉ ái tình là còn lại!

Bởi thế, tiểu thuyết của Trương Duyệt Nhiên chủ yếu viết về tình cảm gia đình, tình bạn và tình yêu. Tình yêu dưới ngòi bút của cô là từng cánh diều tự do và bình yên được cô đem cả tâm hồn non nớt mà sớm chín của mình thả lên trời. Tình yêu trở thành cái cớ duy nhất của mộng tưởng.

Những mộng tưởng như thế ngoan cường sống trong tiểu thuyết của Trương Duyệt Nhiên. Ví dụ sự “cự tuyệt” của “tôi” trong tác phẩm “Mèo mun không ngủ”, sự giữ gìn của thiên sứ trong “Hủy hoại”, sự hiến thân của “tôi” trong tác phẩm “Hoa hướng dương đi lạc năm 1890” v.v…

Ai cố chấp, ôm khư khư lấy mộng tưởng tất nhiên cũng sẽ ôm cả muộn phiền, bởi thực tế muốn xóa bỏ mộng tưởng, thực tế phũ phàng chặn đường chúng bay lên. Vì thế, những tình yêu chủ quan (một phía) ban đầu đều rất đẹp đẽ, phát triển đều rất gian nan, kết cục đều rất bi thảm. Vậy họ có thể vứt bỏ mộng tưởng không? Đáp án chắc chắn là không thể. Ngược đời ở chỗ: ảo mộng của họ đa số là bi kịch.
Sở dĩ ngòi bút Trương Duyệt Nhiên nhiều lần đụng đến đủ “dạng tồn tại của tình yêu bi kịch”, bởi vì giữa ảo mộng và hiện thực tồn tại một khoảng xa cách vĩnh hằng, điều này đem đến cho họ – những kẻ ưa ảo tưởng một cảm giác bị kịch bủa vây. Nhà văn đã phát lộ ý thức bi kịch trong tiểu thuyết của mình từ khi còn nhỏ tuổi, điều này thật không giản đơn.
Sự xác lập của ý thức bi kịch, như có người từng nói, là một sự thức tỉnh của chủ nghĩa lý tính, là sự bổ sung cần thiết của cảm xúc lạc quan cho toàn xã hội. Đối lập với cảm xúc lạc quan của toàn xã hội, sự bi quan này chắc chắn vừa quan trọng vừa cần thiết. Đồng thời chúng ta cũng kinh ngạc phát hiện: Đa phần tiểu thuyết của Trương Duyệt Nhiên là bi kịch.
Nhà văn 8x của Trung Quốc Trương Duyệt Nhiên


Chữ nghĩa sắc sảo như giấu dao bên trong, tư tưởng sáng lấp lánh như ngọc, cô dùng tiểu thuyết để xây dựng một cuộc sống cao hơn hiện thực, đồng thời vươn những xúc tu tâm linh vừa phong phú vừa tươi tốt vào cuộc sống ấy, tác phẩm của cô đầy ắp những xung động vượt lên hiện thực và mang sức mạnh phê phán khiến con người tỉnh ngộ.

Đương nhiên, trong cuộc sống thực tế, trong con mắt người khác, cô có thể sống rất tốt, rất quý tộc. Nhưng chúng ta sẽ nghe thấy cô phản bác như đinh đóng cột rằng: Tôi không bi kịch, nhưng bi kịch mãi ở trong lòng tôi!

Ôm ấp tình yêu, ôm ấp ảo mộng, ôm ấp nỗi muộn phiền sâu sắc,… tất cả đem đến cho tiểu thuyết của cô vẻ cao quý lạ thường bởi những muộn phiền đầy ắp. Trong lòng họ, tình yêu cao hơn tất cả! kể cả sinh mệnh. Họ giữ gìn tín điều ấy, cổ vũ chính mình, an ủi và nâng đỡ con tim mong manh của mình.
Những nỗi ao ước và đau khổ của một thế hệ
Có thể nói rằng, tiểu thuyết của Trương Duyệt Nhiên nói lên những ao ước và nỗi đau khổ của một thế hệ. Khát vọng của họ được hiểu, được nâng niu – và điều quan trọng hơn là, họ muốn học cách nhìn nhận và chăm sóc chính mình, ước mơ của mình và tất cả những gì họ tin yêu và thờ phụng, từng chút một, lớn lên.


Kỳ thực, với bất kỳ ai đã đến được, những chi tiết rực rỡ và rầy rà, ghi lại nhịp đập trái tim và nỗi buồn thời niên thiếu ấy cho dù dễ dàng phủ che vẻ vô tư lự thời niên thiếu, nhưng khi nhớ lại mọi thứ vẫn thật đẹp. Bởi vậy, giá trị của tiểu thuyết Trương Duyệt Nhiên là ở chỗ: ghi lại quỹ đạo trưởng thành về tâm lý của những thiếu niên mẫn cảm mà hay âu sầu, thể hiện sự chân thực rất phù hợp với năng lực tư duy của lứa tuổi này.
Trưởng thành là một đề tài bất tận trong nền tiểu thuyết của chúng ta. Mặc dầu tình yêu đối với lứa tuổi của họ như những bong bóng sặc sỡ, mỏng manh dễ vỡ, vĩnh viễn không thể chạm tới được, vĩnh viễn ở bờ bên kia, song cũng không hề gì, bởi họ đang khám phá, đang phân biệt, đang tiến lên, từng bước từng bước tới dinh lũy của người lớn.

Sự chân thực ấy đến từ sâu thẳm trong tâm hồn thế hệ, kỳ thực không phải ai cũng dễ dàng làm được. Họ thích gì, ghét gì, hướng tới cái gì, chống lại cái gì, những câu hỏi này đều có thể tìm được câu trả lời trong tiểu thuyết của Trương Duyệt Nhiên.

Đọc những tiểu thuyết này, có thể thấy rằng: sức tưởng tượng của Trương Duyệt Nhiên thật đáng kinh ngạc. Trên cái nền được xây bởi hai khối cấu kiện nặng là những giấc mơ dai dẳng của thiếu nữ và ý thức bi kịch, sức tưởng tượng nhả đạn vào câu chuyện, ánh sáng mê ảo của chúng chói ngời như những chùm hoa lửa. Sức tưởng tượng được trợ giúp bởi kinh nghiệm thực tế còn hạn chế của cô, kết thành những tình tiết tuyệt diệu và những đóa hoa chi tiết tinh tế.

Cuộc tàn sát giữa cá với cá cùng với “bộ vũ y xanh biếc” của vợ cá xanh trong “Tàn thực”, cuộc gặp bi thảm của mèo mun vô tội trong “Mèo mun không ngủ”; cái chết của thiên sứ và chi tiết thiên sứ chết đi còn nắm trong tay vật tượng trưng cho tình yêu là “chiếc vé giá 10 đồng” trong “Hủy hoại”; hoa hướng dương nhờ mượn sức mạnh của bà phù thủy mà có thể có hai chân đi khắp nơi, đôi con ngươi “có những gân máu như những sợi tơ đèn màu đỏ” của bà phù thủy trong “Hoa hướng dương đi lạc năm 1890”;…
Những ví dụ như thế có thể gặp ở khắp nơi trong tiểu thuyết của Trương Duyệt Nhiên. Tưởng tượng khiến cho tiểu thuyết của cô có âm sắc riêng, đầy chất thơ. Hơi thở của mộng ảo, hơi thở của tưởng tượng, hơi thở của ý thơ cùng góp mặt trong tiểu thuyết của Trương Duyệt Nhiên – những tác phẩm ưu tú, kỳ lạ.

So với độ tuổi và vốn sống tự thân của cô, Trương Duyệt Nhiên là một người xuất sắc. Mặc dù cô được tiếng là “nhà văn khái niệm mới”, nhưng thật ra cô đã vượt ra khỏi phương thức biểu hiện cuộc sống và tư thái viết văn mà “khái niệm mới” hạn định, đã dần dần hướng đến “xã hội hóa”.Chữ của cô sắc sảo, kỳ diệu, sáng rõ, thời thượng mà vững vàng. Những kỹ năng thành thục về ngôn ngữ được Trương Duyệt Nhiên vận dụng triệt để và cho ra đời một thứ văn mẫn cảm, mơ mộng với tâm hồn bay bổng, đó là bằng chứng để tin tưởng rằng Trương Duyệt Nhiên hoàn toàn có thể trở thành một nhà văn ưu tú.

“Hoa hướng dương đi lạc năm 1890” là một tiêu chí. Chúng ta thấy tác giả từ một người ưa ảo mộng, chìm đắm trong thế giới rực rỡ sắc màu bước ra khỏi đam mê cá nhân hóa mãnh liệt, để suy tư về văn hóa, để bước tới một chân trời rộng lớn hơn.
Đối tượng mà tình yêu của “tôi” từng mê mải cũng đã bước từ thế giới thiếu niên thời thượng tới chỗ là một người lớn đầy cá tính và cố chấp, đây là biểu trưng được mở rộng từ phạm vi mà tác giả đã bỏ công đề cập.
Đây là một thay đổi mới, và rõ ràng là một phương hướng viết văn mới. Không khó để thấy rằng, Trương Duyệt Nhiên đã tạo cho mình không gian phát triển và khả năng mở ra một không gian phát triển khác từ đây.

Nữ nhà văn tài tình
Tiểu thuyết Trương Duyệt Nhiên được đông đảo học sinh sinh viên đón nhận. Nếu đăng trên mục “Diễn đàn. Tôi đọc Manh nha” của trang web Manh Nha, sẽ thấy ngay sự hoan nghênh nhiệt liệt của độc giả đối với tiểu thuyết của cô. Cô đã nhiều lần được độc giải bình chọn là “nữ văn sĩ tài tình nhất”, “nữ văn sĩ triển vọng nhất”, đoạt giải thưởng “tiểu thuyết gây xúc động nhất”.
Có thể thấy Trương Duyệt Nhiên đã hình thành được một cộng đồng độc giả riêng cho mình. Tiểu thuyết “Lời hứa”, “Tàn thực” cô viết năm 14, 15 tuổi đã được chuyên mục “nhà tư tưởng tương lai” của tạp chí “Nhà tư tưởng thanh niên” giới thiệu và tặng danh hiệu này; tiểu thuyết của cô từng được nhiều báo chí như “Tân Hoa văn cảo”… đăng tải và được nhiều nhà xuất bản đánh tiếng xin tác phẩm cho các tập sách “Tuyển tập tác phẩm các nhà văn thanh thiếu niên”.

Thành công đã tới từ tài năng và nỗ lực không mệt mỏi của cô. Đương nhiên, tác phẩm của cô cũng không tránh khỏi hạn chế, ví dụ cô thường quá say sưa với cái tôi, điểm này khiến tiểu thuyết của cô có vẻ bị bó hẹp; trữ tình của cô theo “kiểu mở”, thiếu khắc chế, tiết chế…
Văn học vĩ đại không bao giờ chỉ dừng lại trên tầng diện ảo mộng, nó cần hàm chứa lịch sử, hàm chứa hiện thực rộng lớn và trách nhiệm, hàm chứa cuộc đời thực vụn vặt, gian nan mà cụ thể.

Nghiệp viết của Trương Duyệt Nhiên mới đang ở những bước khởi đầu song đã có được những thành quả đáng nể dựa vào sức tưởng tượng, ngôn ngữ và cá tính của cô.
Cuộc đời ở phía trước đang mở ra cho cô những cơ hội học tập và gia tăng hiểu biết nhiều chiều về cuộc sống và xã hội, tôi tin tưởng cô sẽ xử lý tốt hơn quan hệ giữa mơ ước và hiện thực, xử lý tốt hơn quan hệ giữa kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm xã hội, viết ra những tác phẩm vừa mang cá tính tươi sáng vừa có sức bao quát rộng rãi.
Trương Duyệt Nhiên:

– Sinh năm 1982 tại Kỳ Nam (Sơn Đông – Trung Quốc), được coi là nhà văn nữ tài tình nhất thế hệ 8X ở Trung Quốc.

– 14 tuổi bắt đầu có tác phẩm trên các báo và tạp chí văn học.
– Giải nhất “Cuộc thi Văn mới toàn quốc”.
– Giải nhì “Giải thưởng văn học cao đẳng đại học” lần thứ 5 của Singapore, 8/2003.

– Giải nhì cuộc thi Người viết mới trên tạp chí Văn học Thượng Hải, 11/2003,

– Đã xuất bản 06 tiểu thuyết, nhiều lời tựa do chính nhà văn Mạc Ngôn viết, cô đã khẳng định được tài năng và vị trí trên diễn đàn văn học trẻ Trung Quốc ngày nay.

– Tác phẩm được dịch và xuất bản tại Việt Nam 8/2006: Thủy tiên cưỡi cá chép vàng đi (NXB Phụ Nữ).

– Các tác phẩm tiêu biểu khác sắp được phát hành tại Việt Nam: Anh Đào xa tít tắp, Mèo mun không ngủ, Mười yêu, Giày đỏ.































  • Nhuệ Anh (dịch)