Nhã nhặn và điềm đạm  trong buổi họp báo tại thành phố Cao Mật ngay trong đêm 11/10, Mạc Ngôn chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng Nobel danh giá

Trước thời điểm công bố người đoạt giải Nobel Văn học 2012, nhà văn Mạc Ngôn từ chối phỏng vấn. Ông âm thầm làm việc tại quê nhà – thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Tối 11/10, thư ký của Mạc Ngôn gọi điện cho nhà văn báo tin về giải thưởng, nhưng ông đã biết kết quả trước đó ít phút. “Giọng thầy Mạc Ngôn điềm đạm mà cũng đầy tự tin”, vị thư ký nói.

Không lâu sau, khi toàn dân Trung Quốc biết tin nhà văn đáng kính của họ giành giải thưởng lớn, nhiều người hâm mộ đến trước nhà chờ đợi sự xuất hiện của Mạc Ngôn. Hàng loạt nhà báo sẵn sàng chầu chực qua đêm trên cung đường tới thành phố Cao Mật, phía đông của tỉnh Sơn Đông, nơi Mạc Ngôn đang ở với gia đình. Ban đầu, Mạc Ngôn không có ý định trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, sau đó, một buổi họp báo được tổ chức tại một khách sạn trong thành phố ngay trong đêm 11/10.

Nhà văn Mạc Ngôn trong buổi họp báo tại Cao Mật tối 11/10, sau khi nhận thông báo giành giải Nobel văn học 2012. Ảnh: Xinhua.

Với thái độ nhã nhặn, điềm đạm, Mạc Ngôn mở đầu cuộc nói chuyện bằng lời cảm ơn đậm chất người Sơn Đông: “Mấy hôm nay, nhiều phóng viên dồn về Cao Mật. Các bạn từ xa xôi đến cũng vất vả nhiều rồi. Trước kia ở mùa này, Cao Mật sẽ có cao lương đỏ, nhưng mà bây giờ không còn trồng nữa rồi, mọi người chẳng nhìn thấy cao lương đỏ nữa”.

Chia sẻ cảm xúc khi đoạt giải thưởng cao quý của thế giới, Mạc Ngôn nói: “Tôi rất vui nhưng cũng rất ngạc nhiên. Thế giới, trong đó có Trung Quốc có rất nhiều nhà văn ưu tú. So với nhiều đồng nghiệp khác, tôi là tác giả còn khá trẻ, rất khó có khả năng đoạt giải”.

Trong buổi họp báo, Mạc Ngôn đưa ra tổng kết ngắn gọn, giải thích lý do ông có thể giành giải Nobel: “Có thể một vài yếu tố nào đó trong tác phẩm của tôi đã lay động được hội đồng thẩm định. Văn học Trung Quốc là một bộ phận của văn học thế giới. Tác phẩm của tôi nói lên đời sống nhân dân, văn hóa độc đáo của Trung Quốc và nếp sống của dân tộc. Chúng cũng được kể từ điểm nhìn của một con người bình thường, không phân biệt quốc gia hay chủng tộc”, tác gia Trung Quốc nói. Mạc Ngôn cũng cho biết, rất nhiều yếu tố nghệ thuật dân gian từ quê hương ông như nghệ thuật cắt giấy, chạm trổ, nghệ thuật vẽ truyền thống trong năm mới đã ảnh hưởng đến tác phẩm của ông.

Mặc dù vui mừng vì giải thưởng, Mạc Ngôn cho rằng, việc ông đoạt giải thưởng Nobel “không nói lên điều gì”. “Tôi không nghĩ chiến thắng của tôi có thể đại diện cho bất cứ điều gì. Trong thời gian tới, tôi sẽ dồn tâm huyết của mình vào việc sáng tác. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ. Cảm ơn mọi người”.

Mạc Ngôn tại Hội chợ sách quốc tế  Frankfurt (Đức) lần thứ 61 năm 2009. Ảnh: Xinhua.

Chỉ nửa tiếng sau khi thông tin Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn học chính thức được phát đi từ Stockholm, Thụy Điển, các cuốn sách của Mạc Ngôn trên mạng sách online của Trung Quốc rơi vào tình trạng “đã hết”. Một người mua may mắn để lại bình luận: “Mừng vì đã mua được sách nhưng thật là xấu hổ, tôi chưa từng đọc tiểu thuyết nào của Mạc Ngôn”. Theo Xinhua, mặc dù được vinh danh ở giải thưởng văn chương danh giá nhất thế giới, Mạc Ngôn không phải là tiểu thuyết gia phổ biến nhất ở Trung Quốc, cả trên thị trường sách và về mặt danh tiếng. Một vài cuốn sách của Mạc Ngôn từng bị cấm tại Trung Quốc vì yếu tố “khêu gợi và thô tục”.

Nhà văn Trung Quốc thắng giải Nobel văn học 2012 cho những tác phẩm văn chương có sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với các câu chuyện dân gian, lịch sử và cuộc sống hiện đại của Trung Quốc. Peter Englund, Tổng thư ký thường trực Ủy ban Nobel nói trên truyền hình Thụy Điển: “Mạc Ngôn nói, anh ấy rất vui mừng và hồi hộp. Mạc Ngôn có lối viết cực kỳ độc đáo. Chỉ cần đọc nửa trang viết của Mạc Ngôn, bạn sẽ có thể nhận ra được văn phong của ông ấy. Phong cách của Mạc Ngôn là một đài phun nước của từ ngữ và những câu chuyện kể. Chuyện lồng trong chuyện, câu chuyện này mở câu chuyện khác và cứ thế, Mạc Ngôn là một nhà văn hấp dẫn”.

Tiểu thuyết của Mạc Ngôn khắc họa cuộc sống hiện thực của người dân Trung Quốc hiện đại. Tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” kể câu chuyện về người mẹ đấu tranh với hiện thực khắc nghiệt của đời sống trong bối cảnh Trung Quốc thế kỷ 20. Tác phẩm “Ếch” phê bình trực tiếp hơn tới chính sách “gia đình một con” nhằm kiểm soát gia tăng dân số nhưng cũng mang đến không ít bị kịch cho người dân Trung Quốc hơn 30 năm trước. Với những tác phẩm của Mạc Ngôn, thế giới có thể tìm kiếm và hiểu hơn về một Trung Quốc trong thực tế. Có lẽ, đây là một lý do khác cho lựa chọn của Ủy ban Nobel Thụy Điển.

Trên các mạng xã hội của Trung Quốc, không ít lời chúc mừng và tự hào về giải thưởng của Mạc Ngôn. “Đây là lần đầu tiên nhà văn Trung Quốc thắng giải Nobel văn học. Các nhà văn Trung Quốc đã chờ đợi quá lâu, người Trung Quốc đã đợi quá lâu”. Mặc dù trước đó, năm 2000, Cao Hành Kiện đã đoạt Nobel văn chương nhưng ông sinh sống và mang quốc tịch Pháp.

Nguồn: Vn Express

Exit mobile version