VĂN NGHỆ – Cách mạng và Kháng chiến đã giúp Ma Văn Kháng có một trải nghiệm vô giá, hết sức quý báu để làm nên mình và làm nên văn, tức con người và sự nghiệp văn chương.

Cách mạng bùng nổ vào lúc cậu bé mới lớn, đầu óc chưa bị tiêm nhiễm cái xấu của xã hội cũ. Vào lứa thiếu niên, mười ba tuổi, tham gia Thiếu sinh quân: hạt giống lành đã được ươm vào mảnh đất tốt. Cái mầm non ấy lớn lên mạnh khỏe, tươi xanh trong nguồn màu mỡ của môi trường. Đó là một môi trường “sạch”, tinh khiết, loại môi trường chuẩn cho ươm tạo những cây giống đầy sinh lực. Học tập, sinh hoạt, rèn luyện nghiêm túc, kỷ luật với đòi hỏi cao về nhân cách cả về tư tưởng, đạo đức, ý chí cả về tâm hồn, tấm lòng để có thể đủ trí lực, tâm lực và năng lực hành động.

Nhà giáo trẻ náo nức vào đời với một tâm nguyện, ý chí hồn nhiên, dũng cảm: xung phong lên dạy học ở miền núi cực Bắc nơi ẩn chứa bao gian nan, khổ ải đầy thách thức. Cái gan dạ có pha chút phiêu lưu, mạo hiểm của tuổi thanh niên. Bởi dần dà, anh nhận ra đó là vùng đất “dữ dội” còn nhiều nét “hoang sơ” của lịch sử. Và cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc đối đầu địch ta ở đó mang sắc thái khốc liệt đặc biệt

Thầy giáo lên nhận nhiệm vụ hôm trước thì hôm sau nhận súng ra gác ở cầu Cốc Lếu, đề phòng thổ phỉ, biệt kích từ thượng nguồn thả mìn về phá cầu. Rồi vừa dạy học vừa tham gia tiễu phỉ, cải cách dân chủ – tức dạng cải cách ruộng đất đặc biệt ở miền núi. Có hè suốt ba tháng lặn lội khắp miền, khắp nẻo vùng sâu, vùng xa làm thuế nông nghiệp, “ba cùng” với nhân dân các bộ tộc. Tất cả hoạt động giáo dục, hoạt động xã hội đã làm nên cốt cách Ma Văn Kháng. Đó là thời đoạn đầu đời để làm mình. Gần như đó là quãng thời gian quan trọng nhất trong tất cả trải nghiệm cuộc đời sau này đối với anh. Đây là cuộc khởi đầu tự đào tạo để có được đồng thời hai nhân cách: nhân cách con người: con người công dân, con người đạo lý và nhân cách ông thày. Trong tác phẩm Bến bờ (2011), Điền đã tức giận quát một đồng đội khi có biểu hiện thấp kém nhân cách của chiến sĩ công an: “Đồ khốn nạn! Mày không đủ tư cách làm người sao lại dám ở nghề này!…” Đó là tuyên ngôn nhân văn cũng là tâm niệm của nhà văn. Trong cuộc sống làm người, làm thầy là quá trình song hành. Cũng như sau này quá trình trình làm người đồng hành với làm văn.

Sau hơn hai mươi năm làm nghề dạy học ở miền ngược, từ 1976, Ma Văn Kháng về xuôi, sống giữa thủ đô, chính thức làm nghề viết. Trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị sau chiến tranh và đến thời đổi mới có biết bao diễn biến sôi động và phức tạp trong vất vả nhọc nhằn dũng cảm đi lên. Nhà văn có dịp đi thực tế nhiều vùng miền trong cả nước, đắm mình vào hiện thực ngổn ngang, xô bồ, hỗn tạp với cả hai mặt, trong sự giằng co, tranh chấp tích cực và tiêu cực để vươn lên với thời cuộc mới.

Vốn sống trước kia và hiện nay tổng hợp thành kho trải nghiệm đồ sộ, tạo nên chất liệu sống động, phong phú cho văn chương. Cốt cách cũng là nhân cách nhà văn lên tiếng: “Sống đã rồi hãy viết”. Không ai dám nói là sống đủ. Bởi còn phải sống với cuộc đời thiên biến vạn hóa – Nhưng nhà văn là người sống kỹ lưỡng, sống thực, sống hết mình trong mỗi khoảnh khắc của thời gian vô tận. Sống là phải quan sát đa diện, đa chiều, từ dưới lên, từ trên xuống, từ trong ra, từ ngoài vào. Phải lặn ngụp tới đáy cuộc sống đi đến tận cùng thế giới tâm hồn. Nghĩa là sống với tất cả trí tuệ, tâm hồn, cảm xúc và nhiều khi với cả những linh cảm, tiên tri, với tất cả cung bậc tình đời. Đặc biệt, theo nhà văn, phải thấm thía nỗi đau nhân tình thế thái. Ai đó đã nói, đại ý: trong tất cả tác phẩm, chỉ có mỗi nhà văn, chỉ còn lại nhà văn. Tất cả nhân vật không kể trong kồi ký – tự truyện, tiểu thuyết tự truyện, còn lại đều là cái tôi, bóng hình của chính tác giả. Có tin yêu, tự hào, hãnh diện, cũng kiêu hùng, oai vũ nhưng có cả băn khoăn, bức xúc, thậm chí xót xa, tiếc nuối, ngậm ngùi, tức giận và căm ghét nữa… Rồi cả mặc cảm cô đơn xen lẫn khoái cảm hồn nhiên, hồi hộp, ngỡ ngàng… Nghĩa là sống với nhân vật đến tận cùng đáy tâm hồn. Từ trải nghiệm đời lại có thêm trải nghiệm viết, một trải nghiệm kép tạo nên vốn sống của nhà văn.

Ma Văn Kháng làm nên mình còn nhờ vốn văn hóa – văn hóa hiểu theo nghĩa rộng – không chỉ là chữ nghĩa nhà trường mà là những tri thức, kiến văn lớn rộng bao la của cuộc đời.

So với nhiều bậc đàn anh, phải nói rằng nhà văn được đào tạo bài bản. Nhà trường Đại học tạo cho anh một cái vốn cơ bản, khá vững chắc để có được hiểu biết cần thiết về văn học cổ kim, đông tây. Rồi Trường Viết văn, bồi dưỡng thêm tri thức về nghề nghiệp. Có nhiều cái may lớn nữa. Làm biên tập và tổng biên tập các báo, nhà xuất bản giúp cho anh rèn giũa văn chương “làm thầy” người viết về câu chữ, yêu cầu nghiêm nhặt về diễn tả, biểu cảm, thể hiện để đạt độ cao hàm súc cũng là vẻ đẹp văn chương, đòi hỏi một tầm cao về cảm thụ và phân tích. Nhiều năm phụ trách Tạp chí Văn học nước ngoài lại đưa anh đến nhiều chân trời mới lạ, học tập được thêm tinh hoa văn chương thế giới, những khuynh hướng, những trào lưu hiện đại nhất. ấy là cái may hiếm có trong đời viết. Đây cũng là cơ hội, là điều kiện để bản thân tiến hành hội nhập văn hóa thế giới trên phương tiện làm văn.

Nhưng tất cả chỉ có thể bồi đắp cho cái cốt lõi nhân cách văn chương Ma Văn Kháng. Đời viết là sự phát huy năng lượng cốt cách ấy.

Hồi học ở Đại học Sư phạm, hứng thú sáng tạo trong nghệ thuật ngôn ngữ ở anh sinh viên Văn khoa như được dịp chắp cánh. Một lần thầy trò Khoa văn nghe Nguyễn Tuân nói chuyện, kể về Chém treo ngành, ông lưu ý người đọc hình ảnh cuối cùng: trận gió lốc xoáy tung chiếc mũ trắng của quan công sứ ném xuống pháp trường. Nhà văn nhún vai (và hình như bĩu môi nữa?): “Chữ đẩy, có mắt mà không biết đọc” để ngầm phản bác nhà văn chê ông mắc bệnh bàng quan chủ nghĩa. Thế là cái “làn gió vô hình” ấy cứ cuốn bay mãi để đến lúc trở thành một “cơn lốc” trong tâm tưởng Ma Văn Kháng. Anh sinh viên trẻ đã “manh nha nhận ra một cái gì đó đang hình thành trong mình, lập nên một cấu trúc khiến mình sẽ khác đi rất nhiều”(1) Để ít lâu sau, vừa cầm phấn, vừa cầm bút và rồi cây bút soạn giáo án tạm biệt nhà trường trở thành cây bút viết văn nổi danh.

Ma Văn Kháng trưởng thành một phần không nhỏ là nhờ ở sự chỉ bảo, tâm truyền, khẩu truyền của các bậc đàn anh. Nhà văn chân thành học tập ở đồng nghiệp, kể cả các bạn trẻ, nhưng đặc biệt là tầm sư học đạo các bậc trưởng lão. Ma Văn Kháng đi miền núi cũng vì mê Truyện Tây Bắc, mê cảnh, mê người một vùng quê của sáng tác văn chương. Nhà văn rất mến phục Tô Hoài, người như đã mời gọi, dắt tay mình vào một nẻo văn chương. Học hỏi thực sự, thấm nhuần và sáng tạo với niềm hãnh diện chân chính, anh viết về một vùng quê hương thân thiết và tự nhận đó là cái “miền núi của mình”, mang dấu ấn đặc sắc riêng. Sau Tô Hoài, có thể coi Ma Văn Kháng là người tiếp tay, tiếp sức mạnh mẽ để tạo ra một dòng văn học mang hương vị, sắc thái riêng của miền núi.

Về ngôn ngữ, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân đã được mệnh danh là các bậc thầy. Ma Văn Kháng là lớp hậu sinh ưu tú. Phong Lê nhận xét: “Đặc biệt là ngôn ngữ, nếu muốn tìm đến sự phong phú của ngôn ngữ – áp cận được vào thời hiện tại tôi nghĩ cần đọc Ma Văn Kháng, và trước đó là Tô Hoài”.

Cứ qua tác phẩm thì thấy sức đọc, sức học của Ma Văn Kháng là rất lớn. Anh đã khuyên nhà văn trẻ phải đọc sách vì “dưới một quyển sách bao giờ cũng là một quyển sách khác”. Một cách học hiệu nghiệm khác là tìm hiểu qua dư luận bạn đọc, nghiên cứu nghiêm túc, cặn kẽ những tiểu luận phê bình, nghiên cứu về sáng tác của mình. Có câu châm ngôn đại ý: người khen ta là bạn ta, người chê đúng ta là thầy ta. Trong kho tài liệu của nhà văn chắc chắn có bộ “sưu tập phê bình” về Ma Văn Kháng, nhiều khi còn phong phú hơn cả ở các thư viện. Bởi nhà văn lưu giữ cả những tài liệu còn là bản thảo đánh máy chữ hoặc chép tay, tóm lại là những tư liệu quý hiếm, nằm trong dư luận bạn đọc. Từ mục Thư bạn đọc: Một cuốn sách cần được luận bàn rộng rãi đăng trên Lao động ngày 9/11/1989 được tác giả ghi chú: Bài báo đầu tiên nói về cuốn “Đám cưới không có giấy giá thú” đến hàng loạt bài thảo luận trên Văn nghệ số 6 ngày 10/2/1990 và các báo chương khác.

Và hồ sơ đầy đủ của những tác phẩm khác. Bộ hồ sơ này chắc cũng đồ sộ lắm. Do công phu sưu tầm kể cả trong “bếp núc” của các tòa soạn. Rồi bè bạn và bạn đọc gửi cho vì yêu mến. Tất nhiên có cả những phản biện, phản bác, chê bai, đả kích hết lời.

Việc lưu lại những ý kiến người đọc như vậy thể hiện trước hết, trên hết là thái độ nhà văn thực sự, cẩn thận, lắng nghe, học hỏi thật sự để thấy cái được và chưa được, cái đã rõ và chưa rõ. Tầm lòng lại rộng mở. Có lẽ Ma Văn Kháng muốn thêm vào câu châm ngôn: những người chê ta mà không có ác ý, cũng là bạn ta.

Ma Văn Kháng còn viết phê bình, tiểu luận. Nhà văn cũng đọc tác phẩm của bạn viết. Đó cũng là “một cửa sổ nhìn ra thế giới” văn chương. Rải rác qua sáng tác và phê bình, tiểu luận, Ma Văn Kháng đã phát biểu nhiều về quan niệm viết, quan niệm nghệ thuật bộc lộ lý tưởng thẩm mỹ, tư tưởng nghệ thuật. Điều đó còn thể hiện trình độ, tâm huyết nghề nghiệp cũng là nhân cách, bản lĩnh của nhà văn.

Nhà văn tự phòng vệ mình bằng một ý tưởng triết lý: “Sống còn để mang thương tích” đâu chỉ “để ra lộc, ra hoa”. Ma Văn Kháng là nhà văn có bạn đọc rộng rãi, là người cầm bút được mệnh danh là “người khuấy động văn đàn Việt Nam hiện đại”, ra tác phẩm nào cũng gây được xôn xao, gây “sốt”, gây “sốc” trong, ngoài văn giới. Đó là một thứ “quyền uy” rất đáng yêu mà nhà văn tạo dựng được bằng cả nhân cách và đời viết.

Cuộc đời thành đạt chính vì “Có sự tương hợp giữa sự thành nhân và đắc đạo văn chương” như tâm sự của nhà văn. Tích cực nhập cuộc, dấn thân, Ma Văn Kháng là một trong số ít ỏi chiến sĩ Một mình một ngựa dáng dấp “oai vũ”, “cô đơn” xung trận từ thời trước Đổi mới. Cũng là một trong những ngọn cờ cách tân văn xuôi hiện đại đang còn tiềm ẩn nhiều xung lực. Tuổi cao, sức khỏe luôn bị đe doạ nhưng tôi tin rằng nhà văn chưa chịu “rửa tay gác kiếm”. Chẳng ham hố, cũng không ảo tưởng nhưng phải viết nữa vì niềm đam mê bất tận.

Ma Văn Kháng còn viết. Viết như sự thôi thúc, giục giã của con tim. Viết như tiếng gọi, yêu cầu khẩn thiết của cuộc sống./.

Nguồn: VĂN NGHỆ