Nhà văn Ma Văn Kháng

Ma Văn Kháng, nhà văn từng được mệnh danh là “người khuấy động văn đàn Việt Nam hiện đại” (Lưu Khánh Thơ), kém ít tuổi so với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải nhưng cũng thuộc nhóm đại biểu tinh anh của văn học một thời, xứng danh là một trong những ngọn cờ tiên phong đổi mới. Trong đoàn kỵ mã oai hùng, mấy chiến hữu hàng tướng lính đã ra đi, Ma Văn Kháng vẫn Một mình một ngựa cùng đồng đội “giương thẳng nghĩa kỳ” mải miết cuộc trường chinh vào chiến trận nhân văn để tiêu diệt cái xấu, cái ác trên đời.

Trong khoảng dăm năm sau chiến tranh, dư âm chiến thắng còn vang vọng, văn học theo quán tính còn được viết theo cảm hứng sử thi: Vùng trời của Hữu Mai, Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải, Miền cháy của Nguyễn Minh Châu… Phải đến những năm đầu thập niên 80 mới có dấu hiệu đổi mới từ các cây bút tên tuổi.
Ma Văn Kháng được coi là người “đi tiền trạm” cho đổi mới văn học. Mưa mùa hạ (1982), Mùa lá rụng trong vườn (1985) là những tác phẩm có tính chất mở đường. Lúc này cũng là lúc Nguyễn Khải viếtGặp gỡ cuối năm (1982) và  Thời gian của người (1985) như trên hành trình của sự tìm kiếm mới. Cũng như một loạt tác phẩm của Nguyễn Minh Châu mang ý nghĩa mở đột phá khẩu như tác phẩm Bức tranh (1982), Bến quê (1985). Tiếp theo là những tuyên ngôn vang động văn đàn của hai nhà văn khai mở thời kỳ chính thức bước vào đổi mới văn học như cuộc nhận thức lại của văn học. Cái thời lãng mạn (Văn nghệ 43, 44 – 24 và 30/10/1987), Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ (Văn nghệ 49, 50 – 5/12/1987). Không ra lời tuyên bố nào chính thức như các chiến tướng Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, nhà văn Ma Văn Kháng lặng lẽ dấn bước trên con đường mới đã chọn với một quyết tâm mạnh mẽ. Thực ra từ Mưa mùa hạ đã có sự bất thường. Tác phẩm không có được cái kết thúc có hậu kiểu truyền thống. Hai nhân vật chính thì một chết vì bạo bệnh, một hy sinh khi lấy thân mình che chắn cho con đê. Cả hai ấp ủ bao khát vọng thật đẹp đẽ về cuộc sống mà phải đột ngột ra đi trong ai oán, day dứt. Đó là lý do cho cảnh tác phẩm “nằm đắp chiếu” ở nhà xuất bản một thời gian. Khi ra đời, cuốn tiểu thuyết đã gây nhiều sóng gió. Viện Văn học tổ chức tọa đàm về tác phẩm để thống nhất đánh giá. Cuốn tiếp theo, Mùa lá rụng trong vườn, tiếp tục gây được chú ý của bạn đọc. Lại tiếp tục có những trái khoáy. Cái mới chưa dễ dàng được chấp nhận vì những quan niệm cũ kỹ cả trong đánh giá lẫn tiếp nhận. Nhưng rồi tác phẩm cũng vượt qua được thử thách ban đầu và được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. Những va đập trên hành trình viết càng làm dày dạn thêm một ý chí như sự trải nghiệm cần thiết. Năm 1989, cuốn tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú được mạnh dạn tung ra và gây cú “sốc” mạnh trong dư luận. Khoảng vài ba chục bài viết (được đăng hoặc chưa) tranh luận sôi nổi trong đó có những ý kiến trái chiều nhau. Khen hết lời, chê kịch liệt. Ngoài lập luận, phân tích của các nhà văn, nhà báo, các nhà phê bình, nghiên cứu có tên tuổi còn có trao đổi dân chủ, thẳng thắn, thoải mái của nhiều thành phần xã hội: cựu chiến binh và lính tại ngũ, học trò lớp 12, cô giáo trẻ mới ra trường; có người ngoài ngành như cán bộ Mặt trận Tổ quốc, hoặc tiến sĩ khoa học trường Đại học Bách khoa Hà Nội… Sách về nhà trường nên tác giả có những ý kiến phản hồi trong ngành kể cả sự gặp gỡ (hay “đụng độ”?) lãnh đạo cao cấp của Bộ Giáo dục với lời chê trách khéo: Giá như viết về cái tích cực sẽ được “đón nhận” nhiều hơn của thầy và trò! Đã có những ý kiến khẳng định rõ: Nhà văn Ma Văn Kháng trong sự nghiệp đổi mới văn học (Kim Vinh), Bản lĩnh người thầy và ngòi bút chiến đấu của nhà văn (Minh Phương)…
Chính thức, từ 1990 là thời được mùa của văn học đổi mới. Đã có sự đồng hành của nhiều cây bút tạo nên một khí thế mới: Bảo Ninh với Thân phận của tình yêu (1990), Dương Hướng với Bến không chồng (1990), Chu Lai với Ăn mày dĩ vãng (1991).
Thực ra từ 1986 trở đi, sự đổi mới văn xuôi đã diễn ra ở bề sâu. Lê Lựu qua Thời xa vắng đã đưa ra một mẫu người tha hoá. Giang Minh Sài là người có đời sống tâm hồn trải qua bao thăng trầm, đau đớn, là sản phẩm của một tình huống đặc sắc. Nhiều tiếng nói đồng tình đã cất cao. Nguyễn Khắc Trường vạch trần tâm địa đen tối độc ác của bọn tội phạm đội lốt cộng sản ở nông thôn (Mảnh đất lắm người nhiều ma, 1990) – vấn đề được Ma Văn Kháng khơi gợi ở Côi cút giữa cảnh đời như sự lên án bọn cường hào mới nhân danh quyền uy xô đẩy, dồn ép, vùi dập con người vào hoàn cảnh ngặt nghèo, khốn khó. Sự đồng thanh ấy phản ánh Cảm hứng sự thật, khát vọng dân chủ (Phong Lê) như một nhu cầu khẩn thiết. Nguyễn Huy Thiệp hưởng ứng và tiếp sức cho tố cáo sự xói mòn phong hóa xã hội từ suy bại trong quan hệ gia đình. Những vấn đề trong Tướng về hưu, Không có vua, Huyền thoại phố phường, Những người thợ xẻ (từ 1987) cũng đã được Ma Văn Kháng xới lên từ Mùa lá rụng trong vườn: sự băng hoại đạo đức truyền thống trong gia đình do tác động tiêu cực của xã hội.
Thập kỷ 90 và cho tới những năm đầu thế kỷ này, Ma Văn Kháng vững bước trên đường đổi mới với những cảm hứng mới, tâm thế mới và khí thế ngày càng mạnh mẽ. Sự nghiệp đổi mới văn học đã được khẳng định trong đó có đóng góp tích cực của cây bút điềm đạm mà quyết liệt, bình tĩnh chọn lựa, kiên định trước những chao đảo, nhiễu loạn của văn đàn khi không tránh khỏi những xu thế cơ hội và vụ lợi của cơ chế thị trường và mở cửa văn hóa hội nhập toàn cầu. Có một hiện thực không vui là sự phân định giả tạo với ít nhiều định kiến hai phe “đổi mới” và “bảo thủ” để khích bác lẫn nhau! Không ít trường hợp thiện chí đi tìm cái mới hóa ra là nhặt lại “đống rác cũ”. Mở cửa đón gió lành, gió mát nhưng sao tránh khỏi gió độc, gió chướng? Có những trường hợp vận dụng tốt yếu tố nghệ thuật hậu hiện đại nhưng cũng có những “thử nghiệm” lạ mà không mới, còn phải chờ phán xét của thời gian. Táo bạo có khi đồng nghĩa liều lĩnh, không tránh được rủi ro. Ngay cả những thái độ rất quyết liệt, nay bình tâm mà xét có nét cực đoan, nhiều khi vô thức.
Nhìn chung Ma Văn Kháng trải qua quá trình đổi mới với những nhọc nhằn nhưng can đảm và nhẫn nại. Nhà văn là một minh chứng cho thái độ chừng mực, ôn hòa mà kiên cường, khí phách.
*

Sự đổi mới văn học xuất phát từ quan niệm nghệ thuật mới của nhà văn, từ ý thức khát vọng sâu xa phải đổi khác, phải vượt mình để đáp ứng đòi hỏi mới. “Còn bây giờ cuộc sống đã mở thêm ra những chân trời mới, có những quan niệm mới… Nghĩ khác tất sẽ viết khác” (Chuyện nghề) – Nguyễn Khải đã nói hộ cho cả đội ngũ ý tưởng đổi mới chân chính khi trả lời Tuổi trẻ vào tháng 7/1995.
Từ cảm hứng sử thi chuyển sang cảm hứng thế sự, Ma Văn Kháng không là ngoại lệ của xu thế đó. Nhà văn đã nhìn hiện thực cuộc đời với cái nhìn mới nhiều chiều để thấy cả bề mặt lẫn bề sâu với tất cả quan hệ ngổn ngang, chồng chéo, phức tạp của nó. Con người là đối tượng để khám phá không còn và không thể được quan niệm như trước. Đó là con người trong mối quan hệ đa chiều lịch sử, xã hội, gia đình và với chính mình, là con người trong tính toàn vẹn, phong phú và phức tạp, có hạnh phúc lẫn khổ đau, có cao cả lẫn thấp hèn, bóng tối lẫn ánh sáng. Con người, đó là một luận đề lớn ngày càng được nhận thức, chiêm nghiệm với chiều sâu triết học, xã hội học, văn hóa học và tâm lý học nghệ thuật, với Ma Văn Kháng.
Đi thật sâu và tận cùng đáy hồn người để khám phá, phát hiện là quan niệm viết có phần mới của nhà văn: “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật” – một nhân vật ở Trăng soi sân nhỏ của Ma Văn Kháng đã nghĩ như vậy. Trong bộ tiểu thuyết hình sự mới đây của nhà văn, trữ tình ngoại đề cũng nói rõ hai thái cực thiện và ác trong nhân cách. Đó là sự phân tích sâu sắc mang đậm chất nhân bản: “Con người không hướng về cái ác, cái xấu… Rằng con người đã đẹp lên, đã tốt lên, chẳng còn xấu xa nữa; trong khi về căn bản con người vẫn đang trong vòng luẩn quẩn, chưa hoàn thiện, ích kỷ, tà dục, độc địa và vẫn tham lam”. Nếu theo dõi sẽ thấy thế giới nhân vật trong văn xuôi Ma Văn Kháng ngày càng đông đảo hơn nhưng phân hóa rõ rệt thành hai loại, hai hạng. Không phải là ranh giới giai cấp, cũng không phải là vết ngang đậm địch – ta. Mà là một quy định đạo đức – xã hội: nhân cách cao thượng và nhân cách thấp hèn; người thiện, người trí tuệ và kẻ hèn ngu, xấu xa, độc địa, tàn ác. Trong mỗi nhân vật sự lưỡng phân, lưỡng hóa tính cách được tô đậm. Cấu trúc nhân cách đã là thiên hướng mới của xu thế xây dựng lịch sử – tâm hồn thay cho cấu trúc lịch sử – sự kiện phổ biến trước kia. Nhân vật tích cực trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng vừa lý tưởng vừa hiện thực khi được xây dựng với khái niệm nhân cách chính xác: phạm trù của sự hài hòa giữa mặt “cá nhân” và mặt “xã hội”, thậm chí cả mặt “sinh vật” và mặt “con người”. Đó là con người này theo quan niệm của Hegel hoặc theo cách định nghĩa từ rất xa xưa của Aristotle: con người – sinh vật là con vật xã hội. Nhân vật vì vậy “đời” hơn, thật hơn với ưu điểm và khuyết tật, với mặt mạnh và yếu. Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú, Quyết Định trong Một mình một ngựa… là như vậy.
Thành phần nhân vật trong cơ cấu ở nhiều truyện thời đổi mới đã thay đổi và cũng rõ rệt ở trường hợp Ma Văn Kháng. Có thêm nhân vật trung tâm là trí thức, hoặc có cốt cách trí thức ở các cuốn tiểu thuyết thành công từ Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú đến những cuốn gần đây nhất  như Bóng đêm, Bến bờ… Trí thức đã được nâng lên như kiểu nhân vật loại hình. Cũng ở quy cách cấu tạo này là hình ảnh con người hiệp sĩ tức người anh hùng mới trong sự nghiệp an ninh, bảo vệ đời sống yên bình cho người dân.

Ở đây có thêm hai dấu hiệu nổi bật về đổi mới.

Về quan niệm thẩm mỹ mang sắc thái riêng đó là cảm hứng bi hùng qua nhân vật lý tưởng với vẻ đẹp lãng mạn trữ tình. Cả ở nhân vật hiệp sĩ an ninh, cả ở nhân vật nghệ sĩ văn hóa. Ma Văn Kháng rất có ý thức với mỹ cảm độc đáo này, về cái đẹp từ trong bi kịch, trong đau đớn. Là cảm hứng thẩm mỹ thấm đẫm tinh thần nhân bản, vẻ đẹp về con người, cuộc đời bình dị, về hồn người, tình người thắm thiết. Tuy nhiên, đấy là vẻ đẹp trong thử thách, trong hoàn cảnh nghiệt ngã, phải vượt lên để hoàn thiện nhân cách cao thượng. Ma Văn Kháng đã tự bạch: “… có vẻ đẹp nào mà không cần thử thách! Nhân cách chỉ tỏa sáng trong những cảnh huống tưởng như không thể chịu được. Người phụ nữ càng đẹp trong sầu thương…”

Cảm hứng sử thi qua nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng vẫn như tiếp nối được âm hưởng hào hùng của văn học một thời. Nhà văn tâm sự là đã khai thác những hoạt động chiến đấu thời kỳ trước đây. “Bí thư tỉnh ủy một mình một ngựa đi đến các vùng thổ ty phong kiến thuyết phục họ theo chính phủ Trung ương… một mình xông pha trong cuộc đối đầu với đối phương thời khởi đầu cách mạng, một mình đương đầu với khó khăn trong xây dựng”. Và khái quát từ số phận một con người “Một mình một ngựa – vừa oai vũ, vừa đơn côi, là thân phận của tất cả các cá thể có ý thức về giá trị của mình”. Các chiến sĩ công an trong tiểu thuyết Bóng đêm và Bến bờ khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng là lý tưởng cao đẹp của con người xã hội chủ nghĩa. Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động là những người hùng của cuộc đời và văn chương. Ma Văn Kháng đã duy trì được một cảm hứng cao quý và do đó cân bằng được, hài hòa được cảm hứng sử thi và cảm hứng thế sự qua hình tượng anh hùng. Đây cũng là điều ít nhà văn làm được.

Khi quan tâm sâu sắc hơn đến số phận con người, nhà văn thể hiện nỗi thương cảm thậm chí nỗi đau nhân thế trước những cảnh đời oan khổ với bao thiệt thòi, mất mát, cay đắng. Có lẽ đấy cũng là chủ nghĩa nhân văn có màu sắc riêng qua cảm hứng bi kịch.

Văn học thời đổi mới nhìn lại con người và chiến tranh để nhìn nhận từ phía bi kịch: bi kịch của sự mất mát (về thân xác, về tâm hồn) như tác phẩm của Xuân Thiều, Dương Hướng, Nguyễn Trí Huân…; bi kịch của sự lạc lõng và bi kịch của áp lực môi trường sống, như bi kịch của Tự – “bi kịch của một bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một quyển sách hay để lầm chỗ” (Đám cưới không có giấy giá thú). Đau xót không kém là bi kịch con người với con người mà thảm thương nhất là bi kịch tha hóa, con người đánh mất mình, con người bị xâm hại. Khanh trong Bến bờ ở trong tình trạng bi kịch ấy. Cô gái trí thức, nghệ sĩ tài hoa mà phải sống trong ngôi nhà địa ngục của chính mình, đối mặt hàng ngày với xã hội côn đồ, lưu manh – xã hội đen thu nhỏ – luôn rình rập, dày vò, cấu xé một thân phận cô đơn, yếu đuối.
Giọng điệu ngôn ngữ văn xuôi Ma Văn Kháng trở nên đa thanh khi biến hóa qua điểm nhìn trần thuật của tác giả. Ngoài phong cách hào sảng khi nói về cái hùng, cái lý tưởng còn có giọng trữ tình lãng mạn hòa trộn. Bên cạnh đó nổi lên mấy giọng điệu mới: giọng điệu xót xa, ngậm ngùi gắn với cảm hứng bi kịch và giọng suy tưởng thâm trầm gắn với cảm hứng triết luận ngày càng nổi rõ trên những trang viết cho tới gần đây nhất.
Phương tiện thể hiện nghệ thuật, các thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật trần thuật, tổ chức tác phẩm, xây dựng nhân vật… của Ma Văn Kháng đều có những đổi mới. Sự đổi mới toàn diện và sâu sắc còn phải được xem xét trên những khuynh hướng sáng tạo về thi pháp và phong cách nghệ thuật. Đó cũng là đề tài của các công trình nghiên cứu công phu.
Sự đổi mới văn xuôi của nhà văn đã đạt những hiệu quả nghệ thuật rõ rệt, mang lại nhiều cảm thụ thẩm mỹ mới, có giá trị của một phong cách đa dạng mà nhất quán, tạo nên “thương hiệu” Ma Văn Kháng. Điều cần nhấn mạnh chính là định hướng đúng đắn cho sáng tạo: sự đổi mới chân chính theo tiến bộ nghệ thuật. Sự đổi mới ấy phù hợp với đòi hỏi của phát triển văn học cũng như yêu cầu hiện đại hóa trong thời hội nhập với những cơ hội và thách thức mới.
Ma Văn Kháng chưa có những tuyên ngôn dạng minh triết về nghề như của bậc đàn anh Tô Hoài hoặc bạn viết thân kính, mến phục như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên, nhà văn có được sự tin cậy, khâm phục của đông đảo bạn đọc, bạn viết, đặc biệt những người viết trẻ. Ảnh hưởng của Ma Văn Kháng với thế hệ cầm bút thứ tư là một hiện thực, bởi rất gần gũi với những tâm hồn trẻ, Ma Văn Kháng đang có mặt như một ngọn cờ đổi mới có sức vẫy gọi.

Nguồn: Vannghequandoi