Khi viết những dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết trứ danh “Dracula” (1897), nhà văn Bram Stocker có lẽ cũng không thể ngờ rằng hình tượng văn học ông dựng nên đã trở thành một nguồn cảm hứng vô tận cho hàng ngàn cuốn tiểu thuyết sau này với chủ đề liên quan đến Ma cà rồng…

1.Từ dân gian đến một hình tượng văn học

Hình mang tính chất minh hoạ.
Hình mang tính chất minh hoạ.
Nói đến hình tượng Ma cà rồng trong văn học, người ta thường nhắc đến hình ảnh Dracula của nhà văn Bram Stocker như là một mẫu hình sớm nhất của văn học lấy cảm hứng từ đề tài Ma cà rồng – Vampire literature. Nhưng thực ra, hình tượng Ma cà rồng xuất hiện trong tâm thức dân gian và trong một số tác phẩm văn học từ trước cả khi cuốn tiểu thuyết của Bram Stocker ra đời.

Trong lịch sử, hiện tượng Ma cà rồng hoặc tương tự như Ma cà rồng đã xuất hiện ở rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Ở khu vực châu Âu, người ta tin rằng có những người bị nguyền rủa, sẽ không bao giờ chết mà hàng đêm sẽ đi lang thang tìm hút máu người. Người Hy Lạp gọi chúng là vrykolakas, người Rumani gọi chúng là strigoi. Ở châu Á, niềm tin về hiện tượng “Quỷ nhập tràng” cũng được đánh giá là rất giống với hình tượng Ma cà rồng. Từ những năm 1725 đến năm 1732, ở châu Âu đã có nhiều cuộc kết án và hành quyết dành cho những người bị nghi là Ma cà rồng. Từ quan niệm dân gian này và hiện thực này, một số nhà văn, nhà thơ đã lấy đó làm nguồn cảm hứng cho sáng tác của mình.

Tác phẩm được coi là đề cập đến hình ảnh Ma cà rồng đầu tiên có lẽ chính là bài thơ Cô dâu vùng Corinth – The Bride of Corinth (1797) của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe. Bài thơ này kể về chuyện một cô gái trẻ, do bị gia đình ép buộc phải xa rời người yêu. Cô đã tự tử. Hàng đêm, thân xác cô sống lại, lang thang tìm kiếm, khao khát được uống những giọt máu của người yêu: “Từ mộ phần lang thang ta tìm kiếm – Những dấu chỉ của Đấng tối cao – Và tình yêu với người chồng đã ta đánh mất – Để uống những giọt máu đời trong trái tim yêu” (From my grave to wander I am forced – Still to seek the God’s long sever’d link – Still to love the bridegroom I have lost -And the lifeblood of his heart to drink). Sau đó, nhà văn người Anh gốc Ý, John William Polidori đã viết truyện ngắn Ma cà rồng – The Vampyre (1819), truyện ngắn mà theo như nhà phê bình văn học Christopher Frayling là: “mốc đánh dấu về sự xuất hiện của Ma cà rồng vào văn học”. Truyện được đăng tải trên tạp chí New Monthly Magazine, được người đọc nhiệt liệt hưởng ứng và sau này được in riêng thành sách. Tuy nhiên, phải chờ đến Bram Stocker, người ta mới chứng kiến hiệu ứng mạnh mẽ của Ma cà rồng trong thế giới văn chương.

Năm 1897, khi đó, Bram Stocker mới chỉ được biết đến với vai trò là trợ lý cho đạo diễn – diễn viên kịch John Henry Brodribb, giám đốc của nhà hát Lyceum ở London. Việc xây dựng không gian, tạo kịch tính trong một kịch bản kịch đã ảnh hưởng sâu sắc sáng tác của Bram Stocker, thể hiện rõ trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: Dracula. Tiểu thuyết Dracula không chỉ đơn thuần là một câu chuyện kinh dị với bút pháp mô tả điêu luyện, truyện còn có kết cấu rất giống một vở kịch, có nút thắt nút mở cho từng trường đoạn, tạo những kịch tính liên tục khiến người đọc luôn hồi hộp và căng thẳng. Ở thời điểm đó, tiểu thuyết kinh dị với một nền tảng dựa trên những sự kiện lịch sử xác tín và những tình tiết pha trộn trinh thám dồn dập cùng với văn phong lạnh lẽo của Stoker thực sự là một bước đột phá. Ngay sau khi ra đời, tờ Daily Mail đã xếp hạng tác phẩm của Stoker cao hơn cả những tác phẩm của tác giả trứ danh khác như Edgar Allan Poe hay Emily Bronte. Cha đẻ của chàng thám tử lừng danh Sherlock Holmes, Ngài Arthur Conan Doyle đã viết thư cho Stoker: “Tôi viết thư để bày tỏ cảm xúc của mình về cuốn sách Dracula. Tôi nghĩ đây là một trong những cuốn sách hay nhất tôi từng đọc trong nhiều năm trở lại đây”. Thành công vang dội của tác phẩm Dracula đã khiến những tác gia bậc thầy của thế giới cùng thời như Edgar Allan Poe, Nikolai Gogol, Alexandre Dumas và Alexis Tolstoy đều chịu ảnh hưởng nhất định, cụ thể là những tác giả trên đều đã viết truyện về Ma cà rồng hoặc đề cập đến Ma cà rồng trong những tác phẩm của mình. Nhưng sức lan tỏa của Ma cà rồng không dừng lại ở đó, nó còn trở thành một đề tài sáng tác tạo nên hàng loạt những tác phẩm văn học sau này…

 

2.Ma cà rồng – Mỏ vàng nghệ thuật

Ma cà rồng đã trở thành một đề tài bất tận cho những nhà văn sau này khai thác. Trong quá trình khai thác đó, trí tưởng tượng con người ngày càng bay bổng, cũng từ đó mà lý lịch và đặc tính của Ma cà rồng ngày càng được hoàn thiện. Nhiều học giả đã nghiên cứu về nhân vật Dracula, cho thấy sự liên kết của nhân vật tiểu thuyết này với nhân vật lịch sử Vlad III, Hoàn tử xứ Wallachia của Rumani. Thế giới Ma cà rồng cũng được tạo dựng một cách chi tiết. Hình ảnh ma cà rồng ngày càng được mô tả rõ nét. Không dừng ở đó, người ta còn sáng tạo ra những câu truyện về mối thù truyền kiếp giữa Ma cà rồng và ma sói, về Ma cà rồng lai với người để tạo ra những sinh vật mới mẻ v.v… Cùng với đó, quốc tịch của những nhà văn viết về Ma cà rồng cũng ngày càng rộng mở, từ châu Âu lan đến châu Mỹ, châu Úc và nhiều nhà văn châu Á cũng đã thử sức về đề tài này.

Hàng ngàn cuốn tiểu thuyết lấy Ma cà rồng làm chủ đề đã được phát hành khắp nơi trên thế giới, trong số đó, không ít tác phẩm đã gặt hái được những thành công vang dội, tạo thành một hiện tượng lạ kỳ của ngành xuất bản. Đặc biệt, trong thế kỷ 21, Ma cà rồng vẫn thể hiện được sức hút mạnh mẽ của mình đối với độc giả. Những cuốn sách về Ma cà rồng được xuất bản với mật độ dày đặc và số lượng tiêu thụ khả quan càng kích thích sự phát triển của đề tài này. Những câu truyện về Ma cà rồng ngày càng được mở rộng, không chỉ đơn thuần là những màn máu me kinh dị mà người ta còn tìm thấy cả ở đó tình cảm, những trải nghiệm kỳ lạ về tính dục, những câu truyện nhân văn v.v…

Đối với những độc giả thanh thiếu niên, dường như đề tài Ma cà rồng có sức hút mạnh mẽ hơn. Nhà văn Darren Shan đã viết 12 cuốn sách trong sê ri Trường thiên về Darren Shan – The Saga of Darren Shan kể về một chàng trai tình cờ trở thành trợ lý cho một con ma cà rồng trong một gánh xiếc quái dị. Cuốn truyện đã được viết thành kịch bản phim Gánh xiếc quái dị: Trợ lý Ma cà rồng – Cirque du Freak: The Vampire’s Assistant, đưa tên tuổi Darren Shan trở thành một nhà văn sáng giá. Một tác giả khác là Ellen Schreiber đã sáng tạo ra nhân vật Raven Madison và bạn trai của cô, chàng ma cà rồng lãng mạn Alexander Sterling trong tác phẩm Nụ hôn Ma cà rồng – Vampire Kisses. Tác phẩm Những chuyến phiêu lưu của một Ma cà rồng trẻ tuổi – Young Vampire Adventures của tác giả Star Donovan kể cho khán giả biết về trải nghiệm của một chàng trai khi bắt đầu bị biến thành ma cà rồng và phải học cách sống thích ứng với những người bình thường. Ba mươi ngày của đêm – 30 Days of Night kể về của Steve Niles kể về Ma cà rồng chúa Vicente nhân thời gian mặt trời bị che lấp ở Bắc cực 30 ngày đã tìm đến nơi đây để thỏa mãn việc uống máu người mà không phải trốn tránh ánh nắng mặt trời. Chàng trai Sheriff Eben Oleson trước tình cảnh đó đã chấp nhận biến mình thành ma cà rồng nhằm có sức mạnh để đối đầu với Vincent… Ma cà rồng xuất hiện khắp nơi trong lĩnh vực văn học, tạo nên những câu truyện ly kỳ rùng rợn nhưng cũng vô cùng lãng mạn khiến người đọc say mê.

Đề tài Ma cà rồng cũng là cầu nối để nhiều tác giả ở những nền văn học không viết tiếng Anh thành danh. Loạt truyện Ngắm ngày – Day Watch đã đưa tên tuổi của nhà văn người Nga, Sergey Lukyanenko và Vladimir Vasilyev lên tầm quốc tế. Với sự thành công đó, hai người đã tiếp tục viết nên Ngắm đêm – Night Watch, Ngắm chạng vạng – Twilight Watch và Ngắm lần cuối – Last Watch. Bộ truyện lấy bối cảnh Ma cà rồng với phong cách viết cực kỳ sáng tạo, thể hiện những điểm nhìn đa diện tới từng sự kiện với sức dồn nén tốt những nút thắt bất ngờ tạo cho người đọc những giây phút căng thẳng ly kỳ đầy tính giải trí. Tác giả Hàn Quốc Hyung Min-woo cũng để lại dấu ấn của mình trong đề tài Ma cà rồng với tác phẩm Giáo sĩ – Priest. Bộ truyện về cuộc chiến của những giáo sĩ với những con Ma cà rồng khát máu đã vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc, đến với Hollywood và được dựng thành bộ phim với kinh phí lên tới 60 triệu USD.

 

3.Con đường phía trước

Nhắc đến thành công của đề tài ma cà rồng trong văn học, không thể không kể đến sự thành danh của hai tác giả trẻ Richelle Mead và Stephenie Meyer với những tác phẩm văn học gây được nhiều sự chú ý bậc nhất trong thời gian gần đây.

Học viện Ma cà rồng – Vampire Academy là bộ truyện bao gồm 6 tiểu thuyết nhỏ, chủ yếu nhắm đến đối tượng tuổi vị thành niên của tác giả Richelle Mead. Câu chuyện kể về cô gái 17 tuổi Rose Hathaway, một cô gái là con lai giữa mà cà rồng và người. Từ đó, cô có sức mạnh của ma cà rồng nhưng vẫn đầy đủ cảm xúc như một con người. Trong quá trình học tại Học viện St. Vladimir, cô nảy sinh tình yêu với chàng trai Dimitri Belikov, đồng thời phải tìm mọi cách nâng cao khả năng của mình để có thể đánh bại Strigoi, một Ma cà rồng khát máu và bạo lực đang đe dọa tính mạng của cô và người thân. Ngay sau khi cuốn sách ra đời, Học viện Ma cà rồng đã được giới trẻ đón nhận cuồng nhiệt. Đến tháng 12 năm 2010, đã có khoảng 4.5 triệu bản sách đã được bán ra. Những cuốn nằm trong bộ tiểu thuyết như phần Nụ hôn bóng tối – Shadow Kiss (2008) hay Cú nhảy tâm linh – Spirit Bound (2010) đã từng nằm trong những vị trí đầu bảng của Danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Bộ truyện Học viện Ma cà rồng đã đem lại cho Richelle Mead hơn 20 giải thưởng văn học lớn nhỏ, giúp cô trở thành một trong những tác giả triển vọng bậc nhất của văn học Mỹ. Nhưng thành công của Richelle Mead không ăn thua gì so với Stephenie Meyer.

Seri tiểu thuyết Chạng vạng – Twilight của Stephenie Meyer xứng đáng là một trong những hiện tượng đáng nhớ bậc nhất của văn học thế giới trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Từ khi ra đời, bộ tiểu thuyết này đã bán được 100 triệu bản, đứng vào vị trí top 5 của những cuốn tiểu thuyết được bán chạy nhất mọi thời đại. Mayer trở thành “Tác giả của năm 2008” và là “Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2008″ do USA Today bình chọn. Cô cũng đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách Forbes: “Những người phụ nữ kiếm tiền tốt nhất Hollywood”. Nhà phê bình Tymon Smith của tạp chí The Times đã mô tả cô: “Stepanie Mayer là một siêu sao của tiểu thuyết dành cho giới trẻ”. Seri tác phẩm Chạng vạng bao gồm bốn tiểu thuyết Chạng vạng – Twilight, Trăng non – New Moon, Nhật thực – Eclipse và Hừng đông – Breaking Dawn. Câu truyện xoay quanh mối tình lãng mạn của cô gái xinh đẹp Bella Swan và chàng Ma cà rồng quyến rũ Edward Cullen với những ngăn trở từ những thế lực Ma cà rồng đan xen với cuộc chiến tranh giữa Ma cà rồng và ma sói thể hiện từng bước quá trình trưởng thành của cô gái Bella từ khi là nữ sinh cho đến khi trở thành một người vợ, một người mẹ. Loạt phim Chạng vạng khi được đưa lên màn ảnh rộng đã trở thành những cú bom tấn của điện ảnh thế giới với doanh thu toàn cầu của 3 tập phim lên tới 1,7 tỷ USD.

Với những thành công vang dội từ đề tài Ma cà rồng, nhiều nhà văn trẻ khắp nơi trên thế giới đã và đang tiếp tục thử sức với đề tài này. Ở nước ta, sức tiêu thụ những tác phẩm về đề tài Ma cà rồng như bộ truyện Chạng vạng là rất đáng kể, cho thấy nhu cầu của người đọc là có thực. Tuy nhiên, có thể do những khác biệt về địa lý, sự thiếu hụt về nền tảng văn hóa cũng như kiến thức, và có thể còn là rào cản cả từ phía quản lý văn hóa, hầu như chưa có tác giả Việt Nam nào thử bút với đề tài Ma cà rồng. Có lẽ người đọc sẽ phải tiếp tục chờ đợi một tác phẩm dán nhãn Việt Nam với đề tài này trong tương lai.

Hoàng Tùng

Theo bài báo The Vampire Book: The Encyclopedia of the Undead, sách Dracula: The Novel and the Legend, Vampire Evolution và trang web www.stepheniemeyer.com

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.

 

Exit mobile version