Có thể chia sự vận động và phát triển của lý luận văn học Việt Nam sau 1975 thành ba giai đoạn, gắn với ba hệ hình văn học cơ bản là tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại liên quan đến những đặc trưng nghệ thuật, điều kiện (condition) về văn hóa và chính sách quản lý văn nghệ của các cấp lãnh đạo.

Lý luận văn học Việt Nam sau 1975 - những giới hạn và sự hòa/hóa giải giới hạn
Ảnh: internet

Ba bước chuyển hệ hình (paradigm) lý luận văn học này gắn với ba giai đoạn cơ bản tạm phân chia là 1975 – 1986, 1986 – 1999, 2000 – 2016 mặc dù những đặc tính của các giai đoạn có thể chồng lấn và kế thừa lẫn nhau. Ba giai đoạn này có những khác biệt, thậm chí đối lập, phủ định một cách sâu sắc, nhưng lại có những mối quan hệ biện chứng hữu cơ không thể tách rời. Trong từng giai đoạn, lý luận văn học Việt Nam tồn tại trong những giới hạn khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan như một tất yếu của mọi giai đoạn lịch sử hay mọi nền lý luận văn học khác. Sự phát triển “chòng chành” mà tiến tới của lý luận văn học Việt Nam từ 1975 cho đến nay, chính là sự khắc phục những giới hạn đó để nỗ lực chấp nhận, dung hợp những “cái khác”, cái mới. Tuy nhiên, nhìn lại những giới hạn cũng như những nỗ lực hóa giải (khắc phục) những giới hạn ấy, chúng ta cũng đồng thời nhận ra những cuộc hòa giải (thỏa thuận, quân bình hóa) giữa cái cũ và cái mới, có thể dẫn đến những cơ hội đã bị bỏ lỡ, những cách tân chừng mực và những nghi án văn chương.

1. Lý luận văn học Việt Nam 1975 – 1986 và những giới hạn của nguyên lý phản ánh luận

Giai đoạn từ 1975 cho đến 1986, có thể nói nền lý luận văn học nước nhà vẫn vận động và viết theo quán tính cũ, tức vẫn mang đầy đủ những đặc trưng của một nền lý luận văn học kháng chiến như giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Bắc. Về văn hóa, chúng ta vẫn giữ nguyên nền tảng văn hóa bao cấp, mang đặc trưng kinh tế thời chiến tranh, với những biểu tượng điển hình là cửa hàng mậu dịch và hợp tác xã. Về văn học, chúng ta vẫn độc tôn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, với sự nhấn mạnh và đề cao “mô hình phản ánh” và “cấu trúc đồng đẳng” mà triết học Marxist, cụ thể là mỹ học Gyorgy Lukacs đã đề xuất. Theo Trương Đăng Dung, văn học Việt Nam giai đoạn này vẫn vận hành theo tư duy hệ hình lý luận văn học tiền hiện đại1. Hạt nhân tư tưởng cho kiểu tư duy văn nghệ này, có thể được xem xuất phát từ tuyên ngôn trong cương lĩnh Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Trong đó, đề cao nhiệm vụ cần phải “làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng… làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”.

Như Phong (1917 – 1985) – một nhà lý luận phê bình tiêu biểu của giai đoạn này trong tuyển tập Bình luận văn học viết: “Phải luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lê và nêu rõ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể nhất của lý luận cũng như thực tiễn công tác văn nghệ; là không mệt mỏi đấu tranh chống những quan điểm sai lầm văn nghệ bất cứ từ đâu tới, để gạt bỏ những cản trở vướng víu lệch lạc cho sự nghiệp văn nghệ của cách mạng là phải xây dựng các cơ quan công tác văn nghệ vững mạnh về tư tưởng…” [10,tr.367-368]. Tiểu luận viết vào tháng 2 năm 1975 ấy cũng có thể đại diện cho diện mạo của lý luận phê bình văn học Việt Nam từ 1975 đến 1986, với hàng loạt những tượng đài, lá cờ đầu như Trường Chinh, Tố Hữu, Vũ Đức Phúc, Hà Xuân Trường, Nguyễn Khải, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ… Cách hiểu và cắt nghĩa văn học theo lối tiền hiện đại này không phải không có tính khoa học và cơ sở thực tế. Tuy nhiên, một khi độc tôn, loại trừ hay phủ định tất cả những lý thuyết văn học khác, phủ nhận mọi trào lưu trường phái văn học phi hiện thực xã hội chủ nghĩa là “tư sản, đồi trụy, phản động” thì lại trở nên khiên cưỡng, cứng nhắc, thiếu sức sống, nhất là trong hoàn cảnh mới.

Những nhà lý luận tiêu biểu trong giai đoạn 1975 – 1986, đa phần thuộc thế hệ trưởng thành trong chiến tranh, được học tập trực tiếp từ Liên Xô hay Trung Quốc, nên đa phần vẫn thuộc về hệ hình tư duy lý luận văn học tiền hiện đại, trong quan niệm lý luận của họ chủ yếu vẫn đề cao đặc tính phản ánh và chức năng dụng hành của văn học đối với hiện thực xã hội. Trung tâm của đời sống văn học, theo tư duy lý luận văn học 1975 – 1986 vẫn là tác giả – đặc trưng của tư duy văn học tiền hiện đại trên góc độ hệ hình. Đi kèm với quan niệm ấy, là sự độc tôn hai phương pháp nghiên cứu chính nhằm khảo cứu tác giả là xã hội học và tiểu sử học. Một khi cần nghiên cứu, cắt nghĩa, đánh giá một hiện tượng văn học nào đó, thì công thức chủ yếu vẫn là cần dựng lại tiểu sử của tác giả và tác phẩm, hoàn cảnh xã hội học sáng tạo nên tác phẩm và hoàn cảnh xã hội được phản ánh trong tác phẩm ấy. Mặc dù chúng ta không thể nào phủ nhận những cố gắng và tâm huyết của các nhà văn giai đoạn 1975 – 1986, nhưng rõ ràng đất nước đã bước sang một thời đại mới, với những vấn đề quan thiết mới, nếu văn học vẫn vận hành theo lối cũ thì không tránh khỏi sự nhàm chán, thiếu khả năng sáng tạo.

Phản ánh luận với vai trò là hạt nhân tư tưởng của lý luận văn học Việt Nam 1975 – 1986 dần trở thành một “di sản” gánh nặng của quá khứ, gò bó sự sáng tạo văn học của nhà văn lẫn hoạt động nghiên cứu, phê bình của nhà lý luận văn học, mặc dù trong quá khứ hạt nhân tư tưởng này từng đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh ý thức hệ và đấu tranh văn học. Cuộc sống thời bình, với những hiện thực mới khiến nhà văn không thể phản ánh máy móc, cơ học theo lối cũ. Hơn nữa, sự du hành/nhập của các lí thuyết mới, hoặc sự phục hưng của các lí thuyết văn học cũ phi phản ánh luận sau khi hòa bình lập lại, mà đặc biệt là thời điểm gần sát Đổi mới (thập niên 1980) càng làm cho nhu cầu hóa/hòa giải phản ánh luận trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các giới hạn vẫn được bảo lưu/vệ, sự hóa/hòa giải thực sự phải chờ đến giai đoạn sau, với bước ngoặt Đổi mới.

2. Lý luận văn học Việt Nam 1986 – 1999 và những giới hạn của trào lưu, phương pháp sáng tác và nguyên lý lý luận văn học

Nhằm đưa đất nước hội nhập với thế giới, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra như một cơn mưa cập thời với tinh thần dân chủ, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Trên phương diện kinh tế, chính trị, Đảng đã chủ trương cải cách nền kinh tế theo cơ chế thị trường, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, tạo ra những đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc. Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam không còn đơn cực (phe xã hội chủ nghĩa) mà tiến hành đối ngoại đa cực, xem mọi quốc gia đối tác là bè bạn, chủ trương “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” ngay cả với Hoa Kỳ và những nước đồng minh của họ trong chiến tranh. Trên địa hạt văn nghệ, văn học, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong cuộc gặp gỡ lịch sử với văn nghệ sĩ tại Hà Nội vào ngày 6 – 7 tháng 10 năm 1987, đã tuyên bố “Cởi trói” cho văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. “Các đồng chí có nói nhiều đến sự “cởi trói”. Có như vậy mới phát huy được hết khả năng trong lĩnh vực của các đồng chí. “Cởi trói” như thế nào? “Cởi trói” nói ở đây trước hết tôi nghĩ rằng Đảng phải cởi trói. Cởi trói trong lĩnh vực tổ chức, chính sách, trong các quy chế, chế độ” [7]. Từ định hướng mới mẻ, dân chủ này trong sáng tạo, chúng ta thấy các quan điểm lý luận văn học cũng có những đổi mới nhằm khắc phục những giới hạn. Quá trình ấy diễn ra từng bước, chòng chành vỡ ối chuyển dạ chậm rãi, nhưng chắc chắn và rõ rệt. Đầu tiên là xu hướng đổi mới chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nhằm khắc phục giới hạn về phương pháp sáng tác và trào lưu, thông qua việc giãn nới tối đa phạm vi của hiện thực thành hiện thực của tâm trạng hay hiện thực tâm lý, hiện thực huyền ảo.

Sự tiếp nhận nhiều hứng khởi, tạo ra những cách tân mới mẻ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism) Mỹ Latin với những tác gia như G.G.Márquez, J.L.Borges, M.V.Llosa, A.L.Carpentier, J.Amado… trong văn học Việt Nam trong hơn 30 năm qua, thực chất là một quá trình chỉ có thể thực hiện nhờ những thành tựu của Đổi mới. Hàng loạt những trào lưu nghệ thuật thuộc chủ nghĩa hiện đại ở phương Tây như chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện sinh… hoặc các bộ môn khoa/triết học như văn học so sánh, xã hội học, phân tâm học, chủ nghĩa hình thức, hiện tượng học, mỹ học tiếp nhận… cũng được tái tiếp/thừa nhận trong lý luận văn học giai đoạn này. Theo Nguyễn Văn Dân: “Có thể nói, nhiều lý thuyết và phương pháp trước đây được coi là vùng cấm kỵ thì nay đã được phổ biến rộng rãi, hầu như không còn sự hạn chế nào trong việc tiếp cận kho tàng lý luận văn học của thế giới… Thậm chí, có những quan niệm trước đây bị phê phán kịch liệt… nay đã được tiếp thu một cách cởi mở và áp dụng vào thực tế nghiên cứu văn học” [2, tr.92-93].

Bên cạnh đó, việc chất vấn, phản biện về nguyên lý phản ánh của văn học cũng được đặt ra mạnh mẽ và riết róng nhằm hòa giải giới hạn về phản ánh luận. Tiêu biểu là cuộc tranh luận giữa Trần Đình Sử và Lê Ngọc Trà về vấn đề văn học phản ánh hiện thực hay là văn học nghiền ngẫm hiện thực. Những quan điểm mới mẻ về mối quan hệ giữa văn học với hiện thực của Lê Ngọc Trà trong các tiểu luận như “Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực” (1988) đăng trên báo Văn nghệ và tuyển tập Lý luận và văn học(1990), thực chất là khát vọng đổi mới nền văn học nước nhà, mà trước tiên là đổi mới lý luận văn học. Mục đích giãn nới, hoặc khắc phục giới hạn của phản ánh luận không đơn thuần được/bị khuôn gọn trong địa hạt văn chương, mà thực chất, là một ẩn dụ về khát vọng dân chủ và đổi mới đất nước. Đổi mới theo nghĩa này, tức là phương Tây hóa và đa nguyên hóa quan điểm lý luận văn học. Lê Ngọc Trà viết năm 1988: “Thế là rốt cuộc sau nhiều năm do dự, thì thầm, lần đầu tiên chúng ta đã có can đảm nói to lên, nói công khai một sự thật: “Văn học cách mạng của chúng ta còn nghèo nàn… Tình trạng nghèo nàn của văn học cách mạng trong mấy chục năm vừa rồi có nhiều nguyên nhân: sự lãnh đạo đối với văn nghệ, mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ… Song theo chúng tôi, còn một mặt quan trọng nữa và có ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn cần “tháo gỡ” trong nhận thức của giới lãnh đạo, sáng tác và cả lý luận phê bình, đó là vấn đề văn học và hiện thực” [11, tr.34-35]. Đọc kĩ lại các tiểu luận của Lê Ngọc Trà, ta thấy một khát vọng thay đổi quan điểm lãnh đạo văn học của Đảng, cũng như mở rộng không khí dân chủ trong đời sống xã hội, để nhà văn có thể nói thật, nhìn thẳng vào cuộc sống, tránh quan điểm thô thiển về văn nghệ tòng thuộc chính trị một cách máy móc.

Trong giai đoạn Đổi mới từ 1986 trở đi, chúng ta cũng thấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với tư cách là một trào lưu nghệ thuật và đặc biệt là một phương pháp sáng tác đã không còn độc tôn như trước. Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn được nhấn mạnh, thì đến Nghị quyết Trung ương 05 khóa VIII năm 1998, đã không còn nhắc đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trên cả phương diện trào lưu và phương pháp sáng tác2. Lúc này, Đảng chủ trương “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác”. Những nhà nghiên cứu như Lã Nguyên, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân… đã đưa ra ý kiến cần xóa bỏ sự độc tôn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một phương pháp sáng tác có vai trò lãnh/chỉ đạo hoạt động sáng tác văn nghệ, có quyền đứng trên mọi trào lưu và phương pháp sáng tác khác. Thực tiễn đời sống lý luận văn học nước nhà thời Đổi mới dù lặng lẽ, không phát ngôn chính thức, nhưng đi cùng với việc tái nhận thức và tái tiếp/thừa nhận các trào lưu sáng tác phương Tây hiện đại, đã đặt lại vị trí chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong tính lịch sử của nó, tức có hạn chế, có thành tựu và bình đẳng với các trào lưu nghệ thuật còn lại trong tiến trình văn học. Tuy được khắc phục nhiều giới hạn, nhưng có thể nói trên phương diện phương pháp sáng tác, lý luận văn học Việt Nam hiện đại vẫn thực hiện những “hòa giải” hơn là “hóa giải”. Những giải thưởng, tài trợ, sách Nhà nước đặt hàng, tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường, đề thi tuyển sinh, cơ hội xuất hiện trên truyền thông… vẫn chủ yếu thuộc về các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, còn tác phẩm thuộc về những trào lưu khác nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong xuất bản, đánh giá và ghi nhận như trường hợp của Nỗi buồn chiến tranh/ Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh), Miền hoang tưởng/ Hoang tưởng trắng (Nguyễn Xuân Khánh),Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp…

Đi cùng với sự “giải thiêng” về mặt phương pháp sáng tác và nền tảng triết học của lý luận văn học, là quá trình khắc phục giới hạn về những chức năng và thuộc tính của văn học. Nếu như trước đây, những chức năng nặng về giáo huấn, đạo đức và đấu tranh giai cấp được đề cao thì từ Đổi mới trở đi, những chức năng như thẩm mỹ, giải trí và tự biểu hiện được nhấn mạnh. Trong Nguyên lý lý luận văn học của Timophiev (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1962) văn học được xem có ba chức năng cơ bản là: 1/ nhận thức, 2/ giáo dục và 3/ thẩm mỹ. Trong Lý luận văn học của Gulaiep (Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982), một trong những cuốn sách lý luận văn học đầu tiên ở nước ta3 và tạo được ảnh hưởng lớn đến giới lý luận văn học Việt Nam, cho rằng văn học có các chức năng: 1/ giáo dục; 2/ nhân đạo; 3/ đấu tranh chống tiêu cực và kẻ thù. Trong giáo trình Lý luận văn học (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997 – tái bản lần 1 từ lần xuất bản đầu tiên năm 1986 – 1988) của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phương Lựu chủ biên, văn học có bốn chức năng 1/ nhận thức; 2/ giáo dục; 3/ thẩm mỹ; 4/ giao tiếp (phần này do Lê Ngọc Trà viết, do đó ông vẫn giữ nguyên quan điểm này trong cuốn Lý luận và văn học (1991)). Trong giáo trình Lý luận văn học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nxb. Giáo dục, in lần đầu năm 1993, được tái bản nhiều lần, năm 2007 tái bản có chỉnh sửa) do Hà Minh Đức chủ biên, đề xuất 6 chức năng 1/ Nhận thức và dự báo; 2/ Thẩm mỹ và giải trí; 3/ Giáo dục và giao tiếp. Mặc dù, như ta đã thấy, đi cùng với quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới tư duy lý luận văn học, các chức năng “mới” như giải trí, thẩm mỹ dần được đưa vào, rồi trở nên “được” bình đẳng hóa so với những chức năng cơ bản truyền thống như giáo dục, nhận thức, đấu tranh giai cấp, tuy nhiên, phải đến cuốn Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999) của Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương thì vấn đề chức năng văn học mới được tái nhận thức một cách mạnh mẽ. Các tác giả lập luận đanh thép: “Nhưng qua đây có thể thấy nhà thơ không hề coi thường việc “mua vui”, việc giải trí bằng văn chương… Thành kiến đối với chức năng giải trí, “mua vui” của văn chương nghệ thuật, có thể có nguồn gốc từ một quan niệm sống khắc khổ, phiến diện, từ chỗ coi nhẹ chính ngay ý nghĩa của trò chơi và sự nghỉ ngơi, giải trí của con người trong cuộc sống. Trước đây, lí luận văn nghệ ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa hầu như không đề cập đến chức năng giải trí của văn chương nghệ thuật” [3, tr.19]. Như vậy, ta có thể thấy càng về sau, thì các chức năng như thẩm mỹ, giải trí, tự biểu hiện… lại càng được nhấn mạnh. Thậm chí, chức năng thẩm mỹ trước đây bị giới nghiên cứu còn nhiều ngại ngần, e dè, nay với thành tựu Đổi mới, lại được đặt vào trung tâm của các chức năng văn học, Phương Lựu còn xem đó là chức năng có vai trò hệ thống cấu trúc nên/của các chức năng còn lại.

Vấn đề những thuộc tính văn học cũng có những chuyển biến, thay đổi nhằm khắc phục những giới hạn. Lý luận văn học Việt Nam giai đoạn trước đề cao tuyệt đối tính đảng của văn học, xuất phát từ những quan điểm được ghi lại trong các sách kinh điển của Marx, Engels và Lenin bàn về văn học nghệ thuật. Những nhà lý luận văn học nước ta, ảnh hưởng trực tiếp từ lý luận Xô viết, mà tiêu biểu là Malencov với nhận định nổi tiếng: “Điển hình văn học là phạm vi thể hiện của tính Đảng Cộng sản trong văn học”4, đã từng xem tính đảng như một thuộc tính tất yếu và phổ biến của văn học. Nguyễn Lương Ngọc, Trần Văn Bính, Nguyễn Văn Hoàn trong Văn nghệ và chính trị (1961) viết: “Chúng ta kiên quyết bảo vệ nguyên tắc tính đảng trong văn học của Lê-nin, chống lại mọi mưu đồ phủ nhận tính đảng của văn học nhưng một mặt khác, chúng ta cũng đề phòng lối hiểu thô thiển, phiến diện về nguyên tắc đó” [8]. Nếu như những bộ sách lý luận văn học như Cơ sở lí luận văn học do Nguyễn Lương Ngọc chủ biên (1980) và cả trong những tiểu luận, bài phát biểu của lãnh đạo từ Đại hội III của Đảng (1960) cho đến trước 1986, tính đảng trong văn học được đề cao, thì sau 1986, tính đảng chỉ được đề xuất như là một thuộc tính của trào lưu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chứ không còn được xem là thuộc tính phổ biến của văn học nói chung nữa. Có thể thấy các bộ giáo trình lý luận văn học của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội trong những lần tái bản sau này năm 1997, 2007, 2008… đã không còn đưa “tính đảng” vào phần nguyên lý chung, mà chỉ đề cập đến những thuộc tính phổ quát của văn học như tính nhân dân, tính dân tộc, tính quốc tế, tính giai cấp. Phần tính đảng không bị xóa bỏ hẳn, mà như trên đã nói, được điều chỉnh lại hợp lý nhằm đưa vào trong phần Tiến trình văn học (tập 3 của bộ Lí luận văn học, Phương Lựu chủ biên), nằm trong những đặc trưng tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Lý luận văn học sau 1986 còn có nhiều đổi mới, cách tân mạnh mẽ trên phương diện phục hưng tính chủ thể, con người cá nhân trong văn học. Nếu như lý luận văn học kháng chiến và giai đoạn 1975 – 1986 vẫn chủ yếu đề cao cái ta, cái nhân dân, cái dân tộc, cái giai cấp đặt trong bối cảnh và tâm trạng thời chiến, thì lý luận văn học từ 1986 trở đi quay trở lại với nhịp sống đời thường, với cảm hứng đời tư thế sự quan tâm sâu sát hơn với thân phận cá nhân, bi kịch bản thể. Do đó, Nguyễn Khải – một trong những tượng đài của văn học kháng chiến về cuối đời đã cất tiếng nói đòi Đi tìm cái tôi đã mất: “Trong suốt ba chục năm chiến tranh, mỗi người Việt Nam đã quên hẳn những nhu cầu vật chất và tinh thần của riêng mình để được cùng sống như mọi người, cùng cảm nghĩ như mọi người, sống cùng sống chết cùng chết…” [6].

Nguyễn Minh Châu – một tượng đài khác của văn học kháng chiến cách mạng thì viết điếu văn để tiễn đưa một nền văn học cũ đã mất hết sức sống và sự sáng tạo trong bài báo nổi tiếng đăng trên báo Văn nghệ số 49 và 50 năm 1987 với tựa đề Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa. “Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế” [1].

Nhờ sự khắc phục những giới hạn trên phương diện lãnh đạo văn nghệ, lý luận văn học hay quan niệm sáng tác, lý luận văn học Việt Nam thời kì Đổi mới đã có nhiều thành tựu mang tính cách mạng hệ hình so với khoảng 15 năm trầm lắng, trì trệ trước đó. Như vậy, về thực chất, lý luận văn học Việt Nam từ 1986 cho đến cuối thế kỷ XX đã được viết, nghiên cứu theo tư duy hệ hình lý luận văn học hiện đạivới những tác gia tiêu biểu như Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân, Trần Ngọc Vương, Trần Đình Hượu, La Khắc Hòa, Lí Hoài Thu, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Văn Hạnh… Về văn hóa, chúng ta đã bước sang thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng, với biểu tượng văn hóa là những cửa hàng bách hóa tư nhân, những chợ và siêu thị do kinh tế tư nhân làm chủ. Nếu như lý luận văn học giai đoạn 1975 – 1985 (tiền hiện đại) lấy trung tâm là tác giả, với hai phương pháp nghiên cứu chủ yếu là xã hội học và tiểu sử học, thì văn học giai đoạn Đổi mới (hiện đại) lấy văn bản làm trung tâm, với phương pháp thi pháp học, tự sự học làm cơ bản. Có thể nói trong giai đoạn này, những cống hiến về mặt lí thuyết làm thay đổi hệ hình lý luận văn học nước nhà của Trần Đình Sử và những học trò của ông (và phần nào đó là của những người đồng thời với Trần Đình Sử như Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Anh Đào, Nguyễn Xuân Kính, Phan Ngọc, Nguyễn Phan Cảnh…) là quan trọng nhất, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng, mặc dù những người tiền nhiệm như Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Trinh, Nguyễn Thái Hòa, Vương Trí Nhàn… đã có tìm hiểu ít nhiều về thi pháp từ trước.

3. Lý luận văn học Việt Nam 2000 – 2016 và những giới hạn của các cộng đồng diễn giải

Không gian dân chủ, đối thoại trong lý luận văn học và quản lý văn nghệ vẫn được duy trì vào đầu thế kỷ XX. Việc cho phép những tiếng nói khác, cho phép giới thiệu những quan điểm tư tưởng mới nhằm tham khảo, phản biện khi cần thiết trong đời sống văn học, tri thức nước nhà là rất quan trọng, đó là một thành tựu của lý luận văn học Đổi mới đã được duy trì cho đến nay. Nhiều nhà văn bị xem “dính án” văn chương và hoặc “có vấn đề” ở giai đoạn đầu thế kỷ XXI vẫn được tiếp tục xuất bản sách, nhận giải thưởng là một ứng xử đầy nhân văn và dân chủ. Nhiều giải thưởng cao quý như giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội đã được trao cho nhiều nhà văn trước đây đã từng bị treo bút, bị án văn chương Nhân văn – Giai phẩm, hoặc ngày nay có những quan điểm chính trị khác, có thể kể ra một số ví dụ như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Cung, Nguyễn Xuân Khánh…

Những chủ đề tưởng chừng như “cấm kỵ” trước đây như đồng tính, loạn luân, cải cách ruộng đất, chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) với Trung Quốc, chiến tranh biên giới Tây Nam (1978 – 1989) với Campuchia… lần lượt được những tác phẩm văn học đề cập đến một cách trực diện và dưới cái nhìn nhân bản như Biết đâu địa ngục thiên đường (Nguyễn Khắc Phê), Hoang tâm, Xác phàm (Nguyễn Đình Tú), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Ba người khác (Tô Hoài)… và lý luận văn học giai đoạn 2000 – 2016 cũng đã có những nghiên cứu kịp thời nhằm khắc phục những giới hạn về các chủ đề này. Tiêu biểu có thể kể đến một số tác giả/gia lý luận văn học có nhiều cống hiến trên lĩnh vực này như Trần Thiện Khanh, Mai Anh Tuấn, Trần Ngọc Hiếu, Phùng Ngọc Kiên, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Văn Toàn…

Trên phương diện lý luận văn học và mỹ học, những thành tựu từ Đổi mới vẫn được tiếp tục kế thừa và có nhiều bước phát triển mới nhằm khắc phục những giới hạn cũ. Các chức năng văn học tiếp tục được nhận thức lại, và quan điểm mới nhất trong bộ giáo trình Lý luận văn học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Phương Lựu chủ biên, Nxb. Đại học Sư phạm, 2008) đó là sự thừa nhận đa chức năng của văn học (mục 5.2. Tính đa dạng và thống nhất trong chức năng văn học), dựa trên nhu cầu tiếp nhận phong phú không giới hạn của người đọc. Đây là một bước phát triển mới của tư duy lí luận văn học Việt Nam bởi sự ứng dụng mỹ học tiếp nhận vào lý luận văn học. Những trường phái nghệ thuật phương Tây hiện đại tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn qua những công trình như Mười trường phái lý luận phê bình văn học đương đại phương Tây (Nxb. Giáo dục, 1999), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX(Nxb. Văn học, 2001) của Phương Lựu, Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX của Lộc Phương Thủy chủ biên (Nxb. Giáo dục, 2007), Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật của Nguyễn Văn Dân (Nxb. Khoa học xã hội, 2013)… và cho phép tái bản lại một vài công trình lý luận – phê bình văn học đã được xuất bản trong chế độ miền Nam trước 1975. Tuy vậy, những thành tựu này nhìn chung vẫn còn ít ỏi, chưa được chính thức giảng dạy nhiều trong nhà trường. Di sản lý luận văn học miền Nam, mặc dù có thể với tinh thần “gạn đục khơi trong” vẫn chưa được đánh giá và phục hưng đúng mức. Đây là những cơ hội đã bị bỏ lỡ trong việc hóa giải các giới hạn của lý luận văn học đầu thế kỷ XXI, cho nên những cố gắng, về cơ bản chỉ có vai trò như những cuộc hòa giải tạm thời.

Đặc biệt, sự tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại có thể xem là thành tựu lớn nhất của giai đoạn này. Công cuộc tiếp nhận và ứng dụng lý thuyết văn học hậu hiện đại ở Việt Nam ghi nhận công lao của nhiều người, trong đó có Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Đào Tuấn Ảnh, Ngân Xuyên, Lê Huy Bắc, Hoàng Ngọc Tuấn, Inrasara, Lã Nguyên, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Minh Quân, Thụy Khuê, Bùi Văn Nam Sơn… Thành tựu này có hai ý nghĩa, thứ nhất chủ nghĩa hậu hiện đại là trào lưu đương đại ở phương Tây, có niên biểu xuất hiện gần như mới mẻ nhất, tiếp cận trào lưu này sẽ đưa văn học nước nhà bắt kịp nhanh nhất với trình độ văn học thế giới. Thứ hai, bản chất của hậu hiện đại là đả phá các đại tự sự, chấp nhận tiếp biến chủ nghĩa hậu hiện đại tức đã chứng minh cho không gian dân chủ được mở rộng về mặt bản chất cả trong xã hội lẫn văn chương. Dĩ nhiên tiến trình tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam khoảng gần 20 năm qua, mà đặc biệt là 15 năm đầu thế kỷ XXI có nhiều biến cố, khúc quanh và cả sự kì thị, hiểu nhầm, phủ định. Điều này xuất phát từ những giới hạn của các cộng đồng diễn giải khác nhau, khi tầm đón nhận và kinh nghiệm thẩm mỹ của các cộng đồng diễn giải lý luận văn học là rất khác. Chỉ xét riêng trong phạm vi giới lý luận văn học, những cộng đồng diễn giải trưởng thành trong chiến tranh và giai đoạn 1975 – 1986 dường như dị/phản ứng mạnh mẽ với lý luận văn học hậu hiện đại do họ mang một kinh nghiệm thẩm mỹ khác (tiền hiện đại). Ngược lại, cộng đồng diễn giải trưởng thành trong giai đoạn 1986 – 1999 tỏ ra cởi mở hơn cho dù có thể còn e dè, trong khi đó, cộng đồng diễn giải trưởng thành đầu thế kỷ XXI – mà tôi gọi lý luận phê bình thế hệ f sẽ tỏ ra nồng nhiệt, nhanh nhạy tiếp cận với lý luận văn học hậu hiện đại.

Cũng cần kể đến đó là sự xuất bản, giới thiệu những trước tác triết học kinh điển phi Marxist, thậm chí có nhiều quan điểm mang tính đối thoại với triết học Marx, hoặc thuộc về những trường phái triết học mà trong quá khứ chúng ta đã từng phê phán, phủ định. Tiêu biểu nhất là Tủ sách tinh hoa của Nhà xuất bản Tri thức với hàng loạt những công trình triết học kinh điển như Hoàn cảnh hậu hiện đại (J.F.Lyotard),Dân chủ và giáo dục – Một dẫn nhập vào triết lý giáo dục (John Dewey), Chủ nghĩa tự do truyền thống(Ludwig von Mises), Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (Max Weber)… Có thể nói, sự thay đổi về nhận thức luận từ hiện đại chuyển sang hậu hiện đại ở Việt Nam trước tiên không phải xuất phát từ những đổi mới về cơ sở hạ tầng kinh tế, mà là do sự tiếp nhận những luồng triết học mới mẻ đến từ phương Tây. Những công trình triết/mỹ học này, đã tạo ra sự tác động mạnh mẽ hơn bất kì kiệt tác văn học đương đại hay công trình lí luận văn học nào trên thế giới (đã được dịch) đối với sự đổi mới và dịch chuyển hệ hình văn học Việt Nam từ hiện đại sang hậu hiện đại. Một thành tựu khác đó là chúng ta đã chấp nhận dịch và giới thiệu những công trình lý luận văn học nước ngoài kinh điển, mà tiêu biểu là Lý luận văn học của R.Wellek và A.Warren (Nxb. Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2009).

Như vậy, có thể nói, văn học Việt Nam từ cuối thế kỷ XX cho đến đầu thế kỷ XXI đã được viết, nghiên cứu theo tư duy hệ hình lý luận văn học hậu hiện đại. Về văn hóa và kinh tế, đất nước cũng bước sang một thời kì mới có tên toàn cầu hóa (globalization), với biểu tượng kinh tế là những trang web bán hàng qua mạng và siêu thị trên nền tảng internet. Chính vì vậy, có thể nhận định rằng mặc dù những di sản Đổi mới từ 1986 đến nay là vẫn còn nguyên những giá trị, nhưng văn học đầu thế kỷ XXI sẽ có những đặc trưng và quy luật riêng, chính vì vậy, cần thiết phải phân kỳ lý luận văn học Việt Nam khoảng mười lăm năm trở lại đây thành một giai đoạn mới. Giai đoạn này có thể xem là lý luận văn học giai đoạn toàn cầu hóa hay lý luận văn học hậu hiện đại.

Tư duy lý luận văn học hậu hiện đại lấy người đọc làm trung tâm của đời sống văn học. Do đó, tôi xem đặc trưng của việc chuyển hệ hình từ lý luận văn học hiện đại sang lý luận văn học hậu hiện đại ở Việt Nam đầu thế kỷ XXI có công lao rất lớn của việc tiếp nhận lí thuyết về người đọc nói riêng và mỹ học tiếp nhận (Reception Esthetis) nói chung. Bắt nguồn từ triết học Hiện tượng học của E.Husserl và Tường giải học của Heidegger, Gadamer, mỹ học tiếp nhận mà cụ thể là trường phái Konstanz của Wolfgang Iser và Hans Robert Jauss đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam vào giai đoạn cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI. Nhiều nhà lý luận, phê bình văn học đã có công lao trong việc dịch, giới thiệu và ứng dụng mỹ học tiếp nhận (tiếp nhận văn học) vào Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến Nguyễn Văn Trung trong Lược khảo văn học (1968) trước giải phóng, sau đó đến công lao của một loạt những nhà khoa học như Hoàng Trinh, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Văn Dân, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Huỳnh Vân, Nguyễn Lai, Nguyễn Thanh Hùng, Huỳnh Như Phương, Phan Trọng Luận, Đỗ Lai Thúy… nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến Trương Đăng Dung. Trương Đăng Dung không phải là người nghiên cứu đầu tiên về mỹ học tiếp nhận, nhưng là người chuyên chú nhất và có những nghiên cứu chuyên sâu, đi từ những nền tảng triết học tận nguồn như hiện tượng học hay tường giải học. Từ những công trình của Trương Đăng Dung, mỹ học tiếp nhận đã được nghiên cứu và chú ý thích đáng trong nghiên cứu văn học, góp phần khắc phục những giới hạn của tư duy lý luận văn học hiện đại.

Như vậy, có thể thấy tiến trình phát triển của lý luận văn học Việt Nam 1975 – 2016 đã trải qua nhiều lần khắc phục những giới hạn đã biết, để tiếp tục nhận thức, suy ngẫm và tìm tòi về những giới hạn chưa biết, những giới hạn mới. Tuy vẫn còn một vài giới hạn truyền thống mà giới lý luận văn học vẫn chấp nhận thương thỏa để hòa giải, nhưng có thể thấy sự chuyển dịch chắc chắn từ hệ hình tiền hiện đại sang hiện đại và hậu hiện đại. Sự phát triển ấy có khi chậm rãi, có khi nhảy vọt, nhưng sự chiều tiến lên là chắc chắn và rõ ràng. Ý thức về sự phát triển bao giờ cũng là ý thức về những giới hạn, chứ không phải niềm tin có tính đại tự sự về những hỗn độn vô biên. Do đó, dẫu mỗi cá nhân dẫu vẫn chỉ có thể tồn tại trong những giới hạn của cuộc đời mình, nhưng chính vì thế mà chúng ta luôn nỗ lực sống trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn và có tư tưởng hơn trong kiếp người hữu hạn. Nhận thức về cái chưa biết, có thể nói, là một bước dài để đi đến với chân trời của sự hiểu biết.

P.T.A  
(TCSH329/07-2016)

—————
1. Về vấn đề này, xin xem thêm: Trương Đăng Dung (2011), “Khoa học văn học tiền hiện đại”, Tạp  chí Nghiên cứu văn học,số 6.
2. Về vấn đề này, xin xem thêm luận án tiến sĩ của Đoàn Ánh Dương, Văn học Việt Nam giai đoạn  1986 – 2000: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Học viện khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.
3. Có thể kể thêm một số cuốn như Bàn về văn học của Gorky (Nxb. Văn học, Hà Nội, 1965),Cá tính  sáng tạo của nhà văn với sự phát triển văn học của Khrapchenko(Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978).
4. Về vấn đề này, xin xem thêm tiểu luận: Tiếp nhận lí luận văn nghệ Mác Lê nin ở Việt Nam giai đoạn  1945 – 1986của Trần Đình Sử, đăng tại Trandinhsu.wordpress.com. 

___________________
1. Nguyễn Minh Châu, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa, Vietstudies. info, truy cập ngày 5/3/2016.
2. Nguyễn Văn Dân (2015), Các lý thuyết nghiên cứu văn học – ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học – vấn đề và suy nghĩ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
4. Inrasara, Văn chương thành phố Hồ Chí Minh thời hậu đổi mới, khởi đầu cho một khởi đầu, 4phuong.net, truy cập ngày 5/3/2016.
5. Jean Francois Lyotard (2007), Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
6. Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất, Viet-studies.info, truy cập ngày 5/3/2016.
7. Nguyễn Văn Linh (1987), “Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện với văn nghệ sĩ”, báo Văn nghệ, Hà Nội, số 42 (ra ngày 17/10).
8. Nguyễn Lương Ngọc và…, Văn nghệ và chính trị, Vanhoanghean.com.vn, truy cập ngày 5/3/2016.
9. Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam – những khả năng và thách thức, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
10. Như Phong (1964), Bình luận văn học, Nxb. Văn học, Hà Nội.
11. Lê Ngọc Trà (1988), Lý luận và văn học, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

Phan Tuấn Anh – Tạp chí Sông Hương