Phố Hữu Nghị được tôn lập tự đời hồng hoang nào, tôi không rõ. Cuối năm 1959 ra làm Báo Vùng Mỏ, ký ức về con phố nhỏ ấy cho đến bây vẫn là những ấn tượng không bao giờ quên.Gọi là phố cho oai, chứ thực ra không thể xếp hạng phố được. Con đường đá lởm chởm, độc đạo, hẹp ve dài hơn một cái quăng dao với hai dãy nhà cổ kính xây dựng theo kiểu nửa Tàu nửa Tây đã nhôm nhoam biến dạng bởi thời gian hà khắc. Đầu phố rẽ vào con ngõ cụt tạt sang Công an thị xã Hồng Gai và Hội sở Ngân hàng Hồng Gai là Nhà in Vùng Mỏ (thuộc Ty Văn hóa Khu Hồng Quảng) cục phố, thấy ngay cái biển số 30 Phố Hữu Nghị.Qua cái cổng hẹp, bước đúng bảy bậc đá lên mỏm núi linh, nơi toạ lạc của Báo Vùng Mỏ. Đứng trên nóc nhà Toà báo chỉ ới một tiếng người dưới Nhà in Vùng Mỏ nghe rõ mồn một, đâu cần phôn pheo như bây giờ. Từ cổng Toà Báo Vùng Mỏ đi chếch xuống phía Tây độ năm chục mét tới Phòng Khám bệnh cơ quan khu vực. Liền đấy là Nhà ăn Liên cơ sát kè đá chắn sóng nước Hạ Long.Đài Truyền thanh Khu Hồng Quảng sát vách Mặt trận Tổ quốc Khu Hồng Quảng, hai anh láng giềng thân cận của Báo Vùng Mỏ dựa vào thế núi nhìn ra Vịnh Hạ Long. Mấy anh em xa mua láng giềng gần ăn chung Nhà ăn Liên cơ, khám chữa bệnh chung Phòng Khám bệnh Bác sỹ Soạn bắt mạch kê toa. Đó là một quần thể sớm hôm tắt lửa tối đèn có nhau với tình đồng chí cao đẹp tuyệt không có chuyện ganh ghé vì chuyện nọ kia.

Báo Vùng Mỏ và Nhà in Vùng Mỏ như anh em sinh đôi, máu chảy ruột mềm thân thương đã một thời cùng sinh hoạt một Chi bộ Đảng, một Chi đoàn, một BCH Công đoàn (sau đó mới tách ra). Cán bộ, phóng viên Báo Vùng Mỏ với cán bộ, công nhân Nhà in Vùng mỏ khăng khít như môi với răng. Môi hở răng lạnh. Người hai nhà sáng ra trông thấy nhau, chiều về trông thấy nhau. Ngày hai bữa sáng chiều cùng mâm rồi mà trong những khoảng khắc trống vắng trong ngày đã cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó như là đã phải lòng mặt nhau. Điều này thì các cô gái sắp chữ thuộc mặt chữ từng nhà báo linh cảm thấy trước các chàng phóng viên ngờ nghệch. Các cô gái này ranh ma luận ra từng lỗi chímh tả và cũng không để lọt dù chỉ một lỗi thiếu dấu trong mỗi bài báo của cánh phóng viên trẻ.Tôi thuộc nhóm viết láu, chữ xấu như gà bới luôn luôn bị chê và đôi khi bị trả về để chép lại. Chỉ có nhóm Lý Biên Cương, Mai Phương, Nguyễn Hồng Hải là không cô nào chê hết bởi bài họ viết sạch chữ đẹp.Nhiều cô mê chữ và thích sắp bài viết của họ là vì thế. Trong số những bàn tay vàng ấy có Ngà, cô gái người Thuỷ Nguyên ( Hải Phòng) nàng rất sướng khi được giao sắp bài của Lý Biên Cương. Có lẽ nét chữ anh chàng họ Lý đã hút hồn cô gaí đồng quê khiến nàng ngấn ngơ ngay từ buổi đầu tiên giáp mặt.

*

Bấy giờ Bến Đoan còn thưa vắng, tẻ nhạt và nghèo xác.Nếu như không có những cặp trai Báo Vùng Mỏ gái Nhà in Vùng Mỏ từng cặp, từng cặp sát sạt bên nhau hóng sự tinh khiết của biển trời Hạ Long thì bờ biển đẹp ấy hoàn toàn vô nghĩa. Nếu không phải thiên định tạo cái cớ cận thân, cận lân hồ dễ gì có cơ hội để những huê hậu, á hậu Nhà in Vùng Mỏ lấy cảm hứng Bến Đoan để hò hẹn, để mong, để nhớ? Phố Hữu Nghị đã hoàn thành sứ mạng của nó, không để đám thanh niên phố khác đột nhập Nhà in Vùng Mỏ lôi kéo các nàng dẽ ngang. Thế rồi không biết tự bao giờ và tại đẩu tại đâu mà hàng chục chàng trai Báo Vùng Mỏ từng tung hoành ngang dọc bị cầm tù tại Nhà in Vùng mỏ bởi các cô gái sắp chữ dùng đủ mọi thủ đoạn bùa mê thuốc lú kìm kẹp. Khi chuyện họ vỡ oà ra trước thanh thiên bạch nhật, hai nhà lãnh đạo Báo Vùng Mỏ và Nhà in Vùng Mỏ đành tặc lưỡi bảo nhau chúng thích cứ đời sống mới mà mần. Chè thơm kẹo ngọt công đoàn lo. Ca xướng tùm lum chi đoàn đứng ra là xong tắp lự. Cô dâu chú rể không môi son má phấn mà chân dép đen về phòng hạnh phúc trên hai cái giường một ghép lại. Hạnh phúc đơn sơ mà ấm lòng hai họ đâu cứ phải xe kết hoa áo cô dâu quét đất. Đôi uyên uơng phải nói là một kỳ tích của phố Hữu Nghị bấy giờ là Nhà báo Lý Biên Cương sánh duyên cùng nàng sắp chữ Bùi Thị Thúy Ngà. Đôi trai tài gái sắc ấy nên duyên chồng vợ trong một môi trường tình yêu trong sáng đậm đà tình nghĩa. Kể ra thì còn nhiều chuyện vui đáo để đủ viết những thiên truyện tình li kì hấp dẫn về những cô gái Nhà in Vùng Mỏ với những chàng trai Nhà Báo Vùng Mỏ thời gạo châu củi quế. Nhưng xin quý vị miễn thứ để nói về mối tình chàng Nhà báo Lý Biên Cương với nàng sắp chữ Bùi Thị Thúy Ngà.

*

Bây giờ chẳng phải giấu giếm. Xin nói ngay: Trước khi kết hôn với cô gái sắp chữ hoa tay Bùi Thị Thúy Ngà, công nhân Nhà in Vùng Mỏ, chị Hậu, người yêu thương Lý Biên Cương đang mang trong mình dòng máu Lý Biên Cương (đó là cháu Nguyễn Thị Thương). Cho đến bây giờ, sau hơn 40 năm tôi vẫn chưa hiểu duyên cớ vì đâu mà họ chia tay nhau để rồi sau những tháng năm đau đáu đùng một cái Lý Biên Cương đón cháu Thương về hoà nhập vào cái mái ấm nhỏ nhoi của mình. Tôi nghĩ chắc chắn phải có sự đồng cảm, đồng thuận của chị Hậu với tấm lòng bao dung cao đẹp của mẹ. Điều đó đối với tôi như là lẽ đương nhiên của con tạo không làm tôi sửng sốt. Sự đã rồi tôi mới biết Lý Biên Cương đã tính toán, đã lựa chọn kỹ lưỡng và dám chịu trách nhiệm trước búa rìu dư luận và trả giá đắt cho quyết định của mình. Bù lại cho Lý Biên Cương là sự hiện diện của cháu Thương để anh vươn tới và khoả lấp nỗi đau đời. Chỉ có cháu Thương mới làm cho cha mình vững tâm chịu trận lôi đình từ phía tổ chức.Và không ai khác, chính cháu Thương đã thêm công năng chèo lái làm điểm tựa cho chị Ngà lái con thuyền trong cơn sóng gió.

*

Nguyễn Thị Thương biết phận sự của người chị cả luôn luôn đồng cam cộng khổ sẻ chia niềm vui nỗi buồn với các em tận tuỵ chăm sóc cha mẹ khi ông bà đau ốm. Lý Biên Cương suy kiệt phải lên Hà Nội điều trị thì cũng là lúc chị Bùi Thị Thúy Ngà cũng phải chuyển gấp xuống Bệnh viện Tâm thần cứu chữa. Đó là những ngày cực kỳ cam go, chị em Nguyễn Thị Thương vẫn bền lòng theo thầy tìm thuốc, không quản khổ nhọc ngày đêm nuôi cha, nuôi mẹ. Phải nói vợ chồng Lý Biên Cương rất hạnh phúc có những đứa con hiếu thảo.Điều này Lý Biên Cương đã nói với tôi không ít hơn năm lần,trong đó có ba lần tại các bệnh viện ở Hà Nội khi tôi và Hoạ sỹ Lê Vân Hải đến thăm anh.

Lý Biên Cương về cõi vĩnh hằng. Chị Hậu, mẹ cháu Nguyễn Thị Thương cùng hai mẹ con người em gái chị đến viếng và tiễn đưa Lý Biên Cương. Chị Hậu đứng bên con gái để sẻ chia và làm chỗ tựa cho con. Cháu gái, con em gái chị Hậu chia sẻ với tôi, cháu chưa gặp Bác Cương, nhưng qua Bá Hậu, cháu biết chắc một điều là bác ấy đẹp trai và hiền. Điều đó đã nói lên cái tình không phải chỉ mỗi chị Hậu mà cả gia đình chị dành cho Lý Biên Cương.

Nhớ lại hồi Lý Biên Cương mới về Báo Vùng Mỏ, chị Hậu xuống thăm bạn. Tôi rất vui được mời chị một bữa cơm ( có giá 250 gram tem gạo và ba hào chỉ) tại bàn ăn của Báo Vùng Mỏ dưới tán dâu da sum sê. Ngồi cùng mâm có Mai Phương thêm thi vị. Chị Hậu luôn luôn cười nụ. Khuôn mặt chị sáng lên. Và, mới đây, khoảng 4- 5 năm, nhân đọc Báo Tiền Phong thấy bài viết về chị Hậu (kèm ảnh), tôi đã cắt bài báo đó tặng Lý Biên Cương. Đọc bài báo xong, Lý Biên Cương buông tiếng thở dài và ngậm ngùi:“Nỗi đau vẫn neo lại trong lòng mình” Thể nào trong thơ, văn anh, thi thoảng tôi bắt gặp chữ neo.

Ngoài chị Hậu, trước hôn lễ Cương- Ngà,tôi còn biết thêm một người đàn bà nữa mặn tình anh Lý. Đó là Chị Đỗ Thị P, tên thân thuộc thuở chị cắp sách đến trường làng quê tôi. Lý Biên Cương yêu chị P trong thời gian về Hợp tác xã Liên Hoà cùng tôi viết bài ca ngợi phong trào Đại Phong. Chị P và Lý Biên Cương đã có với nhau những điều hẹn ước.Thông tin họ sẽ cưới nhau chính là do người trong cuộc, Chị P nói, bởi tôi là bạn học của chị thuở thiếu thời rất được chị tin cậy. Mối tình ấy như bông Quỳnh tắt trước bình minh, không phải “người đàn bà ngang qua đời tôi” như anh nói. Kết cục mối tình đoản thọ ấy diễn ra chính bởi chị P thẳng thắn từ chối tình yêu Lý Biên Cương vì mỗi lý do chị người nhà quê, làm ruộng, ít học, anh ấy là nhà báo, chúng em như đôi đũa lệch, không hơp. Cho đến tận bây giờ mỗi khi gặp tôi, chị P vẫn mặn mà lời thăm hỏi Lý Biên Cương. Lý Biên Cương qua đời, nếu biết, chắc chắn chị P vẫn rầu rầu nước mắt trước nỗi biệt ly. Con gái quê tôi chung tình lắm!

*

Xin được nói lại:Hồi làm Báo Vùng Mỏ, Lý Biên Cương thường hay xuống xưởng in lấy cớ sửa mo-rát, nhưng thực tình là để tán tỉnh cô công nhân sắp chữ BùiThị Thúy Ngà, người con gái đất Thuỷ Nguyên xinh đẹp và hiền dịu. Chị Bùi Thị Thúy Ngà thân với Kim Chi, cô gái gốc Hà Nội có nụ cười phải nói mê hồn và đôi con mắt cười ánh lên lung linh.Tôi cũng thuộc nhóm thân với Ngà và Chi, nhưng đã tảo hôn lúc 15 tuổi phải giữ quan điểm nam nữ thụ thụ bất thân. Kim Chi đơn phương yêu nhà báo Hoàng Quốc Hải (nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng ) .Số trời không cho người con gái ấy đẹp duyên với người mình hằng mong hằng nhớ. Nàng lâm bệnh và về coĩ vĩnh hằng trước khi Lý Biên Cương bị bạn của Kim Chi, chị Bùi Thị Thúy Ngà “đánh gục”. Tôi biết mỗi lần kiếm cớ xuống sửa mo-rát, Lý Biên Cuơng đều mang theo mấy cái kẹo lạc. Chàng biết nàng thích món kẹo hương thơm vị bùi và ngọt để chiều nàng. Người con gái mới chớm yêu không chối. Rồi trong khoảng khắc trống vắng con mắt lia trộm, Lý Biên Cương vuốt mái tóc thơm mùi hoa bưởi của nàng đen mượt mà óng ả. Sau này, những khi vui, đã đôi ba lần tâm sự với tôi,chị Bùi Thị Thúy Ngà, bảo em rất thích được anh ấy vuốt tóc em. Lý Biên Cương có cách mê hoặc gái phải nói thuộc cỡ siêu: Tủm tỉm cười và nhìn xóay vào đôi mắt cô gái tìm kiếm sự đồng cảm là cách chôm ăn nhất. Cô gái không né tránh đáp lại cái nhìn sắc thắm là Lý Biên Cương biết con cá đã cắn câu. Chàng khẽ nâng mái tóc nàng lên đặt vào mũi để nghe mùi tóc…

*

Lý Biên Cương ngủ cùng phòng với tôi và Nhà thơ Mai Phương nên khi tán gẫu, bộc bệch kể trắng phớ luôn. Mình đã hôn cô ấy. Ở đâu? Tôi hỏi. Dưới gốc cây bàng bên hồi Công an Thị xã. Hỏi thế thôi, chứ tôi chẳng lạ. Lý Biên Cương bắt tình nhanh lắm và cũng không khó khăn gì để được đáp lại cái hôn nồng cháy từ đôi môi cô gái quê căng tràn sức sống. Mà sao không? Chàng Nhà báo tài hoa, đẹp ngời ngời thế làm sao không yêu, chỉ có con ngốc mới chối bỏ cái tình của người ta. Chị Bùi Thị Thúy Ngà tâm sự. Em nhất quyết lấy anh ấy. Rồi một hôm, Lý Biên Cương đưa chị Bùi Thị Thúy Ngà lên phòng chúng tôi. Họ hôn nhau. Sau đấy Lý Biên Cương bảo tôi và Mai Phương, chúng mình làm lễ cưới, các ông chuẩn bị đi. Chị run lẩy bẩy, khi chàng hỏi, anh hỏi lần cuối, em có sợ lấy anh khổ không? Đã bảo không. Chị khẳng định. Một tháng sau. Lễ vu quy Lý Biên Cương – Bùi Thị Thúy Ngà được tổ chức trong không khí đầm ấm của đại gia đình Báo Vùng Mỏ và Nhà in Vùng Mỏ.

*

Những ngày chung sống phải nói đôi uyên uơng ấy đã làm không ít cặp vợ chồng trẻ khác thèm khát trông vào và mơ. Lý Biên Cương và Bùi Thị Thúy Ngà, họ có với nhau bốn mặt con. Hai trai hai gái. Và thêm Thương nữa. Tình thương yêu chia sẻ cùng ghé vai lo gánh vác một gia đình gần chục miệng ăn đó là chưa kể nặng gánh cha mẹ già và các em nhỏ ở quê.Chị Bùi Thị Thúy Ngà giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc các cháu ngoan ngoãn và học hành tử tế để chồng dồn công vào trang viết. Phải nói thành công của Lý Biên Cương có công không nhỏ của người vợ tần tảo chắt chiu. Chính vì lẽ đó mà đã một thời, nhiều nhân vật phụ nữ xuất thần hiện diện trên trang viết của Lý Biên Cương, phải chăng đấy là người vợ thảo hiền, thuỷ chung? Lý Biên Cương đã nhiều lần tâm sự với tôi, lo được một mái ấm để mình rảnh óc nghĩ về văn về đời phải nói bà ấy làm điểm tựa. Nhưng hạnh phúc không đồng hành với họ. Khi sinh cháu đầu lòng, chị Ngà đã xuất hiện triệu chứng bất thường của căn bệnh tâm thần. Lúc tỉnh, lúc mê. Anh đã đưa vợ đi khám và điều trị nhưng rất ít kết quả. Chị thường bất chợt nổi khùng. Những lúc như thế Lý Biên Cương rất cực nhọc. Nhưng khi tỉnh chị vẫn nền nã yêu chiều chồng con, người ngoài cuộc không thể thấy những bất cập đó đang giày vò trái tim nhà văn.Trước khi viết bài báo này, tôi đã đọc lại nhiều truyện ngắn Lý Biên Cương, cố công tìm nhưng không hề thấy nỗi dằn vặt ấy hiện trên trang sách mà chỉ có cái tứ xuyên suốt từ mạch ngầm tâm khảm anh về người phụ nữ (mối tình định mệnh) đậm đà và thi vị nhưng rất tiếc chỉ chiếm phần nhỏ trong số tác phẩm Lý Biên Cương để lại. Đã một lần, tôi hỏi Lý Biên Cương truyện ngắn nào ấn tượng nhất về chị ấy (Bùi Thị Thúy Ngà) như “người đàn bà ngang qua đời tôi?” Lý Biên Cương cười không nói gì.

Nhớ lại, hồi vợ chồng Lý Biên Cương sinh cháu đầu lòng, Chị Ngà đã biểu hiện sự bất thường. Tính tình không ổn. Hay cáu gắt. Đôi lúc tự tu lên khóc. Chồng lại phải dỗ dành, cứ như trẻ con vậy ( lúc tỉnh táo Ngà tâm sự) Một lần nổi xung. Bé Ngọc ị ra. Lý Biên Cương đang miệt mài trên trang viết chưa kịp ra hiên trường thu dọn bị Ngà quát vào mặt, ngồi thối thây ra đấy à, rồi chị lăm lăm trong tay bọc giấy lau cho con tiến lại phía chồng. Lý Biên Cương cưòi đôn hậu ôm lấy vợ. Thế là mọi chuyện êm ru. Lý Biên Cương nhận ra bệnh tình của vợ mỗi ngày một nặng. Anh đã tìm mọi cách đưa vợ đi chữa trị ở nhiều nơi, nhưng định mệnh nhà văn không tránh khỏi…Tôi nhiều lần chia sẻ và bàn với anh đưa chị lên điều trị lâu dài tại bệnh viên Tâm thần Trung ương, nhưng chị Ngà không chịu, cứ đi rồi lại bỏ về. Nhiều lần như thế làm cho cha con anh vất vả khôn lường nhất là vợ chồng cháu Ngọc và Thương. Lúc tỉnh, chị bảo đi xa em sợ mất anh Cương. Ai hỏi chị cũng chỉ nói thế. Rốt cuộc, buộc chị phaỉ chung sống với Bệnh viện Tâm Thần Quang Hanh cho đến bây giờ đã ngót ba chục năm.Ba chục năm ấy, là cả quãng đời Lý Biên Cương đơn độc, không được sẻ chia, một mình nặng gánh giữa biển giông tố ầm ầm…

*

Một ấn tượng không thể quên trong lễ viếng Lý Biên Cương: Tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Châu,“người đàn bà ngang qua đời tôi” có tới không? Có! Nhà thơ đáp.Tôi cùng mấy bạn làm báo Vùng Mỏ xưa đi vòng quanh thi hài Lý Biên Cương lần nữa lòng đau như cắt. Khi quay ra, thoáng qua, tôi thấy người đàn bà mắt hoe đỏ đặt bàn tay đặt tay lên mái đầu cô bé nặng vòng tang…đứng trong hàng người gia quyến đáp lễ bè bạn viếng Lý Biên Cương. Lại phải nói, Lý Biên Cương khi về cõi Phật, anh hạnh phúc có cả một đại gia đình, đông đủ. Chỉ đau là đau trong lúc chia ly chị Bùi Thị Thúy Ngà bị bệnh tình đánh gục không được gặp chồng lần cuối . Đúng như Nhà báo Ngô Mai Phong nói: “Cho tới tận phút tàn hơi, nhà văn vẫn là một kẻ độc hành. Bên ông chưa bao giờ có bóng dáng của một người bạn đời đúng như tâm nguyện.” Viếng Lý Biên Cương rồi, ngồi bên Nhà thơ Nguyễn Châu, tôi điện cho Hoàng An Bình báo tin đang viếng Lý Biên Cương. Bình thét vào máy trách, sao bác không báo để vợ chồng em lên viếng Bác Cương. Mới ba hôm trước, ăn ngủ nhà Hoàng An Bình, chúng tôi kể rặt những chuyện tình Lý Biên Cương. Hoàng An Bình cung cấp một chi tiết thật đắt: “Bác Cương đưa bạn tình, “người đàn bà ngang qua đời tôi” sang Hải Phòng chơi có ghé qua Hội Hải Phòng, nhưng lão nhà văn phải gió nào đấy từ chối Lý Biên Cương một đêm nghỉ tại phòng khách Hội. Em mời anh chị vô nhà em luôn. Em mở tịệc chiêu đãi thịnh soạn để Hội Hải Phòng biết người Quảng Ninh quảng giao. Sau này về hưu tiền cạn, bút mòn, lực kiệt, Lý Biên Cương “gục” trận Thái Nguyên âu cũng là lẽ đời thường.

*

Đúng như Chị Bùi Thị Thúy Ngà đã nói, em nhất quyết lấy anh ấy (Lý Biên Cương) và không sợ khổ vì chồng làm báo. Chính vì thế chị đã đã đánh và “đánh gục” Lý Biên Cương, tuy nhiên Lý Biên Cương là người chủ động tấn công và mang lại cho chị tình yêu trước. Chị Bùi Thị Thúy Ngà trông thế mà tình yêu dữ dằn chứ không phải bảng lảng như ai nghĩ. Chị yêu chồng mãnh liệt và tình yêu ấy thể hiện trong quá trình chung sống, khi chồng ở nhà, không bao giờ chị nằm không.Những đêm phải xa Lý Biên Cương, có đêm chị thức trắng, trong đầu chỉ nghĩ đến chồng. Có lúc chị thét lên, gọi Lý Biên Cương đến khản cổ rồi tu lên khóc. Thậm chí khi bị lâm bệnh tâm thần nặng, chị vẫn không rời xa chồng. Lý Biên Cương thuật lại: Mấy chục năm vợ chồng ốm giặt giẹo. Mình bị đau khớp có khi nằm liệt hẳn hàng tháng ròng. Bà ấy thì điên điên khùng khùng. Thằng què trông vợ thần kinh,thở không ra, nhưng đêm nào bà ấy cũng lần sang, cốt chỉ ôm ấp mình một chút, có khi chỉ để khóc một chút rồi lăn ra ngủ. Mình phải để yên trong vòng tay, bà ấy mới ngon giấc. Bất giác tôi nhớ lại hôm Lý Biên Cương chuyển từ Bệnh viện Quảng Ninh lên Hà Nội. Trong bài viết về vợ chồng Lý Biên Cương đang ốm đăng trên trang báo Điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã nói thế này: Tôi bảo, bác sỹ Tuấn đồng ý chuyển anh lên Bạch Mai keo này đấy, phải thắng. Cương cười như mếu. Anh lại thở dài, nói, mình đi yên được phần mình, còn bà ấy, khổ lắm, vắng mình, không biết xoay xở ra sao khi đêm hôm khuya khoắt? Tôi thoáng thấy mắt anh ngấn lệ. Tôi hiểu Cương đang lo cho sức khỏe vợ. Điều này thì tôi biết. Anh vì bệnh lý của vợ, đau dữ lắm mà nhiều đêm vẫn “chiều,”mời “nàng’ sang “ngủ chung” cho ấm… không thì người ta lại…”Lại một lần, Lý Biên Cương mới ốm dậy có việc phải sang Thái Bình, chị đã gọi cho tôi tới chục cuộc điện thoại gắt gỏng ra lệnh cho tôi phải tìm bằng được Lý Biên Cương về cho chị. Chị bảo em rất sợ Lý Biên Cương bỏ em. Đó mới thật tình người, điều mà tôi và phải nói thật như Lý Biên Cương khẳng định lúc thần kinh ổn định mình chỉ một lần xin bà ấy cho cháu Thương về chung sống với gia đình để cha có con là bà ấy chấp nhận ngay. Và trong suốt những năm tháng chung sống với bố mẹ, chị Ngà coi cháu Thương như con ruột của mình. Phải nói Lý Biên Cương tài thuyết phục vợ.

Thương là người được hưởng sự giáo dục của mẹ Hậu nên về với cha, cháu tỏ ra một người con hiếu thảo với mẹ Ngà. Chính vì thế, Thương được các em yêu mến và cảm phục. Thậm chí khi biết Lý Biên Cương bị “hạ gục” lần thứ hai ở mặt trận Thái Nguyên (lần thứ nhất chính do chị “hạ gục” Lý Biên Cương) chị Ngà vẫn tha thứ. Tôi khẳng định điều này bởi tôi từng đến thăm vợ chồng Lý Biên Cương không chỉ khi họ ốm đau mà cả khi họ khoẻ mạnh và vui vẻ. Qua đó tôi hiểu chị và cảm thông chia sẻ với Lý Biên Cương. Đặt vấn đề Lý Biên Cương có phụ tình chị Bùi Thị Thúy Ngà, xét về góc độ đạo lý và nhân cách Nhà văn là đúng, nhưng khi đặt vấn đề về mối quan hệ con người, một con người đơn côi bị dày vò tinh thần bị tổn thương, thể xác bị teo tóp úa héo có thể như trên tôi đã nói, ta cảm thông và chia sẻ. Lý Biên Cương day dứt và đau khổ vì tài hoa, nhưng yếu đuối không đủ bản lĩnh để vượt chính mình may mà mạnh được cái dám chịu trách nhiệm trước dư luận công chúng,thậm chí nép vế trước vợ và các con.

Tôi và Lý Biên Cương đã có đôi lần trao đổi với nhau về mối quan hệ xã hội, Nhà văn biết phải làm gì và đã làm thế nào khi nỗi đau đời dồn dập đổ lên đầu. Hồi Lý Biên Cương chữa bệnh ở Hà Nội, tôi có nhiều thời gian ngồi lại với anh. Chúng tôi đồng cảm với nhau những điều Lý Biên Cương chỉ có thể chia sẻ với những người thân thuộc về những mối quan hệ trái tim mách bảo người đàn ông, tên tội đồ của tình yêu như tôi biết anh luôn luôn khát khao tìm kiếm nơi yên bình để nạp thêm năng lượng cho sáng tạo, nhưng sự kiếm tìm của anh mãi mãi chỉ chuốc lấy cô đơn và cô đơn. Tôi hỏi Lý Biên Cương còn nhớ Ph. chèo đò ngang Cái Rồng – Bản Sen xưa không? Nhớ! Còn nhớ Đ. Tràng Bạch xưa không? Nhớ! Còn nhớ những tà áo trắng đất Bạch Đằng xưa không? Nhớ! Đó là những hoài niệm một thời trai trẻ giống như như bông Quỳnh tàn trước bình minh như tôi đã nói vậy thôi, không có chuyện sâu đậm như “người đàn bà ngang qua đời tôi” như ai đó quy chụp tội Lý Biên Cương mà tôi biết. Lý Biên Cương l

Lý Biên Cương đem tất nỗi nhớ xưa theo mình về với Đất bỏ lại mọi thứ trên đời. Đúng như Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết về Lý Biên Cương: Văn chương một gánh Vô Cùng/ Đổ vào đâu cũng không xong nợ Đời. Không phải bây giờ mới nghiệm ra mà đã từ lâu, tôi bảo Lý Biên Cương khổ sở vì tình. Và, tôi nhắc lại với Bạn là tôi sẽ cố gắng viết vài thiên truyện tình Lý Biên Cương nhưng sợ đuối mất rồi. Lý Biên Cương nắm tay tôi dặn dò, cố lên, cố lên!

Nguồn: Vannghetre

Exit mobile version