Xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Vũ Từ Trang về cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Trong những năm 70 khó khăn cách đây gần nửa thế kỷ, tình bạn văn chương với những kỷ niệm vui, buồn vẫn còn hằn sâu trong ký ức của những người bạn văn thủa ấy…

vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh

Đi chơi lòng vòng phố xá, rồi Lưu Quang Vũ đưa tôi về căn phòng anh ở, tại 96 phố Huế. Căn phòng nhỏ hẹp trên gác, nhưng ấm cúng. Khi ấy, Tố Uyên đang bế con – cậu con trai, tên gọi là Kít, chừng một tuổi. Tố Uyên là diễn viên điện ảnh đương nổi tiếng, xinh đẹp, sinh con lại càng xinh hơn. Vũ giới thiệu:

– Đây là anh Trang, làm thơ, ở Bắc Ninh cùng quê Đỗ Chu.

Tố Uyên đang nựng con, reo lên:

– ồ Bắc Ninh à, vậy nhà anh có trang trại không? Bữa nào, Vũ và Uyên sang thăm quê anh nhé!

Vũ nói:

– Quê anh Trang ngay Từ Sơn, một làng cổ đất chật người đông, có phải trung du rừng núi đâu mà có trang trại.

 

Uyên cười tươi. Vũ mỉm cười đón con từ tay Uyên. Anh âu yếm hôn lên vầng tráng thằng bé. Thằng bé trắng trẻo, bụ bẫm, nom như một thiên thần bé nhỏ. Tôi thầm nghĩ đôi vợ chồng Uyên Vũ sống quá hạnh phúc, thực là trai tài gái sắc. ấy mà tôi đâu có biết, ngay thời điểm ấy, hạnh phúc gia đình họ đã có mầm mống rạn vỡ. Đấy là năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ 20. Hà Nội tuy là thời chiến, cuộc chiến tranh với không lực Hoa Kỳ lúc căng lúc chùng; tuy vậy, Hà Nội vẫn có vẻ đẹp thơ mộng không thể dấu được.

 

Tôi yêu Hà Nội hơn, có lẽ cũng bởi có phần của Vũ. Quê tôi vốn bên kia sông Đuống. Làng quê tôi có mái đình cây đa, đường làng lát gạch đỏ thập thình trống làng vào hội. Thoạt đầu, thuở mới ra Hà Nội học, tôi yêu Hà Nội bằng vẻ đẹp mơ mộng, đường phố cửa hàng sáng loáng, góc phố có người con gái kiêu kỳ đi lướt qua, ô cửa nhà ai vẳng tiếng đàn dương cầm trầm bổng… Khi quen Vũ, Vũ đưa tôi đi chơi phố xá và phát hiện ra vẻ đẹp khác của Hà Nội. ấy là góc phố có quán nước chè nho nhỏ, có ông già đội mũ phớt ngả  ba-toong bên ghế nhâm nhi chén rượu trắng với mấy hạt lạc thơm húng lìu. ấy là quán cà phê có vòm trần thấp, có những chàng trai tư lự ngồi đốt thuốc lá. Ấy là quán phở, người ngồi xụp xoạp thìa nước phở cuối cùng mà còn nóng đầu lưỡi. Ấy là hoa ti-gôn nở thấp thoáng hiên nhà ai và con đường vàng lá sấu rơi khi mùa đổi lá. Mùa hoa sữa đêm thu nồng hắc, gợi người ta nhớ về kỷ niệm xa xưa đến nôn nao… Trong những người bạn văn thơ tôi quen ngày đó, thì thấy Vũ là người rất Hà Nội. Anh có mái tóc đen mượt, nụ cười mỉm, ánh mắt xa xăm và đầy mơ mộng. Vũ ít nói. Nhưng nói rất có duyên. Không biết có phải tôi quý Vũ, mà cảm thấy thế. Mà không quý sao được, khi tôi chập chững bước vào con đường văn chương thì Vũ đã nổi tiếng lắm! Phải thừa nhận, khi tập thơ “Hương cây – Bếp lửa” của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt ra mắt bạn đọc, năm 1966, thì không khí văn chương của cánh trẻ tại Hà Nội xôn xao hẳn lên. Mà không riêng gì tại Hà Nội, ở Hải Phòng, ở Quảng Ninh, ở Bắc Ninh, cánh anh em tập toẹ viết lách, hễ gặp nhau là xôn xao bàn tán về tập sách đó. Nó là giọng điệu trẻ trung, đắm say quê hương đất nước, là những nghĩ suy trăn trở của thế hệ trẻ trước các biến cố lịch sử.

 

Tôi hình dung khi ấy Vũ rực rỡ như ngôi sao băng. Vũ ra ngoài đường phố, ghé vào quán cà phê, hoặc vào thăm một trường học, có nhiều cặp mắt của các cô nữ sinh chỉ trỏ, xì xào “Nhà thơ! Nhà thơ đấy …”. Có thể vì yêu văn chương, tôi hình dung qúa ra như thế ! Mà cũng bởi xã hội khi ấy chưa có những “ngôi sao” cầu thủ bóng đá, chưa ồn ã ngôi sao ca sĩ, chưa vênh vang của các nhà doanh nghiệp… Một xã hội, lấy văn chương làm thước đo tài năng, hỏi làm sao mà không tốt đẹp…?!

 

Tôi quen Vũ, khi Vũ đã đi qua những vinh quang đó. Trong con người Vũ đã có chút gì hồ nghi, chán chường. Chúng tôi thường tụ tập ở nhà Lâm bên phố Triệu Việt Vương. Lâm ở cùng bố mẹ, nhưng có một phòng riêng trên gác. Lâm khi ấy đang làm nhân viên cho một nhà máy, nhưng Lâm rất yêu văn học, tự học tiếng Nga và dịch được thơ Ê-xê-nhin từ tiếng Nga. Bạn bè vẫn quý Lâm, gọi là Lâm râu. Lâm râu rất quý bạn bè văn chương. Đặc biệt, Lâm rất chiều Lưu Quang Vũ.

 

Căn phòng Lâm ở nho nhỏ, có kê chiếc giường cá nhân, một giá sách, một cái máy quay đĩa chạy kim và trên tường treo rất nhiều tranh. Đa phần là tranh của Vũ. Ngoài ra, là tranh của Nguyễn Thị Hiền. Hiền ngày ấy vẽ rất đẹp. Những cô gái trong tranh của Hiền thường có cặp mắt mở rất to, thảng thốt và đăm đắm. Vũ cũng vẽ. Vẽ nhiều, thường là tranh trừu tượng. Có tranh, Vũ chép lại tranh của danh hoạ Pi-cát-xô và Ma-titx mà Vũ thán phục.

 

Uống nước chè nhạt, hút thuốc vặt, rồi Vũ giở sổ tay đọc thơ cho chúng tôi nghe. Giọng Vũ nhỏ nhẹ, trầm trầm.

Anh lên xứ Đoài xưa

Ba Vì mây trắng

Nhớ mặt em gầy sau lá mưa

Lênh đênh bến nước Trung Hà

Những chị buôn chè

Ngủ hè phố cũ

Con bò gầy đói cỏ

Đi trên đồng mê man…

(Không đề)

 

Câu thơ chứa chất đầy cảm xúc bảng lảng, xót xa mà đắm say. Câu thơ chứa đầy tâm trạng hoang mang, run rẩy.

Những bài thơ viết về tình yêu đầy quặn thắt, khác hẳn cái trạng thái trong trẻo, mê đắm thuở nào.

Muốn lên tàu đi đâu thật xa

 

Nhưng nhà ga đã sụp

Ngã tư nhớ em

Vừa thương vừa trách giận

Sao chân em dẫm đạp

Lên những gì tôi yêu.

(Ngã tư tháng chạp)

 

Rồi những câu thơ tả trần trụi thời cuộc. Chiến tranh, cái chết, đạn bom và thân phận nhỏ bé của con người… Nó có gì rất khác những vần thơ hào hùng, hừng hực khí thế của lớp người ra trận.

Có những lúc tâm hồn tôi rách nát

Tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu?

 

Thoạt đầu nghe Vũ đọc, chúng tôi chưa hiểu, chưa cảm hết, thấy có phần hoang mang. Nhưng rồi nghe lại, đọc lại, thì thấy có giằng rịt lấy trái tim mình, mặc dù đôi lúc thấy buồn đến vữa cả người ra. ấy mà vẫn không bỏ đi, vẫn có nhu cầu đọc lại, dù là đọc túm tụm với mấy bạn bè.

 

Tôi nhớ khuôn mặt Vũ khi ấy, vừa như thăm dò, vừa như hỏi, vừa như trả lời rằng các bạn ơi, các bạn nghe thơ tôi thấy thế nào? Có được không? hay chán ghét? Nhưng tôi viết bằng trái tim nhạy cảm đang bị thương của tôi. Nó là ý nghĩ của tôi, là chính kiến của tôi, là cá thể tôi, thơ tôi đi lối riêng của tôi, các bạn có tiếp cận, có chấp nhận không ?… Có một chút gì hoang mang trên khuôn mặt ấy. Có chút gì kiêu ngạo trên khuôn mặt ấy. Như muốn nói rằng: Các bạn ơi, bây giờ các bạn chưa thích thơ tôi, rồi mai ngày các bạn sẽ phải tìm đọc lại thơ tôi. Vì tôi làm thơ bởi tôi yêu các bạn, viết vì các bạn, viết vì tôi, viết vì đất nước yêu thương nghẹn ngào của tôi.

 

Rõ ràng thơ Vũ những năm ấy, có một giọng điệu thật khác với các bè trầm bè bổng mà đài báo khi ấy đang cần. Cuộc chiến tranh còn quyết liệt lắm. Đài và báo cần thơ để lớp người lính vững bước ra trận, chứ chưa cần thơ để người lính nghĩ suy, tính toán trước khi ra trận.

 

Cảm xúc của Vũ chưa đồng hành với cảm xúc số đông của nhân dân ngày bấy giờ. Vũ cảm thấy như không ai hiểu mình, nên Vũ càng buồn hơn. Bạn bè lớp ấy thì tưng bừng ra trận. Mỗi bận có đứa nào được vào chiến trường, làm xôn xao cả bọn. Có rất nhiều chuyện cảm động của các cuộc chia tay ấy.

 

Đấy là buổi tiễn Nguyễn Khắc Phục vào chiến trường, cả bọn tiễn Phục lên ô tô đầy lá nguỵ trang ở Công viên Thống Nhất, Vũ mới kịp quay về căn buồng 96 phố Huế của mình với tâm trạng nôn nao khó tả, đã có người dồn dập gõ cửa. Đó là một thầy giáo già, mái tóc muối tiêu, cặp kính trắng lập cập đưa cho Vũ gói lương khô. Ông giáo già cho biết có gặp đoàn quân ở Ngã Tư Vọng, một anh lính trẻ dúi vào tay ông gói quà nhỏ, nhờ ông chuyển giúp theo địa chỉ “Vũ, 96 phố Huế”. Anh lính vội theo đoàn quân ra trận, còn ông già chưa kịp biết tên người ấy là ai, chỉ biết cầm gói quà đó và chuyển tận tay người nhận theo địa chỉ. Tình cảm của người dân với người lính, tình cảm của người bạn với người bạn khi đó cao đẹp thế. Chả là Nguyễn Khắc Phục được phát mấy gói lương khô để vào chiến trường, nhớ Lưu Quang Vũ, Phục liền gửi về cho Vũ một phần. Vũ nhận gói lương khô mà ngơ ngẩn nhớ bạn. Vũ rất muốn hoà nhập vào không khí hành quân hừng hực ấy, nhưng rồi Vũ lại cảm thấy hoang mang không đồng hành được. Bi kịch gia đình riêng của Vũ, như kéo Vũ đi theo một hướng khác.

 

Chúng tôi không thể tin Vũ và Uyên chia tay nhau nhanh chóng thế, mặc dù cuộc chia tay là điều tất yếu. Bài thơ “Từ biệt” viết cho Tố Uyên, đó là cả tâm hồn tan nát của Lưu Quang Vũ. Biết làm sao được, cái gì đến, rồi nó phải đến. Vũ yêu Uyên đến đắm say, Uyên cũng yêu Vũ đến ngây ngất. Nhưng khốn nỗi hai tình yêu ấy không còn đồng hành nữa, mà đã lệch nhịp. Cái Vũ cần, Uyên không có. Cái mà Uyên có, Vũ lại không màng nữa. Đôi vợ chồng nghệ sĩ này chia tay là đương nhiên. Có thể do tại họ, hoặc cũng có thể tại xã hội thời điểm điểm đó.

 

Thôi nhé, em đi

Như một cánh chim bay mất

Phòng anh chẳng có gì ăn được

Chim bay về những mái nhà vui.

 

Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài

Lời thương mến nhớ lại thành chua chát

Lòng ta cạn hay đời quá hẹp

Nghĩ cho cùng, nào dám trách chi em.

(Từ biệt)

 

Tại căn phòng Vũ ở, mọi vật như đã đảo lộn. Bức tranh màu sáng như đã hạ xuống, treo bức tranh mầu trầm. Lọ hoa không còn cắm hoa tươi. Duy chỉ có bài thơ “Tự do” của Pôn-Eluya do Vũ sưu tầm ở đâu về, là căng treo quanh nhà. Bài thơ được viết chữ to, in trên nền giấy mầu xanh có minh hoạ chim hoa và các vì sao, dài như một tấm phướn căng hiên ngang quanh căn phòng.

Trên chân trời

Ta viết tên em

Tự do!

 

Tự do là niềm khao khát, niềm an ủi với Lưu Quang Vũ. Căn phòng nhỏ của Lâm râu ở Triệu Việt Vương, chiếc máy quay đĩa cổ lại phát lên bản nhạc của Mô-za, Su-Pe, Béc-tô-ven và Trai-cốp-xki… Những bản nhạc thơ mộng nhẹ nhàng và dữ dội. Vũ ngồi lặng lẽ góc phòng, lúc ôm mặt gục đầu trên đầu gối, lúc Vũ ngửa mặt, tay vuốt ngược tóc, đôi mắt sáng bừng, xa xăm. Cái kim máy hát mòn, gãi trên đĩa than đã cũ xước, tạo âm thanh lạo xạo. Vũ đứng bật dậy, hai tay đút túi quần, đi loanh quanh trong căn phòng…

 

Những khi ấy, Lâm và chúng tôi biết Vũ đang tâm trạng lắm. Chúng tôi tôn trọng nhau, lặng lẽ không ai nói tếu táo câu nào. Chúng tôi để mấy cốc nước chè nguội ngắt chả ai thèm uống. Điếu thuốc lá lặng lẽ cháy tàn một mình trên cái gạt tàn bằng đất nung.

*

*        *

Hải Phòng những năm ấy, như một vùng đất đầy hấp dẫn với Vũ. Con sông loáng dầu mặt sóng, những con tầu đi vào đi ra kéo những hồi còi như những tiếng tiêu trầm. Những mái nhà, bức tường, ô cửa nghiêng bóng soi xuống dòng Tam Bạc. Những quán cà phê nghèo bên những bức tường đổ nát của đạn bom. Và bao nhiêu bạn bè viết văn làm thơ, vẽ tranh. ấy là Thi Hoàng, Thanh Tùng, Hoàng Hưng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, Thọ Vân, Đào Nguyễn…

 

Đào Nguyễn là người làm phim tài liệu sắc sảo, anh có tên thật là Đào Trọng Khánh. Vũ thân với Đào Nguyễn. Đào Nguyễn làm thơ chơi chơi thôi, ấy mà lại rất hay, rất thi sĩ. Đào Nguyễn hồi ấy có để ý tới cô bé chơi đàn nguyệt, con một nhạc sĩ ở cùng nhà 96 phố Huế với Vũ. Đào Nguyễn có viết bài thơ thật cảm động về cô bé này, chẳng biết bây giờ anh có còn giữ được không, chứ tôi biết Vũ cũng phục bài thơ này của Đào Nguyễn lắm. Trong một bài thơ có tựa đề “Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn”, có câu Vũ viết về Đào Nguyễn:

 

Thơ Khánh buồn như lòng đất nước

Thơ hay đời loạn chả đâu dùng

Vườn cũ cây tàn chim chết cả

Người chơi đàn nguyệt có còn không?!

 

Những vạt áo thợ, những chiếc cần cẩu quay đảo cả không trung cửa biển, những chiếc xe tắc-tơ nghễu nghện chở hàng, những tiếng cười nói ồn ào ở quán cà phê với những cốc cà phê đá pha ra cốc vại lớn như cốc bia. Những người thợ uống ừng ực sau những cơn khát, như uống cả bóng tối vào bụng của mình. Trong quán cà phê ồn ào hỗn tạp ấy, Lưu Quang Vũ chọn góc khuất, anh ngắm nhìn và lặng lẽ nghĩ suy. Rồi anh viết thơ. Những câu thơ viết trên vỏ bao thuốc lá, trên tờ lịch xé bỏ. Bài thơ dài “Viết cho em từ cửa biển” là cả nỗi lòng xốn xang, chộn rộn của anh.

 

Những mảnh buồm như ngực anh gió táp

Những con tàu như hồn anh cuồng loạn

Chẳng bao giờ chịu ở với bờ yên

Ánh lân tinh lấp lánh vỏ thuyền

Gọi anh đi trên bãi hà nhọn sắc

Làm sao ở lại cùng em

Và:

Như ngôi sao trên cột buồm trơ trọi

Anh nhìn vào bóng tối

Con tàu đêm nay đi về đâu

Nhớ đôi môi xót đau

Nhớ bàn tay đắm đuối

Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi

Về cuộc đời ghê gớm ta yêu.

 

Những người thợ đánh cá, những người thợ bốc vác ở cửa cảng với đời sống lao động nhiệt tình hăng say như kéo cuốn Vũ vào dòng cảm xúc đời thường đáng yêu. Hình như nó làm anh quên bớt nỗi xót xa hạnh phúc gia đình đang tan nát. Anh muốn giũ bỏ nỗi buồn cá thể, vươn tới, hoà nhập với cuộc sống xã hội đang sục sôi và náo động. Nhưng hình như chất thi sĩ yếu đuối uỷ mỵ của anh lại kéo anh ngả xuống.

 

Lưu Quang Vũ chầm bập với Hải Phòng, như muốn dấu sự hoang vắng trong tâm hồn anh. Hải Phòng độ ấy cũng đang là điểm lửa của cuộc chiến tranh phá hoại. Hình như Vũ muốn khẳng định sự nhập cuộc của mình. Giữa lúc Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Đỗ Chu thường đi theo cánh quân này cánh quân kia vào mặt trận miền trong nóng bỏng, Vũ cũng như muốn nói “Tôi cũng vào mặt trận theo kiểu của tôi!”. Nhưng những bài thơ viết về thân phận người lính của anh lại khác hẳn giọng điệu thơ quen thuộc trên báo chí.

 

Đêm phòng không tiếng nổ vỡ khắp trời

Thời đau khổ chung quanh cùng đổ nát

Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực

Tôi muốn đi tới đích cùng em

Tôi phải đi tới đích cùng em

Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành

Em nhận lấy, em đừng e ngại mãi

Tôi tan nát kinh hoàng sợ hãi

Em cô đơn rồ dại của tôi ơi.

(Lá thu)

 

Vũ lặng lẽ viết. Viết dồn dập. Anh không gửi thơ tới các toà báo nữa. Anh viết thơ để đọc cho nhóm bạn bè thân nho nhỏ của anh. Gặp bạn bè thân, anh đọc thơ với giọng điệu nồng nàn quặn thắt.

 

Có lúc tâm hồn tôi rách nát

Như chiếc lá khô, như chồng gạch vụn

Một tấm gương chẳng biết soi gì

Một đáy giếng cạn khô, một hốc mắt đen sì

Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng

Thành phố đầy bụi bặm

Những mặt người lì nhẵn chen nhau.

(Có những lúc)

 

Căn phòng của Lâm râu, nó như ngôi nhà của Vũ, khi ấy thỉnh thoảng có một thanh niên người Huế, vốn là sinh viên trong thành, rồi lên rừng và ra Bắc học tập. Anh này cũng khá am hiểu văn học nghệ thuật, thường hay đàm đạo văn chương chữ nghĩa với Vũ. Trường phái triết học này, đạo phật kia, họ bàn bạc và tranh luận khá sôi nổi. Khi ấy có cả Khuê nữa. Lê Minh Khuê, cô gái có hai bím tóc tết sam và ánh mắt mở to, nhìn đăm đắm và quả quyết, với các trang viết về thanh niên xung phong thật lôi cuốn chúng tôi. Khuê từng ký bút danh là Vũ Thị Miền, với một đôi bài bút ký in trên tạp chí Văn nghệ quân đội, được mọi người chú ý. Nhưng phải ghi nhận, khi cái tên Lê Minh Khuê xuất hiện, là lúc văn của Khuê mới xuất thần hơn. Tôi biết là Vũ cũng quý văn của Khuê lắm. Khuê ngồi trước bạn bè thường ít nói, chỉ nhoẻn cười, rồi đôi mắt lại nhìn xa xăm.

 

Vũ rút trong đống giấy tờ sổ sách ra bản nhạc “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn. Bản nhạc này Vũ chép lại qua một tạp chí mà Sài Gòn in ấn. Đấy là khi ngoài Bắc chưa có băng, đĩa nhạc Trịnh Công Sơn; song qua bản nhạc do Vũ chép tay, Vũ đọc lời cho chúng tôi nghe, chúng tôi cảm thấy có gì nôn nao khó tả. Nó vang vọng, da diết, thăm thẳm, mà mênh mang.

*

*        *

Vũ lao vào hoàn chỉnh trường ca “Đất nước đàn bầu”. Vũ nói với chúng tôi rằng đó là tình yêu của Vũ với đất nước, với nhân dân. Những câu thơ hồi hộp, phập phồng như đầy lo toan và đầy tính dự báo. Có thể vẫn hơi khác giọng điệu thơ trên báo chí dạo đó, nhưng tôi tin đó là tình yêu thiết tha đích thực của Vũ, theo lối của Vũ.

 

Dạo đó, có nhiều bạn bè xì xào là thơ Vũ nó buồn quá, tăm tối quá. Cẩn thận đấy Vũ ơi, kẻo lại mang vạ vào thân vì chữ nghĩa. Chúng tôi có được nghe, được đọc thơ Vũ và có một chút hoang mang. Nhưng tôi tin rồi đến thời kỳ những bài thơ ấy sẽ được in ấn và đến với công chúng. Vũ thì không tuyên ngôn, tuyên bố gì, chỉ lặng lẽ ngồi, mắt nhìn hoang vắng. Thi thoảng, tợp một ngụm nước chè nhạt nguội ngắt. Rồi Vũ têm thuốc lào vào nõ điếu cầy và hút hơi dài. Buông điếu, Vũ nghiêng mặt nhả khói, không có vẻ sảng khoái mà đầy chất phiêu liêu mà lịch lãm.

 

Ngày ấy, Vũ có hút thuốc lào. Thỉnh thoảng mới hút thôi, chứ không nghiện. Hình như hút để lấp cái khoảng trống trải trong tâm hồn anh. Vũ tới một số hoạ sĩ để xem tranh. Đấy là Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Linh Chi… những hoạ sĩ bậc thầy, tài năng đích thực. Các hoạ sĩ này cũng tỏ ra quý Vũ. Vũ quen xưng “cháu” và thưa “các chú”. Nhà thơ Lưu Quang Thuận, bố của Vũ, cũng là bạn các danh hoạ này. Qua tranh các hoạ sĩ bậc thầy, Vũ học hỏi được nhiều. Tôi thấy anh có cách học rất nhanh và rất nhuyễn. Anh yêu thơ, yêu tranh của các bậc tài kiệt, rồi thấm dần trong hồn anh, chuyển hoá thành nét riêng của anh.

 

Bây giờ, những bài thơ trong sổ tay thơ của Vũ mà độ ấy cho là “phức tạp”, nay đã được công bố tất cả. Khi in rõ ràng trên giấy trắng mực đen, bình tĩnh đọc, thì thấy không chút gì “phức tạp” mà lại quá rõ ràng, quá trong sáng. Thơ Vũ đã nói thật tâm trạng Vũ. Tâm trạng ấy, nay đem giãi bày ở một thời điểm khác, không gian khác, môi trường khác, thấy nó hiện lên đầy đủ chân dung người thi sĩ buồn vui với cuộc đời.

 

Chiến tranh rồi cũng đi qua. Đói nghèo rồi cũng đi qua. Buồn vui rồi cũng đi qua. Chỉ còn tình người ở lại. Tình người, thì không bị nệ bởi hình thức, kiểu cách gì, miễn là chân thật. Tôi đọc lại thơ Lưu Quang Vũ viết cách đây trên ba mươi năm, đọc ở cái thời điểm xã hội thơ ca đang bung ra nhiều chiều, cách tân, mô-đéc, thơ và phản thơ… ấy vậy, tôi vẫn nhận riêng được những cảm xúc chân thành ở Lưu Quang Vũ. Tôi càng thấy tâm hồn Lưu Quang Vũ là tâm hồn thi sĩ đích thực.

 

Như người dân chài mở to đôi mắt

Anh vẫn đi trên vỏ hà nhọn sắc

Dẫu máu ứa bàn chân

Tháng giêng nở rộ hoa tầm xuân

Cửa biển sẽ nắm tay anh

Như nắm bàn tay có ích

Cuộc đời sẽ đi qua những ngày đông xám ngắt

Sẽ trẻ lại con sóng già đầu bạc

Sẽ quây quần mọi gió dại đảo hoang

Sẽ có ước mơ và những quả dưa vàng.

(Viết cho em từ cửa biển)

 

Sau thời gian dời quân ngũ, công việc không ổn định, Vũ có nhu cầu muốn đi làm. Anh đã gõ cửa nhiều cơ quan, xin làm tạm một số việc, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu cả. Vẽ áp phích, làm thợ kẻ chữ, đi bồi bục kệ triển lãm, làm nhân viên ở phòng tuyên truyền một cơ quan đường sắt,… Chỗ nào cũng được dăm tháng, rồi có thể Vũ chán cơ quan hoặc cơ quan chán Vũ. Vũ là người ham làm việc, chứ không phải là người ngại việc. Chỉ có điều, mọi việc hình như chưa phù hợp với Vũ. Bí bách, Vũ phải đến gõ cửa xin việc cái tờ báo ngành mà tôi đang làm. Tôi nhớ đấy là buổi sáng mùa đông, hè phố xao xác gió. Như để tăng sự quyết tâm, Lưu Quang Vũ rủ Xuân Quỳnh đi cùng. Vũ vào gặp ông Phó tổng biên tập tờ báo tôi làm. Ông này là người trọng văn nghệ sĩ, khi nghe Vũ ngỏ ý xin vào làm việc, nhất là lại có Xuân Quỳnh bảo lãnh, ông phấn khởi lắm. Tuy nhiên thời bao cấp đó, ông Phó tổng biên tập cũng chả có đủ thẩm quyền để nhận người, vì chỉ tiêu lao động lại do cấp cơ quan chủ quản điều tiết. Lại thêm một lần lỡ hẹn. Tài năng đến như Lưu Quang Vũ, xin vào làm một tờ báo ngành còm cõi, mà cũng trượt. Chúng tôi ái ngại quá. Vũ lại thêm một lần buồn chán. Khi kéo nhau ra khỏi toà soạn ở mặt phố Hàng Gai, chúng tôi tạt vào quán chè chén góc phố, nơi có nhiều người thợ tiện đang tiện gỗ. Phoi gỗ bay loạn xạ. Ngồi trên chiếc ghế đóng bằng gỗ ván thùng, Vũ nâng chén trà nóng trên tay, không uống, không nói lời nào, mắt nhìn mông lung.

 

Như để lấp đi sự buồn nản, Xuân Quỳnh nói “Mình lại đưa anh Vũ đi xin việc nơi khác!”. Tôi không biết nên nói điều gì, vì nếu có nói an ủi nhau lúc ấy cũng là thừa thãi. Tôi chỉ thở dài.

 

Vũ trở về căn phòng chuồng chim trên gác ở ngôi nhà 96 phố Huế của mình. Căn phòng có dăm sáu mét vuông, vốn quá hẹp mà độ này thành rộng hoang vắng. Vợ chồng Vũ – Uyên đã chia tay nhau. Những bức tranh treo trên tường như toàn gam màu vàng. Cái màu vàng chanh, cái màu vàng rơm, cái màu vàng đất, cứ day dưa nỗi buồn. Những cuốn sách xếp trên giá sách. Những trang giấy viết dở dang dập xoá trên góc nhà. Ông tiến sĩ giấy đã chớm bạc màu, vẫn ngồi yên, khoanh hai tay buồn lặng lẽ. Mấy tờ giấy trang kim vàng mã, Vũ dán quanh ông phỗng giấy, lả tả bay.

 

Vũ có thú chơi ông tiến sĩ giấy, mua ở chợ trung thu phố Hàng Mã. Hầu như tết trung thu nào, nhà Vũ cũng có bầy ông tiến sĩ giấy. Ông tiến sĩ mặt buồn, khoanh tay, có an ủi được chút gì với Vũ? Mấy ông phỗng giấy bồi; luôn toát lên vẻ nhân từ, ngây ngô, có vỗ về gì được Vũ? Khi mọi người đã tản về hết, Vũ lại cầm tờ giấy đang viết dở dang. Anh lại viết và lại gạch xoá. Hoa cúc vàng đại đoá cắm trong bình gốm nung góc phòng cứ bền vàng màu buồn day dưa. Tiếng ồn ào chợ búa, tiếng còi xe cộ, cả tiếng vòi nước chảy giỏ giọt tong tong ở bếp nước tầng dưới cũng chẳng làm anh quan tâm. Ngay cả tiếng còi báo động, như xé rách không gian cũng chẳng làm Vũ giật mình. Anh miên man suy tưởng.

 

Mưa ướt lá đài bi

Trúc xinh cơn gió dập

Chị Hai đứng một mình

Qua lối tôi ngẩn ngơ.

(Khúc hát)

 

Vũ khoác chiếc bị cói chứa đầy bản thảo lên vai, anh kéo tôi sang chợ Hôm. Anh vừa đọc cho tôi nghe đến chục bài thơ mới viết, chúng tôi nghe mà cảm thấy có gì day dứt, cồn cào. Vũ kéo tôi vào quán cơm đầu ghế ở góc chợ. Đấy là quán cơm nghèo, dành cho những người lao động bần cùng của xã hội. Mấy bác xích lô, mấy cô ở quê lên phố buôn gạo buôn than, mấy anh thợ bốc vác, thợ móc cống và mấy cậu học trò nghèo. Chúng tôi ăn cơm với rau dền luộc và cà pháo muối xổi. Hình như Vũ chẳng quan tâm tới cơm ngon hay không ngon. Chúng tôi ăn cho qua bữa. Ngày ấy, chưa có tên gọi là “cơm bụi”, chỉ quen gọi cơm đầu ghế. Nhưng ở quán cơm đầu ghế ấy, Vũ ngồi ăn vẫn có dáng vẻ tao nhã và lịch lãm riêng. Bà bán cơm hình như đã quen khách hàng, mời Vũ một miếng cháy cậy ở đáy xoong chín vàng.  “Mời cậu, cháy ngon cậu ạ!”. Vũ đáp “Dạ, xin bác!” rồi bẻ đôi miếng cháy cơm chia phần cho tôi… Đấy là những ngày Vũ sống một mình. Có bữa thì sang phòng bố mẹ ăn cơm cùng, có bữa lại tạt vào quán cơm đầu ghế như thế ! Nhưng đấy là thời Vũ viết nhiều thơ nhất. Và có lẽ cũng là thời mà thơ Vũ mở ra một dòng cảm xúc quặn thắt và mạnh mẽ nhất. Buồn chán, cô đơn, bi quan, nhưng không bao giờ Vũ bi luỵ, không chút gì hằn học và xỉa xói cuộc sống. Anh chỉ kêu lên nỗi buồn thương trong thơ. Đây là thời kỳ Vũ viết thơ với giọng điệu, với nỗi niềm riêng biệt nhất.

 

Sau này, khi Vũ rực rỡ trên địa hạt sân khấu, nhiều người cho đó là sự bất ngờ và ngạc nhiên, còn với tôi, tôi nghĩ đó là sự phát triển tất yếu và rất   lô-gích. Ai có biết những suy nghĩ dằn vặt về cuộc sống, về tình người của Lưu Quang Vũ giai đoạn khó khăn nhất mới thấy tại sao trong kịch của Vũ luôn toát lên những ý tưởng mạnh mẽ, những niềm tin khát khao cái đẹp ở cuộc đời. Kịch bản đầu tay, là vở “Sống mãi tuổi 17”, vở có nhiều công chúng biết nhất là vở “Nàng Si-ta”, sự đánh thức tâm trí khán giả mạnh mẽ là vở “Tôi và chúng ta”, nhưng có lẽ tầm vĩ đại hơn cả, với kịch trường của Lưu Quang Vũ, là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Từ câu chuyện cổ tích này, anh đã gửi gắm bao vui buồn, bao suy nghĩ với thế giới con người vốn luôn đầy bất trắc, đảo điên.

 

Có thể nói, Lưu Quang Vũ đã mở ra bước ngoặt cho nền sân khấu Việt Nam. Anh đã cứu cho sự sống mòn mỏi của nhiều đoàn diễn, anh đã lay thức nhiều nghĩ suy cho công chúng của sân khấu vốn một thời gian quá dài nhàm chán. Riêng tôi, tôi thấy kịch của Lưu Quang Vũ còn thấm đẫm chất thơ. Chất thơ trong kịch của Lưu Quang Vũ không phải là sự mơ màng, mênh mang, man mát nào đó mà nó là vẻ đẹp bên trong tâm hồn của mỗi nhân vật trong tác phẩm kịch của anh.

 

Nhiều bạn bè thân của Vũ, đều nhắc lại tâm sự của Vũ, ấy là tâm hồn Vũ sung sướng nhất khi được cầm bút làm thơ. Sự nổi tiếng như cồn của Vũ trong kịch trường, không chỉ riêng danh tiếng mà còn đem lại vinh quang tiền bạc cho anh, nhưng tôi biết anh vẫn luôn khao khát có thời gian dành cho thơ. Tâm hồn anh là tâm hồn nhà thơ, tâm hồn thi sĩ. Nếu chọn những nhà thơ tiêu biểu của giai đoạn đầu chống Mỹ cứu nước, là không thể không nói tới Lưu Quang Vũ.

 

Có thể nói những ngày viết kịch là những ngày vinh quang chói lọi của anh. Anh thực sự nổi tiếng. ở quán cà phê buổi sáng, mọi người vừa uống cà phê, vừa xôn xao bàn về vở kịch mới công diễn của anh. Bà Khánh – người mẹ của Lưu Quang Vũ, có kể lại rằng, bà vào chợ mua thức ăn, bao bà bán hàng trầm trồ và khen bà có phúc lớn, vì có người con trai viết kịch nổi tiếng. Trước cửa các rạp hát, luôn có tên anh trên pa-nô quảng cáo vở mới. Trên các   măng-zôn căng ngang đường phố, thấy có tên anh kẻ thật to bên tên vở sắp công diễn. Tại căn phòng nhà anh ở, luôn chộn rộn các ông trưởng đoàn kịch từ các tỉnh trong Nam ngoài Bắc đến chờ gặp anh để xin kịch bản mới. Vũ không còn có thời gian ăn, ngủ. Anh làm việc như một cái máy. Lúc gò lưng trên gác xép. Lúc chui vào một quán cà phê nhỏ tại một phố khuất lấp. Lúc vào thư viện. Anh viết. Anh hừng hực viết. Viết với tâm trạng thôi thúc, bức bối và niềm tin yêu da diết trong tâm cảm anh. Hoạ hoằn lắm anh mới có thời gian dành cho bạn bè. Bạn bè cũng tôn trọng anh, muốn đỡ mất thời gian của anh, nên ít gặp anh, để thời gian và tâm sức anh làm kịch. Trong thời gian có mấy năm trời, anh đã rút ruột gan viết ra trên 50 kịch bản sân khấu. Rất nhiều vở được trao huy chương vàng, bạc qua các hội diễn. Con số kết quả lao động của người nghệ sỹ, thật đáng kính nể.

 

Riêng chỉ có thiên nhiên như vẫn vồn vã và gõ cửa tâm hồn anh. Đấy là mùa cây phố phường đổi lá. Mùa thu với hương hoa sữa thơm nồng. Mùa xuân, những dặng tầm xuân chín mọng. Mùa hạ, vòm ngâu chín ủ. Dàn hoa ti gôn xao xác hoa rơi. Cây tường vi trổ lá. Cây hoa móng rồng vờn xanh. Hoa loa kèn trắng muốt như tấu lên điệu kèn vào hạ. Hoa cúc vàng day dưa mùa đông lại về… Công việc càng bận rộn, tâm hồn anh càng xôn xao trước thiên nhiên. Thiên nhiên vốn trong trẻo và cao sang, đánh thức niềm khát khao, mỏng mảnh, mênh mang của tâm hồn thi sĩ Lưu Quang Vũ. Có phút giây, Lưu Quang Vũ thèm khát được trở lại thuở lận đận của mình. Đấy là những năm khó khăn, buồn rầu nhất, day dứt nhất và cũng nhiều khao khát nhất của đời anh.

 

Đấy là giai đoạn Lưu Quang Vũ cô đơn nhất, cũng lại là hạnh phúc nhất. Bạn bè đã dành cả tình cảm đẹp đẽ cho anh. Cũng từ giai đoạn đó, có một người phụ nữ xinh đẹp, tài danh đã dành cả tình cảm thiêng liêng cho anh. Đấy là tình cảm của người chị với người em. Tình cảm của người em gái với người anh. Tình cảm của người bạn cho người bạn. Tình cảm của thi sĩ gửi cho thi sĩ. Tình cảm của người yêu dâng hiến cho người yêu. Tình cảm ấy vượt qua mọi ngăn cản, cách trở. Đấy là mối tình định mệnh. Đấy là mối tình trời cho. Người phụ nữ đó, là thi sĩ Xuân Quỳnh.

 

Thi sĩ Xuân Quỳnh đã đánh thức, đã tôn vinh tâm hồn thi sĩ Lưu Quang Vũ của những năm tháng ấy. Cả hai cùng phát sáng, cùng chắp cánh bay cao trong vòm trời thi ca lồng lộng. Họ như muốn vượt cõi nhân gian bé nhỏ.

 

Ngày 29/8/1988, đoạn gần cầu Phú Lương trên quốc lộ 5, một tai nạn giao thông khủng khiếp đã cướp đi hai tài năng của đất nước!

 

Theo Vũ Từ Trang – Hội Nhà văn Việt Nam