“Thực hay mơ” (Tủ sách tác phẩm mới – Nxb Văn học 2013) là tập truyện ngắn mới nhất của tác giả trẻ Lưu Quang Minh (sinh năm 1988) . Khi search thông tin về tập sách này trên mạng, nhiều độc giả khá bất ngờ khi bắt gặp “Thực hay mơ” – của Lưu Quang Minh ở một hình hài khác, đó là âm nhạc. Trước đó, khi ra mắt tập truyện ngắn “Gia tài tuổi 20” và “Những tâm hồn đồng điệu”, Lưu Quang Minh cũng đồng thời sáng tác các ca khúc có tên từ chính những truyện ngắn của mình ( như ca khúc: Gia tài tuổi 20, Những tâm hồn đồng điệu, Con mèo đen, Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn…). Đây là một trường hợp sáng tác hoàn toàn mới mẻ, và có phần mạo hiểm.
Văn nghệ Trẻ trò chuyện với tác giả Lưu Quang Minh về vấn đề này.
Bạn có thể chia sẻ về ý tưởng sáng tác các ca khúc đồng hành cùng những truyện ngắn của mình?
-Ngay từ tập truyện ngắn đầu tay “Gia tài tuổi 20” (NXB Văn học, 3/2010), Minh đã có suy nghĩ về một cách sáng tác Minh gọi là “sự giao thoa của âm nhạc và văn chương”. Bản thân Minh ngoài văn chương cũng rất yêu âm nhạc. Ngày bé Minh cũng từng học nhạc. Sau này viết văn, ý nghĩ tạo ra những “phiên bản âm nhạc” từ chính truyện ngắn của mình lại thôi thúc. Minh cũng muốn làm một điều gì đó mới lạ, kết hợp được cả hai tình yêu văn chương và âm nhạc của mình.
Lâu nay người ta vẫn quen với việc phỏng thơ thành nhạc, chứ chưa có kiểu phỏng văn xuôi (cụ thể ở đây là truyện ngắn) thành nhạc. Thách thức đầu tiên bạn phải vượt qua là gì?
– Viết văn hay nhạc, với Minh trước nhất vẫn là sở thích, đam mê của mình. Vì vậy, việc sáng tác đến một cách tự nhiên, như có gì đó thôi thúc mình, buộc mình phải viết ra. Nên thách thức có lẽ là không nhiều. Nếu có, chỉ là khi Minh suy nghĩ về một câu chuyện của mình, nghĩ xem nếu chuyển tải cái thông điệp bên trong truyện ngắn đó thành âm nhạc thì có phù hợp không, ca từ, giai điệu nên như thế nào. Cái khó là phải giữ được tinh thần, “hồn cốt” của truyện ngắn mà ca từ bài hát không bị gượng ép. Làm sao mà khi nghe nhạc, dù không đọc truyện, người nghe vẫn hiểu. Còn nếu đã đọc truyện, độc giả sẽ cảm nhận được nhiều hơn qua âm nhạc, ở một góc cạnh khác.
Ca khúc thử nghiệm đầu tiên của bạn là ca khúc nào?
– Đó là ca khúc “Gia tài tuổi 20”, đi kèm với cuốn sách đầu tay của Minh. Độc giả sau khi đọc xong cuốn sách còn có thể cảm nhận “Gia tài tuổi 20” của Lưu Quang Minh ở một không gian khác là âm nhạc.
Việc thu âm được bạn tiến hành ra sao? Có ai hỗ trợ bạn không?
– Minh may mắn có cô em gái học piano đã hơn 10 năm. Khi sáng tác, hai anh em ngồi lại cùng nhau, Minh viết ca từ, hát giai điệu cho em Minh. Sau đó cả hai ký âm lại, em đệm đàn, anh hát hoàn thiện thành một bài hoàn chỉnh. Công đoạn còn lại là thu âm phối khí ở phòng thu âm quen của Minh.
Sau khi tải lên mạng, bạn đã nhận lại được những phải hồi tích cực nào?
– Nhiều độc giả rất thích ca khúc “Gia tài tuổi 20”, có lẽ chính nhờ ca khúc mà nhiều người biết đến tập truyện ngắn đầu tay của Minh hơn, vì sau khi nghe nhạc người ta lại tò mò muốn tìm đọc cuốn sách cùng tên. Lại cũng có khi ngược lại, sau khi đọc xong, biết có một ca khúc chủ đề của tập truyện, độc giả liền tìm nghe.
Sau “Gia tài tuổi 20”, Minh tiếp tục sáng tác các “phiên bản âm nhạc”cho những truyện ngắn khác như “Con mèo đen”, “Đàn ông đi chợ”, “Những tâm hồn đồng điệu”, “Thực hay mơ”, “Bắp xào ơi”… Minh nghĩ, cùng văn chương, âm nhạc luôn luôn có sức lan tỏa rất rộng. Và đó chính là sự “giao thoa” của hai loại hình nghệ thuật mà Minh muốn hướng đến.
Tự sáng tác và thể hiện các ca khúc của mình – những ca khúc có thể coi như hình hài khác của những truyện ngắn cùng tên của mình – bạn có nghĩ là mình đang làm một công việc mạo hiểm? Vì ngoài đòi hỏi về một khả năng văn chương, bạn cần phải nắm chắc nhạc lý để sáng tác ca khúc, và rồi đòi hỏi cả chất giọng để thể hiện các ca khúc nữa?
– Như đã nói, văn chương và âm nhạc là hai niềm vui, hai người bạn tinh thần trong cuộc sống của Minh. Minh cũng từng nghĩ mình còn trẻ, còn nhiều thời gian, tại sao lại không dám mạo hiểm? Nhất là làm điều mình thích. Không thử thì không biết. Không làm thì chẳng bao giờ thành. Minh cũng có nền tảng âm nhạc từ nhỏ, nên chuyện sáng tác và thể hiện nhạc của mình không gặp quá nhiều khó khăn.
Bạn có buồn không khi nhiều người thích nghe bạn hát hơn là đọc truyện của bạn? Đơn giản vì đọc truyện thì mất thời gian hơn và cũng dễ … đau đầu hơn?
– Mỗi loại hình nghệ thuật đều có một đối tượng thưởng thức riêng. Có người cả ngày đi làm mệt nhọc, về nhà chỉ muốn nghe vài bài hát êm dịu cho dễ ngủ. Cũng có người lại thích thức khuya bật đèn ngủ đọc sách cho đến khi lim dim mới thôi. Nên theo Minh thì sẽ có những người thích đọc truyện của Minh hơn là nghe nhạc, và ngược lại, hoặc cả hai. Còn nếu không thích, họ sẽ chỉ đơn giản lướt qua thôi.
Trở lại với tập truyện ngắn mới của bạn, “Thực và mơ” – có thể nhận thấy bạn đã có một sự thay đổi lớn trong bút pháp so với các truyện trước đây. Yếu tố trừu tượng, huyền ảo, những ám ảnh về một thế giới khác…, và được viết theo phong cách hiện đại. Bạn có thể nói gì về sự thay đổi này?
– Phong cách trong tập truyện thứ 3 này của Minh nói là khác với hai cuốn trước (Gia tài tuổi 20, Những tâm hồn đồng điệu) nhưng thật ra, nó vốn đã có sự chuyển biến dần dần trong cuốn sách thứ hai – “Những tâm hồn đồng điệu”(NXB Văn Học, 1/2013) rồi. Ngoài phong cách hiện thực, thời gian sau này Minh thích tìm tòi thể nghiệm cách viết huyền ảo, siêu thực… Mượn cái ảo để nói về cái thực, mượn chuyện hư vô xa vời để bàn về điều hữu hình trước mắt. Cuốn sách “Thực hay mơ” là tập hợp của các truyện ngắn mang màu sắc như thế, thậm chí đậm đặc, một vài truyện còn ngả về kinh dị.
Truyện của Lưu Quang Minh thường ngắn, thậm chí rất ngắn. Hình như ít có truyện bạn viết nhiều hơn 3000 chữ?
– Minh có quan niệm là khi viết truyện ngắn thì dung lượng phải vừa phải, cần có độ nén, và một điều nữa sau khi đọc xong sẽ còn đọng lại những gì.
Tuy nhiên, Minh cũng viết những truyện có dung lượng dài hơn khi đó là truyện có nhiều lớp lang, tình tiết, đòi hỏi cần nhiều “đất”.
Một phần nữa là thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, cái gì cũng quay cuồng hối hả, truyện ngắn với dung lượng vừa phải Minh nghĩ là hợp lý, vì độc giả không phải ai cũng có thời gian đọc những truyện gọi là truyện ngắn nhưng lại dài dòng hơn 10 trang A4.
Học thiết kế đồ họa, theo đuổi văn chương và âm nhạc, sắp tới, bạn có ý định theo đuổi lĩnh vực nào khác không?
– Minh tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế đồ họa và hiện nay đang làm việc đúng với chuyên môn của mình. Văn chương và âm nhạc giống như những người bạn tinh thần chia sẻ buồn vui với mình trong nhịp sống thường nhật. Nhiều khi đi làm cả ngày, về nhà thư giãn bằng cách mở máy tính viết tiếp truyện ngắn còn dang dở, ngày nghỉ rảnh rỗi có hứng thì viết nhạc, với Minh như vậy là quá đủ đầy rồi.
Thiết kế – văn chương – âm nhạc, bạn thấy mình tự tin nhất ở lĩnh vực nào?
– Mỗi lĩnh vực mang đến cho Minh một niềm vui, một giá trị tinh thần riêng. Minh thấy mình may mắn vì được làm việc và sống với nhiều đam mê. Và có say mê thì mới tự tin mình có thể hoàn thành tốt cả công việc và đam mê của mình được chứ.
Âm nhạc có ưu thế vượt trội trong việc tiếp cận công chúng. Bạn lại đang nắm khá nhiều lợi thế: có thể tự viết nhạc, tự hát, và cộng thêm một ngoại hình khá “ăn” với showbiz. Liệu có nên lo lắng là âm nhạc sẽ cuốn bạn vào guồng quay của nó mà xa rời văn chương?
– Âm nhạc sẽ song hành với văn chương của Minh, như hai người bạn đồng hành, tương hỗ với nhau đúng như chữ Giao Thoa (cũng là tên Album mới nhất) mà Minh theo đuổi. Nên chắc chắn chúng sẽ luôn gắn liền với nhau không tách rời, tuy 2 mà 1, có truyện ngắn thì sẽ có 1 phiên bản âm nhạc dành cho nó. Ngoài ra Minh cũng đang ấp ủ ý tưởng là làm ngược lại: sáng tác bài hát của mình trước, và sau đó viết 1 câu chuyện xoay quanh bài hát ấy, như bài hát Eleanor Rigby của The Beatles trong truyện “Ngài iPod” của Minh là 1 ví dụ.
Trong thời gian vừa qua, âm nhạc hỗ trợ như thế nào cho văn chương của bạn?
– Trong văn có nhạc, trong nhạc có văn. Nhiều bài hát gợi cho Minh cảm xúc viết, như truyện “Ca sĩ Kẹo Kéo” một ngày ngồi quán bờ kè với bạn bè, bỗng nghe các “ca sĩ” hát những bài tình ca nhiều người vẫn gọi là “sến”, giọng ca nồng ấm với những ca từ gần gũi, lòng mình xúc động và cảm thông cho họ, thế là tối hôm ấy mình về nhà viết.
Âm nhạc cũng là một cầu nối đến độc giả, nghe bài hát, biết có một truyện ngắn cũng của chính mình viết, người ta lại tìm đọc, như “Bắp xào ơi”là 1 ví dụ. Truyện ngắn này Minh viết đã lâu, khi còn trên ghế giảng đường, nhưng sau khi có bài hát cùng tên, nhiều người đã biết đến truyện ngắn nhiều hơn.
Dự định văn chương sắp tới của bạn là gì?
– Minh dự định sau tập truyện “Thực hay mơ” và Album “Giao Thoa” tập hợp các phiên bản âm nhạc mới nhất, năm 2014 Minh sẽ ra mắt 1 tập truyện ngắn tập hợp các truyện ngắn có chủ đề về Ẩm Thực, xoay quanh các món ăn, rộng hơn là việc ăn, uống, thưởng thức các giá trị tinh thần… Mong rằng mọi điều thuận lợi.
Chúc bạn thành công.
PVVNT thực hiện
Khác với hai cuốn sách trước, nếu như “Gia tài tuổi 20” là hành trang vào đời của một chàng trai trẻ tuổi 20 với nhiều ước mơ hoài bão cùng những cảm nhận tinh tế về cuộc đời, “Những tâm hồn đồng điệu” mang nhiều góc nhìn đa chiều hơn như những lát cắt của cuộc sống, thì “Thực hay mơ” là sự lẫn lộn pha trộn giữa ảo và thực. Tất cả các truyện ngắn trong cuốn sách mới đều mang màu sắc lung linh của sự huyền ảo, siêu thực, giả tưởng và cả kinh dị. Cuốn sách lần này được xem là bước chuyển mình quan trọng trong văn chương của Lưu Quang Minh ngày càng trưởng thành, già dặn, với chiều sâu nội tâm cùng những thể nghiệm mới mẻ cả trong cách viết và tầm tư tưởng.