Giáo sư Vi Thượng làm gì cũng rất thực tế, không giống những “con mọt sách” khác, trong mắt chỉ có chính mình và công việc, không thèm quan tâm cuộc sống bên ngoài, và nhất là thờ ơ với lãnh đạo.
Lần hội thảo đó, giáo sư Vi rất bận. Ông không chỉ cần chuẩn bị tinh thần để lên phát biểu 10 phút, mà còn muốn Bộ trưởng Phó Á – người sẽ có mặt ở hội nghị để ý một chút tới mình.
Bộ trưởng Phó Á được một bộ phận học viên khen ngợi là một học giả quan chức. Ông thuộc tuýp lãnh đạo chịu khó suy nghĩ, kiến thức uyên thâm, đã từng viết vài quyển sách về lí tưởng, tình cảm và tư tưởng tác phong,… Ngoài ra ông còn chủ biên một tập cách ngôn về “Cách mạng oanh liệt”. Sự tham dự của ông lần này rõ ràng đã nâng cao rất nhiều tầm vóc của hội thảo.
Minh họa: Lê Tâm.
Để có thể nắm chắc cơ hội hiếm có này, Giáo sư Vi Thượng một mặt cân nhắc tỉ mỉ từng câu phát biểu, phải nói đúng nói khéo, phải khiến cho bộ trưởng có ấn tượng sâu sắc. Mặt khác, ông chạy khắp các hiệu sách và thư viện trong thành phố, cuối cùng cũng tìm ra vài tập sách nhỏ mà Bộ trưởng Phó Á viết và xuất bản, không, không phải là “tập sách nhỏ” mà nên gọi là “đại kiệt tác”.
Hôm đó khai mạc hội nghị, bài phát biểu của Giáo sư Vi Thượng không hề giống với mọi người. Ông bỏ qua chủ đề hội thảo, ông ca ngợi nhiệt liệt thành tựu học thuật và đức độ của Bộ trưởng Phó Á. Ông nói: “Tôi đã đọc cuốn sách “Đi qua con đường Cách mạng” của ngài, tư tưởng của ngài đã soi đường cho tôi học tập, công tác và đem đến cho tôi động lực tinh thần lớn lao trong cuộc sống”. Bộ trưởng ho khan hai tiếng, sắc mặt chỉ biến đổi rất nhỏ. Ông mấy lần định ngắt lời Giáo sư Vi Thượng, nhưng vì phép lịch sự nên vẫn ngồi yên, chỉ không ngừng dùng tay xoay đi xoay lại nắp cốc trà. Không ít người tham gia hội thảo ào ào rời khỏi chỗ, chạy vào toilet, không biết xả ra những suy nghĩ gì trong đó.
Lúc hội nghị giải lao, Giáo sư Vi Thượng khúm na khúm núm đem từng “kiệt tác” của đồng chí Bộ trưởng mà ông ta phải mất rất nhiều thời gian mới tìm ra được, bày ra trước mặt Bộ trưởng, xin Bộ trưởng chữ kí lưu niệm. Bộ trưởng chau mày lại, cầm bút viết lên bìa trong của mỗi cuốn sách: “Vi Thượng giáo sư, xin chỉ giáo – Phó Á”. Giáo sư Vi Thượng không ngớt cảm ơn.
Những cuốn sách do bộ trưởng kí tên đến nay vẫn bày ở chỗ bắt mắt nhất trong thư phòng của Giáo sư Vi Thượng, có hai cuốn luôn được bày trên bàn làm việc, lời ghi tặng ở bìa trong cuốn sách rất nổi bật.
Khách khứa hoặc học trò tới thăm, không ai là không hỏi về những cuốn sách này:
– Ôi, đây chẳng phải là đại tác phẩm của Bộ trưởng Phó Á sao? Thầy biết ông ta sao?
Khi ấy, nét mặt của Giáo sư Vi Thượng hiện rõ sự tự đắc:
– Ôi, bạn cũ mà! Ông ta mỗi lần viết sách đều muốn tôi có ý kiến nhận xét một chút, tôi nào có rỗi rãi gì. Nhưng không còn cách nào khác, chỗ bạn bè, nên phải giúp thôi!
Theo Văn nghệ công an – Minh Thương (dịch)