Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Thuở bé, tôi ở nhà ngoại. Em gái ruột ông ngoại tôi là một người mù bẩm sinh. Bà không biết đọc, dĩ nhiên, nhưng tôi không hiểu sao bà thuộc Kiều và dạy cho tôi từ rất nhỏ, hình như từ ba bốn tuổi. Nhiều đêm, tôi đã ngủ thiếp đi trong tiếng lẩm nhẩm đọc Kiều từ trong trí nhớ của bà. Các bạn cứ hình dung, thuở ấy, ở một làng quê xa, đói nghèo và rất hẻo lánh, trong đêm đen thăm thẳm sâu và im lặng như tờ, trong một ngôi nhà tranh vách đất nhỏ bé, vắng lặng, chỉ có ba người, cậu ruột tôi mà bà nhận làm con nuôi, thì đã ngủ ngay từ chập tối, những câu Kiều vang động từ tâm thức của một người mù, người đó lại là nữ, rất giầu lòng trắc ẩn, sống đến già không chồng không con… thì nó dội vào tâm hồn thơ trẻ và vô cùng non nớt của tôi với sự “chiếm đoạt”, có thể nói là duy nhất và tuyệt đối… Có lẽ vì thế, mà tôi dám nói rằng: những câu Kiều thấm vào tâm hồn tôi sâu sắc hơn hẳn nhiều người khác, như nước thấm vào cát, như máu thấm vào da thịt người… Chính nó dần dần hình thành trong tôi một thái độ sống, là yêu thương tôn trọng con người, loại bỏ sự hận thù; biết tôn trọng sự thật, nhận ra mọi giá trị, nếu có được, là từ sự thật; là vươn tới cái đẹp, tin vào cuộc đời có nhân có quả. Cứ sống cho tốt, cho trong sáng, nhường nhịn, chịu thương chịu khó, ăn ở cho lương thiện… nhất định sẽ được hưởng phúc lành…
Thuở bé, tôi phải làm những câu hò cho làng. Các bạn không thể hình dung nổi không khí làng quê tôi sau ngày Hòa bình lập lại Đông Dương (một câu “thơ” của tôi) năm 1954, năm tôi 10 tuổi. Cả làng trưa ăn cháo, tối ăn khoai luộc, đói lắm, vẫn thức suốt đêm uống nước chè tươi mà á lơ hò lờ. Á lơ hò lờ là cái hồn vía của làng những năm trong trẻo và đói rét ấy. Xã tôi được chọn làm trạm dừng chân cho các xã cuối huyện Nam Sách đóng thuế nông nghiệp. Cán bộ kho ở đó, xem thóc cụ thể của từng người, thóc nào đủ tiêu chuẩn mới được gánh tiếp xuống huyện. Tôi phải làm những câu á lơ hò lờ ấy cho những người nộp thuế nghe trong lúc nghỉ chân. Rồi tôi được bổ sung vào tổ tuyên truyền của huyện. Hằng tuần tôi viết những bài ca 4 câu lục bát. Sau khi được duyệt thì huyện đánh máy gửi về các làng xã, phát lên loa, kẻ lên tường vách các nhà. Chỉ có tôi và ít người biết được đó là “thơ” của tôi. Bây giờ, tôi gọi là thơ con cóc, chứ lúc đó chữ thơ con cóc chưa được dùng.
Bài thơ đầu tiên tôi đọc bằng mắt là bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu, tháng 5/1954, ở trong làng tề hai mang mà tôi là đội trưởng đội nhi đồng cứu quốc. Anh phụ trách giao cho tôi phải học thuộc bài thơ trong một đêm rồi nộp báo cho anh, và dạy truyền miệng cho các bạn trẻ con khác. Tất cả những cái đó dẫn tôi đến với thơ và việc làm thơ, mà suốt 25 năm thời bao cấp, tôi chỉ làm thơ tuyên truyền cho các chính sách của Đảng và Nhà nước, mà phải đến 1976, tôi mới biết không phải là sở trường của mình. Vì thế, bước vào cuộc đổi mới, 1986, tôi phải làm lại mình, để thoát ra trong một vùng ánh sáng khác. Điều ấy giải thích vì sao, trong thơ tôi có hai giai đoạn rất rõ rệt. Giai đoạn một, tôi viết về cái mà cuộc sống cần ở mình. Chủ đề tư tưởng là các nhiệm vụ chính trị cần phải đạt đến. Giai đoạn hai, từ năm 1986, tôi viết về cái mà mình cần phải có ở tác phẩm của mình, nỗi ám ảnh của cá nhân mình trước mọi cái mắt thấy tai nghe, cùng với những tổng kết, trải nghiệm của cả cuộc sống mà mình tích tụ được đến lúc đó, qua lăng kính của chủ nghĩa nhân văn. Trong sách kỉ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007, phần nghĩ về nghề, tôi viết: “Có một nỗi niềm nào đó thực sự ám ảnh anh, buộc anh phải viết ra, nếu không viết ra được với những đặc trưng như thế, như thế… anh hoàn toàn mất thăng bằng. Đối với anh, đó là sự giải tỏa, còn đối với bạn đọc, đó là sự khám phá mới về Cõi Người, với những khát vọng không bao giờ nguôi ngoai…”
Sau tập Nhà thơ và hoa cỏ, mà nhiều nhà thơ cho rằng, tôi có một mảng thơ đặc sắc “chỉ riêng tôi có” (chữ của nhà thơ Vân Long*) là thơ chân dung. Thực ra, tôi không làm thơ chân dung, mà làm thơ về các số phận người trong những va đập của thời cuộc. Tập thơ đã được in đến lần thứ 19. Nếu bạn chịu khó thống kê, sẽ thấy trong đó có hàng trăm (tôi nói không ngoa đâu) các số phận khác nhau, từ ông bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, đến cô gái “bán hoa” không tên tuổi, mà chút ánh sáng cuối cùng của lương tri vẫn chưa bị cuộc sống nhơ bẩn làm tắt hẳn. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: “Thơ Trần Nhuận Minh như một hồ sơ xã hội. Hồ sơ lưu sự kiện, lưu con người, lưu được cả tâm hồn tính cách xã hội” (* ).
Sau đó, tôi thấy cần phải viết khác đi, và thế là tập Bản Xônát hoang dã ra đời. Tôi hoàn toàn không biết, về mặt thể loại, nên đặt tên nó là gì, bởi có nhà phê bình cho nó là một loại trường ca (*). Nói cho cùng, điều ấy cũng chả quan trọng gì và không phải là việc của tôi. Ở tập này, tôi viết rất nhẹ nhàng, thanh thoát và dường như chả bận tâm đến bất cứ cái gì, lòng hoàn toàn thanh thản, trong trẻo, có thể nói là tinh khiết. Có điều tôi không nói ra là tôi thử vận dụng đặc trưng của thể loại sonata âm nhạc vào thơ, tập làm một bản sonata hoàn toàn bằng lời xem như thế nào. Cái âm hưởng của Bản Xônat hoang dã tôi rất muốn ổn định và phát triển, để có thể hình thành một lối thơ khác của tôi sau tập thơ hiện thực Nhà thơ và hoa cỏ. Nhưng sau đó, tôi không sao viết tiếp theo cách đó được nữa, dù tôi rất muốn. Nó chỉ xuất hiện trong sáng tác của tôi có một lần…
Trong các triết thuyết phương Đông, tôi rất thích Lão Tử, Trang Tử. 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, khái niệm vô danh là tôi mượn của Lão Trang. Trang Tử viết: Thánh nhân vô kỉ, Thần nhân vô công, Chân nhân vô danh. Kẻ vô danh chính là Chân nhân đấy, và trong quan niệm của tôi, dĩ nhiên, Chân nhân là vô danh, nhưng hoàn toàn không phải là “vô danh tiểu tốt” như có người hiểu. Nhưng ít nhà phê bình nhận ra, do đó khi kể tên tác phẩm của tôi, thường chỉ viết 45 khúc đàn bầu… rồi chấm lửng… Tức là chưa cảm nhận được điều tôi muốn chuyển tải. Cái lỗi ấy cũng là tại tôi thôi. Tôi mượn các yếu tố tông giáo để chuyển tải điều mình muốn nói, và đến mình, thì nói theo cách của mình, theo “tạng” của mình. Và tôi coi Chân nhân là Nhân dân, khái niệm ấy, không có trong Lão Trang. Tôi nghĩ cũng không sao, vì tôi làm nhiệm vụ của người sáng tác. Hơn nữa, mọi khái niệm đều cần được bổ sung để phát triển, nếu còn có thể. Tôi nghĩ: với cách nói ấy, câu thơ sẽ sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, và ý tràn được ra ngoài lời… chứ tôi không tuyên truyền cho bất cứ một tông giáo nào hoặc viết dưới bất cứ một ánh sáng tông giáo nào, khác hẳn với ý kiến mà một hai nhà phê bình đã nhận định.
Tôi coi bất cứ đi đâu, làm việc gì, cũng là đi sáng tác, phải viết được một hay hai cái gì cho kha khá một chút. Không ít bài thơ của tôi được viết trong các chuyến đi. Và chỉ đi lần đầu mới viết được, lần sau, vẫn cảnh ấy người ấy, nhưng tôi thấy nó rất nhạt, mất hết cảm xúc. Từ đó, tôi không đi đâu lần thứ hai, vì tôi thấy như thế là lãng phí sức của, sức người, chả để làm gì. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng: chùm thơ tôi viết ở Trung Hoa năm 1999, khi lần đầu tiên tôi đặt chân lên các ngả đường của thủ đô đất nước này, làm tôi vui lòng hơn cả.
Ngoài thơ ra, tôi chả có gì đáng nói. Tôi đã đánh “cược” cả cuộc đời mình vào đấy mất rồi:
Tôi đã tự đánh mất mình
Tất cả
Trong một câu thơ
hờ hững bạn cầm…
Trong mọi vui buồn của đời người, từ xưa đến nay, với bao ngang trái, vô lí, bất công, thậm chí tàn bạo, đều có một cái gì không hiểu nổi và không giải thích được. Phải có một cái tên gọi ra. Trước tôi, đã có những cái tên quen thuộc rồi, như: Trời, Phật, Thượng Đế, Bụt, Tạo hoá, Con Tạo, Ala, Môhamét, Chúa, Chúa Tể, Dớt, Thích ca Mâu ni, Chân Như, Đạo, Thầy, Ngài… Những tên này đã được định danh với nội dung nào đấy, đã tương đối ổn định, nói chung là được tôn sùng, ngợi ca, tôn kính, lễ bái… rõ ràng không thích hợp với yêu cầu của tôi, với điều tôi cần nói.
Do đó, tôi phải sinh ra cái Đấng riêng của tôi, một là, để không ảnh hưởng đến hình ảnh đã được tôn kính của các vị (tôi không muốn ai đó, có thể cho là tôi đã xúc phạm đến các vị); hai là, tôi có chỗ mà giãi bày, kêu ca, trách móc, thậm chí lên án hoặc chế giễu. Tại sao lại không lên án hoặc chế giễu, nếu nó cần phải như thế? Hai Đấng ấy đã ra đời vì thế. Đó là Đấng Âm U và Đấng Mê Tơi. Sở dĩ có hai Đấng khác nhau vì có hai vùng ảnh hưởng khác nhau. Đấng Âm U điều hành số phận con người, bí ẩn và tàn bạo hơn, nên chân dung tôi vẽ ra như sau: Một nửa gương mặt Người bừng lên ánh sáng của thần linh/Một nửa gương mặt Người phủ đầy bóng tối của ma quỷ…
Phải có nội dung ấy của hình tượng Đấng Âm U, tôi mới có cơ sở để viết: Con Người là những giọt nước mắt/ Của Đấng Âm U rơi xuống trần gian / Giọt nước mắt bên phải là đàn ông/ Giọt nước mắt bên trái là đàn bà…/ Chúng lẫn trong nhau/Mà hoá ra bát ngát…
Còn Đấng Mê Tơi, chế ngự trong tâm linh con người, nên thanh thoát hơn, gần gũi và cũng vui vẻ hơn: Người vắt dải râu trắng ba ngàn thước/ Sang một bên trời/ Và phấp phới đi/ Như một cô gái non trong ngày cưới…
Việc tạo ra hai nhân vật “khác thường” này, lúc đầu cũng có người không hiểu vì sao. Cái gì còn mới, cũng dễ gây ra một cảm nghĩ như vậy, và đó là điều hoàn toàn bình thường.
Sau 30 năm chiến tranh, nhu cầu bức thiết của dân tộc là phải đoàn kết mọi lực lượng để xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước ngày nào của Bác Hồ. Thơ phải góp phần vào sự giải tỏa những ám ảnh nặng nề của chiến tranh, để mở ra một chặng đường mới, đầm ấm, thân thiện, giản dị và cởi mở, để đón tất cả những ai, từng có vị trí và số phận rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, đều bỏ lại ở bên ngoài, tất cả những phụ tùng xã hội cồng kềnh và nặng nhọc, để gặp nhau ở đây, trong những cái bắt tay, những nụ cười hay những giọt nước mắt, mà không bao giờ phải cần bất cứ một người nào đứng ở bên cạnh, để dẫn giải hay là để phiên dịch… Cùng với nhiều nhà thơ, tôi đã góp vào không khí hòa hợp ấy, những tiếng cười vui vẻ nhẹ nhàng, rất đậm phong vị ca dao trong tập thơ Miền dân gian mây trắng.
Ví dụ như bài Ngày nào em đẹp… Ngày nào em đẹp, em dòn/ Em qua, chó đá cũng còn vẫy tai…/ Bây giờ em đã nghe ai/ Mà môi em mỏng, mà vai em gầy…/ Ối giời ơi! Đến nỗi này/ Ăn gì mà bụng mỗi ngày một to…/ Ứ hừ… Ai khiến anh lo/ Lo trâu đen cổ, lo bò trắng răng…
Trong tập này, tôi cũng thử “bụi” một chút, khi để bà vợ ngờ ông chồng mình tình tính tang với ai: Về nhà, vợ mắng rầm rầm/ Hai “hòn nguyên tử”… ông cầm cho ai…
Đối với rất nhiều người, thơ có lẽ cũng chả là cái gì. Chỉ để chơi cho vui. Nhưng đối với tôi, không hiểu sao, thơ lại là tất cả, nếu có thể nói được như vậy. Thơ an ủi tôi sau không ít trắc trở, thơ khích lệ tôi những lúc nản lòng, thơ cũng che chở cho tôi trong mênh mang gió bão của thời cuộc: Viết được một câu thơ trung thực với Nhân Dân/ Tôi đã đi qua bốn mươi năm bão táp/ Cả xã hội diệt trừ cái ác/ Cái ác vẫn ngang nhiên cười nói giữa đời…
Thơ cũng giúp tôi chống lại kẻ thù bằng sự im lặng cao cả và linh thiêng của chính nó.
Và như thế, tôi luôn tự khác mình, với các tập thơ khác hẳn nhau, hi vọng nhờ thế, mà phản ánh được hiện thực đa chiều, như nó vốn tồn tại, đồng thời để tác phẩm phù hợp với nhiều loại bạn đọc có trình độ thẩm mĩ khác nhau, thậm chí có các quan niệm về cuộc sống khác hẳn nhau. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Trần Nhuận Minh có đến mấy giai đoạn tự bứt phá” (* *), có lẽ là chỉ điều đó chăng?
TRẦN NHUẬN MINH
——-
(*) Trần Nhuận Minh và ba lần định vị cho thơ, Nxb Văn học, 2009
(**) Tạp chí Thơ số 5/2012