Thác Bản Giốc, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, được ví như “Thiếu nữ Nùng chưa trang điểm”.
Vẻ hùng vĩ của những tầng thác và cảnh quan xung quanh, vốn chỉ qua mường tượng từ những bức ảnh bé như bàn tay trong sách báo, cùng lắm to cỡ giấy A3 trên tờ lịch năm mới, bỗng mở ra, bừng lên trong mắt, khi người đi đường bước xuống xe trong một buổi trưa nắng rực vàng. Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, lớn thứ tư trong những thác nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia.
Miêu tả vẻ đẹp của “thiếu nữ Nùng – Bản Giốc”, đại uý Hoàng Công Hiền – Trạm phó biên phòng Bản Giốc – Đồn biên phòng Đàm Thuỷ cao hứng: “Mùa thu se lạnh, thác rực rỡ dưới ánh trời xanh. Mùa đông mây mù, thác mờ ảo như trong thần thoại. Mùa xuân tươi hồng, thác bừng bừng sức trẻ. Mùa hạ bừng nắng, thác hùng vĩ sôi động lạ thường… Chính trị viên đồn biên phòng Đàm Thủy Lương Tuấn Long ví von: “Giữa một vùng non xanh nước biếc, thác đổ êm dịu như những nàng tiên trầm mình dưới suối…”.
Phần thác phụ của thác Bản Giốc trên đất Việt Nam
Đồng chí chính trị viên đưa chúng tôi xuống đoạn đường quanh co rực màu lúa vàng, qua cầu nhỏ thanh mảnh đến gần chân thác. Bên này thuộc lãnh thổ Việt Nam, bên kia là đất Trung Quốc. Đối xứng nhau từ giữa con sông Quây Sơn là hai cột mốc – kết quả thống nhất phân định biên giới thời gian qua. Cột mốc 836 bên ta, nhiều đoàn khách tham quan đến đứng bên chụp ảnh, các cựu chiến binh có, người già và trẻ em có, rồi nhiều tốp nam thanh nữ tú. Thăm danh thắng ở sâu trong nội địa thì cảm giác khác. Đến với cảnh đẹp ở nơi tận cùng non nước Việt, lòng người dâng lên những cảm hứng thiêng liêng.
Màn nước bạc trắng rủ những tấm “rèm nước” khổng lồ như trời đất đang giăng màn phủ một bí mật kỳ thú. Đằng kia, những tầng thác toả hơi nước mạnh mẽ, mát lạnh. Đằng này bến nước hiền hoà ven sông, lúp xúp mọc lên những lán chợ bán hàng lưu niệm của bà con trong vùng. Giờ còn thưa thớt, nhưng mai kia các hoạt động đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch sẽ được đẩy mạnh hơn. Nhìn sang bên kia, thấy từ trên núi xuống bờ sông bên “hàng xóm” đã có những công trình khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng, có bến tấp nập và thuyền đủ cho những nhóm du khách “lượn” ra chơi giữa sông hay đến tận chân thác. Mong bên mình sớm có những dịch vụ, hình thức tham quan, tìm hiểu văn hoá địa phương để hoạt động du lịch quanh khu vực thác Bản Giốc được đa dạng.
Không xa dòng thác kỳ vĩ, là xóm Khuổi Ky, bản Gun thuộc xã Đàm Thuỷ, nơi có động Ngườm Ngao. Thác phô bày vẻ đẹp dưới trời cao xanh, còn động đá thu những hình hài kỳ thú vào trong mình, để du khách phải bước vào trong mà thưởng lãm, từ ngỡ ngàng này sang trầm trồ khác. Cái tên động Ngườm Ngao nghĩa là “hang hổ”. Người ta phỏng đoán, thuở xưa có thể nơi đây nhiều hổ sống, hoặc do tiếng suối dưới sâu đổ gầm gào như tiếng bầy hổ. Vết dấu của sự hung tợn không còn. Nguy cơ có thể bị hoang thú tấn công cũng không có. Khách thăm động thong thả dạo qua một thung lũng xanh mướt mát những ruộng ngô, tiếp liền với những ngọn núi thấp xanh um cỏ cây vây bọc. Thấp thoáng bóng người trong ruộng, lưng áo chàm đeo dao, nón lá ánh lên trong nắng.
Động Ngườm Ngao được hình thành từ những kiến tạo địa chất vào khoảng 300 triệu năm trước Công nguyên. Đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh đã sang đây, tìm được nhiều ngách sâu hấp dẫn. Nhưng do địa hình còn hiểm trở, hôm nay, địa phương hẵng tạm đón du khách vào một phần sự cuốn hút trong đó.
Du khách tham quan động.
Cây tơ hồng là một “cây đá” nối nền với vòm hang thấp, xoè tán ở phía trên, trông như những dải tơ hồng dày đặc buông rủ trên những giàn hoa hoặc tán cây lớn. Cái “cây” ấy “mọc” đón khách khi mới bước vào cửa động, sát con đường dẫn tiếp đến cây đàn đá của nàng tiên trong một ngách nhỏ. Đó là một cái “hộp” đá rỗng và hở, gõ vào thì âm thanh vang lên: Cum… cum… cồng… cồng… rất thú vị! Cây đàn thì ở đấy, nhưng phải đi một lúc sau người thăm động mới gặp “chiếc giường” và “bồn tắm” của nàng tiên trong một ngách hang khác. Chắc là thuở xưa, mỗi lần vào động, nàng tiên không chịu ở một chỗ!
Thế rồi đá cứ mọc lên, toả xuống, bên phải, bên trái trong lòng hang chỗ cao chỗ thấp, chỗ rộng chỗ hẹp, khơi mở những liên tưởng. Này là “cái cối”, lúc sau gặp “cái chày”. Trên kia có cụm đá hình bàn tay Phật, dưới này có khối dáng con cóc thần. Rồi hai tảng đá lớn như thác bạc, thác vàng lấp lánh. Một cụm đá nhiều múi tròn trịa rủ xuống y như những cánh sen, được gọi là bông sen ngược. Ở khu vực trung tâm của động, vòm hang đội vồng lên trên cao, cùng với nhiều khối đá đẹp hình thuyền buồm, hình con lạc đà… Có một góc trên vách hang, khối đá in bóng lên vách động tạo hình khá giống khuôn mặt Bác Hồ nhìn nghiêng với vầng trán cao và chòm râu. Người nơi đây gọi đó là: Hình bóng Bác! Hình đá, dáng đá trong lòng Ngườm Ngao cứ thế, mở ra lớp lớp những gợi mở kỳ diệu, lớp lớp những hứng thú, lạ lùng.
Ngườm Ngao được phát hiện từ bao giờ thì chưa ai được biết. Chỉ có tấm bia vốn gắn ở bên ngoài một cửa ra của hang từ năm 1921, nay đã mòn bạc, ghi lại lời một viên quan Pháp. Ông này là một trong ba người Pháp đã từng đến đây. Cùng đi còn có hai người Việt Nam là Vi Văn Định và Hoàng Huy Giao. Truyền thuyết dân gian, lời người cũ và những tưởng tượng mơ hồ từ bao dáng vẻ trong lòng hang, cứ như thế hoà quyện khi người đi vừa bước chân ra ngoài vùng ánh sáng, để rồi trong nhiều buổi tối sau, sẽ thêu dệt thành những giấc mơ kỳ lạ.
Nguồn: NDĐT