Nhà văn NGUYỄN HỘI
Quê Thái Bình
Hiện đang công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An
Giải A Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 2024 cho tập Làm rể miền Tây
Giải thưởng Tạp chí VNQĐ năm 2021, thể loại bút ký
Giải Ba cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây báo Thanh Niên 2022
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Long An.
Đã có nhiều tản văn, ký và truyện ngắn in trên các báo trung ương, địa phương
In chung trong nhiều tập sách: Covid-19 và cuộc chiến sinh tử, Những bông hoa núi, Những đôi môi cười, Năm tháng nhớ thương, Nghĩa tình miền Tây.
Sách mới xuất bản: Tản văn LÀM RỂ MIỀN TÂY ra mắt những ngày cuối cùng năm 2022 của NXB Văn học.

Nhà văn Nguyễn Hội

LỤC BÌNH TRÔI DƯỚI GIÓ

Truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ của Nguyễn Hội

Chưa tới ba giờ sáng, chú gà trống đầu đàn đã lục tục cất tiếng gáy. Nó là gà trống điều chân chì, một giống gà nòi quý của vùng Cao Lãnh lừng danh. “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Giọng của nó vang lên, báo hiệu nơi vùng biên viễn này một ngày mới bắt đầu. Nhưng, như anh thợ cày vừa đi theo lưng trâu vừa ngái ngủ. Đầu tiên nó gáy giật cục trong cuống họng từng tiếng một, dần dà tiếng gáy mỗi lúc càng to và rõ hơn. Khi âm vực giọng đồng ấy tròn đầy, trầm đục ngân vang như âm hưởng của tiếng tù và xung trận thì cũng là lúc tất cả những con gà trống trong xóm rộn ràng cất tiếng. Điểm vào đó là tiếng những chú cu mồi được thuần phục đã lâu, treo xung quanh hàng ba, khoan nhặt, ngân nga như tiếng chuông đồng. Rồi tiếng bầy chim sẻ, chim sâu, chim hút mật quanh vườn nhà, ngoài ruộng lúa, bên kia sông cùng đua nhau cất lên thánh thót, ríu ran… 

Vừa vớt nếp cho ráo nước, xếp lá, sắp dây, lột vỏ chuối chờ mấy chị em lại gói bánh, lòng bà Hai Thương cảm thấy ấm áp vô cùng. Bà sẽ gói sáu chục đòn bánh tét nhân đậu xanh, sáu chục đòn nhân chuối. Mỗi người sẽ có cặp bánh mang về làm quà, nhân nọ nhân kia. Đám làm gọn trong năm bàn tròn, chỉ mời bà con ruột thịt và xóm giềng gần sát bên nhà…

Ngày cậu Hai hi sinh, cũng là ngày Hai Thương cất tiếng khóc chào đời. Tuy không một lần được gặp nhưng những câu chuyện của ngoại, của cha má bà và những người thân kể về cậu Hai đã khiến bà cảm thấy cậu thật gần gũi và dường như cậu Hai luôn quanh quẩn đâu đây, phù hộ cho gia đình mình.

1.

Năm 1968, khi ấy ông Hai Nối đang là xã đội trưởng xã Hưng Điền, một xã vùng sâu biên giới, cũng là vùng tạm chiếm của cả ta và địch. Những khi lính từ đồn Măng Đa ngoài Vĩnh Hưng chạy xuồng máy dọc theo con kênh Cái Cỏ vào tới Vàm Đồn, Bình Tứ. Cán bộ và du kích xã phải di chuyển sang đất Căm-pu-chia để đảm bảo bí mật. Nhưng chỉ những khi vào chiến dịch càn quét quy mô lớn, bọn chúng mới rải quân khắp nơi lùng sục, còn thường cũng chỉ đi cho có lệ hay để thị uy lực lượng. Bởi lẽ vùng này thưa dân, giáp biên giới, lực lượng của cách mạng hoạt động tương đối mạnh. Dù có đi tuần vài ngày thì chúng cũng chẳng kiếm chác được gì, lớ ngớ lại ăn phải kẹo đồng của du kích xã. Nhưng để tỏ ra nguy hiểm và để có thành tích báo cáo lên trên, đôi khi, chúng tổ chức những cuộc phục kích có chỉ điểm để bắn giết cán bộ cách mạng.

 Sáng một ngày cuối tháng Chạp năm ấy, vài cánh mai đã lác đác nở vàng dưới tán lá xác xơ của những cây dừa đang oằn mình giữ trái. Khu vườn dừa này là nguồn thu nhập chính, nuôi sống cả gia đình và cũng là nơi để anh em du kích xã tập trung huấn luyện, học tập chính trị. Buông cái cuốc dưới gốc cây sau khi đã dọn dẹp sơ sơ cho khu vườn nhà chuẩn bị đón Tết, Hai Nối hái mấy lá trầu xanh đã ngả màu vàng nhạt có những đường chỉ hằn lên gân guốc mang vào nhà cho mẹ. Kể từ ngày chồng bị quân Pháp bắt rồi hi sinh ở Mộc Hoá, bà Chín Cành càng ghiền ăn trầu hơn trước. Dường như vị chát mặn của thuốc rê, vị cay của lá trầu, vị nồng của vôi làm dịu đi nỗi đau thương, mất mát. Để bà vững dạ nuôi ba đứa con thơ khôn lớn, thay chồng. 

 Nhận mấy lá trầu không trên tay con, bà Chín Cành nheo nheo đôi mắt hấp háy rành rẽ từng tiếng một:

“Thằng Hai à, sáng tới giờ má thấy trong người bồn chồn quá. Có khi nào bữa nay con Ba trở dạ không bây?”

“Bây” là cách gọi gần gũi của bà Chín dành cho các con.

Hiểu được ý mẹ, Hai Nối nói luôn:

“Vậy hay sáng nay con chèo xuồng đưa má với vợ con ghé thăm bé Ba. Sẵn dịp con đi qua bên ấp Thái Vĩnh có công việc, rồi chiều con rước má về”.

Vừa nghe dứt câu nói của con, những vết chân chim trên khóe mắt bà Chín bỗng giãn ra, ánh mắt lộ rõ vẻ hài lòng.

“Được vậy thì còn gì bằng nữa. Má ngại con lu bu công chuyện thì để má với vợ con lội bộ xuống dưới đó, coi chừng em con ra sao. Chồng nó dạo này cũng đi miết, không biết tới ngày vợ sanh có được ở nhà không nữa”.

Hai Nối tiếp luôn:

“Thôi, để con đưa hai má con đi xuồng, chớ lội bộ biết chừng nào mới tới”.

 Nói rồi, Hai Nối bước vội ra sau hè phụ vợ dọn cơm. Bữa sáng hôm ấy, vợ ông nấu món canh chua cá chốt, kèo nèo, bông lục bình. Cá thì chiều hôm trước Hai Nối giăng lưới bắt được cả rổ, còn kèo nèo và bông lục bình sáng nay vợ ông mới hái ngoài sông Cái Cỏ. Cuối mùa khô, lục bình nở tím một vùng sông nước. Đọt non và bông của loài cây gần gũi này đều có thể làm món xào hay nấu canh chua ngon lành. Ba người ăn vội chén cơm, rồi tất tả xuống xuồng. Bà Chín Cành và con dâu đều là những người phụ nữ mảnh dẻ, nhanh nhẹn. Họ mặc áo bà ba màu nâu có loáng thoáng những miếng vá hình trái xoài, trái ổi và chùm khăn rằn kín mít cả đầu tóc, vừa để che cái nắng tháng Chạp, vừa như để giữ bí mật. Đây là lối ăn mặc của những người phụ nữ vùng này, mỗi lần phải đi lại trong xóm.

Từ nhà bà Chín Cành tới nhà người con gái thứ ba chỉ khoảng năm cây số nhưng mùa này nước sông cạn, lục bình đặc kín lại, nhiều chỗ phải lấy cây chèo đẩy sang hai bên mới di chuyển được. Hơn một giờ sau, ba mẹ con mới đến nhà Ba Bông. Vừa nhác thấy xuồng ghé dưới bến, chồng Ba Bông mừng giơn, chạy ngay xuống đỡ lấy mũi cho khỏi chạm bờ. Chồng Ba Bông tên là Pha, một cán bộ an ninh Kiến Tường, “đụng” Ba Bông trong một lần đi công tác rồi cắm rễ ở đây luôn.

Vừa hồ hởi vừa lo lắng, Pha xuýt xoa:

“Hên quá, có má với anh chị Hai ghé. Vợ con trở dạ từ sáng tới giờ. Con mới nhờ người đi mời bà Mụ Tám, quýnh quáng đang chưa biết nhờ ai chạy đi cho má hay. Ủa sao má với anh chị Hai biết mà xuống ngay chóc vậy?”

 Bà Chín Cành vịn hờ lấy tay con rể bước vội khỏi xuồng, chẳng nói chẳng rằng đi thẳng vô nhà. Vợ Hai Nối bước theo sau, quay lại nói với Ba Pha đang phụ cột dây xuồng: “Là má linh cảm thấy cô Ba tới ngày sanh nên hối vợ chồng tôi xuống thăm cô dượng nè”.

Mấy người bước vào căn nhà lợp lá dừa nước được dựng ngay bên bờ sông Cái Cỏ, phía sau là mảnh ruộng bằng phẳng, rộng thênh thang. Mảnh ruộng này trước đây vợ chồng bà Chín Cành khai khẩn, sạ lúa đã nhiều năm. Khi con gái lấy chồng, bà cho làm của hồi môn. Trong nhà, Ba Bông đang nằm quằn quại rên rỉ. Một thứ nước sền sệt trong người chảy ra ướt sũng chiếc quần đen rộng thùng thình, thêm chiếc mền đơn sờn rách quấn xung quanh người và chèm nhẹp khắp mặt bộ ván ngựa. Bộ ván này là kỷ vật bên nhà ông Pha cho hai vợ chồng trong ngày cưới, cũng là tài sản quý giá nhất trong nhà. Thấy má và vợ chồng anh Hai ghé thăm, ánh mắt Ba Bông bỗng vụt lên những tia sáng lấp lánh, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má nhô cao đen sạm. Giọng Ba Bông yếu ớt, mừng mừng tủi tủi. “Dạ thưa má… anh Hai… chị Hai mới tới… má…”

Vừa lúc ấy, bà Mụ Tám trên Gò Xoài cũng được người hàng xóm của vợ chồng Ba Bông chèo xuồng rước về tới. Dù chưa tới năm mươi tuổi nhưng bà được cả xứ này gọi bằng cái tên thân thuộc, bà Mụ Tám. Chính đôi tay mát lành của bà đã giúp cho hàng trăm ca sanh trong vùng, dù khó cỡ nào cũng mẹ tròn con vuông.

Sau khi khám cho Ba Bông xong, Mụ Tám vui mừng thông báo:

“Vỡ ối rồi, trường hợp này dễ sanh thôi. Chú Ba đi nấu nước, luộc kĩ con dao, cây kéo này cho tôi; nhân tiện kiếm mấy cái khăn lớn, một cái chậu đựng nước sôi rồi cặm cây tràm thiệt sâu xuống, khi nào thím Ba rặn thì nhổ. Đứa nhỏ sắp ra đến nơi rồi. Bà Chín với thím Hai phụ tôi một tay nào”. 

Nói rồi ba người phụ nữ nhanh nhẹn dọn dẹp bộ ván ngựa và căn nhà lá của vợ chồng Ba Bông còn đang bừa bộn, nào nồi niêu xoong chảo, nào quần, nào áo… Cái thai mỗi lúc càng đạp mạnh khiến mồ hôi ướt đầm trên mặt Ba Bông. Bà Chín Cành vén những sợi tóc đang lòa xòa, quyện mồ hôi dính chặt trên trán con gái khẽ động viên. “Ráng nha con, đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển chỉ có một mình mình thôi. Bà Tám nói con dễ sanh lắm”. Đôi bàn tay gầy guộc của bà nắm chặt lấy những đường chỉ xanh chằng chịt trên tay con, đang run lên vì đau đớn.

2.

Sau khi phụ em rể cắm cây tràm bông trắng bằng bắp vế xuống trước hiên nhà, thật sâu, Hai Nối cột chặt sợi dây xuồng vào nhánh trâm bầu chĩa cành xuống mép nước. Kiểm tra lại khẩu súng colt và trái lựu đạn bên hông, ông nhanh chóng lẩn khuất vào rặng trâm bầu mọc lúp xúp dọc theo mép bờ sông. Là xã đội trưởng đã nhiều năm, Hai Nối hiểu rất rõ càng thời điểm cuối năm, giáp tết càng phải gần gũi du kích xã. Chính vì vậy, hôm nay ông phải đến tận nhà Bảy Tân trao đổi tình hình và động viên anh em đón tết. Hôm họp quán triệt tình hình ở căn cứ Tà Nu, cấp trên cho biết rất có thể sẽ điều động xã đội Hưng Điền đánh đồn Măng Đa trong dịp tết Mậu Thân này. 

Để đến được ấp cuối cùng của xã, Hai Nối phải đi qua cánh đồng Láng Lớn rồi Láng Nhỏ. Cuối mùa khô, hầu như trên mặt bưng chỉ còn một màu cỏ cháy. Những chiếc gai mắc cỡ khô cứng lại, nhọn và sắc hơn bình thường. Mặc cho những lá cỏ tranh và gai mắc cỡ sắc lẹm như lưỡi dao lam đâm vào chân rớm máu, với thân hình gọn gàng nhanh nhẹn, Hai Nối đi thoăn thoắt như con chuột đồng, lúc ẩn lúc hiện. Tới xế trưa, ông đã vượt qua cánh đồng Láng Lớn. Ở giữa Láng Lớn và Láng Nhỏ có một bàu nước tự nhiên không khi nào cạn kiệt, người dân trong vùng quen gọi là Bàu Nâu. 

Gần tới Bàu Nâu, bỗng Hai Nối cảm thấy như có một luồng điện chạy rần rần trong cơ thể. Cảm giác ấy lan dần từ phía sau gáy xuống hai bả vai, rồi hai cánh tay, sau dần chạy dọc theo sống lưng khiến Hai Nối phải dừng lại. Ông thoáng nghĩ, có điều gì đó nguy hiểm đang rình rập quanh đây chăng? Không lẽ thế, lịch công tác của ông hôm nay đi Thái Vĩnh là bất ngờ, không ai biết. Từ sáng tới giờ ông cũng chỉ gặp xuồng anh em thằng Chín Chao đi ngược về phía Vàm Đồn, có ai đâu mà sợ bị lộ. Cấp trên cũng đã mấy lần nhắc trường hợp thằng Chín Chao, có dấu hiệu khả nghi qua lại với lính đồn. Nhưng khi nó thấy thì ông đang đi cùng mẹ và vợ, chẳng có cơ sở nào… Chỉ trừ trường hợp nó lội tắt đường đồng, quay ngược trở lại. Cũng có thể do đi nhanh quá nên mệt và đói lả chăng, hay là ông khát quá. À đúng rồi, từ lúc ở nhà Ba Bông đi đến giờ gần hai tiếng đồng hồ rồi ông chưa được ngụm nước nào. Nghĩ đến đó tự nhiên Hai Nối cảm thấy khát khô cuống họng. Ông chạy ngay xuống ven bờ bàu, gạt đám lục bình ra. Một làn nước trong mát, lấp lánh. Hơi nước phả thẳng lên mặt ông, mát rượi.

Giữa trưa mùa khô, những ngụm nước thỏa thuê ngọt lịm khiến ông cảm thấy khoan khoái lạ thường. Từng đường gân, thớ thịt trong người trở nên dịu dàng, thư thái. Dường như bao mệt nhọc đã tan biến, cảm giác ớn lạnh vừa rồi cũng không còn nữa. Ông tự nhủ, có lẽ là do mình đang khát nên mới có cảm giác như vậy.

Tĩnh tâm một chút để tăng thêm nội lực tiếp tục cuộc hành trình, ông vẫn thường làm vậy mỗi khi xúc động mạnh hay căng thẳng. Hai Nối đang từ mép nước bước lên bờ, bỗng “đoàng”, một tiếng súng nổ chát chúa vang lên. Nhanh như con sóc đồng, ông phóng ngay vào khóm cây nhàu phủ trùm xuống bờ bàu nước. Định thần. Đoán hướng phát ra tiếng súng.

Bỗng giọng một tên lính ngụy vang lên khô khốc:

“Hai Nối, mày đã lọt vào trận địa của bọn tao, khôn hồn thì buông súng đầu hàng về với chính nghĩa quốc gia, nếu không muốn ngày này năm sau sẽ là ngày giỗ của mày.”

 Biết đã bị lộ và lọt vào ổ phục kích của bọn lính ngụy, nằm sát xuống mặt đất, Hai Nối sờ tay xuống khẩu súng và trái lựu đạn. Hai vật bất li thân này ông đã được tỉnh đội trưởng Má Mười thưởng trong trận đánh đồn Gò Ông Lẹt năm trước. Ông chỉ huy du kích xã Hưng Điền đánh tan đường rút chạy xuống bờ sông Vàm Cỏ Tây của tụi lính ngụy đang có ca nô chờ sẵn. Khoảng năm phút trôi qua, cả hai bên đều trong trạng thái căng thẳng đến cực độ. Đối phương có lẽ đang nhìn rõ Hai Nối, trong khi ông hoàn toàn bị động. Bỗng “đoàng”, viên đạn thứ hai bay thẳng đến bên mạng sườn Hai Nối, bỏng rát một bên người. Ngay tức khắc, Hai Nối rút chốt trái lựu đạn, nhoài người liệng thẳng về hướng vừa phát ra tiếng nổ.

“Đoành”, một đụn khói bốc lên nồng nặc, miểng, bùn đất và cành lá cây bay rào rào làm rung chuyển cả mặt đất. Có tiếng người “í oái” phát ra từ phía ấy. 

Hai Nối quay đầu trở lại chạy thục mạng. Nhưng vừa được mấy bước, chân ông khuỵu ngay xuống bởi vết thương ở bụng. Ông lết lại mô đất nhô cao như gò mối, tựa lưng vào gốc cây bần, rút súng bắn về những tiếng kêu. Nhưng liên tiếp những tiếng AR15 “đoàng… đoàng… đoàng” khô khốc khạc ra từ hai bên gò đất, từ phía sau. Gốc bần đơn côi toác ra từng mảnh, cành lá bay đi tứ phía.

Thấy Hai Nối nằm bất động trong vũng máu, nhưng trước khi lại gần khám xét, tên chỉ huy còn xả thêm một tràng đạn vào khắp người ông.

Mãi tới chiều hôm sau, khi Ba Bông đã mẹ tròn con vuông, bà Chín mới biết về cái chết của con trai mình. Bà ôm người con dâu đang ngất lịm vào lòng, ánh mắt đăm đăm nhìn thi thể người con trai chi chít những vết đạn. Bà không khóc hay nước mắt đang chảy ngược vào bên trong.

Đám tang Hai Nối diễn ra trong lặng lẽ. Chỉ những người bà con dòng họ và xóm giềng đưa tiễn ông về với mảnh đất quê hương. Mái tới khuya hôm sau, lễ truy điệu mới được chi bộ xã Hưng Điền bí mật tổ chức ngay tại vườn dừa nhà bà Chín Cành. Mộ ông được đặt dưới cội mai vàng, trên gò đất, phía sau hiên nhà. Những nụ mai căng đầy sắc Xuân đồng loạt rụng hết xuống dưới gốc cây, tức tưởi.

Ba tháng sau, trong một lần đi công tác, vợ ông, khi ấy đang làm công tác phụ nữ cũng trúng đạn rồi chết trên đường đưa về căn cứ cấp cứu.

Gia đình người con trai lớn hi sinh hết, ngoài vợ chồng Ba Bông đã ra ở riêng, bà Chín còn lại người con thứ Tư nhưng khi ấy đang đi làm liên lạc cho tỉnh đội. Cha bị giặc xử bắn, anh Hai bị phục kích hi sinh càng khiến cậu Tư quyết tâm chiến đấu. Ông được phong danh hiệu chiến sĩ diệt Mĩ khi tuổi đời vừa mới hai mươi. Sau ngày thống nhất đất nước, ông tình nguyện đi chiến trường Căm-pu-chia tiếp tục chiến đấu. Nhưng một quả mìn “cóc nhảy” đã khiến ông phải trở về hậu phương điều trị và vĩnh viễn cướp đi thiên chức làm cha. Mãi tới năm chín lăm, ông mới gá nghĩa với một người phụ nữ trong xóm. Bà cũng đã qua một lần đò với một người bệnh binh mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Và ông đồng ý nhận đứa con riêng của bà, chăm sóc yêu thương như con ruột.

Ngày bà Chín còn sống, bà thường bảo với các con, “Tội nghiệp anh Hai tụi bây, vợ chồng lấy nhau mấy năm trời mà chưa có con. Chưa được một ngày hạnh phúc thì chiến tranh đã xóa sổ cả gia đình. Ngày nào má còn sống, má làm đám giỗ cho tụi nó. Khi nào má đi theo ba tụi bây rồi thì thằng Tư thay má”. 

3.

Kể từ ngày bà Chín Cành mất, năm nào vợ chồng Hai Thương cũng đều dẫn các con đến nhà cậu Tư phụ làm đám giỗ cậu Hai, thay vì chỉ đi hai vợ chồng như ngày bà ngoại còn sống. Nhưng rồi cậu Tư cũng mất. Đám giỗ cậu mợ Hai càng trở nên hiu quạnh.

Cả năm trời nay, Hai Thương cảm thấy day dứt trong lòng.

Đành rằng bà là cháu gái nhưng là cháu ruột. Cậu Hai thì cũng đâu có con. Đứa con riêng của mợ Tư dù hiểu chuyện, nhưng cũng là người dưng nước lã, để nó gánh đám giỗ nhiều quá, tội nghiệp. Hỏi qua tính lại trong nhà, người nói được, người lại nói bà là cháu gái bên ngoại.

“Không biết vong hồn ông bà Hai có chịu về nhà Hai Thương hay không? Mà muốn về phải xin phép nội tộc nhà chồng Hai Thương chứ”.

Cha mẹ, chú bác nhà chồng đều đã mất cả, giờ biết hỏi ai. Thằng Út thì nói, cứ để mẹ con mợ Tư thờ cúng ít năm nữa, khi nào nó có nhà riêng, nó xin thỉnh cậu về thờ. Nói vậy nhưng biết khi nào nó làm nhà riêng, mà nếu có làm cũng bên quê vợ nó xa tít mù khơi. Cậu Hai sao biết đường mà tới đó. Sao bằng mảnh đất này, trước khi cậu Hai hi sinh đã từ đây mà đi công tác, hẹn chiều sẽ quay trở về. Rồi thì bà con dòng họ đều ở đây cả… Quẩn quanh trong mớ suy nghĩ, nhiều khi Hai Thương cảm thấy rối trí. Nhưng được sự ủng hộ của chồng và các con, Hai Thương phần nào vững dạ về ý định của mình.

Trong lần đám giỗ ngoại, nửa năm trước, Hai Thương hỏi dò ý kiến mợ Tư, bà thủng thẳng: “Cứ để anh chị Hai ở đây, mợ cúng như mọi khi cũng được mà”. Nói thì nói vậy, nhưng bà Hai đã quyết định, riêng phần tiền thờ cúng liệt sĩ do nhà nước chi trả hằng năm, bà vẫn để nguyên cho mợ Tư lãnh đủ. Dù là số tiền nhỏ, nhưng gia cảnh mợ Tư đang khó khăn đủ bề, nhất là từ sau ngày cậu Tư đổ bệnh, qua đời. Bao nhiêu của nả để dành đã thuốc thang cho cậu cả rồi. Thằng con mợ đi phụ quán karaoke trên thành phố, nhưng từ mùa dịch đến giờ, nó thất nghiệp. Hai mẹ con cũng chỉ trông chờ vào mấy công ruộng trồng bông súng, giá cả thì ba hồi trồi lên, sụt xuống. 

Nhiều đêm rì rầm bàn tính, cuối cùng vợ chồng Hai Thương quyết định hỏi ý kiến của ông Ba Pha.

Sau khi nghe vợ chồng con gái trình bày hết ý, cha bà thủng thẳng:

“Nếu các con đã tính như vậy, cha thấy cũng thuận. Chắc vong hồn cậu Hai con cũng sẽ ưng lòng”.

Giọng cha chậm rãi và ấm áp, bao nhiêu băn khoăn lo lắng trong lòng vợ chồng Hai Thương đều đã được giải toả. Bà ôm chầm lấy chân cha, những giọt nước ấm nóng chợt trào ra bên khóe mắt.

4.

Giữa lúc đang ngập trong những suy nghĩ về câu chuyện ngày xưa bà ngoại và má thường vẫn kể, Hai Thương giật mình khi cô em gái thứ tư lấy chồng xóm bên đã chạy xe đạp điện tới phụ đám. Nhà có sáu chị em, bốn gái hai trai nhưng chỉ có hai chị em gái và cậu em thứ năm ở quê. Những người còn lại lập nghiệp xứ xa nên mấy chị em ít khi gặp nhau đông đủ. 

Cô em gái nhanh nhẹn ngồi xuống bên chị Hai hồ hởi:

“Đâu, chị Hai làm được những gì rồi em phụ coi nào?”

“Đã làm được gì đâu, còn chờ dì xuống phụ đó. Mà nói vậy chứ, sáng nay chỉ gói bánh, chiều nấu mâm cơm chay cúng tiên thường. Sáng mai chị mới nấu đồ mặn làm chính giỗ”.

Cô em bưng thau nếp vào trong nhà đặt lên cao cho ráo nước, vừa đi vừa nói:

“Anh Tư nhà em hổm nói rồi đó nha chị, mai tụi em phụ cúng con heo quay. Chồng em đặt bà Sáu Thịt Heo rồi. Mỗi năm chỉ một lần cúng giỗ cả cậu và mợ Hai, chị em mình người một tay nha chị”. 

Hai Thương im lặng. Bà cảm nhận được rõ tình cảm và trách nhiệm của các em đối với gia đình mình. Điều kiện kinh tế thời bây giờ đầy đủ hơn hồi xưa rất nhiều nhưng thời gian và tình cảm con người dành cho nhau dường như càng ngày càng cạn dần. Chính vì vậy khi các em ủng hộ quyết định của vợ chồng mình, Hai Thương thật sự rất xúc động. Mọi người trong nhà cũng đều dành tình cảm đặc biệt cho cậu mợ Hai, xót thương cậu mợ chưa một ngày được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Nếu không hi sinh thì giờ đây, rất có thể cậu mợ Hai cũng như cha má bà, một bầy đông đủ cháu con, ấm êm hạnh phúc.

Chín giờ sáng hôm sau, các em bà Hai Thương và khách mời đã có mặt đông đủ. Năm mâm cơm cúng được dọn lên tươm tất. Hai mâm đặt giữa nhà cúng ông bà tổ tiên, mâm kế bên ngay trước bàn thờ vợ chồng ông Hai Nối. Mâm ngoài hàng hiên cúng “đất đai”, còn mâm đặt ngoài sân dành để cúng “chiến sĩ”, những người khuất mặt khuất mày. Trong khói nhang nghi ngút, Hai Thương cảm thấy sống lưng mình có cái gì đó gai gai. Đầu óc bà bỗng nhiên trở nên mụ mị như muốn tê cứng lại. Trên bàn thờ, tấm hình ông Hai Nối chợt như có một luồng ánh sáng tỏa ra mờ ảo…

Vừa lúc ấy, phía trước hiên nhà xuất hiện một người đàn ông mặc bộ đồ nhàu cũ, đôi mắt ông ta hấp háy như muốn nhắm nghiền vì những nếp nhăn xung quanh, tròng kéo mây mờ đục. Thân hình teo tóp gắng vịn vào một người đàn ông cũng đã đứng tuổi, tiều tụy không kém. Hai người lê từng bước một khó nhọc qua bậc tam cấp. Chẳng khó khăn gì, ông Ba Pha nhận ra ngay đó là cha con ông Chín Chao.

Sau ngày thống nhất, trong tàng thư của địch, Chín Chao lộ rõ là một tên chỉ điểm bí mật của tụi lính đồn Măng Đa ngoài thị trấn. Gần mười năm cải tạo, mãn hạn, Chín Chao không dám về quê hương mà đưa cả gia đình phiêu bạt sang mãi tận vùng Biển Hồ bên đất Căm-pu-chia làm nghề chài lưới kiếm sống qua ngày. Mấy năm gần đây, chính quyền bên đó đưa những người không có giấy tờ hợp lệ ra khỏi lãnh thổ của họ. Cùng đường, cả gia đình bốn thế hệ nheo nhóc lênh đênh trên con thuyền rách nát trở về quê hương tá túc. Bà con tình làng nghĩa xóm cho họ mượn miếng đất dựng căn nhà tạm bên bờ sông Cái Cỏ, hằng ngày chặt lục bình, giăng lưới kiếm miếng ăn đắp đổi. Mấy đứa cháu nội Chín Chao ban ngày theo mẹ đi bán vé số, ban đêm theo học lớp tình thương, xóa mù chữ do mấy chú bộ đội biên phòng mở trên đồn. 

Tay run run đưa nén nhang cho người con phụ cắm lên bàn thờ, Chín Chao quỳ sụp xuống nấc lên, những âm thanh trong cổ họng thì thào, kéo dài âm ỉ:

“Hai Nối, ông hãy tha lỗi cho tôi. Bao nhiêu năm qua tôi sống trong ân hận, giày vò lương tâm. Nếu không đến tận đây tạ lỗi cùng ông, tôi chết chắc cũng không được nhắm mắt”.

Mọi người trong đám giỗ im lặng. Ánh mắt Hai Thương nhìn ông Chín Chao như hờn giận, oán trách rồi bỗng cất lên tiếng cười giòn tan, đầy độ lượng. Dường như đó không phải là tiếng cười của bà mà là một người nào khác. Dứt tiếng cười, Hai Thương chợt thấy mình bừng tỉnh trở lại, những giọt nước mắt ấm nóng lăn dài trên gò má.

Ông Ba Pha cúi mình xuống đỡ ông Chín Chao, nhẹ nhàng nhưng rành rọt:

“Dù sao đó cũng là thời chiến tranh mà anh Chín, anh tới đốt cho anh Hai tôi nén nhang như vậy chắc ổng cũng đã an lòng rồi. Ra uống với tôi chung rượu nào”.

Ông Chín Chao ôm thật chặt vào bàn tay cũng rất khẳng khiu nhưng còn chắc chắn của ông Ba Pha rồi theo ra bàn tiệc. 

Một cơn gió từ ngoài sông bất chợt thổi vào khiến không khí đám giỗ trở nên trong lành, mát mẻ. Trên bàn thờ ông Hai Nối, những nén nhang thơm chụm lại cùng nhau bùng lên ngọn lửa chập chờn.

Dưới bến, như có tiếng xuồng ràn rạt cập bờ. Trên dòng nước, những bông lục bình tím trôi nhè nhẹ dưới gió.