Lục bát viết ngang là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thanh – một cây bút không còn trẻ, có thể nói đây là “nốt vui muộn mằn” lấy ý trong bài thơ Mưa đêm của anh. Nói thì nói vậy nhưng thực ra đến với văn học không lúc nào gọi là sớm và không lúc nào gọi là muộn. Văn chương là thú vui tao nhã, nó xoá nhoà mọi ranh giới tuổi tác hay địa vị xã hội của người cầm bút.
Và có lẽ chính vì thế mà tôi trân trọng cầm trên tay cuốn Lục bát viết ngang của tác giả Nguyễn Thanh.
Một tập thơ có cái tên khá lạ. Nhưng cũng cần nói ngay đây không phải tập thơ toàn thể lục bát. Lục bát viết ngang là một phần của tập thơ được chọn đứng tên cho cả tập.
Chúng ta thử đọc ngẫu nhiên một bài trong phần này.
Nhớ
Chia tay lại nhớ em rồi/Cái nhìn ngơ ngác cái cười thì duyên
Cái má thì lúm đồng tiền/ Cái thương cái nhớ về miền ca dao
Rõ ràng tác giả rất có ý thức cách tân thể thơ lục bát truyền thống. Một dòng có hai câu thơ; hai đấy mà một đấy. Người đọc không thể ngắt ra mà phải đọc liền một mạch. Người khó tính thì nói: Việc gì phải làm vậy, nhưng người đọc kỹ thì thú vị vì sự làm mới thể thơ quen thuộc đôi khi thấy nhàm chán của tác giả. Trong lòng có thể nhen nhúm một sự thú vị. Và phải chăng thế là tác giả đã thành công rồi?
Có thể nói 27 bài thơ lục bát ngắn của phần này là phần đóng góp của Nguyễn Thanh rất đáng trân trọng.
Và để minh chứng cho điều ấy, tôi xin trích thêm một vài bài khác của tác giả:
Hát với mùa đông
Ra về thơ cũng nghẹn ngào/ Để cho nốt nhạc rơi vào đêm đông
Hát đi em hát thoả lòng/ Vờ như chưa rét cho đòng đòng xanh
Đây nữa có thể là một trong những bài mà tác giả tâm huyết nhất:
Mưa đêm
Đêm trăn trở gió ngập ngừng/Bầu trời mặt đất lưng chừng mưa rơi
Nhạc buồn réo rắt trong tôi/ Khát khao nhặt những nốt vui muộn mằn
Tôi muốn dành phần thứ hai của bài viết về tập thơ cho phần thơ mang tên Đường chân trời, tập hợp những bài viết của Nguyễn Thanh khi anh đến những miền khác nhau của trái đất. Đó là những vần thơ được cất lên ở Matxcơva, St Peterbua (Nước Nga), Quebec, Toranto (Canada) Cali, San Francico (Hoa Kỳ). Rồi Myama, Trung Quốc, Singapore v.v… Anh dành tình cảm đặc biệt cho nước Nga – quê hương của Cách mạng tháng Mười. Anh nhớ lại.
Thế hệ tôi đi qua cuộc chiến tranh
Biết nước Nga qua từng câu chuyện kể
Một đất nước sao mà yêu đến thế
Thơ Putskin và vũ điệu Bạch Dương
Và biết ơn đất nước đã giúp Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc:
Dẫu hôm nay vật đổi sao dời
Vẫn ngọn lửa thiêng một thời Xô viết
Ngày nước Nga – sao mà tha thiết
Dòng người đi ngời sáng tự hào
(Chiều Matxcơva)
Đến nước Mỹ, giờ đây đã là một địa chỉ của tình hữu nghị, anh xao xuyến:
Cây cao bóng rợp bên thềm
Những đôi bạn mới như quen lâu rồi
Chuyện con chuyện nghiệp, chuyện đời
Ly cà phê sánh nhớ thời tuổi xanh
(Chiều xứ Cầu Vàng)
Anh cũng dành cái nhìn thiện cảm cho đất nước Canada mến khách.
Đường tới chân miền Bắc Cực
Sông cứ ngân nga khúc nhạc tình
Còi tàu vang vọng vươn ra biển
Ngô lúa tưng bừng điệu vũ xanh
(Hoa cỏ bay)
75 bài thơ ở phần thứ 2 của tập thơ mang tên “Những nẻo đường thơ” tập hợp những bài thơ viết trong suốt những năm tháng sống và làm việc của Nguyễn Thanh. Như bài thơ đầu tiên của phần này Tập thơ – Đời người anh đã tâm sự:
Nào những vui những buồn
Của một thời tha thiết
Tàu cứ đi mải miết
Tới những chân trời xa
Và đây nữa:
Một đời người gian truân
Vần thơ mang vị đắng
Một bầu trời xa vắng
Cánh chim thơ bay cùng
Chỉ mấy vần thơ ấy người đọc có thể dự cảm thơ đã có trong hành lý cuộc đời anh, là người bạn trong lúc anh khó khăn, là niềm an ủi những khi anh thất bại, là khúc nhạc vui khi anh thành công.
Anh dành những vần thơ thiết tha yêu thương nhất cho những người thân. Đây là thơ anh tặng con gái mình trong ngày lễ thành hôn.
Bài thơ cha viết tặng con
Đêm vui như mãi vẫn còn mai sau
Quê hương chùm khế ngọt ngào
Đời con cha mẹ ước ao duyên lành
Thơ tặng con tràn ngập niềm vui nhưng đấy cũng là lời nhắn nhủ:
Đi qua một cuộc chiến tranh
Lau hàng nước mắt hát thành hùng ca
Cũng mạch cảm xúc ấy là những bài Xuân đến cùng con, Khúc hát gửi con.
Và cũng như mọi thi sĩ, anh dành những vần thơ tình đẹp nhất cho người mình yêu:
Viết gì em khi cuối trời
Vẫn đôi mắt ấy nụ cười chờ mong
Xa xôi nhớ đến nao lòng
Tinh em như ánh trăng rằm dõi theo
(Bài thơ viết dở)
Tình yêu của anh sâu đậm phải chăng vì nó được bền quyện với tình yêu quê hương:
Quê mình đẹp lắm em ơi
Núi thường đôi ngọn trọn đời bên nhau
Bên sông đôi bóng hải âu
Đò sang đôi chuyến, sóng chao đôi bờ
Làng quê đôi vụ chiêm mùa
Tuổi thơ chung ngõ, bây giờ chung đôi
Thương nhau cái nết, cái cười
Say nhau như biển say trời triều dâng
(Lứa đôi)
Và còn đây nữa:
Năm xưa biển ấy mùa này
Gặp em để những vơi đầy lòng anh
Dòng sông in luỹ tre xanh
Duyên thầm cô gái ngọt lành Tiên Sa
Thế rồi đất nở mùa hoa
Với tà áo trắng hiền hoà cô dâu
Làng em qua mấy nhịp cầu
Nhà anh cô bác cau trầu xin duyên
(Sắc trời biếc xanh)
Mạch thơ được mở dần, từ cái Tôi sang cái Ta, từ cái riêng tư đến quê hương, đất nước. Khi đang công tác ở nước ngoài, anh nghe tin Biển Đông dậy sóng, cảm xúc trào lên đầu ngọn bút, anh viết;
Suốt tuần này sôi sục biển Đông
Một dân tộc tự xiết dần đội ngũ
Cha dặn con và chồng nhắc vợ
Tổ quốc lâm nguy, chúng ta lại lên đường
(Tổ Quốc)
Tấm lòng với đất nước của anh còn bộc lộ ngay cả khi anh khóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông qua đời:
Có kịp về không đồng đội ơi
Đại tướng chiều nay đã mất rồi
Trên đời có bao nhiêu danh tướng
Tướng của lòng dân, được mấy người
Có kịp về không đồng đội ơi
Anh Cả ra đi thanh thản rồi
Còn bao người lính trong thầm lặng
Dẫu phải hy sinh Tổ Quốc ơi!
(Có kịp về không đồng đội ơi)
*
Một sự ngẫu nhiên thú vị, Nguyễn Thanh và tôi đều là cựu học sinh của trường Phổ thông Trung học Thái Phiên Hải Phòng. Tôi là lứa học sinh tốt nghiệp đầu tiên của trường năm 1963. Cùng một lứa với tôi sau này là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng có Đình Kính, Lưu Văn Khuê, Lê Xuân Quỳnh, Phạm Đình Trọng, Chu Văn Mười và Nghệ sĩ nhân dân điện ảnh Đào Trọng Khánh. Còn anh, Nguyễn Thanh lại là học sinh lớp chuyên văn khoá 1 của trường và thành phố. Một mái trường ra đời nhiều nhà văn, nhà thơ như trường Thái Phiên của chúng tôi phải nói là rất hiếm hoi và rất đáng tự hào.
Như người ta vẫn nói “Mọi ngả đường đều dẫn đến thành La Mã”. Chúng tôi dù đi đâu, làm việc gì rồi cũng đến với văn chương, cũng lấy văn chương là sự gắn kết. Và bây giờ chúng tôi vui mừng vì có thêm Nguyễn Thanh khi anh đem đến văn học một “nốt vui muộn mằn” – tập thơ Lục bát viết ngang của anh do nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành.
Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân
Hội Nhà văn Việt Nam