Hoàng Cầm chưa bao giờ được xem là nhà thơ của lục bát như Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn… Trong tổng số tác phẩm của Hoàng Cầm (qua các tập Mưa Thuận Thành, Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông, Về Kinh Bắc, 99 tình khúc), thơ lục bát có tỉ lệ rất nhỏ so với thơ tự do là thể thơ giúp thi nhân thể hiện rõ những cách tân nghệ thuật. Song, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, chỉ với một ít bài thơ lục bát, Hoàng Cầm đã góp thêm vào kho tàng lục bát dân tộc những vần thơ ảo diệu. Tập thơ Gọi đôi (Lục bát Hoàng Cầm) đủ để làm nên một thi giới lục bát truyền thống và hiện đại. Lục bát Hoàng Cầm vừa kết tinh vẻ đẹp của ca dao, vừa lạ bởi những tìm tòi, nỗ lực làm mới của nhà thơ. Dù không chuyên tâm, song với lục bát, nhờ lục bát, Hoàng Cầm đã không chỉ cách tân thể loại thơ truyền thống mà còn góp phần đưa thơ Việt vào quỹ đạo của thơ hiện đại/ hậu hiện đại.
Hoàng Cầm chọn lục bát để làm dày thêm lớp trầm tích văn hóa dân tộc, làm sống lại những huyền thoại xa xưa. Trong thơ Hoàng Cầm, huyền thoại có khi bắt nguồn từ truyền thuyết, có khi là những tích truyện dân gian, những câu chuyện dã sử, những huyền tích được “giải thiêng” từ cảm thức thiên tính nữ gắn với tâm thức văn hóa dân tộc. Huyền thoại cộng hưởng với nhịp âm lục bát tạo nên âm hưởng ngân nga vang vọng:
Ngón tay nhẹ nữa búp măng
Kẻo mai phím nguyệt nâng bằng
Thiên Sơn
Phai đi nhạt nữa giận hờn
Kẻo mai trăng ngậm đẫm hồn
Trương Chi
Nương nhẹ, nâng niu chút duyên tình cõi tạm là tứ thơ phổ biến trong sáng tác Hoàng Cầm bởi nhà thơ luôn mang cảm thức “không đạt được”. Và một cách vô thức, những ám ảnh không đạt được này chi phối mạnh mẽ đến sáng tác của thi nhân. Mặc cảm không đạt được hóa thành ẩn ức, chôn vùi thành nỗi ám ảnh khôn nguôi về một ảo ảnh của hạnh phúc, tình yêu tuyệt đỉnh. Dẫu tiếc nuối cõi mơ hay bàng hoàng trước cõi thực, thi nhân rồi cũng đành lòng trước duyên phận của kiếp người. Sự lựa chọn trong nhiều trường hợp vẫn luôn là quay về với những huyền thoại cổ xưa, mượn điệu lục bát êm đềm để tự vỗ về, an ủi:
Cõi Trương Chi đã lạnh dần
Anh còn quấn tóc trói trần
(Thờ ơ)
Thơ Hoàng Cầm thể hiện rõ rệt xu hướng thiên tính nữ với tâm thức sùng mẫu – một dạng vô thức tập thể chi phối mạnh mẽ đến hoạt động sáng tạo của nhà thơ. Những huyền thoại lịch sử có khi cũng được bật ra trong thơ Hoàng Cầm dưới dạng thức này (huyền thoại Giáng Tiên – Từ Thức, Mị Châu – Trọng Thủy, Trương Chi – Mị Nương hay An Dương Vương, Thánh Gióng…). Những ám ảnh phồn thực cũng chi phối “con mắt thơ” của Hoàng Cầm, nhất là khi soi chiếu vào thế giới mĩ nhân cổ sử. Song các giai nhân ấy thường không chỉ là biểu tượng của cái đẹp đã được folklore hóa, đã thành huyền thoại (Ỷ Lan, Mị Nương…) mà còn là biểu tượng của những người phụ nữ Kinh Bắc, những người phụ nữ Việt khi hóa thân thành mẹ, thành chị, thành em, thành những nàng thơ. Trong bài thơ Thể phách tinh anh, qua những dùng dằng níu kéo giã bạn của người quan họ, Hoàng Cầm đã từ những hoài niệm về công chúa Lý Chiêu Hoàng để cất tiếng gọi người thương:
Chiêu Hoàng giận núi hờn khe
Trầu têm cánh phượng lỡ thề
tử sinh
Lí cây đa… Lí huê tình
Nguyệt cầm long phím dỗ dành
ai ca?
Người ơi! Người ở… hay là…
Trong cõi vô thức của nhà thơ, hai cõi thực mơ chưa bao giờ thôi lẫn lộn, nhòe mờ. Ngay cả trong “cõi thật em”, thi nhân vẫn luôn băn khoăn, hồ nghi, chập chờn với những huyền thoại quá khứ. Không gian, thời gian nhòe mờ. Cái ảo diệu của cõi Chị – Em, cõi tình được vọng lên qua những âm thanh bổng trầm xao xuyến, mang âm hưởng ngọt ngào luyến láy của một làn điệu dân ca:
Hoàng Cầm không phải là nhà thơ duy nhất có tác phẩm là sự khúc xạ của văn hóa. Thế nhưng, ở Hoàng Cầm các biểu trưng, các huyền thoại văn hoá mang tính chất tập trung và được lặp đi lặp lại như là nỗi ám ảnh. Phải chăng vì thế mà lục bát Hoàng Cầm vừa lạ bởi cách giải thiêng, thế tục hóa huyền thoại, vừa quen bởi mang đậm âm hưởng ca dao, dân ca.
2. Tư duy thơ hiện đại và những cách tân thể loại
Trong quan niệm chung, thơ lục bát giản dị, gắn với lời ăn tiếng nói của người bình dân. Lời thơ lục bát là “lời quê” theo cách gọi của Nguyễn Du, là lối nói “chân quê” chưa bị cái tân kì thị thành, chưa bị lối nói theo cú pháp Tây xâm chiếm như Thơ mới với các thể thơ tự do, thơ bảy chữ, như quan niệm của Nguyễn Bính. Nếu xem đây là tiêu chí để đánh giá thơ lục bát, có lẽ độc giả sẽ bối rối trước nhiều bài thơ của Hoàng Cầm. Lục bát Hoàng Cầm khác, lạ với lục bát truyền thống trước hết ở tính chất “bất khả giải” từ tứ đến ngôn ngữ thơ. Khác với lục bát trong ca dao, khác cả lục bát cách tân trên nền truyền thống của Nguyễn Bính, lục bát Hoàng Cầm là lục bát của lối viết tự động tâm linh gắn liền với thế giới của tiềm thức, của giấc mơ, của những vô thức tập thể. Có điều, thế giới hư ảo trong thơ Hoàng Cầm không phải là “thế giới kì dị” bởi những “lời thơ dính máu” của Hàn Mặc Tử, cũng không phải là thế giới vô thức từ bản năng sinh thực của Bích Khê. Trong thơ Hoàng Cầm, phần vô thức được biểu hiện mang đậm những yếu tố văn hóa Kinh Bắc. Đó là vùng nông thôn yên bình, thơ mộng được siêu thực hóa, là những mối tình trong trắng, hư ảo đeo bám dai dẳng từ tuổi ấu thơ, là những hoài niệm về cội nguồn dân tộc…
Đậm đặc trầm tích văn hóa dân gian nhưng nhiều vần thơ lục bát của Hoàng Cầm chỉ có thể cảm nhận từ “lăng kính ái ân” hiện đại chứ không thể cắt nghĩa:
Có thể nói, tính chất đối thoại, giao tiếp (có khi giao tiếp vắng mặt) khiến thơ Hoàng Cầm có khả năng gợi mở những vùng liên tưởng bất tận ở người đọc. Cái lạ mà quen của lục bát Hoàng Cầm chính là vừa giản dị, giàu cảm xúc lại vừa gợi suy tưởng với những tứ thơ đầy màu sắc tượng trưng, siêu thực. Bài thơ Mai sau dù có bao giờ là trò chuyện, thủ thỉ với em, với chính mình để đối thoại với tiền nhân:
Bài thơ Tinh anh thể phách là lời đối thoại của chủ thể trữ tình với “em” trong mịt mùng hư ảo:
Một trong những yếu tố tạo nên nét đặc sắc của thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm chính là ngôn ngữ. Có thể xem thơ Hoàng Cầm là “sự nổi loạn của ngôn từ thơ”(2). Qua khuôn khổ cố định của thể lục bát, có thể dễ dàng tìm thấy trong thơ Hoàng Cầm “độ nhòe” ngôn ngữ, với cách phối từ, đặt câu độc đáo, những tổ hợp ngôn từ lạ lẫm, khơi gợi trường liên tưởng. Điều đặc biệt hơn ở Hoàng Cầm là ngôn ngữ của ông tự bản thân nó cũng mang mạch ngầm của những giá trị văn hóa. Những táo bạo trong liên kết từ ngữ khiến thơ Hoàng Cầm có sức ám ảnh riêng:
Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Thơ phải thật sự là một cách giãi bày tâm sự độc đáo nhất, nghĩa là không thay thế được bằng bất cứ cách diễn tả nào khác”(3). Phải chăng cũng với một quan niệm thơ như thế, Hoàng Cầm vừa vô tình vừa hữu ý sử dụng lục bát theo một cách riêng, với một cách nhìn cũng rất riêng khi soi chiếu văn hóa vào thơ?
Khó có thể nói Hoàng Cầm đã cách tân thơ hay thơ đã đưa Hoàng Cầm vào diện những nhà thơ tiên phong của thơ cách tân. Bởi ông làm thơ theo thôi thúc của vô thức, của mộng mị. Và những phút thăng hoa nghệ thuật từ vô thức ấy đã mượn ngòi bút Hoàng Cầm để lựa chọn những hình thức tự do nhất của lối viết tự động tâm linh. Các biến thể trong lục bát Hoàng Cầm cũng xuất phát từ những nguyên do ấy. Vì lẽ ấy, dẫu những nét mới trong các biến thể lục bát ở thơ Hoàng Cầm rải rác vẫn có thể gặp ở Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn… nhưng lục bát Hoàng Cầm vẫn lạ theo một cách riêng biệt. Lục bát Hoàng Cầm vừa dân gian vừa hiện đại, vừa là nhạc vừa là thơ, vừa có “chuyện kể” lại vừa chỉ thuần cảm xúc; khả giải – bất khả giải; vừa thiêng vừa tục; nghiêm túc lại tếu táo, bông lơn… Hội tụ tất cả những đặc điểm trên, dòng thơ lục bát Việt Nam ắt hẳn không thể không ghi danh Hoàng Cầm, dù thi nhân chưa bao giờ được xem là nhà thơ sở trường lục bát. Lục bát giúp thơ Hoàng Cầm đậm đà hơn những vẻ đẹp của văn hóa dân tộc. Hồn cốt văn hóa dân tộc vốn sâu đậm trong tâm hồn thi sĩ, cũng qua lục bát mà có điều kiện tỏa rộng, lan xa
——
1. Xem thêm: Nguyễn Thụy Kha, Lời quê góp nhặt, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999, tr.62.
2. Xem thêm: Đỗ Đức Hiểu, “Thơ Mới – Cuộc nổi loạn của ngôn ngữ thơ”, Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
3. Xem thêm: Nguyễn Đăng Mạnh, “Thế giới thơ Hoàng Cầm”, Văn và dạy học văn, Nxb Thanh Hóa, 1993.
Theo Thái Phan Hoàng Anh – Văn nghệ quân đội