Lục bát thường bị ngộ nhận là thể loại dễ viết, dễ đem lại thành công cho người viết và dễ đi vào lòng người. Kì thực, tuy không rắc rối về luật thơ, không khó đọc như tự do, tân hình thức, nhưng thể thơ trên sáu, dưới tám vẫn có những có những thách thức riêng. Bởi lẽ, nếu chỉ biết đặt câu, chọn từ cho hợp vần thì đó chỉ là vần vè dông dài mà chưa chạm đến khúc thức.

Hình như, khi mới cầm bút, người trẻ nào cũng ít nhất một lần viết lục bát. Có người coi đó là bệ phóng để đi xa hơn, Nguyễn Quang Hưng từng có những câu lục bát đậm chất dân gian, một cuộc dấn thân thực sự:

Lái đò ơi bỏ con thuyền!

Để tôi tụng mãi câu nguyền bỏ không

Hạt mưa phơi phới lưng chồng

Mắt còn lúng liếng bãi sông một bờ

(Vụng tu)

Hay:

Chân đi mấy ngõ cho vừa!

Trăm nghìn lối cũ chỉ thừa chân đi

Chồng hờ dứt gió xuân thì

Ta đi thắm lại những gì bỏ quên

(Quan họ I)

Để rồi từ đấy, những bài thơ tám chữ, thơ tư do đầy suy cảm, triết luận cua anh phá vỡ biên độ thơ và cảm xúc:

Ngập đường là khói

Ngường ngược em

Chiều nổi gió

Ngón nhỏ

bấm đất

Mắt với

trời xa

Sập tối đường qua

Kẻ lại áo giấy cà sa

Thâm nụ tháng Ba

Ngày lũ

phập phù bòng bưởi

Chập chùng thiếp cưới

lên đồng

(Ngập đường là khói)

Nhưng, cũng không ít người chỉ ghé vào lục bát chút ít và chọn những thể thơ mới làm cứu cánh của mình. Để rồi từ đó, thơ của họ trở thành thơ của một nhóm những người có cùng thị hiếu, âu đó lại là một câu chuyện dài.


Nhà thơ trẻ Hoàng Anh Tuấn (ảnh nhavantphcm)

Trở lại với những người viết trẻ, Hoàng Anh Tuấn là một người thành danh với Mùa phơi váy (thể thơ 8 chữ) nhưng thực ra anh lại rất nặng lòng với lục bát. Nếu lâu nay câu lục bát gắn với cây đa, bến nước, con đò… như: “Trăng vàng đêm ấy, bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…” (Phạm Công Trứ); “Câu thơ nấp ở sân đình/ Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau” (Đồng Đức Bốn) thì Hoàng Anh Tuấn lại tự tin mà gieo lục bát ở sứ mây mù, đèo dốc: “Bắc thang cho ruộng lên trời/ Tay ai chuốt mạ nắng ngời môi xinh” (Một thoáng Sa Pa); “Bờ sông buốt tiếng từ quy/ Trâu nhai no khói, khói đi về trời” (Chiều bản Qua). Thoạt nghe, câu thơ gần gũi với những vần vè tiếu lâm, kiểu như “Bắc thang lên hỏi ông trời”, lại có dáng vẻ của những cách chơi chữ, làm chữ nhưng quả thực đó lại là một cách tạo hình (thi trung hữu họa) rất độc đáo. Nước từ trên cao bị níu lại từng bậc, bàn tay người cần mẫn đắp bờ dắt nước nguồn về thung lũng… Vậy mà ngẫm ra lại là cách bắc thang để “ruộng lên trời”, lúa xanh mướt đến tận trời xanh.

Trong sáng tác văn chương, cảm quan nghệ thuật và cảm hứng sáng tạo vốn là yếu tố quyết định đến tư tưởng, giọng điệu của sáng tác chứ không phải vốn sống hay tri thức. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, việc thay đổi hoàn cảnh, không gian sống, sự phai nhạt các giá trị truyền thống làm người viết trẻ hôm nay rất khó bắt nhịp vào lục bát truyền thống. Với Hoàng Anh Tuấn, những trở ngại đó được anh vượt qua bằng những cái nhìn mới mẻ về con người, về số phận:

Tới trường bụng dạ căng tron

Qua miền hoa gạo dì còn ngóng theo

(Dì ghẻ)

Câu lục bát ngắn ngủi nhưng mang sức gợi để chúng ta liên tưởng đến một câu chuyện dài. Câu bé con chồng được chăm bẵm no ấm, được đôi mắt dì ghẻ ngóng theo khi tới trường đủ nói lên tình cảm của hai dì con, một góc rất nhỏ trong cuộc đời nhưng có sức lan tỏa ấm áp. Cũng đôi khi, câu thơ chỉ đơn giản đến độ chất phác mà vẫn không rơi vào những kể lể sáo mòn:

Con trai, con gái bản Mèo

Nắm đuôi con ngựa mà theo nhau về”

(Vấn vương Bắc Hà)

Hay, cầu kì hơn một chút là:

“Hạt mưa lưu lạc xứ người

Dập vùi phố thị lại rơi mái đình”

(Phác họa mái đình)

Có thể, ai đó vẫn còn thấy nhà thơ trẻ của Lào Cai vẫn còn ít nhiều vương vấn với những câu thơ tám chữ (Gắp một miếng chất thị thành tan biến/ Bàn chân mình mọc muôn nhánh non tơ– Cao Bằng), năm chữ (Nả ngừng băm rau lợn/ “Lấy vợ thôi con à!”/ Tôi bỏ lên đồi cũ/ Thương một vùng nát hoa… – Những chiều tam giác mạch) nhưng anh vẫn thấy anh thiết tha với lục bát nhất.

Sự dung hòa giữa cảm nhận mới mẻ và những cảm hứng truyền thống, giữa sự nhuần nhị của vần điệu và sự chơn chu, đưa đẩy sáo mòn luôn là thách thức với người viết. Công bằng mà nói, Hoàng Anh Tuấn viết lục bát khá nhiều, thể nghiệm nhiều thể đề tài, góc nhìn mới mẻ nhưng chưa có thật nhiều những câu lục bát độc đáo. Hay nói cách khác, sự đóng góp về cách tân của anh chưa nhiều nhưng có lẽ đó là sự “chậm” rất hợp lý. Bởi lẽ, phải thực sự nhuần lục bát, tạo dựng được giọng điệu mới có thể làm mới được thể loại thơ này mà không bị sa vào những cực đoan. Những câu thơ lục bát hay dường như vẫn đang vẫy gọi, chờ đợi anh ở phía trước.

Bùi Việt Phương – Văn học quê nhà