Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn trẻ Phát Dương.

Gồm các truyện sau:

– Ba người bạn

– Chuông nắng trong mưa

– Dưới chân cầu nói dối

– Chân dung của gió

– Luật của làng

Phát Dương là bút danh của Dương Thành Phát

Sinh năm: 1995

Quê: Cần Thơ

Hội viên Hội nhà văn TP Cần Thơ

Công việc: Tự do

Tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn Tự nhiên say (nxb Trẻ), tập truyện ngắn Bộ móng tay màu đỏ (nxb Tổng hợp TP HCM), tập truyện ngắn Mở mắt mà mơ (nxb Văn hóa Văn nghệ), 100 cửa sổ (truyện dài thiếu nhi – nxb kim đồng)

Giải thưởng:

–        Giải nhất Văn xuôi cuộc thi Tác phẩm đầu tay do tổ chức bất vụ lợi Du Tử Lê Foundation tổ chức (2017)

–        Giải Nhì Truyện ngắn Cuộc thi bút ký – truyện ngắn Tạp chí Cửa Việt (2018 – 2019)

–        Giải Tư cuộc thi Một nửa làm đầy thế giới (2019)

–        Giải Ba thơ Tổ quốc và mẹ của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (2021)

–        Giải Ba cuộc thi viết Hà Nội thành phố tôi yêu của báo Thanh Niên (2021)

–        Giải Ba cuộc thi Truyện ngắn làng Việt thời hội nhập (2021)

– Giải khuyến khích truyện ngắn cuộc thi Sống đẹp báo Thanh niên tổ chức (2022)

–        Giải Ba cuộc thi tản văn Mùa xuân – Tổ Quốc và mẹ – Quán Chiêu Văn (2021)

–        Giải Ba Truyện ngắn Trẻ – Quán Chiêu Văn (2021)

–        Giải Ba cuộc thi “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH” DO QUÁN CHIÊU VĂN TỔ CHỨC (2021)

Nhà văn Phát Dương suy nghĩ về sáng tác:

“Dù yêu thích và tham gia đội tuyển học sinh giỏi Văn từ những ngày trung học, nhưng chỉ khi vào đại học tôi mới thật sự bắt đầu sáng tác truyện. 2017, dấu mốc ấy có lẽ chậm trễ so với nhiều người, nhưng không ai có thể xác định được đồng hồ sự kiện của riêng ai. Tôi nói những điều tôi không nói được trong văn, mơ mộng xây dựng thế giới mà nơi đó người ta ghé đến chuyện trò và thấu hiểu nhau, cũng như chia sẻ góc nhìn của mình. Viết, suy cho cùng, là nỗ lực không ngừng và sự cô đơn cần thiết. Có thể viết ra được đã là vui. Dần dà, bỏ qua những ham muốn bồng bột tuổi trẻ, ta bắt đầu tìm tới những giá trị, cho cả ta và những điều ta muốn viết ra. Trân trọng cả tích cực và bi quan, va vấp và thành tựu, chống gậy đi tiếp con đường với một cái chân đau. Rồi tất cả sẽ gặp nhau ở tương lai, nơi những tác phẩm giá trị ở lại và mở ra dòng chảy cho những thế hệ tiếp nối. Hoặc chỉ cần ai đó đọc truyện của tôi và nó giúp ích cho họ, coi như đã thành công trong khả năng hạn hẹp của mình. Mọi khát vọng xin để thời gian trả lời.

Mời quý vị nghe truyện ngắn LUẬT CỦA LÀNG của nhà văn Phát Dương, qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

LUẬT CỦA LÀNG

 Bần lần theo dấu máu của con nai. Máu nhểu tròn trên lá lốm đốm, đã sắp đen thẫm lại. Anh phải nhanh, bởi nếu bọn thú săn mồi đánh hơi được mùi máu, chúng sẽ cướp con nai trên tay anh. Bần đưa tay vạch đám lá cản đường, cẩn thận tránh những con nhện độc tên Dấu Chấm bò lơ đãng.

Vửa tìm Bần vừa lắng nghe giữa đám cây rừng chằng chịt thấp thoáng tiếng người. Tiếng nhỏ xíu, ẩn sâu dưới tán lá, dưới bóng cây, trong lùm bụi; như những cây nấm nằm lặng lẽ được ngụy trang bằng màu lá mục. Tiếng người khi dày khi mỏng, khi chới với giữa tiếng gió kéo lá đập vào nhau và tiếng động của đám thú rừng. Tiếng những người thân thuộc với Bần, người của làng. Chúng rời rạc không ra ngữ nghĩa, như tiếng gầm gừ của loài thú săn mồi. Đó là tiếng người của những chuyến đi tìm thức ăn, mà thốt ra chủ yếu để giữ liên lạc. Tiếng người chỉ dùng đúng nghĩa cho việc giao tiếp khi quy tụ về một chỗ, là làng.

*

Làng của Bần nằm lọt thỏm giữa rừng. Tưởng như một chỗ hụt của những mảng xanh nối liền nối liền nhau, nhìn từ trên xuống chắc trọc trơn như cái thẹo của rừng. Nghe đâu tổ làng là dân tứ xứ bỏ quê về đây mở đất lập làng. Tên của Bần cũng là do họ mang đến, từ tên một loài cây cắm rễ mọc khắp bờ sông, truyền xuống cho anh. Những con người kì lạ, lưng lúc nào cũng cong cong như dấu chấm hỏi. Có lẽ vì họ đã quen gánh mặc cảm còn đầy từ hồi ở đất cũ. Đứa trẻ vừa sinh ra cũng co quắp, như tự đặt dấu chấm hỏi cho đời mình…

Dấu máu dày hơn, nối thành đường đứt quãng. Con nai đã yếu dần nên chậm chạp. Chắc nó gần đâu đây. Bần nuốt nước miếng tưởng tượng răng mình cắm ngập vào thớ thịt nai nướng ngọt mềm. Và nuốt nước mắt nhớ lại khuôn mặt lem luốc của đứa con gái nhỏ, đã dại đi vì phải ăn cỏ lá nhiều ngày. Bần bệnh, vợ anh thì yếu, phải ráng lắm anh mới đi săn lại được.

Thật sự làng không thiếu đồ ăn. Chúng sẵn, thiên nhiên dâng tặng, nhưng đâu phải chúng tự bò tới miệng. Phải đi kiếm. Ở rừng mọi vật bình đẳng. Có hơn thì hơn ở sức mạnh, đôi khi là may mắn. Người tranh với người, cả với thú. Đôi khi săn được con heo rừng lớn, chưa kịp mừng xốc tới vác về cho vợ con thì đạp nhầm đuôi rắn, bị cắn gục chết bên xác con heo.

Tìm được gì thì ăn hết thứ đó, không giữ đồ ăn được lâu. Phải chi có muối. Bần từng nghe ông nội kể về muối. Muối mặn – cái vị đó chắc là ngon lắm, nên lần nào kể ông nội cũng chảy nước mắt vì thèm. Muối thần kì lắm. Nó giữ đồ ăn được lâu, nghe đâu cả tháng trời. Cả tháng trời có đồ ăn – Bần nghe thôi đã thấy lông trên người dựng thẳng lên vì không kìm được cơn hứng thú. Nếu được vậy, con anh sẽ không phải vì tiếc một miếng thịt nai đã bốc mùi hôi mà lén ăn, để cơn đau bụng hành xanh lét cả tuần.

Làng nghèo còn vì luật làng nghiêm. Cấm đem bất cứ thứ gì quý giá của rừng đem ra ngoài bán. Vừa sinh ra, Bần đã được ru bằng luật lệ. Nhẹ thì phạt roi. Nặng thì trục xuất. Nhất là loài vịt rừng, tuyệt đối không được bán. Cũng tuyệt đối không được ăn. Lúc mới biết nhìn lá đoán nắng mưa, anh đã bị hù dọa bởi truyền thuyết về lũ vịt rừng, mà đêm nào ông nội cũng kể. Truyền thuyết kể rằng lũ vịt rừng được sinh ra cùng lúc với đất này. Nghĩa là chúng có mối liên hệ đặc biệt với rừng. Chúng, đám vịt xấu xí màu lông như màu thân cây bám rêu loang lổ xanh nâu, có một quyền năng đặc biệt. Nếu ăn thịt hết chúng, tức là nếu chúng biến mất khỏi vùng đất này, làng cũng biến mất.

Một câu chuyện nghe rất hoang đường, được đảm bảo bằng sự căng thẳng của lớp người già mỗi khi nhắc tới. Mà lũ vịt đó, đã xấu xí lại còn làm nổi, chúng tìm bạn tình bằng cách dựng ngược lông lên để lộ lớp da đỏ chói lòa. Trong màu xanh nhàm chán của rừng, đỏ là màu nhức nhối dễ gây chú ý nhất. Dễ bị săn lùng nhất bởi đám thú ăn thịt. Thú thì làng không quản được vì chúng thuộc về rừng. Còn con người? Chẳng lẽ không thuộc rừng? Bần hỏi những câu hỏi mà chẳng ai trong làng trả lời được…

*

Đước kể Bần nghe về vị muối. Nó chia cho anh một hột nhỏ, từ cái túi may bằng da trâu rừng nó đeo kè kè bên người, giấu dưới lớp vỏ cây bện đứt mối để che thân. Nó nói người ta cho nó. Người ở ngoài làng.

 Hạt muối nằm trong hai lòng bàn tay khum khum chụm lại của Bần. Nó trắng, nhìn như một viên đá nhỏ thô ráp, nhưng hễ đưa ra nắng thì ánh lên lấp lánh. Thật đẹp. Là muối đó. Muối mà ông nội hay kể, mà ba thì không tin là có thứ kì diệu như vậy. Phải chi ông nội còn sống, Bần sẽ đâm nó ra cho ông một chút. Để ông bớt run như người lên cơn sốt, mắt đỏ và rơm rớm nước nhô hẳn hốc mắt như người bị ma rừng nhập, khi nhắc về muối. Nếu ba còn sống, Bần sẽ đặt hột muối vô tay ba, cho ba cầm, cho ba nhìn, để ba biết là ông nội không dựng chuyện.

 Bần không định sẽ ăn muối liền một mình. Anh nghĩ tới vợ con. Mà anh cũng không kịp ăn. Khi anh còn đang lóng ngóng cầm hạt muối như gã trai cầm con thú săn được đầu tiên, người của trưởng làng đã xộc tới trói nghiến Đước. Bần đã kịp giấu hột muối vào bên trong tấm da thú khoác trên người, chỗ “túi trong”. Rồi làm bộ hớt hải như không hiểu chuyện gì xảy ra. Nhưng Bần đã hiểu tất cả. Hiểu Đước đã làm gì để có muối. Muối đến từ nơi khác, xa lắm, ngoài rừng. Đến từ những con người bận thứ trang phục kì quặc, mặc dù cùng ngôn ngữ với làng nhưng có nhiều chỗ khó hiểu. Họ có thứ mà những người dân ở làng không có: muối, vải, gạo,… và cả dụng cụ tạo ra lửa dễ dàng bằng một cái nhấn mà họ gọi là hộp quẹt. Họ sẵn sàng, thậm chí ngon ngọt mời mọc, cho bất cứ ai trong làng muốn. Đổi lại, họ muốn thứ mà làng có: cây thuốc, hoa dại, đá núi, da thú, ngà voi… và nhất là – họ đổi rất nhiều thứ vì nó – lũ vịt rừng. Mà như vậy thì phạm luật của làng.

 Bần biết chắc Đước đã bắt trộm vịt để đổi muối, và nhiều thứ khác nữa mà nó chưa kịp khoe với anh. Vịt không của riêng ai, nhưng nó được mặc định của rừng, lấy cho người là trộm. Đước không phải người đầu tiên. Nhiều người đã từng làm như nó, vì nhiều thứ – cho bản thân hay cho gia đình. Tất cả đều nhận chung một hình phạt: bị trục xuất khỏi làng.

 Khác với những người khác, Đước có vẻ không sợ. Tới khi thấy nó dẫn vợ con rời khỏi làng, Bần thấy mình chao đảo. Như một sợi dây leo bị bứt khỏi thân gỗ, bị gió đẩy chơ vơ quơ quào trong không khí. Liệu anh biết sớm, anh có nên ngăn Đước? Khi mà lúc đi, miệng nó không ngớt cười. Vợ con nó cũng có buồn đâu. Xách theo những túm của lạ người ngoài làng đổi cho, chúng nó có vẻ hớn hở lắm. Như đi nhận chia phần của cuộc săn chung, chứ không phải vào chỗ khổ sở đau đớn. Nó như một cái tát thẳng vào mặt anh, xây xẩm y hệt như cái tát ông nội tát lúc còn nhỏ anh giương ná định bắn con vịt rừng bước lạch bạch ngang qua lều.

 Tát thẳng vào lòng tin Bần dành cho những luật lệ của làng. Nó xé rách tiếng thở dài của ông nội, khi ông nói rằng ngoài rừng khổ lắm. Nó cào nát ánh mắt xa xăm của bà nội, khi dặn dò ba và anh phải ở lại làng. Nó nhai nuốt những lời đồn dày như thảm lá mục trong rừng, về những thêu dệt kinh khủng của vùng đất ngoài rừng. Rằng chỉ có làng mới là nơi để người làng sống. Rằng rời đi là nhục nhã ê chề là cầm chắc cái chết. Liệu chúng có đúng không, khi gương mặt của Đước và vợ con nó không vướng một sợi buồn? Và họ không ngoảnh lại lần nào.

*

Từ ngày đám người lạ vào rừng mang theo đủ thứ kì quặc, bọn thú cảnh giác hơn. Dường như rừng đánh hơi được sự xâm lấn, cây cối càng ngày càng rậm rạp, chim chóc muôn thú càng ngày càng kín tiếng. Đi săn trở nên khó khăn. Đám thú anh cố gắng săn về chỉ đủ gói ghém qua ngày, không dư để đổi được gì. Có lúc đi hoài mà chẳng lần được một dấu chân thú, cả nhà đành ăn rau trừ bữa.

 Nhưng dù rừng có rậm rạp hơn cũng không che giấu được làng. Bằng cách này hay cách khác, đám người lạ vẫn tìm đến được làng. Con đường mà họ đi qua đã thành đường mòn: Cây cối hai bên bị chặt tơi tả. Họ đến, phơi ra những thứ dụ hoặc, để người trong làng bán mạng và cuộc đời cho họ.

 Vài thứ họ cần đúng là khó tìm. Cũng chính nhờ khó tìm, người trong làng có thể lén lút làm mà không lo bị trưởng làng phát hiện. Bù lại, cái giá phải trả rất chua xót. Có người leo lên vách núi dựng đứng hái lá thuốc, trượt chân bỏ xác dưới vực. Có người bị rắn rết, nhện độc cắn, nằm lại trong rừng, vài ngày sau là mất tích dưới đám lá rụng và giòi bọ. Vậy mà, người trong làng vẫn liều mạng đi. Tất cả cũng vì một chữ: nghèo.

 Mắc cười nhất là thứ đám người lạ thèm muốn và trả giá cao nhất lại là thứ rất dễ tìm. Đám vịt rừng. Dễ, bởi chúng dạn người làng, thản nhiên đi lạch bạch qua làng. Qua bao nhiêu năm chung sống, chúng hình thành một phản xạ có điều kiện rằng bước qua làng thì an toàn. Cũng phải, vì cái truyền thuyết kì quái đó, trưởng làng một mực bảo vệ chúng.

 Đôi lúc, Bần đã ước mình trở thành một con vịt rừng. Để biết cảm giác được che chở, không lo nghĩ ra làm sao. Sợ vào rừng bị thú ăn thịt, thì cứ trốn trong làng. Còn người, ở đâu cũng chết, nếu nghèo. Sao mà bất công quá.

 Sự bất công đã tràn tới làng. Đã có những người đánh đổi cả cuộc sống đem những thứ bị cấm đổi cho đám người lạ. Những ngày chưa bị phát hiện, chưa bị trục xuất khỏi làng, họ trở thành tầng lớp cao hơn. Họ có những thứ người khác không có. Chẳng hạn như dao, búa bén ngót, áo quần ấm áp, muối, thức ăn… và thuốc.

 Khi người ta đứng ở vị trí cao hơn, người ta bắt đầu thay đổi. Họ nhìn những người từng ngang bằng với mình chỉ bằng nửa con mắt. Họ dùng những thứ có được từ đám người lạ để ra lệnh cho những người trong làng. Thiếu gì người nghe theo, vì nhận gián tiếp như vậy đâu có phạm luật của làng. Những con người hiền như đất bắt đầu nổi điên, để tranh giành.

 Bần không thể nào quên cái đêm đó. Cái đêm anh bị người ta trói nghiến, ngửa mặt nhìn vợ kêu cứu dưới tấm lưng nhấp nhô của gã khác. Trời ơi. Chúng nó, tất cả chúng nó, đều là người chung làng với anh. Từng thân thiết, từng gần gũi, từng chia sẻ. Ai cũng mang bộ mặt thật thà, cho đến khi lòng tham lột nó xuống. Giờ thì rõ, rõ rồi. Cũng đã muộn, khi điều duy nhất Bần có thể làm là nhắm mắt lại để những cảnh đau đớn không lọt vào mắt. Chân vợ anh như thân cây bị voi giẫm, cong lên rồi rớt xuống, giẫy giụa rồi lặng yên. Buông thõng bất lực.

 Tới lúc Bần tự cởi trói được, cái lúc bọn nó đã kéo nhau đi hết, anh không thể lay tỉnh vợ mình được nữa. Một góc rừng hoang tàn. Vợ anh nằm trên đó. Chết rồi. Cô cắn lưỡi khi đám đốn mạt đè nghiến cô xuống đất. Sao anh ở sát bên mà không hay? Sao anh ở sát bên mà không làm được gì?

 Bần không tha thứ cho mình. Anh đã nghĩ chỉ cần vợ còn sống, anh sẽ quên hết tất cả mà sống tiếp với cô. Nhưng sâu thẳm sự ích kỉ trong anh nghĩ khác. Vợ anh biết rõ điều đó, nên cô ấy chọn cái chết. Bởi nếu sống bên một người nhìn mình ít nhiều lạnh nhạt, và ghê tởm, có khác gì chết đâu.

*

Từ cái chết của vợ Bần nghĩ đến luật làng, luật làng rất nghiêm. Nhưng cái tháp luôn có đỉnh và chân, anh lại nằm chỗ chân cái tháp đói nghèo. Bị ức hiếp, anh ức. Chúng nó có gì hơn anh đâu? Chúng nó dám đánh đổi, tại sao anh không? Chúng đi được thì anh đi được. Anh cho cái truyền thuyết chỉ để dọa người. Cái truyền thuyết đó rõ ràng không công bằng. Tại sao một hai người làm, một hai người đổi lấy giàu sang mà cả làng phải chết? Điều vô lý đó không thể tồn tại. Anh không tin. Chắc chắn không tin. Đứng trước mộ vợ, anh đã thề phải thay đổi cuộc đời. Anh còn đứa con gái, anh phải lo cho nó. Anh sẽ bắt vịt rừng đem đổi. Rất có giá. Nó sẽ giúp anh có được nhiều thứ. Nó sẽ nâng anh cao ngang với bọn chúng, những kẻ đã bước xuống giẫm đạp anh.

 Bần đã quyết, nên anh không còn sợ gì nữa. Anh lạnh lùng đứng đối diện với trưởng làng. Đối diện với đôi mắt ngầu đục của ông. Nhìn anh, trưởng làng biết có nói gì cũng vô dụng. Con thú bị thương sẽ né tránh người. Anh đã chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận. Trưởng làng đuổi, anh đi. Bằng đám vịt rừng, anh sẽ có được những thứ cần thiết để rời khỏi đây. Anh sẽ đạp lên tất cả mà đi. Lên luật lệ, lên truyền thuyết. Lên những ngăn cấm mà từ lúc sinh ra đã buộc vào cổ anh như thòng lọng.

 Bần ẵm con trong tay, chân kiêu hãnh bước. Nhưng anh thấy lưng mình nóng ran, như bị đốt cháy. Như cái gì đó xuyên thấu qua. Là ánh mắt, ánh mắt ngầu đục của trưởng làng. Bần không biết anh sẽ ám ảnh đôi mắt đục ngầu đó mãi mãi. Cả lúc đi và lúc lê lết trở về.

*

Bần quỳ cầu xin.

Trưởng làng đứng đó, chắc trưởng làng không ngờ Bần dám trở về. Những người đã rời đi có ai quay lại đâu. Một số tự đốt mình bằng tham vọng rồi tàn, một số bỏ mạng. Một số khác không nghe tung tích, hy vọng đã sống yên ổn ở đâu đó. Chỉ có Bần trở về. Chỉ có Bần cầu xin được về làng.

Bần đã đi khỏi làng, khỏi rừng như những người khác đi. Ngoài kia, đất đai bao la màu mỡ, là thiên đường. Cây cỏ tươi tốt, muông thú đầy rẫy. Còn mong gì hơn? Nhưng Bần lầm. Ngoài đó, không có cái gì là của chung. Tất cả là của riêng, và đều được định giá. Bần bị đánh khi bẻ trái cây. Bần bị xua đuổi khi săn một con vật nhìn khá giống loài sói. Anh đem những thứ quý giá của mình ra đổi. Họ cười, nhổ nước miếng vào mặt anh. Những thứ anh nâng niu, những thứ anh đánh đổi bằng cuộc đời trong làng, chỉ là những thứ thừa mứa ở chỗ họ. Đầy. Rẻ rề. Muối? Có những cánh đồng trắng xóa mênh mông. Lúa gạo? Nếu nó quý thì nông dân đã giàu. Còn những dụng cụ khác, chỉ là đồ dùng thường ngày của họ.

 Giữa lúc chới với đó, Bần nắm được một sợi dây. Có người chìa tay với anh, nói rằng anh giống một người quen của họ. Anh mừng rỡ giới thiệu về mình, về ba mình, về ông nội mình. Tới ông nội anh thì họ biết. Họ dắt anh về nhà. Họ nấu ăn mời anh. Ngon lắm, những món lạ lẫm anh chưa từng ăn bao giờ. Phải chi vợ anh còn sống, cô ấy cũng sẽ được ăn thử chúng. Anh vừa đút cho con ăn vừa khóc. Người ta lắc đầu, chắc lưỡi tội nghiệp.

 Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, Bần thấy mình nằm ở một chỗ khác. Hình như một cái cũi làm bằng kim loại. Con gái anh đâu không thấy nữa. Bần kêu thét khản cổ. Mãi mới có người nghe. Người ta giải thích cho anh biết như một sự hàm ơn: anh đã bị gạt.

 Ở đất này có những người thiếu nợ mấy đời không trả nổi. Có những người phạm tội, không cần biết oan hay không, trốn đi. Có những người bị ruồng bỏ. Tất cả họ đã đi vào rừng, lập thành làng. Bần là con cháu của họ. Đừng tưởng lâu như vậy thì anh thoát. Họ đi, nhưng nợ còn đầy và tội còn đó. Chỉ cần con cháu của họ xuất hiện, chúng sẽ phải gánh thay. Như anh. Chúng bị truy nã. Bị lùng bắt. Những người bắt được sẽ có thưởng. Và gã làm bộ quen anh đã gạt anh vì lẽ đó. Gã được thưởng tiền. Còn anh nai lưng ra làm trả số nợ của những người anh không biết mặt để lại. Con anh bị bắt đem bán.

 Bần không biết mình đã mất bao nhiêu ngày để trốn được. Và mất bao nhiêu ngày nữa để tìm thấy con. Mất thêm bao nhiêu ngày nữa để vào rừng, tìm làng. Chưa bao giờ anh thấy làng thiêng liêng như bây giờ. Trước đây anh mong mình là một con vịt rừng để được làng bảo vệ, giờ anh mới nhận ra làng và rừng đã bảo vệ anh từ lâu. Từ rất lâu rồi. Chỉ có làng mới chứa chấp anh, cho anh chỗ tồn tại.

 Bần quay về, mặt cúi sát đất. Anh không dám nhìn vào đôi mắt ngầu đục của trưởng làng. Đôi mắt đó đầy trong những giấc mơ anh. Nó trở đi trở lại, rất nhiều, như bầy dơi bay trong đêm tối. Nó buộc anh chấp chận là mình sai. Anh đã phạm luật làng, anh không đáng được tha thứ. Nhưng thật lạ, trưởng làng vẫn giang tay đón anh.

– Về được cũng tốt.

Làng vắng, có lẽ vì người ta đã chán cảnh rừng núi nên dọn đi đâu cả rồi. Những người chưa biết gì như anh lúc trước, háo hức tìm hướng đổi đời. Làng thưa thớt tới mức đáng sợ, đi cả buổi mới đụng mặt người. Nhiều ngôi nhà bỏ hoang, xơ xác. Và đau đớn hơn Bần nhận ra rừng không còn như xưa nữa. Những người muốn ra đi đã giúp đám người lạ phá hoại nó. Biết bao thứ bị rứt khỏi rừng. Rừng lở lói. Rừng ngập vết thương. Giờ rừng chỉ còn xương trơ ra cho người gặm cầm hơi. Lác đác vài cây cỏ ăn được. Thú rừng ít ỏi. Cả món rau rừng yêu thích của làng cũng không còn. Nhưng dù sao thì, đây là nơi duy nhất những người của làng có thể sống được. Bần phải ở lại đây.

*

Bần ẵm con chạy trong đêm. Lều của trưởng làng gần, mà anh tưởng như phải chạy xuyên rừng. Con gái anh lên cơn sốt, nó đang co giật không ngừng trong tay anh. Căn bệnh lạ anh chưa từng thấy ai mắc phải. Trưởng làng, ông ta là người biết nhiều những thứ ở đây, chắc ông ta có thể chữa được nó. Anh phải cầu cứu trưởng làng.

 Trưởng làng coi Bần như không tồn tại. Ông ngồi vắt vẻo trên cái cây trước lều, nhìn xa như một con cú già cỗi. Mặc kệ Bần quỳ sụp van xin, mặc kệ nước mắt anh rơi ướt một vùng cỏ. Ông lắc đầu, mỉm cười ngồi hát. Ánh trăng hắt xuống ông, bóng ông đổ xuống đất nhìn như hình một con vịt rừng đang co mình ngủ. Ông cứ hát, những lời hát rờn rợn vô nghĩa. Bần đứng bật dậy. Anh phải cứu con. Anh điên cuồng lay ông.

 Trưởng làng rú lên cười. Ông cười sằng sặc, tiếng vang vọng khắp rừng đêm. Chim thú nghe động, dáo dác bay, hớt hải bỏ chạy. Ông kể bằng cái giọng ồm ồm như vọng về từ lòng đất.

– Mày chê chúng tao lạc hậu, mày nói truyền thuyết không có thật, giờ mày thấy chưa? Tao cũng từng không tin như mày. Tao đã từng muốn chứng minh. Và giờ tao đã chứng minh nó được rồi. Mày cũng thấy rồi đó. Muộn rồi. Mỗi thứ ở rừng đều có liên hệ như một sợi dây dài. Đứt một mắc, sợi dây treo tảng đá sẽ rớt xuống đè bẹp mọi thứ bên dưới. Mày không thấy sao? Rau rừng mất rồi. Rau đó là thuốc, là thuốc mày hiểu không? Đất làng này có độc. Mọi thứ đều có độc. Rau là thuốc. Mà rau từ đâu ra? Từ vịt rừng. Đám rau đó cộng sinh với đám vịt. Đám vịt tụi mày đem bán, tụi mày kêu người đến bắt. Tự tụi mày giết tụi mày, giết luôn tất cả chúng tao. Làng vắng, mày có biết vì sao không? Họ chết dần rồi. Bệnh như con mày. Không có thuốc chữa đâu. Đám vịt mất rồi, chúng ta cuối cùng cũng phải chết thôi.

 Bần khuỵu xuống. Mồ hôi lạnh ướp lấy anh. Anh thẫn thờ nắm lấy tay con. Nó đang đau đớn, co quắp lại như nắm lá héo. Hơi thở nó yếu dần, yếu dần. Đám vịt, sao anh không nhận ra chúng đã biến mất khỏi rừng rồi. Anh nhìn xuống tay mình. Đôi tay này đã nắm ngang cổ từng con vịt rừng đem đổi lấy cuộc sống ngoài kia. Và giờ đôi tay này nắm lấy tay con anh, đang co giật từng hồi. Giẫy giụa như con vịt rừng bị giết. Anh hoảng sợ rụt tay lại. Chính anh đã gián tiếp giết con mình.

 Đêm dài dằng dặc. Tiếng thở của con Bần nhẹ dần rồi biến mất. Cơ thể nó thả lỏng, như được giải thoát khỏi cơn đau. Anh run rẩy chạm vào con. Người nó còn ấm. Nhưng nó đã đi rồi.

 Trưởng làng rú lên cười nhìn xác đứa bé, nhìn Bần rồi đi lang thang vào rừng. Bóng tối nuốt chửng ông. Giọng cười ông thành dây đan ngang dọc, như những mạng nhện giăng khắp khu rừng. Đến khi trời hửng sáng từ chỗ giọng cười đứt, người ta thấy con vịt rừng bay lên…

Bần bế con đi về hướng có bóng vịt rừng.

Đi mãi, đi mãi…

Phát Dương

Exit mobile version