Ngày thơ Việt Nam năm nay, sân thơ trẻ gồm 9 nhà thơ trình diễn với danh xưng Link hương cửu kiếm. Nhiều người bất ngờ và đôi phần “choáng váng” với cái tên này bởi nghe nửa Tây nửa Tàu, lại giống âm hưởng của truyện chưởng. Đem đao kiếm ra mà gắn vào Nàng Thơ liệu có phù hợp lắm hay chăng? Chuyện cái tên nửa Tây nửa Tàu sẽ tính sau, người viết bài này muốn ủng hộ cho hai từ cửu kiếm và sẽ chứng minh rằng đem đao kiếm vào thơ cũng là chuyện thường tình, chuyện hiểu được, thậm chí làm khéo còn có thể hay, để lại những câu thơ bất hủ lưu vào sử sách.

Xét trong thi ca của Tàu và của Ta, người đưa chữ kiếm vào thơ một cách sớm nhất và hay nhất có lẽ là Lí Bạch. Trong bài Hành lộ nan, ông viết:

Đình bôi đầu trợ bất năng thực

Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên

(Dằn chén ném đũa nuốt không được

Vung gươm bốn phía lòng mênh mang.)

(Nguyễn Khắc Phi dịch)

Lí Bạch vốn là người từ nhỏ đã say mê kiếm thuật, 15 tuổi đã nức tiếng cả về tài kiếm lẫn tài thơ. Ông còn lên núi Đái Thiên Sơn để luyện kiếm và học đạo, sống cuộc đời của một ẩn sĩ trong vòng 2 năm, sau đó xuống núi làm hiệp sĩ, mặc áo trắng, vai đeo bẩu rượu lớn, chống kiếm lên đường đi viễn du. Làm trai sinh ra trong thời loạn, khó có thể không dùng đến kiếm. Trên một “nền tảng cơ sở” như thế, cũng là dễ hiểu vì sao Lý Bạch có thể viết được hai câu thơ với giọng điệu bất khuất như trên, thể hiện được cái chí của một kẻ sĩ văn võ song toàn. Sau này, “kiếm” một lần nữa tái hiện trong thơ Lí Bạch nhưng qua một biến thể khác là “đao” và câu thơ về “đao” này cũng nức tiếng không kém gì câu thơ trước, được nhiều thế hệ đi sau ngâm ngợi:

Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu

Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu

(Tuyên Châu Tạ Diễu Lâu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân)

Dịch nghĩa:

Rút đao chém xuống nước nước càng chảy mạnh

Vung chén tiêu sầu càng sầu thêm

Dịch thơ:

Rút đao chém nước nước trôi

Sầu nâng chén rượu ôi thôi càng sầu

(Khuyết danh dịch)

Đao và kiếm trong những câu thơ của Lí Bạch không còn là chất liệu, là hình ảnh nữa mà nó đã được thổi hồn sống động, được nâng lên thành hình tượng nghệ thuật để diễn tả những cung bậc tâm trạng của con người trước thời cuộc. Tâm trạng ấy thường là bất bình, buồn thương, thậm chí là bi phẫn trước nhân tình thế thái. Nhưng bi mà không lụy, đao và kiếm trong thơ Lí Bạch cho ta cảm giác về những ngạo khí, tráng khí hiên ngang của một cốt cách không bao giờ bị khuất phục.

Chuyện đao kiếm trong thơ Tàu, một đại diện Lí Bạch đã là quá đủ, giờ ta sẽ chuyển qua thơ Việt xem đao kiếm được đưa vào như thế nào. Trong thi ca trung đại Việt Nam, người đưa kiếm vào thơ sớm nhất có lẽ là Đặng Dung (? – 1414) đời Trần qua bài thơ Cảm hoài nổi tiếng:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỉ lộ Long Tuyền đái nguyệt ma

(Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày)

(Phan Kế Bính dịch)

Hai chữ ứng vào đao kiếm trong hai câu thơ trên chính là Long Tuyền, một loại gươm báu của thời xưa. Tản Đà trong một bản dịch khác đã giữ lại nguyên vẹn hai chữ Long Tuyền này:

Việc đời man mác, tuổi già thôi!

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

Tan tành sự thế luống cay ai!

Phò vua bụng những mong xoay đất,

Gột giáp sông kia khó vạch trời.

Đầu bạc giang san thù chửa trả,

Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi.

Câu thơ Đặng Dung với hình ảnh “gươm mài bong nguyệt” đã diễn tả được tâm trạng xót xa bi phẫn của người anh hùng lỡ vận. Nỗi buồn thương ấy cũng là sự bất lực, bế tắc khi thời cuộc không thể xoay vần, cá nhân không thể đảo ngược bánh xe của lịch sử. Câu thơ của Đặng Dung cũng là một câu thơ hay hiếm hoi với hình ảnh đao kiếm trong thời kỳ trung đại của văn học Việt Nam. Nói như thế bởi có đôi lần, đao kiếm xuất hiện nhưng chỉ dừng lại ở tầm cỡ thi ảnh, chất liệu, không nhuốm được vào đó chất tâm trạng để rồi nâng lên thành hình tượng nghệ thuật:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt

Xếp bút nghiên theo việc binh đao

Chín lần gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh

(Chinh phụ ngâm – bản dịch Đặng Trần Côn)

Bẵng đi hơn 400 năm, đến nửa đầu thế kỷ 19, thơ Việt mới lại xuất hiện những câu thơ hay về  kiếm trong hồn thơ Cao Bá Quát (1809 – 1855). Đầu tiên là đôi câu đối nổi tiếng thường được coi như biểu tương về tâm hồn và khí phách của thi sĩ họ Cao:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Dịch nghĩa:

Mười năm bàn đạo giao du khó như tìm gươm cổ

Một đời ta chỉ biết cúi đầu trước (vẻ đẹp) hoa mai

Dùng một chữ cực cương, dương tính (kiếm) để đối lại với một chữ cực nhu, âm tính (mai) mà không hề gò bó, khiên cưỡng, trái lại còn khiến câu đối được cấp thêm một đời sống khác, bỗng trở thành một câu thơ hạng nhất, đẹp lung linh với nhiều sắc thái vừa tương phản vừa hòa hợp. Sau này, Huy Cận trong thời kỳ chống Mỹ đã mượn tứ của Cao Bá Quát để viết nên câu thơ diễn tả hình ảnh dân tộc Việt Nam:

Sống lãng mạn bốn nghìn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

(Đi trên mảnh đất này)

Sau câu đối – câu thơ nổi tiếng trên của Cao Bá Quát, người yêu thơ Việt còn một lần nữa bị lay động bởi một hình ảnh kiếm khác trong bài thơ Hiểu quá Hương giang (Buổi sáng sớm qua sông Hương) của ông:

Trường giang như kiếm lập thanh thiên

(Sông dài như kiếm dựng trời xanh)

Liên tưởng dòng sông dài như thanh kiếm dựng trời xanh là một liên tưởng hết sức độc đáo và táo bạo, có thể nói chưa từng thấy trong văn học cổ kim Đông Tây, kể cả trước đó và sau này. Câu thơ mang vẻ đẹp của một không gian đa chiều: chiều dài, chiều rộng, chiều cao và cả chiều sâu trong sự phản chiếu của mặt nước với trời xanh.

Sang thế kỷ XX, có lẽ do những bước tiến vượt bậc của nhân loại về chế tạo vũ khí mà hình ảnh đao kiếm bỗng mang lại cảm giác ước lệ, được coi là có phần sáo mòn, ít gặp hẳn những câu thơ hay mang thi ảnh này. Một đôi lần xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính, kiếm/gươm hoàn toàn mang màu sắc ước lệ cổ điển, không gây được những hiệu ứng và cảm giác mỹ học mới:

Mơ gì Ấp Tiết thiêu văn tự

Giày cỏ gươm cùn ta đi đây

(Hành phương Nam)

Sông lạnh thấy đâu người gọi gió

Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm

(Xuân vẫn tha hương)

Trong thơ của Hồng Nguyên thời chống Pháp, kiếm còn hiện lên với nghĩa đen trần trụi, thô ráp hơn, tách rời mọi kỹ thuật và biểu đạt tu từ:

Lột sắt đường tàu

Rèn thêm đao kiếm

Áo vải chân không

Đi lung giặc đánh

(Nhớ)

Những tưởng khó có thể tìm gặp được một câu thơ hay về gươm/ kiếm nữa trong thi ca hiện đại thì cách đây ít lâu trong tập thơ Những khúc tửu ca (chưa xuất bản) của Lĩnh Tung Ma, tôi đã bắt gặp một câu thơ ấn tượng:

Lan xưa gió cuốn bay rồi

Rút đường gươm cũ nước trôi lạnh lùng

(Uống)

Cái hay của câu thơ là ở chỗ không phải “rút gươm” mà là “rút đường gươm”. Câu lục và câu bát xuất hiện 3 cặp từ ứng đối nhau rất thú vị: xưa – cũ, gió (phong) – nước (thủy), bay – trôi (làm liên tưởng đến câu thơ Xuân Diệu: Cái bay không đợi cái trôi/ Từ tôi phút ấy sang tôi phút này). Câu thơ có thể nói đã tái hiện, phục dựng được không khí cổ điển nên gươm xuất hiện một cách tự nhiên mà không bị rơi vào mòn sáo, ước lệ.

Trương Trào trong kiệt tác U mộng ảnh có viết một câu nổi tiếng: Điều bất bình nhỏ trong đời, uống rượu vào có thể tan được. Điều bất bình lớn trong đời, không dùng gươm không thể dẹp được”. Như vậy, đừng bao giờ ngần ngại  xem có nên đưa kiếm vào Thơ hay không, đừng bao giờ phân vân nghĩ rằng Nàng Thơ mềm mại thướt tha không phù hợp với thanh Kiếm Sắc. Miễn là Đao Kiếm đi vào thơ phải trở thành hình tượng đẹp, thậm chí lộng lẫy, diễn tả được những điều ở bên ngoài Đao Kiếm thì chắc chắn rằng những câu thơ như thế sẽ mang đầy cơ hội Để Lại Cho Đời vậy!

Exit mobile version