I.
Thuyền rồng về khi mặt trời vào ngay chính ngọ.
Nắng đổ chan chát xuống cờ xúy, kèn trống rợn ngợp hai bên bờ. Nắng tắm nhoen nhoét xiêm áo mũ mão, những tấm lưng trần ngang khố còn lấm tấm vệt bùn.
Tiếng trẻ con say nắng khóc ré chìm lỉm trong tiếng reo hò, trống thúc từ đồng loạt ba mươi chiếc thuyền.
Trống rền khắp bể. Trống rung bọt sóng rẽ ra từ những mũi thuyền. Đoàn người đang phủ dọc hai bờ Châu Giang cũng rung theo. Những mái đầu búi tó củ hành hết đổ sang trái lại dồn về phải. Những ánh mắt lúng liếng dưới vành nón lá cọ hết chạy từ thuyền nọ lại ngoặt sang thuyền kia.
Nào Phụng, nào Ngư, Xà, Hổ, Báo… Những chiến thuyền bất bại được nắng tô thêm vẻ kiêu hùng, lừng lững phủ quanh thuyền Ngự cả một vòng hào quang muốn lóa mắt. Những tấm giáp trụ dũng mãnh, những bờ vai phục sức hổ đầu oai vệ dàn hàng, bọc lấy bóng áo bào tía vừa được đỡ xuống bến cùng tán lọng vàng.
Lớp lớp những mặt người úp xuống đất cho một cái lạy dài.
Đức Thái Tông chỉnh lại dáng đứng uy nghi khẽ gật.
Đám mũ mão, khăn the cúm rúm đầu hàng đón bắt hơi gió từ cái gật nhanh như chớp. Những ánh mắt vẫn không ngẩng lên ngó qua nhau kèn cựa. Những khóe miệng bắt đầu tranh nhau uốn éo lời tụng xưng có khả năng đem chủ nhân nó thoát khỏi chốn bãi bồi heo hút, về với đất kinh kì.
Lý Thái Tông vẫn trìu mến từng ánh nhìn rọi xuống đám con dân. Kế bên Ngài, Hộ vệ tướng quân Lý Dũng mắt nghiêm cẩn, tay vẫn không quên gác hờ lên đốc kiếm.
Lại thêm một con thuyền lớn nữa vừa ì oạp cập mé sông.
Không sáng loáng giáp trụ. Không ồn ào kèn trống. Tuôn ra từ lớp vỏ sơn đen bóng, xộc thẳng lên bờ mùi hương rậm rật cánh mũi, ngầy ngật da thịt. Đến cả loạt cà sa vàng đang kính cẩn cúi đầu bên cạnh Ngài Ngự cũng lạc một nhịp lần tràng hạt.
Thái Tông thả lơ lửng một ánh mắt.
Hướng đó, hiện rõ trên thuyền, những tấm thân ngà ngọc, lồ lộ từng nét lượn rắn chắc dưới manh áo trắng. Những bắp chân màu vàng nâu ướp nắng mẩy căng lên. Mùi dị hương sánh đặc tỏa ra từ bầy nữ tù binh Chiêm đang xuống bến lôi tất cả vào cơn bồng bềnh đến chóng mặt.
Có tin đồn quá nửa chiến lợi phẩm đoàn thuyền đoạt được từ Chiêm bang lần này là trinh nữ. Nhiều cổ họng đàn ông trên bờ bỗng nuốt khan, khô khốc.
Nồng nã mùi hương xối lên nắng, lên cả nghiêm cẩn nóng bức lâng lâng một ảo giác. Ảo giác về những tấm rèm lụa mát rượi phủ quanh giường bị giật nắm, nhồi thúc. Về những cần cổ nâu rướn rướn trong tiếng thét hoan lạc, đau đớn.
Chính lúc ấy, giữa đoàn người nhô ra một gương mặt đàn bà.
Gương mặt thanh thoát bật lên hẳn với góc cằm nhỏ, vầng trán rộng và đuôi mắt rũ dài.
Đức Thái Tông rùng mình. Vừa lướt qua Ngài là gương mặt pho tượng Quán Thế Âm vẫn hay đến đảnh lễ trên núi Tiên Du.
Ngài Ngự không ngừng được, vụt xoay mình rồng. Quán Thế Âm vẫn đang đứng trước mũi thuyền, giữa đám nữ tù binh, áo trắng phất phơ.
Cũng có hai ánh mắt nữa bị dáng người mảnh khảnh nọ dính chặt lấy.
Một sợ sệt, rúm ró cả ngón tay chỉ: “Đó là người ngài cần!”. Một hớn hở đẩy lại vào vỏ lưỡi kiếm dọa dẫm bén ngọt. Và trong lúc sợ sệt vẫn còn chưa thôi run rẩy, thì hớn hở đã lẻn khỏi đám đông, sải chân về hướng cổng sau của hành cung.
Hai thị nữ đã chờ sẵn ở đó, đợi tin.

II.
Nữ tù binh Chiêm được kèm giữa hai thị nữ băng tắt qua khu vườn rộng chỉ trồng tuyền một loại cây thấp xanh rì lá.
Khoảng sân họ đến phơi đầy những búi tơ như những búi tóc trĩu nặng vàng ươm cả mấy dãy sào tre. Gian phòng duy nhất sau khoảng sân, ngay trước cửa là đôi khung cửi gỗ đen óng ánh vân nâu.
Chiêm nữ rùng rình chân bước.
Màu gỗ đen sao giống khung cửi đặt dưới hàng hoa Champa mát rợp, nơi nàng vẫn ngồi dệt cả những cánh hoa rơi trên màu lụa trắng chảy mềm. Suýt chút nữa nàng đã ngồi xuống chạm tay lên thớ gỗ.
Nhưng hai vạt váy đen loạt xoạt bước qua ngưỡng cửa cao đã nhắc nàng nhớ: đây là Đại Việt.
Người đàn bà Đại Việt chờ nàng trong gian phòng vẫn còn mang thân hình một đứa trẻ con.
Chỉ có khuôn mặt là khằn lại. Hai bên khóe mắt, khóe miệng, đóng vệt những nếp gấp dưới lớp phấn dày. Tấm áo trực lĩnh vàng rực rỡ nàng ta khoác không đủ che mảnh xiêm màu cỏ úa.
Trâm vàng, trâm ngọc giắt đầy khắp nhưng lại như nặng trịch thêm cái cần cổ nổi rõ cả những mạch gân xanh, cố gồng lấy mái đầu.
Cầm chiếc quạt lông ngỗng trắng muốt nhẹ phơ phất cũng là bàn tay xanh rớt, chi chít những vệt tím bầm khó hiểu.
– Mau yết kiến Công chúa! – Một thị nữ khẽ đẩy.
Nữ tù binh Chiêm cúi nhẹ mái đầu.
– Ta nghe nói nàng có tài dệt lụa?
– Chỉ là lời đồn, thưa Công chúa!
– Không cần phải giấu. Người Phật Thệ đã nói với ta nàng là thợ dệt giỏi nhất kinh thành. Hãy dạy ta dệt, được không?
Công chúa Đại Việt chồm hẳn người về phía trước. Giọng vẫn là giọng trẻ con tò mò, háo hức.
– Chút tài mọn, thật không dám, thưa Công chúa!
– Nàng… Nàng biết không, phụ vương ta đang mở tiệc mừng công. Dạy ta dệt. Hoặc vào đoàn hầu rượu cho các tướng quân. Tùy nàng chọn!
Nữ tù binh Chiêm tái mặt.
Công chúa Đại Việt cả cười. Tiếng cười lanh lảnh nhức tai giữa những âm bỗng khàn lại, đục ngầu của lời nói.
Nữ tù binh Chiêm ngơ ngác. Ai đang nói? Cô công chúa mang thân hình trẻ con? Hay những nếp gấp đang xô lại, kéo xệ cả gương mặt vụt già nua?
Tiếng cười vẫn chói lói giữa gian phòng tĩnh lặng. Nhưng có thứ gì đó đang thắt lại. Điếng buốt. Tiếp theo cái cười lành lạnh, một giọt nước bị kéo lê khỏi mí mắt sùm sụp của công chúa.

III.
Vũ khúc Tây Thiên.
Bầy Chiêm nữ uốn mình cong những cánh tay ngà. Xoay. Chỉ thấy loang loáng những ánh đá đỏ đính trên những lỗ rốn sâu. Loang loáng những gò ngực vút cao như đỉnh tháp.
Viên thái giám hầu quên dừng tay rót. Một dòng rượu ngự cả lên áo ngự của Đức Thái Tông. Đợi mãi không thấy cơn thịnh nộ nào bùng lên như thường lệ, con rồng lớn thêu trên ngực áo hấp háy một bên mắt bị tẩm rượu, nhìn xuống.
Sau các bàn ngồn ngộn rượu thịt, những gương mặt đàn ông đờ đẫn ngơ ngác.
Ít phút trước thôi. Ở đó, còn có những vị tướng quân oai dũng, miệng giắt đầy chiến công và bóng lưỡng mỡ thịt. Những bậc mưu thần mỗi lần nâng chén là một lần mắt đảo tròn, tính kế. Rồi còn cả những đấng văn nhân, học sĩ tao nhã đến từng nhát đũa gắp, từng câu hích kháy nhau.
Tất cả đều đã chết chìm trong những hõm rốn sâu.
Con rồng lớn gục gặc đầu.
Bập bùng, réo rắt từ những nhạc cụ xa lạ dù sao cũng đỡ ù tai hơn những “Năm nay vùng gặp hạn lớn, may nhờ được đón Chân Long, khẩn xin cứu trợ!”, “Lộ Trung tráng đinh sung quân đông nhất. Nay khải hoàn xin được ban chút công lao…”.
Không biết bao lâu mới được tận mặt rồng, hạn hán mất mùa, xin đất xin phong dại gì dịp này không thay nhau trở đi trở lại, để thể nào chẳng được rớt vài giọt mưa móc từ dòng men chiến thắng còn hừng hực.
Lại dòng kèn nữa xé gió vút lên. Một chuỗi trống dập ạt ào mê mải.
Đức Thái Tông khẽ nhích người trên ghế tựa. Sau lưng Ngài, hộ vệ tướng quân Lý Dũng mắt nhìn thẳng, tay vẫn gác hờ lên đốc kiếm.
Vũ điệu đương hồi cao trào. Nhoang nhoáng ánh đá sáng đỏ viền quanh những hõm rốn mĩ nhân. Nhoang nhoáng những vệt lửa nến khuếch màu sáng từ ánh đá tán xa, lan dài mãi.
Ngài Ngự khẽ lắc đầu. Một gương mặt vừa chập chờn. Gương mặt thanh thoát với vầng trán rộng, đuôi mắt rũ dài.
Chỉnh thẳng lại dáng ngồi, Ngài Ngự thình lình quay qua tướng quân Lý Dũng. Một bên má rồng vẫn còn in rõ dấu bóng đá đỏ.
– Sao trẫm không thấy công chúa?
– Thị nữ có sang bẩm, mai Người sẽ vấn an, thưa Hoàng thượng.
Viên thái giám rót rượu giờ mới lấy lại tươi tỉnh trên gương mặt xanh xám, nhanh nhảu.
– Bẩm. Nghe kẻ dưới trình từ ngày ra hành cung, công chúa luôn cần mẫn chăn tằm, dệt lụa. Người còn đem cách làm khung cửi, cách ươm tơ học được từ kinh sư truyền hết cho bọn thị nữ ở hành cung và dân làng. Khắp nơi nơi ai cũng ngợi ơn Người, ơn Thánh thượng thánh minh…
– Công chúa đã làm rạng mặt Trẫm. Truyền ban thưởng viên dạ minh châu của hoàng hậu Chiêm cho con gái ta. Đức sáng của công chúa xứng đáng với những gì đẹp nhất!
– Thánh thượng thánh minh! Viên ngọc quý sẽ càng đẹp trong ngày Đông chí…
Đức Thái Tông khẽ gật gù. Không phải vì tiếng nhạc lại thúc dồn một điệu xoay, mà là vì viên thái giám hầu. Y thật không kém gì đám sử gia, biết nhớ đúng những gì cần nhớ.
Tay Ngài Ngự lần đếm. Đông chí xem ra cũng chẳng còn xa mấy. Chắc phải cho công chúa theo đoàn thuyền khải hoàn để kịp về kinh.
Tù trưởng bộ lạc Ma Thiêng tiết Đông chí này sẽ thân hành đến bái yết. Đó là kẻ trước ngày đoàn thuyền xuất chinh dâng về kinh sư một bức thư viết trên tấm da hổ tẩm thơm nức mùi kì hoa dị thảo. Mùi thơm lan sang cả tấm bản đồ một vùng đất thênh thang đi kèm. Ngào ngạt chảy ròng trên những con chữ thô kệch phút chốc bỗng trở nên đáng yêu đến lạ.
“Tù trưởng Ma Thiêng xin dâng đất cầu thân. Mong được ban lại một nàng công chúa!”
Đức Thái Tông bất giác lẩm nhẩm lại dòng chữ vừa vụt qua trong trí nhớ. Chỉ một bên mép Ngài Ngự hơi động cựa trong cơn sảng khoái bất ngờ. Không nhìn những gương mặt đã đỏ ké màu rượu, màu đá sáng từ những hõm rốn, Ngài cười.

IV.
Lách cách… Lách cách. Mấy hôm rồi vườn công chúa đỏ đèn. Thoi là gió thoăn thoắt luồn qua khung dệt.
Lộc cộc… Lộc cộc. Tiếng xa quay guồng tơ là tiếng ngựa phi.
Gió đông bắc lại vừa về xáo xác vườn dâu. Bao đợt gió tràn nữa thì qua Đông chí? Đàn bà Ma Thiêng có phải ngồi luộc kén, kéo tơ?
“Người dệt lụa tâm nên là lụa phẳng”.
Công chúa trượt một đường thoi. Sợi xô nhau rối nùi trên mặt lụa. Thị nữ xô lại. Kẻ căng khung cửi, kẻ mắc lại tơ, kẻ gỡ mối nhàu.
Khung cửi bên kia, thoi trơn tru vẫn xuyên mặt lụa ơ hờ.
Giá có thể đứng phắt dậy, dỡ toang tất cả.
Chiêm nữ! Nàng ta thì biết gì.
Kẻ chỉ ngồi ghé xuống là thoi như tự đưa, khung tự dệt. Kẻ mỗi ngón tay không khác gì một vị tướng soái, nhẹ khua là muôn ngàn sợi dọc sợi ngang răm rắp tách nhập, ghép nối, đánh hàng. Kẻ mắt ở hút vườn dâu, hồn lang thang Phật Thệ mà trổ trên mặt lụa vẫn lộng lẫy một thân rồng, óng ánh đến từng cái vảy vàng.
Kẻ tài hoa như nàng ta… thì biết gì.
Mười một tuổi đã phải ngồi bên khung cửi. Đôi chân trẻ con thèm những cành cây cao trong ngự uyển, thèm vẫy vùng tóe nước hồ nơi ngự hoa viên, bị buộc vào xa quay mẹ bằng một sợi dây vàng.
Dây lụa giấu dưới váy bầy cung nữ ngồi quay quanh khung dệt. Vua cha chỉ nhìn vuông lụa căng dưới đôi tay trẻ con, gật gù, khẽ xoa đầu.
Sử quan mài mực, bắt đầu gò lưng nắn nót “Vua dạy cung nữ dệt vải” thì khắp kinh sư tiếng thoi đã giòn giã như tiếng trống.
Trống thúc những guồng xa quay tít mù đánh ống. Trống lay những bọn tằm biếng lười nhất cũng phải ủ kén, ươm tơ. Trống giục cả lũ thân dâu già teo tóp vắt đến dòng nhựa cuối cùng để dâng thêm từng chiếc lá.
Gấm vóc Bắc phương co rúm trên những quầy buôn, lủi thủi trên sạp hàng chợ quê rồi mục rĩu theo từng bước chân ngựa gùi qua biên ải.
Lụa ca khúc khải hoàn, tha thướt óng ả cả những gót chân bọn cung nữ quét miếu thờ.
Nhưng năm năm… Ngồi trước khung cửi tay tím bầm hằn vết thoi đập vào đau điếng, mắt hoa lên vì những mối tơ giăng mắc dọc ngang.
Mẹ đã thôi tiếng thở dài cứa hơn cả vết dây vàng buộc chân mỗi lần đứng nhìn bên khung cửi.
Giá mẹ cũng thôi cái dáng tựa người ngong ngóng mắt ra phía vườn dâu mỗi chiều tà.
Năm năm. Chỉ những thân dâu mẹ trồng trước cửa cung là rậm rì nhân lên mãi. Dâu lấy từ đất Tầm Tang quê mẹ. Lá nõn căng tròn. Xanh nhưng nhức. Lụa đầy, tơ ắp, tằm say men trong chiến thằng ngủ vùi. Héo hắt vì chờ đợi, lá đem trút cả nhức xanh vào nền đất. Bầy cung nữ đốt lá, khói rải mỏi mòn lên khắp các cửa cung.
Kiệu vàng bộn bề bao ngả đường phải ghé. Khi chốn thiền môn sơn dã. Khi nơi đồng ruộng nhộn nhịp tịch điền.
Năm năm. Sao không ngả đường nào dẫn kiệu trở lại cửa cung giờ đã ngăn ngắt màu dâu.
ntkh
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
Cứ nơm nớp nỗi sợ mẹ rồi như lá, một ngày rơi vào đất mà lòng vẫn còn ưng ức nhựa xanh.
– Con sẽ đi Ma Thiêng, mẹ à!
Mẹ ngừng tay rải lá trên nong, mắt ướt.
Mắt người đẹp nhất xứ tầm tang giờ cũng hằn chi chít vệt tơ giăng.
– Thì thôi… cũng đành… con ạ. Vì lẽ nước. Bình Dương, Trường Ninh, Kim Thành… các chị con đều đã phận yên rồi.
– Lẽ nước là gì hả mẹ? Là đem phận nữ nhi mà đổi về dăm tấc đất đó sao?
Tay mẹ bụm miệng con, mặt thoáng chốc mang màu như lá.
– Hỏi xằng! Lẽ nước… là lẽ nước! Biết chưa?
Ừ. Thì biết. Biết nên dậm dày phấn để cặp má nhợt nhạt thường ngày trở nên hồng ửng màu hạnh phúc. Biết nên giắt đầy trâm ngọc, trâm vàng để mái tóc xác xơ mang óng ánh niềm vui của kẻ sắp lấy chồng.
Ngày xuất giá, chắc sẽ thấy bóng kiệu vàng bùi ngùi dừng trước cửa cung. Chắc sẽ thấy lại long lanh, rạng ngời bừng trên gương mặt mẹ. Và đương nhiên, lại sẽ nhận một bàn tay ban khen xoa lên tóc.
Ai bảo trót sinh ra là phận phải buộc chân vào một sợi dây vàng?

V.
Trăm mối dọc, chục mối ngang
Nửa vạn chín trăm chín chín hàng
Tay lựa tay giăng
Tơ là suối
– Công chúa có biết yêu?

Chiêm nữ nghiêng đầu bên khung cửi, mắt như sao.
– Tháng mười một, tiết Đông chí này, vâng mệnh phụ hoàng, ta xuất giá!
– Còn tình yêu?
– Đất Ma Thiêng trù phú lại hiểm yếu. Người Ma Thiêng chất phác, thuần hậu. Về Ma Thiêng là giữ vững phên dậu cho nước nhà, đem no ấm thái bình cho trăm họ!
– Còn tình yêu?
– Chỉ là thứ tình cảm ủy mị yếu đuối của bọn văn nhân!
– Công chúa rồi sẽ là nữ thánh!
– Còn nàng?
– Tôi chỉ là người đàn bà dệt lụa.
Chiêm nữ điểm một cái cười. Giọng không âm sắc. Chỉ đuôi mắt rũ dài hơn theo những mối tơ giăng.
Trăm mối dọc, chục mối ngang
Nửa vạn chín trăm chín chín hàng
Tay lựa tay giăng
Tơ là suối

Công chúa Đại Việt lại lẩm nhẩm câu hát cũ, tay say sưa miết theo một đường tơ. Công chúa giờ mới là thợ dệt.
Chiêm nữ nhắm mắt.
Giá tiếng hát người ngồi bên khung cửi trong thêm chút nữa. Sẽ là lời hát đó. Lời hát đã vang dưới gốc Champa. Hoa trắng rơi đầy vuông lụa trắng. Người trai đi hái lá dâu, từ sau những thân cây tiếng hát cũng đổ về như suối.
Hát rằng:
Ơ… em! Gandharva(1) nhảy múa trên những ngón tay em
Laksmi(2) nhìn ta từ sóng mắt em
Ta lạc giữa dâu xanh, giữa trời xanh, hay lạc giữa em?
Tiếng hát là dòng suối tắt ngang khi cùng đoàn chiến thuyền ra biển.
Biển đỏ rực màu sóng. Biển sáng loáng bóng gươm. Chiến trận.
Rồi giông tố. Rồi sấm chớp. Thân dâu già cuối vườn bật gốc, lá xẻ chân chim hóa màu trắng xác, phất phơ bay giữa đêm như những mảnh khăn tang
Vườn nát, dâu tàn. Người trai có về hát ngoài kia không trong vườn dâu Đại Việt? Người trai có trách hờn khi hòa giọng cùng chàng là tiếng hát công chúa người Đại Việt?
Chàng đừng trách mà hãy thương nàng ta. Kẻ không hề dệt áo cho mình…


VI.
Vườn dâu xanh xạc xào lá gió. Khoảng sân trĩu vàng khẽ đung đưa những búi tơ.
Hai thị nữ không bước vào mà chia nhau đứng gác ngoài khung cửa.
Người vừa đi giữa họ, dù giữa bốn bề rèm lụa giăng vẫn không dám nhìn lên.
– Mừng chàng đã trở về!
Công chúa nắm tay người, mắt ướt. Rèm lụa không một gợn nào dù gió.
Rồi cũng đến lúc này.
Trong khúc khải hoàn vang dội khắp Châu Giang, nàng đã nhốt mình giữa bốn bức tường, ngồi ngắm những lá dâu tròn. Trong tiệc rượu mừng công sáng rực cả hành cung, nàng đã miệt mài từng đường thoi đau buốt ngón tay.
Nàng những muốn kéo dài, muốn ẩn trốn. Nhưng rồi cũng đến lúc này.
Tay người ấm. Hơi ấm từng trùm lên khi nàng trượt chân ngã xuống hồ.
Bọn thị nữ kêu thét, lũ thái giám cuống cuồng. Nhưng chỉ có hơi ấm là bọc lấy nàng.
Một khắc, trước khi chạm chân lên mặt nước nàng còn thấy lạnh. Giấc mơ đầy rẫy những sợi dây vàng bủa lấy, xiết chặt, giật kéo. Nàng phải chạy trốn chúng. Phấn sáp, trâm vàng, trâm ngọc nàng vung ra, bơi dưới đáy hồ. Nàng cũng muốn được như chúng, muốn được bơi. Nàng muốn trở lại là nàng, cô bé của những năm trước mười một tuổi.
Nhưng còn lẽ nước. Còn kiệu vàng. Còn dáng người năm năm tựa mãi bên khung cửa. Phấn sáp, trâm vàng, trâm ngọc. Nàng phải nhặt. Đôi chân lâu không tóe nước đánh lừa nàng. Chới với giữa mặt hồ lạnh cóng, nàng nhận ra có những thứ còn đáng sợ hơn cái chết.
May mà vòng tay đã quấn được nàng. May mà bắp thịt săn cứng đã xiết quanh được ngực nàng. Rồi món tóc đen rũ nước đổ xuống má nàng. Rồi mùi đàn ông cuộn đẩy nàng lên với khí trời.
Nàng đã ngộp. Một cơn ngộp khác, không vì nước. Cơn ngộp lần đầu tiên nàng chạm đến trong đời.
Mùi đàn ông đó giờ ở đây.
Trong lòng bàn tay gồ vết hằn còn in rõ hình đốc kiếm. Trên gương mặt, bụi sa trường đã làm sạm đen, khắc khổ. Và trên vòm ngực rộng, nàng chỉ muốn úp mặt vào.
Rồi cũng đến phút này…
Nàng giũ áo. Tấm áo đầu tiên nàng tự tay mắc từng đường tơ.
Trăm mối dọc, chục mối ngang
Nửa vạn chín trăm chín chín hàng

Thoi chưa bao giờ chạy đều như thế. Những rối rắm giăng mắc cũng chưa bao giờ rõ ràng đến thế.
Không cần một ánh mắt giả trầm trồ nào trước thứ lấy lên từ khung cửi. Nàng cũng không cần nữa, một cái xoa đầu chỉ nhìn vào bàn tay đặt trên vuông lụa.
Rong ruổi khắp các phường dệt chốn kinh sư, lặn lội cả về những thôn tầm tang xa nhất, cuối cùng ai mà ngờ nơi hành cung này, nàng đã tìm thấy nó. Tấm áo sự thật.
Khoác lên nào! Đôi vai đã giải thoát nàng khỏi giấc mơ về lưới dây vàng. Đôi vai nâng nàng lên cùng những bồng bềnh ấm áp, những ngộp xiết khao khát. Đôi vai sau ngày Đông chí sẽ chỉ là ảo ảnh xa mờ cùng bóng dáng kinh thành.
– Đây là tấm áo em đã dệt…
– Công chúa! Xin tha tội…
Tấm áo trợt khỏi vai người lùi lại. Bàn tay công chúa chơ vơ giữa thinh không.
Không có tấm rèm nào lay động. Chỉ vai người quỳ mọp đang run.
– Thần bạo gan xin ngăn công chúa. Xin Người kềm lòng nhi nữ thường tình. Xin nghĩ đến Thánh thượng, đến nước nhà, đến muôn dân…
– Muôn dân! Muôn dân sao?
Tiếng cười công chúa lại bật ra. Âm thanh như xé thủng tai người.
– Chàng… Tướng quân, ngài biết không? Còn ai… ai sẽ nghĩ cho ta?
Công chúa thét muốn rạch toang rèm lụa.
Hai thị nữ hốt hoảng xô cửa. Trâm ngọc, xuyến vàng vỡ nát. Quạt lông ngỗng tả tơi, thảm hại nơi góc nhà.
Lảo đảo, chỉ mình công chúa tựa vào tay đỡ của hai thị nữ ngã ngồi xuống ghế.
Trong chờn vờn sáng vừa đổ qua rèm lụa từ đôi cánh cửa mở vội, gương mặt công chúa ngửa trên thành ghế là một sự xáo trộn, co rút đến biến dạng của những nếp gấp. Rồi bất ngờ như khi bắt đầu, như vừa hoàn thành xong một sự sắp xếp tối thượng, những nếp gấp trở về lại vị trí của nó trên gương mặt đầy phấn sáp.
Để cuối cùng, hai thị nữ thấy công chúa cúi xuống người đang quỳ, cong một vành môi.
– Chiêm nữ nói đúng. Ta nên là một vị thánh! Và cả ngài nữa, tướng quân…
Hộ vệ tướng quân Lý Dũng rời khỏi căn phòng giăng đầy rèm lụa.
Trên vai vẫn là tấm áo choàng cũ bạc màu chiến trận, màu hào hùng. Mắt nhìn thẳng và tay sẵn sàng trên đốc kiếm, chàng vẫn chắc nịch những bước đi đầy oai vệ.
Chỉ cái bóng là bị gió xô ngã trên những ngọn dâu xanh ngăn ngắt, thành ra cứ phơ phất, liêu xiêu.

VII.
Thuyền rồng lộng lẫy trôi giữa đêm không trăng.
Hổ, Báo, Ngư, Xà,… lớp lớp những chiến thuyền bất bại bọc trước, nối đuôi thuyền rồng làm thành một dòng sáng chảy dài trên mặt sông im vắng.
Hành cung chỉ còn là những đốm đèn le lói sau lưng dòng sáng.
Qua một khúc sông ngoặt, chung rượu trên tay Thái Tông hoàng đế sóng sánh tràn. Đến hơi rượu cũng phảng phất mùi trầm hương được ướp nồng khắp rèm trướng, tẩm cả trong từng giọt nến.
Đêm nay, giữa mùi trầm, sẽ có một mĩ nhân mới được hưởng ơn mưa móc. Ngài Ngự biếng nhác nhấm nháp vị rượu trầm trên đầu lưỡi.
Tay thái giám hầu cận đã đi bao lâu rồi. Ngài đã buồn ngủ đến díu cả mắt lại. Tuổi tác, chiến trận hình như đang rút dần từ Ngài những mãnh lực cuối cùng.
Từ lâu rồi, bao nuột nà ướt át cũng không thể nào đưa Ngài trở về là Ngài của những năm tuổi đôi mươi. Mơn mởn mát rượi từ những tấm da đàn bà lâu rồi với Ngài đã không khác nào một mặt gối.
Đêm nay, Ngài cần một chiếc gối mới. Chiếc gối biết đâu gọi được cơn rục rĩu trong Ngài thức dậy.
Ngài Ngự nâng chung rượu. Giữa lòng chung, gương mặt Quán Thế Âm thanh thoát nhưng lại mang đuôi mắt rũ dài đầy ma mị.
Đức Thái Tông ngửa người giữa nệm gấm, chắp tay. Đêm nay khi tiên cảnh hóa phàm trần, giấc ngủ Ngài có sâu hơn không?
“Chắc chắn Thánh thượng sẽ lại có giấc ngủ sâu!”.
Viên thái giám hầu lảm nhảm trong miệng câu nói, đẩy mạnh tay chèo.
Con thuyền nhỏ rẽ một bờ lau sậy, dần hướng về đoàn thuyền sáng rực phía xa xa.
Đèn thuyền rồng vẫn sáng. Đức chí tôn tối thượng, Ngài đang đợi. Qua đêm nay, biết đâu quan lộ không thênh thang thẳng tắp. Lý Dũng võ tinh văn tài đến mấy cũng chỉ một cái cây khô cứng. Làm sao nhận ra ý nhị một cái khẽ xoay người trong buổi rước, một cái lắc đầu giữa bữa tiệc mừng công. Xưa nay đã thế, chỉ những kẻ tận được lòng rồng mới xứng đáng kề cận bên rồng.
– Ngươi đưa ta đi đâu?
Tiếng kẻ còn lại trên thuyền nhỏ thình lình cất lên, dưới lớp vải trùm đầu.
– Ta đưa nàng đến với vinh hoa!
– Ta không cần. Ta chỉ là người đàn bà dệt lụa.
– Công chúa đi rồi… Nàng là mĩ nhân!
– Ta vẫn muốn chỉ là người dệt lụa!
Lời dứt, người đã thấy bật lên, nhao về phía trước. Một tiếng nước rẽ đôi dứt khoát. Viên thái giám quăng cả mái chèo nhào theo, chụp được trên tay cũng chỉ tấm vải trùm đầu lùng thùng nước.
Mặt sông dưới con thuyền là một khoảng mịt mờ, lặng ngắt. Tuồng như cánh cửa nước chỉ bật hé ra rồi tức khắc sập lại, không tăm tích. Chỉ những vết rạn từ con sóng làm ngả nghiêng, chao đảo bóng thuyền.
Nối tiếp nhau, vết rạn lan dần. Lan đến tận thuyền rồng.
Ngay trên đó, phía cuối thuyền rồng, vừa có một vật gì óng ánh sáng, ai đó cũng vừa ném xuống.
Cánh cửa nước không thể nào mở nữa. Chỉ khẽ đẩy vật mềm mại nhập vào cùng vết rạn. Và nó, tấm áo choàng lụa, trôi phập phù cùng vết rạn, đẩy đoàn thuyền rờ rỡ sáng hướng về phía trước.
Cuối thuyền rồng, một bóng trâm vàng trâm ngọc giắt đầy vừa khuất vào trong trướng.
Chỉ tiếng thở dài rớt lại. Luênh loang cả một khúc sông…
14/3/16
N.T.K.H
——–
1. Gandharva: Ca công trên cõi trời, thường ca hát, nhảy múa với Apsara.
2. Laksmi: Nữ thần phú quý, sắc đẹp và hạnh phúc.



Nguồn Vannghequandoi

Exit mobile version