Tên thực ông Tây già chủ đồn điền ấy là Rê-Bít-Xê. Nhưng người mình đã đông phương hóa cái tên Rê-Bít-Xê từ hồi ông còn là quan cai trị xứ này. Trước khi được về hưu để vỡ đồn điền giồng cà-phê ở hai vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, ông Rê-Bít-Xê đã làm chức Công Sứ ở nhiều tỉnh Trung Bắc lưỡng kì và, sự thực, cái tên Rê-Bít-Xê được hóa chệch ra là Lê-Bích-Xa là từ cái hồi ông Tây đó bắt đầu lĩnh chức Đại Pháp Lưu Trú Quan ở tỉnh Quảng Ngãi. Quan Tuần Vũ Quảng Ngãi là người hoàn toàn cựu học, mỗi lần có giấy má gì ở bên tỉnh đưa sang tòa mà không có tính cách công văn lắm, lại viết lên đầu thư riêng: “Lê-Bích-Xa Công Sứ đại nhân…”. Quan Tuần lấy làm thú lắm chữ Lê-Bích-Xa, nghe nó Tàu lắm, không còn tí gì là Tây nữa. Vả chăng ngài không có chút nào là dính với cái học mới nên chữ “Rê” mà đọc ra “Lê” nghe nó cũng tiện lợi: ngài và thuộc hạ phải cái bệnh là không uốn được tấc lưỡi. Cho nên mỗi lần cơ quan Công Sứ nào mới đổi đến mà tên có vần “r” là vần tên ấy sẽ biến cả ra là Lê hoặc La, Li, Lô, Lư vân vân. Có lẽ cũng vì thế mà đại danh quan nguyên Toàn quyền Robin đã biến thành Lỗ Bình đại thần.

Nhưng mà chúng ta nên trở lại với cụ Tây đồn điền Rê-Bít-Xê nguyên là Lê-Bích-Xa công sứ đại nhân. Và muốn tránh sự bỡ ngỡ của chúng ta mỗi khi đọc những ngoại âm, trong truyện này, vai chính của chúng ta sẽ được mãi là Lê Bích Xa.

Vậy thì cụ Lê Bích Xa là một vị trí sĩ làm đồn điền cà phê vùng Hoài Hoan. Cụ Lê doanh ấp lập trại ở đấy từ bao giờ không rõ nhưng những gốc cà phê thấy đã to lắm. Cụ đã cho trẩy hạt bán ra ngoài không biết đến mấy vụ rồi. Vị hưu quan đó giờ là một lái buôn chính hiệu và thỉnh thoảng lại cho lộ ra những cái cốt tài tử của mình những lúc chơi tranh xem tranh hoặc bày tranh. Cụ Lê không vẽ tranh, nhưng cụ buôn tranh. Hình như tôi đã quên không nói ngay ở đầu rằng cụ Lê Bích Xa là một người buôn tranh cổ. Nhiều bức lạ lắm. Đã đành là đẹp. Nhưng nhiều bức quái lắm quái lạ như là có trò phù thuỷ dính vào ấy. Nhiều người được cụ lấy tình thân cho xem những bức tranh cổ – những bức quý như thế, cụ Lê ít khi cho đem bày ra chỗ công chúng thành hẳn một cuộc triển lãm – lúc trở ra đều ngơ ngác ít nhiều và ngờ cụ Lê là một người có ảo thuật hoặc không thì cái người vẽ tranh cổ đó cũng là một ảo thuật gia.

Nhà riêng ông Tây già Lê Bích Xa nhiều tranh quá. Người ta phải tưởng đấy là một nhà bảo tàng chứa tranh Tàu. Tiền của mỗi vụ cà phê thu về rất nhiều nhưng chủ nhân đều cho đi mua tranh hết.

Người ta ngờ việc mở đồn điền của vị Tây già này chỉ là một cái cớ và mục đích muốn đạt được thì phải là một bảo tàng viện cổ hoạ Trung Quốc kia.

Cụ Lê Bích Xa có dùng một vị Tây lai trẻ tên là Dăng để giúp cụ những lúc soạn tranh tìm tranh. Có người lại bảo cậu Dăng này ngày trước có làm phóng viên trường Bác Cổ Viễn Đông. Cái điều chắc chắn nhất là cậu Dăng người rất ít tuổi nhưng sức học nặng lắm. Không rõ cậu học môn khảo cổ từ bao giờ mà môn học so sánh của cậu sâu rộng đến nỗi các niên hiệu các tên vua lịch triều bất kể nước nào, và tên các nghệ sĩ bất kể thời nào xứ nào, cậu nhớ vanh vách rồi thì là kê khai, so sánh, suy luận. Giá có viết ra thì thành từng pho sách được ấy. Ở người cậu thành ra là cả Đông Tây Cổ Kim rồi còn gì nữa. Suốt một vùng Nghệ Tĩnh ai cũng biết cậu Dăng. Nhưng họ chỉ biết đây là một người Tây lai hạnh kiểm rất khá, không có gì là mất nết, bao giờ cũng nhớ đến mẫu hệ, rất có hiếu với mẹ và đối với người bên ngoại, thường vẫn lấy lễ ra mà xử. Dân gian gần đó chỉ biết cậu Dăng có bấy nhiêu thôi, chứ thực không rõ một tí gì về cái tài đọc tranh và cái sức đi tìm tranh của cậu ở khắp vùng quê Bắc Kì.

Một lần ấy cụ Lê Bích Xa gọi cậu Dăng lên buồng riêng và sau một tuần cà phê đặc có chế rượu rôm:

– Này Dăng, có lẽ cũng nên sắp mà đi Hưng Yên đi thôi. Về chuyện cái bức tranh Hàn Kỳ ấy mà. Hình như có một lần và rừng săn hươu, tôi đã nói chuyện cho cậu nghe rồi. Lúc ấy đang cùng mải tìm lối chân hươu, cậu có nghe và nhớ không? Nhưng tôi cũng cứ kể lại. Nguyên hồi tôi còn ở chức thủ hiến vùng Hưng Yên, có một người chánh tổng huyện An Thi đem dâng tôi một bức tranh để gỡ mình khỏi một vụ án hình. Hồi đó tôi còn quý cái lương tâm nhà nghề lắm. Vả lại lúc ấy còn trai khoẻ, tôi chưa để bụng vào chỗ chơi đồ cổ. Tôi bèn đuổi lão chánh tổng đó đi ra và doạ bỏ tù nó thêm về cái tội đòi hối lộ thượng quan. Cái thằng cha táo bạo thế! Bây giờ tôi mới biết bức tranh đó là quý. Nó vẽ một ông tướng già đang ngồi xem sách đêm trong quân trướng. Trên án sách có một ngọn nến cháy trên đế son. Góc phải bên án, có vẽ một thanh bảo kiếm tuốt trần ghếch lên cái hộp tướng ấn. Trông thì bẩn thỉu lắm. Lụa bồi đã bong rách và lòng tranh nhiều góc dán đã nhấm nhiều. Nhưng mà tranh đó… (nói đến đây Lê Bích Xa ngừng lại, tợp thêm một ngụm rôm, đôi mắt già sáng bừng lên bao nhiêu là thèm muốn)… nhưng mà tranh đó, cái chỗ quý giá thì không biết thế nào mà nói cho hết được. Mua được về rồi con mắt người Mỹ mà nhìn thấy là chúng ta sẽ có một cái cơ nghiệp để hưởng chung, Dăng ạ. Tôi tin rằng cậu và tôi, bao giờ cũng sống gần nhau mãi mãi. Tôi rất tin cậu và yêu cậu như là yêu con. Rồi dần dà tôi sẽ truyền hết cho Dăng những cái sở đắc của tôi về cái bí thuật tìm tranh cổ.

Sớm ngày hôm sau, dân hàng ấp đã đánh sẵn xe ngựa cho cậu Dăng xuôi tỉnh về đáp tàu ra bắc – xe ô-tô, tài xế ốm nặng. Cậu Dăng đánh thức cụ Lê Bích Xa dậy.

– Tôi đi Hưng Yên đây, cha già ạ…

Cụ Lê giụi mắt ngáp:

– Hôm qua tôi uống nhiều quá. Có lẽ gần hết chai rôm. Ít khi cao hứng như thế.

– Tôi đi Hưng Yên đây, cha già ạ.

– À tốt lắm. Đi đi.

Cụ Lê rút ở tủ két con thúc vào mặt tường, phía trên thành đầu giường một cuốn sổ in, kí vào một tờ vẽ hoa rêu lằng nhằng và xé đưa cho Dăng:

– Tạt vào nhà Đông Pháp ngân hàng Hà Nội mà lấy tiền. Đi Hưng Yên lấy tranh xong rồi tiện đường, sang luôn bên Cổ Am hỏi xem dân làng đã chịu bán cái lô hương chưa. Họ thuận hay chưa, cũng cứ đưa cho dân làng trước một nghìn bạc cho họ tiêu chơi. Mà, phải lấy dấu lí trưởng và cả một vài chữ kí của bô lão nữa nhá. Thôi, đi cho được nhanh chóng. Tôi ngủ lại, có lẽ chiều hôm mới dậy.

Cụ Lê Bích Xa ngáp, vươn vai. Thấy Dăng vẫn còn ngần ngừ, cụ tưởng là cụ đã hiểu một điều gì, bèn cười:

– Cái séc ấy bốn mươi ngàn phật lăng, cha tưởng là thừa thãi lắm chứ còn gì nữa. Một nghìn đồng đưa cho dân bên Cổ Am và còn ba ngàn đồng thì mua bức tranh. Có lẽ mua tranh, đến ba ngàn đồng cũng đã là nhiều lắm rồi.

– Không phải thế. Tôi muốn ông cho tôi cái địa chỉ của người chánh tổng có tranh đó kia.

– Tôi cũng không nhớ là về làng tổng nào và tên người đó tôi làm thế nào mà nhớ lại được. Vả lại tôi tưởng một người như Dăng thì có cần gì phải hỏi kĩ đến như thế mới tìm đến được nhà người ta. Cậu làm như xưa nay chưa bao giờ cậu thuộc làu địa dư hàng tỉnh của xứ Bắc ấy.

Cụ cười. Cậu Dăng cũng cười theo. Cụ Lê Bích Xa chìa tay ra, lắc mạnh tay Dăng: “Thôi, đi cho tốt tốt”, rồi chui luôn vào chăn.

Ngoài cổng đồn điền, tiếng móng ngựa, dịp nhạc và sát vòng bánh thưa và bé dần.

Sau đó độ dăm hôm, dân vùng Ba Tổng Lê ở Hưng Yên nhao nhao lên với nhau rằng hình như có quan Đoan về sục rượu lậu. Có người lên mặt thông thạo lại thì thầm rằng đó là quan Tây khảo cổ về đào mả Tàu đấy chứ. Cái việc Dăng về một làng vùng An Thi tìm mua tranh đã là một việc náo động cả cuộc đời an nhàn cần cù và bình dị của đám dân quê. Người ta sợ sệt lo lắng cũng mất đến một ngày tròn. Mãi sau ông lí sở tại mới cắt nghĩa rằng đấy là quan Tây về mua cái bức tranh quái gì của cụ Chánh Thuận “đâu giả những mấy nghìn bạc” thì cả làng mới thở đánh phào một cái và lại cày cuốc gánh gồng được như cũ.

Cậu Tây Dăng mà tìm đúng được nhà cụ Chánh Thuận kể cũng tài thật. Thì ra đối với những người đi tìm vật báu trên đời thật không có cái gì là khó là không làm được cả. Có thế thôi, chứ dẫu có đến thiên nan vạn nan, họ cũng chẳng coi là mùi gì. Về những cái gay go trên con đường tìm đồ cổ, đâu có lần Dăng đã có nói chuyện đến những cái vất vả lúc vào huyệt đạo dưới mặt Ai Cập để tìm vào lăng tẩm các vua pha-ra-ông.

Đứng trước bức tranh cổ của cụ Chánh Thuận vừa treo lên cây cột mẹ gỗ mít giữa nhà thờ, Dăng ngắm mãi và ngờ ngợ. Lòng tranh thì cũ xưa lắm mà lần vóc bồi thì tươi sáng.

– Tranh này, hình như tiên sinh mới cho bồi lại.

– Dạ, bẩm quan, có thể. Mới bồi độ dăm năm nay. Vì nó đã nát lắm rồi.

Dăng trầm ngâm trước tranh, cố tìm cái quý giá trong những nét vẽ đã gần hết đường bút lông. Cậu ngắm mãi hình người trong lòng bức tranh trung đường. Cậu chỉ thấy nét mặt ông tướng Hàn Kỳ là tươi đẹp quắc thước. Chỉ có thế thôi. Nét chỗ khoẻ, chỗ mềm dẻo tài tình. Nhưng chẳng nhẽ cả giá trị bức cổ hoạ lại chỉ có thế? Đã gọi là vẽ, thì hoạ sĩ nào hẳn cũng phải vẽ đến được như thế. Phải có những cái gì khác thế quá thế nữa kia chứ! Thì cụ Lê Bích Xa mới chịu trả ba nghìn đồng ra tỏ lòng thèm muốn như đi mua ngọc biết nói. Cụ Lê Bích Xa về môn cổ hoạ, Dăng đã phải tôn làm bực thầy học mình kia mà. Cái tài học ấy, Dăng đã được bái phục về cái lần đó cụ Lê giảng cho Dăng về màu phẩm huyền ảo của những bức tranh đám sa môn bên Tây Tạng.

Dăng đứng rồi, Dăng lại ngồi. Sau khi đặt cái ghế bành hướng vào bức tranh cách tranh độ ba thước để “quan” Dăng ngồi thẩm tranh, cái ông cụ Chánh Thuận, cả một buổi sớm ấy cũng mất cả công ăn việc làm và chỉ biết có nín thít mà ngồi túc trực đó xem người mua tranh có cần dùng hỏi han gì không. Cái ông khách trẻ đó cũng là lạ. Ngồi suốt một buổi, bên cạnh cụ Chánh Thuận, ông không nói lấy một câu. Ông chỉ có vòng tay trước ngực, ngồi đực ra và dán chặt mắt vào tranh. Ông hút không biết bao nhiêu là thuốc lá. Tàn tro và mẩu đầu thuốc dưới chân vị Tây trẻ, đã đùn lên thành một đống rác. Ông lim dim mắt, nhìn bức hoạ qua vờn khói, say sưa và thắc mắc và có lúc nét mặt người trẻ ấy xa vắng như khuôn mặt một nhà sư già nhập thiền lúc tĩnh toạ. Dăng càng ngắm tranh, càng thấy mình bất tài. Cầm ví đếm tiền, chàng có ý không muốn trao nó cho ông Chánh Thuận. Không phải Dăng có ý tiếc tiền, dẫu rằng cái tiền ấy không hẳn của mình lấy mảy may. Từ đi vào con đường khảo cổ, Dăng đã được dùng tiền nhiều gấp bao nhiêu ngần ấy kia. Có khi chỉ đổi lấy một mảnh sứ vỡ, Dăng cũng đã bỏ ra một số tiền bằng tiền mua một nếp nhà lầu rồi kia mà.

Nhưng thôi, lời thầy đã dạy như thế, Dăng chỉ có biết tuân theo. Dăng đưa đủ số cho ông Chánh Thuận và lên đường về lĩnh mệnh cụ Lê Bích Xa. Cụ Lê Bích Xa đã nhận được điện tín của Dăng trước ngày về, đem tranh về. Cụ liền soạn sẵn một bữa tiệc lớn cho riêng chỉ có hai người: cụ và Dăng. Và đám dân đồn điền lấy làm lạ về việc cụ cho họ nghỉ luôn những ba ngày mà vẫn cứ cho ăn cả lương. Không những thế, họ lại còn được chủ đồn điền ban cho gạo thịt, rượu, cà phê và đường; cứ bốn người một chai rượu và tám người một ki-lô cà phê. Người bảo rằng hay là cụ Lê Bích Xa ăn mừng ngày sinh nhật. Nhưng có kẻ thông thuộc việc nhà ông chủ, lại nói rằng lễ sinh nhật mọi năm thường làm vào giữa mùa lạnh kia mà. Có đâu một người trong một năm lại ăn những hai lễ sinh nhật mình. Cả một đồn điền cà phê xao xuyến – cụ Lê Bích Xa vui.

Cái buồng riêng của cụ Lê Bích Xa đã được kê dọn lại. Cụ cho cất bớt đi rất nhiều thứ. Mọi khi gian buồng này, không mấy ai được vào. Thân tín đến như Dăng mà đâu cũng chỉ được để chân tới vẻn vẹn có hai lần. Đấy đã gần như một nơi chính tẩm một ngôi đền. Đấy chứa rất nhiều của lạ trên thế gian thuộc về đủ các loại. Những kỉ niệm lữ hành. Những vật quý tích trữ được, sưu tầm được. Linh tinh quá. Và có nhiều sưu vật bé chỉ bằng khuy áo mà nói đến là y như là cơ man tiền bạc. Mỗi vật đều có trước số theo thứ tự phân loại, kê khai vào một cuốn sổ và được chụp ảnh lại dán riêng vào một cuốn an-bom, dưới mỗi ảnh đều có cước chú hình dáng cân lượng màu sắc, và cả tên tuổi những vị tiền chủ các vật đó. Thật là cả một cuốn sổ căn cước, một sổ bộ lí lịch. Thường mọi ngày, cụ Lê Bích Xa, mỗi đêm vào phòng này, đều phục sức rất trang nghiêm, tay cầm nến rọi vào từng vật, dáng đi chậm chạp thành kính: đứng ngoài nhìn cái bóng chậm yếu ấy cử động dè dặt, ta tưởng đấy là một kẻ tu hành đang thầm kín làm một lễ dâng hương vào những giờ u tịch của đêm ấp.

* *



Dăng đã đưa bức cổ hoạ về. Bàn tiệc đã bày sẵn. Lê Bích Xa không cho Dăng có thời giờ đi thay quần áo và tắm gội, cụ liền nâng mừng Dăng một cốc uýt-cây tẩy trần và đòi xem ngay tranh. Tường đã đóng sẵn một cái đinh mới. Cái đinh ấy chờ bức tranh cổ đã từ mấy bữa nay. Hai thầy trò loay hoay mắc tranh lên đấy. Ngồi đối diện bức hoạ xưa thướt tha trên nền tường, sự chăm chú của Lê Bích Xa bị nghi ngờ tràn mãi vào. Lòng hoài nghi ấy càng tăng thêm mãi. Lê Bích Xa thay mãi kính tuổi. Có khi đeo hai ba kính chồng lên nhau. Đến lúc mà cụ đi gần lại tranh, rọi kính hiển vi lên nền lụa cũ một hồi lâu xong, cụ quay lại Dăng và chậm rãi:

– Hỏng mất rồi Dăng ạ.

– Thưa thầy tranh này vừa bồi lại. Họ cũng nói thế.

– Chính vậy. Họ đánh tháo mất ruột tranh rồi. Chúng ta bị lừa to rồi.

– Thầy muốn nói đây không phải là nguyên bản bức tranh? Đây chỉ là một bản sao bức cổ hoạ?

Cụ Lê Bích Xa không trả lời. Mắt người sưu tầm đồ cổ có những nét chìm đường nổi của suy nghĩ và thương tiếc. Lại cho người ra Ba Tổng Lê đòi lại tiền lão Chánh Thuận? Mấy ngàn bạc, tuy là một số tiền to tròn đấy, nhưng đòi lại để làm gì. Cái đáng giữ lấy, đâu có phải là tiền, bức tranh cổ kia chứ. Rủi bị tranh giả, Lê Bích Xa chỉ hận tiếc mình đã chẳng có duyên với vật báu, giờ biết nó lạc vào đâu mà sẵn tìm. Người đã biết chơi cái ruột tranh xưa đó, hẳn không vì vàng bạc mà thuận nhường lại cho, vì có biết mà tìm đến cầu thân.

Một đêm ròng ấy, chủ ấp không ngủ.

Ông già ngồi đối diện bức tranh có đèn măng-sông ba trăm nến soi tỏ. ánh sáng mạnh và xanh trong càng làm tỏ thêm những thở dài tiếc thêm của chủ ấp không ngủ.

Ngày sau, Dăng lên buồng thỉnh an thầy và hỏi cụ Lê Bích Xa xem giờ nên xử trí ra sao với bức tranh bị đánh tráo và chàng xin chuộc lại lỗi bất tài vô học sơ suất mình bằng sự bỏ tiền ra đền lại cho cụ, nếu Chánh Thuận manh tâm không hoàn lại mấy ngàn đồng.

– Thầy bắt đền con mà làm gì. Thầy cũng không đến nỗi nghèo thiếu. Và bị mua nhầm tranh này, lỗi cũng không hẳn tại con cả. Vì cái học lực xem cổ hoạ của con, dẫu sao cũng chưa vào được mức cao đẳng. Mà lúc con đi lấy tranh, thì thầy lại không dặn kĩ về cách thử. Ai biết đâu rằng trong thế giới chơi tranh, lại cũng có người quái quỷ như mình. Kẻ kia đánh tháo ruột tranh, thực cũng là người có mắt tinh đời. Đáng nên gần lắm.

– Có lẽ người ấy là tên khách bồi tranh?

– Rất có thể.

– Con muốn được nghe thầy giảng cho về cái quý giá của bức hoạ.

– Thầy sắp nói đến mà. Con hãy ngồi xuống đã. Uống đi. Và cũng không nên tiếc nữa. Vô ích. Thế gian còn vô số cái khéo cái quý. Chỉ sợ mình không có mắt xanh đối với những vật có cái bề ngoài của vô hồn. Chỉ sợ mình kém đức để được làm bạn với vật báu thôi, con ạ.

Cụ Lê Bích Xa từ tốn đặt xuống bàn một bộ đồ hút thuốc lá chưa cuộn, lấy ở giá điếu ra hai cỗ píp, đưa cho Dăng một. Mồi thuốc thơm ở hai ống điếu tỏa khói lần. Nước bọt chốc chốc chảy từ họng điếu xuống tàn lửa mồi thuốc, đánh dấu thời khắc qua bằng những tiếng sèo sèo gợi cảm. Lê Bích Xa đứng lên đi mấy vòng, bắt đầu giảng về bức cổ hoạ Trung Quốc, giọng đĩnh đạc trong trẻo. Buồng người chủ ấp có tuổi phút đã trở nên một giảng đường mà Dăng là một thính viên chăm chú.

– Con có biết tác phẩm này là của ai không? À của Lỗ Hường Diên người tỉnh Mân – cái tỉnh Trung Quốc, nổi tiếng về môn hội hoạ quái ác, hẳn con đã tường! Như con trông thấy đó, tranh vẽ một ông tướng và một ngọn nến cháy soi xuống một cuốn sách mở của ông lão tướng. Tất cả giá trị huyền ảo của tranh là thu vào ngọn nến. Ngọn nến ấy, nếu cha đánh diêm châm vào thì nến sẽ cháy sáng như một ngọn nến của cuộc đời thực tại chúng ta. Con hãy cứ bình tĩnh ngồi xuống mà nghe cha nói tiếp. Cha nói cái gì nhỉ? À nếu châm lửa vào đầu nến đó của tranh thì tranh sẽ sáng bừng lên. Và, chỉ có nến cháy thôi, chứ tranh vẫn âm u nguyên vẹn; lửa nến sáng vẫn không làm hại gì đến đời vật chất của tranh. Muốn cho tranh trả lại vẻ bình thường của tranh thì chỉ có thổi tắt phụt ngọn nến đi thôi.

– Thưa cha, con đi vào con đường cổ hoạ Trung Quốc kể cũng đã lâu ngày nhưng chưa từng nghe – chứ không nói đến sự thấy nữa – tới những việc quái dị như vầy.

– Dăng, con hãy đứng lên ghế kia, đánh hộ cha một que diêm và châm ngay vào đầu nến tranh.

Tranh tự nhiên sáng bừng lên. Nến bốc dần sức sáng, soi xuống trang sách và khuôn mặt hồng hào vị tướng già quắc thước ngồi trong lòng cổ hoạ. Giá lúc này, lửa nến lả lay ngọn đi một chút theo với tí gió đông của phòng khách đây thì Dăng đã tưởng tướng Hàn Kỳ ngồi kia là người của cuộc đời này và đang là một vị quý khách ngoài thời gian của chủ ấp đây. Dăng lùi mãi ra xa, nhỡn tuyến bị sự hiển linh của tranh sáng chi phối. Dăng dụi mắt. Giữa không khí kinh ngạc kinh sợ thầm lặng đem lại bởi quái ảo giọng cụ Lê Bích Xa cũng phào phào xa vắng như từ một thế giới nào gửi về – Lụa vẽ tranh, nguyên có những hai lượt. Vì còn cả cái ruột trong không bị người có mắt tinh đời nào đó lấy mất, thì ngọn nến sáng của chúng ta cháy mãi mãi. Ta có thể treo mãi tranh này trong nhà, dùng ngọn nến này mà chơi thay đèn, đêm đêm thắp lên. Nhưng uổng quá, chúng ta chỉ còn có một lần lụa ngoài của bức tranh nên sự thần diệu này chỉ có được trong giây lát thôi. Thắp lâu nữa thì cháy luôn cả tranh mất. Con lại chịu khó đứng lên ghế thổi tắt nến tranh đi rồi cha sẽ giảng tiếp về cái bí thuật của lối hoạ xưa tỉnh Mân này.

Nến tranh tắt. Phòng giảm hẳn sức sáng – cái cây bạch lạp nơi tranh lúc sáng tỏ, sức sáng vốn ngang bằng một ngọn măng-sông nhỏ. Mùi cà phê tỏa trong sáng dịu của phòng lặng.

– Lỗ Hường Diên vốn là một hoạ sĩ nổi tiếng về môn vẽ và lại kiêm cả khoa thôi miên nữa (tỉnh Mân vốn lại là quê hương của môn hư linh học). Cứ chỗ thầy biết thì lúc tạo nên bức tranh này, Lỗ đã phải vi hành hương mãi vào vùng Ma Thiên Nhẫn để tìm nguyên liệu như chất lân tinh và diêm sinh ở những mả hoang gần đấy – núi Ma Thiên Nhẫn vốn là đất cổ chiến trường – và chất thạch nhung ở đáy lòng sông Bộc Ly. Con cũng chưa biết công dụng hóa học của mấy loại khoáng này. Lân và diêm sinh thì cháy sáng và thạch nhung thì không cháy, mặc dầu bỏ thẳng vào lửa. Lụa vẽ tranh, dệt bằng tơ loài sơn tằm đánh săn lại với thạch nhung cán nhỏ ra. Vẽ đến ngọn nến, hoạ sĩ dùng chất lân và diêm Ma Thiên Nhẫn trộn lẫn với thuốc vẽ. Vẽ xong, hoạ sĩ thôi miên vào đầu ngọn nến. Đấy là ruột tranh. Cái lần trong. Lần lụa vẽ ngoài, chỉ là cái lượt hoa mĩ của màu sắc và hình vẽ phủ lên để giữ vững cái cốt kì diệu ở trong. Tranh cổ lâu ngày, lượt lụa ngoài cũng hấp thụ được cái thần diệu của cốt trong. Và thắp vào ngọn nến ngoài cũng có cháy. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc thôi.

– Thưa cha, những lối hiểm hóc này của môn hội hoạ, cha sở đắc được ở nguồn khảo cứu nào? Sách không có nói đến.

Cụ Lê Bích Xa sẽ cười mỉm không trả lời thẳng vào câu hỏi của Dăng. Cụ kể sang một chuyện khác:

– Cái lối vẽ lấy chất lân trộn vào thuốc để điểm ngọn lửa tranh và lấy thạch nhung để làm nến tranh, đâu còn có. Cái bức vẽ tích “Phục Nữ Thổ Thư” cũng gần như thế. Nguyên tranh này diễn lại việc mừng Phục Hi Nga đọc cho thượng thư lệnh Triều Thố đời Hán chép lại những lời của lũ sách bị mất đi về đời Tần Thuỷ Hoàng phần thuê khanh nho. Lúc Phục Hi Nga đọc cho Triều Thố ngồi chép, bên án sách có hai người quỳ nâng đèn lồng soi sáng trong sách. Ấy lửa đèn lồng, cũng điểm theo cái thuật ấy. Nhưng không rõ tranh tích sau này có phải là sản phẩm của tỉnh Mân không.

Cụ Lê Bích Xa ngừng một hồi lâu rồi bàn với Dăng:

– Bây giờ cha nghĩ thế này. Là cũng không đòi tiền cái lão chánh tổng ấy nữa. Và cũng không giữ tranh này để chơi riêng nữa. Cha sẽ tổ chức một buổi nói chuyện về cổ hoạ Tàu và đem đan cử luôn tranh Hàn Kỳ này ra và châm lửa nến thí nghiệm ngay cho công chúng xem. Sẽ làm một tiệc trà tại câu lạc bộ Pháp Việt ở tỉnh. Mời cả thân hào và những bất cứ là ai người Pháp người Nam có cảm tình với nghệ thuật. Của báu, có khi cũng không nên giữ lấy một mình. Cha sẽ phí bức tranh cổ đó, đốt cháy cho thiên hạ đây xem chơi.

Tại tiệc trà đi kèm vào buổi tối nói chuyện về tranh Tàu tổ chức ở Vinh, công chúng Việt vỏn vẹn có năm người. Bất chấp cả cái thiểu số đáng là một cái cớ để hoãn lại ngày nói chuyện, cụ Lê Bích Xa vẫn bình tĩnh giảng về cổ hoạ Trung Hoa và cứ cho châm ngọn lửa nến trong bức tranh ba nghìn đồng của mình treo ở tường câu lạc bộ. Lửa nến cháy, nhiều người trầm trồ cảm động. Phép kì diệu đó chỉ đúng được có hai mươi phút nghĩa là bức tranh đã cháy ra gió trước khi diễn giả nói đến câu cuối cùng của đề chuyện mình…/.

Nhà văn Nguyễn Tuân