Một độc giả đã nhận xét sau khi đọc Lúa hát:
“Lúa hát như một bản sonat về phận người, hay như bức họa đồng quê mà trong đó con người chỉ thoảng qua vài nét chấm phá bỗng đắt đỏ…
Và như thế cái “mối tình” hư ảo trở thánh cái thân phận nhìn thấy được, đầy cảm thương, đầy sẻ chia và đầy xót xa.
Thân phận đắm chìm trong số phận, ngủ quên trong số phận. Không có vẫy vùng. Chỉ có thi thoảng trở mình, hay giật mình thảng thốt.
Và nhà văn bằng sự khách quan nhất của mình, có lẽ dằn lòng nhất của mình nén đi một tiếng thở dài khi vô cùng tinh tế cảm thấy đất trời bao la mà gần gũi kia vỗ về ru ngủ những phận người bé mọn như hạt muối, như cây lúa đương còn mặn mòi, đương còn căng tràn nhựa sống…
Điều tôi khâm phục nhà văn qua cái truyện này là sự tinh tế, nhạy cảm của chị khi viết về thân phận người phụ nữ. Vốn sống đồng quê của chị thật kinh ngạc.
Hơn hết là sự độc đáo riêng có, không hề vay mượn, lẫn lộn vào đâu được. Hoàn toàn tự nhiên, tự chủ”
Tonvinhvanhoadoc.vn xin trân trọng giới thiệu đến độc giả truyện ngắn Lúa hát của nhà văn Võ Thị Xuân Hà được viết từ năm 1994.
LÚA HÁT
Cô bước ra khỏi bóng tối của ngôi nhà. Những giọt sương đọng trên mái gianh phản chiếu thứ ánh sáng thăm thẳm của trăng thu.
“Nhớ mua diêm và muối đấy”.
Tiếng người chồng ngái ngủ vẳng ra từ căn buồng chật hẹp. Cô đáp lại chồng âu yếm.
“Vâng, em nhớ rồi”.
Cô kéo chiếc chăn trùm kín hai tai và cuộn tròn những đồng tiền nhét sâu vào ngực áo. Từ đây lên thành phố phải đi bộ mất hai cây, sau đó vẫy xe ở đường cái. Có tiếng nhạc phát ra từ đâu đó, trong những căn nhà phía đồi xa, nhưng cô vẫn nhận ra khúc nhạc quen thuộc dạo còn chưa đi lấy chồng (lấy chồng rồi thì lãng quên mất, nhưng giờ đây cô bỗng hình dung ra cả những ngón tay của người con trai đã gảy nhạc điệu ấy).
Anh sẽ tiễn em đi qua khỏi bờ sông này và trùm khăn cho em ấm lại…
Cô xòe bàn tay dưới ánh trăng nhợt nhạt. Bàn tay to xù rung trong bóng đêm. Hai bên đường, những dải lúa nhấp nhánh sáng. Gió bốc lên từ cánh đồng mang theo mùi bùn đất nồng nàn.
*
“Nhưng cô không phải là người vùng này”.
Người lái xe nhìn cô nhận xét. Chiếc xe tải nặng nề từ từ chuyển bánh.
“Tôi làm dâu”. Cô đáp.
“Tôi biết nỗi vất vả của cô”.
“Thật là kì – cô nghĩ – anh ta tự cho mình cái quyền đó. Mà cuối cùng thì anh ta là ai nhỉ?”
Cô bặm môi im lặng.
“Ở chỗ tôi người ta không thấy vất vả”.
Cô cảm thấy nụ cười trầm đục của người đàn ông xa lạ. Cô xoay người một cách nóng nảy và liếc nhìn người lái xe qua tấm gương.
“Nhà tôi hết muối ăn. Cả lúa cũng cần muối…”
Cô cảm thấy mình thật vô duyên. Nhưng cô vẫn bật cười.
“Muối… hay thật đấy”
Người lái xe lẩm nhẩm. Không thể nhìn rõ gương mặt anh ta. Chỉ có hai cánh tay cứ xoay đi xoay lại như hai càng cua. Phía xa ngôi sao mai nhấp nháy rồi mờ dần. Thành phố đã ở trước mặt. Những chiếc xe lao vun vút qua để lại trong không gian mùi xăng khét lẹt, đặc quánh. Những người đàn bà gồng gánh tất tả. Những chiếc xe xích lô cọ bánh rin rít ven đường. Có thể nghe thấy tất cả âm thanh buổi sáng của thành phố…
“Ở làng tôi có tục rước muối vào đầu vụ lúa. Chọn 9 thiếu nữ bê 9 lọ muối đi vòng quanh đồng, sau đó dâng lên đình làng. Chúng tôi đốt một đống lửa trước sân đình rồi rắc muối vào lửa. Tôi cũng rắc một ít vào bếp, lấy gio bón ruộng. Lúa xanh và thơm lừng…”.
“Chuyện của cô cứ như cổ tích vậy”
Cô đỏ mặt.
“Tôi kể có ra gì… Mà cũng không có chuyện để kể nữa. Thằng cu Lim nhà tôi cứ bắt kể chuyện ngày xưa nó mới chịu ngủ. Tôi bí quá. Mỗi lần ra đồng về là tôi ngồi nghỉ ở bụi tre gần lớp học nghe cô giáo kể chuyện. Nhiều chuyện hay đáo để. Ngày chưa đi lấy chồng, tôi cũng ham đi sinh hoạt thanh niên. Bây giờ thì suốt ngày mải mê với lúa…”.
Những tia nắng đầu tiên bắt đầu le lói trên bầu trời. Gương mặt gồ ghề khắc khổ của người lái xe hiện rõ trong ánh rạng đông. Cô im bặt và cảm thấy lúng túng. Thực ra bóng tối làm cô tự tin hơn. Cô lấy tay vuốt vuốt mái tóc xòa xuống ngang trán.
“Cô kể tiếp đi…”
Người lái xe nhắc.
“Chồng cô… chẳng hạn”
“Ôi, chồng tôi thì có gì mà kể? Suốt ngày đánh trâu ra đồng. Còn tối đến thì cánh đàn ông tụ tập hút thuốc vê với nốc rượu. Lúc anh ấy tức lên thì cũng rút rào cho tôi với thằng cu Lim một trận tím người. Nhưng anh ấy tốt lắm cơ. Chẳng bao giờ bỏ tôi đi với người khác… Đàn ông các anh bây giờ…”.
Cô nghe thấy tiếng thở dài nơi lồng ngực người đàn ông. Mặc dù tiếng máy xe làm hai tai điếc đặc.
“Tôi cũng không bao giờ bỏ…”
“Nhưng anh cho tôi xuống đây nhé”. Cô vội đập tay vào người lái xe. “Tôi phải vào chùa đã”.
Chiếc xe phanh lại. Người lái xe nhảy xuống mở cửa và giơ tay đỡ cô xuống. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bỗng dưng như có một sợi dây vô hình rung trong trái tim người đàn bà. Một cái chạm tay đơn giản giữa đường. Cô ngượng nghịu giấu bàn tay xù xì của mình sau chiếc túi bao tải.
“Thôi cảm ơn anh nhé”
“Khoan đã, cô vào chùa thì thắp giúp tôi một nén hương”.
Anh nhảy lên xe và lôi xuống một cái túi. Anh rũ ngược nó xuống lề cỏ và lục tìm.
“Tôi còn chưa trả tiền xe cơ mà”. Cô chìa đồng tiền nhàu nát ra trước mặt anh. Anh lắc đầu và lôi ra một chiếc bật lửa được gói trong một chiếc khăn mùi xoa.
“Cô cầm bật lửa mà vào chùa”.
Suýt nữa cô phá lên cười. Nhưng chiếc bật lửa lấp lánh sáng trong bàn tay run run của người đàn ông khiến cô im bặt. Có cái gì đó hết sức cô đơn và buồn thảm trong lồng ngực người đàn ông xa lạ.
“Không cần đâu. Tôi sẽ xin lửa của nhà chùa”.
Cô xua tay.
“Nhưng chiếc bật lửa này… tôi không cần đến nó nữa. Tôi tặng cô đấy…”
Anh ta mở cửa xe và chiếc xe rú ga chuyển bánh. Chỉ một lát, nó đã biến mất sau làn khói và dòng người dòng xe trên phố.
*
Cô bước vào chùa. Trong tay nải cô đã chuẩn bị sẵn mọi thứ. Khách thập phương cũng đã lác đác vào chùa. Những đốm hương lập lòe phả khói trong những am thờ. Cô xoay chiếc bật lửa trong tay và xòe lửa. Ngọn lửa nhỏ xíu chập chờn bắt vào bó hương.
“A di đà Phật. Nhà chùa thỉnh khách thập phương dụi bớt nhang cho. Xin quý vị hảo tâm đặt tiền vào hòm công đức”.
“Lạy đức Phật từ bi, con đầu xanh tuổi trẻ, thắp nén nhang này lạy ngài phù hộ độ trì cho chúng con là…”.
Cô cúi lạy thành kính và bỏ vào hòm công đức một đồng tiền lẻ. Xong đâu đó cô bật lửa châm tiếp 3 nén hương nữa.
Cô lẩm nhẩm lung tung. Lòng thầm nghĩ đến đứa con trai đang tha thẩn chơi trên hè đất.
“Con trai con còn dại lắm. Vắng con một ngày là nó bẩn như ma bùn. Lúa nhà con đang thời kì làm cỏ. Cỏ làm xước hết tay con. Người thành phố tay sao mà nõn nà thế, họ còn bày những cái máy giặt đầy đường. Nhà quê chúng con thì… Ngày xưa chưa đi lấy chồng con cũng được mẹ con cho đi chơi trên này và may cho con một cái áo dài. Nhưng đến lúc cưới thì con lại không được mặc”.
Cô mỉm cười khi nghĩ đến người mẹ.
“Mẹ con là người đàn bà hiền lành, suốt ngày bị cha con chửi. Thỉnh thoảng ông túm tóc mẹ quật xuống đất. Chúng con khóc xin cha tha cho mẹ nhưng ông không tha. Ông bảo giống đàn bà chúng con là lũ hư hỏng và bẩn thỉu. Lúc đó Phật ở đâu hở Phật?
Mới hôm vừa rồi chồng con mang hết tiền đi gá bạc. Con khóc thì hắn cũng khóc. Tại sao lại thế hở Phật? Đáng lẽ con không nên khóc mới phải, con không chịu được nước mắt của chồng. Ngày xưa mẹ con dạy đàn bà không được khóc, đàn bà là linh hồn của con cái. Đàn bà phải luôn mỉm cười…”.
Cô cúi xuống lén lau giọt nước mắt lăn trên gò má. Đôi gò má lẽ ra thắm đỏ thì nay sạm vì mưa nắng trên đồng lúa.
“Nếu Phật gặp cha mẹ con ở đâu đó thì nhắn hộ cho con là con nhớ hai người lắm. Và nhắn là con bây giờ đã biết làm đủ thứ, con biết nghe lúa thở, chúng còn hát nữa. Đôi khi con vỗ về chúng, thế là chúng xanh mướt. Con biết nếm vị của đất, con yêu mảnh đất của con. Lúc rỗi thì con nặn bi cho thằng Lim chơi. Nhưng thằng Lim rồi thì cũng giống như cha nó thôi, hôm nọ nó núp ở bờ rào xem con Sâm tắm. Xin đức Phật từ bi sửa lỗi cho nó”.
“Ôi, suýt nữa thì con quên. Có người nhờ con thắp hộ anh ta một nén hương dâng Phật…”.
*
Đến chiều cô từ thành phố trở về nhà với một túi hàng nặng. Đi qua cánh đồng làng, gặp những người đang làm cỏ, cô dừng lại khoe với họ đủ thứ mua được từ thành phố.
“Nhanh lên mà làm cỏ, lúa nhà mày năm nay mướt quá cũng không hay đâu”
“Các bác đừng có ghen với nhà em”. Cô trêu chọc họ. “Không phải bỗng dưng đồng đất nhà em mặn mòi đâu nhá”
“Mặn hay không chúng tôi đâu đã được nếm thử”.
Họ phá lên cười.
“Liệu có được ba tạ vụ này không?”
“Cầm chắc 5 tạ!”. Mặt cô vụt tối sầm… “Nhưng mà lão ấy còn nợ bạc…”.
Cô ngồi phệt xuống cỏ.
Nhớ đến chiếc bật lửa, cô giở nải ra và cầm chiếc bật lửa lên ngắm nghía. Vỏ của nó còn bóng loáng. Đầu bấc thơm mùi xăng. Cô bật nhẹ. Một ngọn lửa nhỏ xíu lóe sáng. Sương bắt đầu rơi trên lối đi phủ đầy cỏ. Ngoài đồng từng nhánh lúa mới bén rễ cô đơn dưới bầu trời tím sẫm. Cô nhón vài hạt muối đưa lên đầu lưỡi. Vị mặn của muối giúp cô tỉnh táo. Cô đứng dậy và đi về nhà.
Từ xa cô nhìn thấy một làn khói mỏng manh từ phía nếp nhà của mình.Có lẽ con trai cô đang tụ tập với lũ trẻ trong xóm để bắn bi. Cô cảm thấy hài lòng với tổ ấm của mình.
Cô không còn nhớ đến người lái xe sáng nay, chẳng cần biết anh trôi dạt phương nào. Anh không phải là cuộc đời của cô. Nhưng có một điều mà cô sẽ luôn phải nhớ đến, đó là sự có mặt của chiếc bật lửa. Sớm trưa chiều tối, ngọn lửa từ sợi bấc nhỏ xíu sẽ hiện diện trong nếp nhà hai vợ chồng trẻ cùng đứa con trai của họ.
Nhưng cả cánh đồng lúa của họ, cả bầu trời và đức Phật từ bi của họ, và cả họ nữa, sẽ chẳng bao giờ biết rằng có một mối tình đã tan vỡ…