Cách mạng tháng Tám 1945 rồi kháng chiến chông Pháp đã tập hợp dưới cờ của mình hầu hết các nhà thơ của thi đàn hồi ấy. Các nhà thơ lãng mạn từng bị coi là nghệ sĩ tháp ngà của phong trào Thơ Mới đã đồng loạt dấn thân, nhanh chóng trở thành những người kiến tạo nền thơ cách mạng…

Lý tưởng yêu nước, ý chí chiến đấu trở thành những phẩm chất hàng đầu trong tác phẩm của họ. Nhưng lý tưởng và ý chí lại chưa đủ để tạo nên thơ. Mạch cảm xúc mới là chỗ bắt đầu và là ma lực của thơ. Những gì thuộc tư tưởng, thuộc nhận thức, ý muốn con người có thể quyết định.  Nhưng mạch cảm xúc, điệu tâm hồn lại như thứ trời cho, không phải cứ muốn là được ngay. Ý định không điều hành được nó. Nó cần một quá trình để đổi thay. Cảm xúc mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây để trở thành cảm xúc Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi / Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu phải đi gần cả một đời người. Một cuộc đấu tranh nội tâm quyết liệt, kiên trì và khổ ải đã diễn ra trong mỗi lòng thi sỹ suốt cuộc kháng chiến chín năm. Trên báo chí văn chương hồi ấy xuất hiện một động từ khá dữ dội: “lột xác”. Sang bờ tư tưởng ta lìa ta, một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà (Tế Hanh). Rất dứt khoát. Bên văn, tôi nghe kể, Nguyễn Tuân treo cố những tác phẩm cũ của mình lên rồi từ bỏ như cha từ con.  Tôi cảm phục nhưng tôi thấy, xin phép, cho tôi nói thật, tôi thấy cách tu luyện ấy không thành công lắm. Bằng chứng:

  • Thành tựu của thơ kháng chiến 1947-1954, không thuộc về các nhà thơ từng “lột xác” dù trước đó họ là cự phách của thi đàn Thơ Mới mà chủ yếu lại thuộc về lớp đàn em, những người viết đồng hành với cách mạng Tháng Tám và kháng chiến. (Tôi nói chủ yếu là để dành chỗ để biểu dương một nhà thơ cùng lứa với các kiện tướng Thơ Mới nhưng ở quỹ đạo khác, Tố Hữu, ông có thành tựu lớn trong kháng chiến chống Pháp). Chính những Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Quang Dũng, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Hồng Nguyên, Thôi Hữu… mới là những người tạo nên phong vị thơ kháng chiến chống Pháp.
  • Thành tựu  thơ cách mạng của các nhà thơ  từ phong trào Thơ Mới,  đến muộn hơn, phải  sau cách mạng Tháng Tám tới 15 năm, khoảng xung quanh năm 1960, mà cú hích tác động không phải từ Lột xác mà lại từ việcTìm lại mình.

Lột xác

Lột xác, thành ngữ này muốn nói tới một thay đổi sâu sắc về cảm xúc, về điệu tâm hồn chứ không phải thay đổi  thể xác. Dù có chữ xác . Lột xác là chết đi để sống lại, mới mẻ tự trong hồn. Muốn sang bờ tư tưởng thì phải ta lìa ta, kia mà.  Mục đích lột xác khi ấy là để loại bỏ những ủy mỵ, sầu buồn, chán nản vốn là tình cảm đầu vị quen thuộc của dòng lãng mạn. Thuở ấy, một triệu chứng hay được các nhà phê bình kê đơn khi chẩn bệnh cho thơ là buồn rớt, nghĩa là cái buồn rớt lại từ thơ của giai đoạn trước. Chẩn đoán không sai. Cái anh lãng mạn, đúng là hay rên la, mếu máo thảm thiết. Mẹ tiễn con đi lấy chồng mà giọt ngắn giọt dài như đưa con đi cải tạo: Đưa con ra đến cửa buồng thôi / Mẹ phải xa con khổ mấy mươi / Con ạ đêm nay mình mẹ khóc / Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi. Bà chị đi bước nữa, dặn em nghe ghê như lời dối dăng vĩnh biệt: Coi như chị đã ngang sông đắm đò / Miếu thiêng vụng kén người thờ / Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em. Ông Huy Cận kỹ sư canh nông, tươi tốt, theo như ông nói, hồi đó mấy nhà giàu đánh tiếng gả con gái cho ông, ông phấn chấn lắm nhưng thơ lại: Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm. Xuân Diệu thì …trời nhẹ lên cao / Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn. Lý sự ra thì dân mất nước trốn vào đâu, kể cả tháp ngà, cũng cứ buồn. Tôi tin có điều đó, tuy hơi to tát. Nhưng cũng phái kể, buồn là đặc trưng thẩm mỹ của thơ lãng mạn. Từ xuất phát, nó đã là tiếng thở dài của anh quý tộc sa sút đứng bên anh tư sản đang lên. Lamartine (1790-1869) từng tổng kết Tuyệt vời là khúc thương tâm Trải bao tiếng nấc thành ngâm muôn đời nên các bác lãng mạn xứ ta cũng phải nương vào nước mắt, gợi mối thương tâm. Vậy chẩn đoán bệnh buồn của Thơ Mới là không sai và bệnh buồn rớt của thơ kháng chiến cũng không sai. Không sai nhưng không đúng hẳn. Thơ lãng mạn Việt không buồn như thơ lãng mạn Pháp hơn trăm năm trước đó. Thơ Việt buồn nhưng lại có tình yêu thương đất nước thấm thía sâu thẳm. Chưa thời nào thơ tả cảnh nước ta lại đậm hồn dân tộc và đẹp say người đến thế. Cảnh quê, người quê, đọc Nguyễn Bính xem, ngôn ngữ như bỏ bùa những lòng VN cố hữu. Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào hay Sáng giăng chia nửa vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau. Cảnh rừng núi thì: Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan (Thế Lữ). Khoảng cao rộng kỳ ảo thì: Trời xanh xanh ngắt – ô kìa Hai con hạc trắng bay về bồng lai (Thế Lữ). Một phiên chợ tết, một bến đò mưa, tiếng lá khô xào  xạc dưới gót chân mảnh dẻ của loài nai từ cánh rừng xa, ánh trời chiều xanh ngọc đổ tràn lên mặt lá cọng hoa, con đường làng phơi rơm nồng nàn hương nắng hanh, hoa dại…Đi trong vườn Thơ Mới đụng vào đâu  cũng ngạt ngào hương sắc. Những ý thơ vừa bình dị vừa bác học, tinh tế trong giác quan và trùng điệp những dư ba trí tuệ Ngẩng đầu thi sĩ chưa xong nhớ/ Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya (Xuân Diệu). Những châu ngọc của ngôn từ, của lòng người như thế đâu phải buồn. Chưa kể lòng tôn vinh cái đẹp của quê hương làng nước thường gắn với tình đồng bào, nghĩa xóm thôn, và bao trùm lên tất cả là lòng thương người: một ông đồ lạc thời, một ông tiều sống giữa cây, một đám ma nghèo. Buồn nhưng nỗi buồn ấy làm trong lại hồn người. Nó là chủ nghĩa nhân đạo, sao lại bỏ đi, sao lại phải lột xác. Sao lại đổi Em không nghe rừng thu / lá thu rơi xào xạc Con nai vàng ngơ ngạc / đạp trên lá vàng khô để lấy về: Xịch xục xịch xục / Tôi phát động lực / Ở xưởng Thái thân / cho anh công nhân / tôi truyền sức điện / Ơi anh thợ tiện / Anh tiện cái nòng / quay tít từng vòng /từng vòng thắng lợi…

Xuân Diệu, vốn tinh vi cả ý lẫn lời Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu Lả lả cành hoang nắng trở chiều  nay bỗng nhiên xộc xệch cả lời lẫn ý Chúng ta nhiệm vụ vẻ vang Vần thơ tiếng mẹ võ trang tinh thần. Tế Hanh ca ngợi làng chài  Quê hương trong cái nhìn hiện thực đầy kỳ ảo cánh buồm trương to như mảnh hồn làng nay thật thà đến thô thiển khi tả lớp bình dân học vụ Anh này chữ viết như cua và Chị này trí não đâu đâu  Học đuôi quên đầu chưa thuộc vần môi. Tác giả của Lửa Thiêng, “người vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho mọt chỗ ngồi yên ổn” (Hoài Thanh) trong chín năm chỉ viết mươi bài thơ ngắn, già nửa là lục bát thô sơ. Chế Lan Viên vật vã mở sang thơ ý tưởng xen với lục bát, kể lể rất bình dân Bác Mao ta ở đâu xa / Bác Hồ ta đó chính là bác Mao…Đây là sự thất bát thật sự của lứa nhà thơ  lột xác, những kiện tướng của thời Thơ Mới.

Những bài thơ có tác dụng đánh dấu thời đại vào tâm hồn dân tộc lại là Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng. Tây tiến hay và lạ. Cảm xúc lạ, bút pháp cũng lạ, lạ với cả bút pháp thơ Mới,  kết hợp được cổ điển với lãng mạn và cả hiện đại. Nó xuất hiện như khai sinh một dòng thơ chưa từng có nhưng ngay lập tức: tuyệt chủng. Không có kế tục. Không ai làm được hay không ai muốn làm, kể cả Quang Dũng. Không làm được vì nhiều ý xuất thần, một đi không trở lại, khó học lắm Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Không ai làm vì bài thơ vừa ra đời đã bị phê phán. Phê phán và không xuất bản nhưng tự nó có sức lưu hành. Phê chỉ vì cách lưu dấu hiện thực của nó  chân thực, mang tính lịch sử cao cả, vượt qua những ý định vụ lợi thiển cận.  Hữu Loan có Mầu tím hoa sim tình cảm nhưng đáng nói có lẽ là Đèo cả. Đèo Cả khí phách và tạo mảng rất hiện đại. Nhớ của Hồng Nguyên rất đậm phong vị kháng chiến Việt Bắc. Cảm xúc hiện thực  lại có tác động của ấn tượng Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau. Hoàng Cầm duyên dáng, chất duyên quan họ đa tình đa cảm, thân gần với bạn đọc. Thôi Hữu viết ít nhưng có câu thơ đột xuất làm kinh ngạc cả bạn thơ bây giờ Tặng những anh tôi từng nhỏ máu / Đem thân xơ xác giữ sơn hà. Nguyễn Đình Thi quan tâm đến nhạc điệu bên trong do cảm xúc tạo nên, không phải do vần, do thanh của chữ. Ông cũng vận dụng thoáng qua các thủ pháp sau lãng mạn như ấn tượng, tượng trưng. Nhưng không được ủng hộ. Nguyễn Đình Thi là nhà thơ kiêm nhà chính trị, ông là đại biểu trẻ nhất của Quốc hội khóa đầu tiên và là người lánh đạo Hội nhà văn giàu ảnh hưởng nhưng thơ ông lại rất hào hoa, rất Hà Nội. Chính Hữu vững chãi ngay từ những bài đầu. Ông kiên trì một lối thơ gọn, chắc. Làm thơ như soạn văn bia mà ý tình dào dạt. Chỉ tiếc ông viết ít quá. Tôi điểm xuyết qua vậy thôi chỉ để minh chứng rằng làm nên phong vị thơ kháng chiến chống Pháp là thuộc về lớp nhà thơ này. Họ vào kháng chiến  khi bắt đầu thơ chưa được bao lâu. Họ có cái hồn nhiên của người trong cuộc, sống sao viết vậy. Tự tin và tự tạo, không nặng tiền kiếp, tai tiếng lẫn tiếng tăm, như lớp người Thơ Mới.

Tìm lại mình của lớp người Thơ Mới

Khoảng thời gian quanh cái mốc 1960, một loạt tập thơ gây được dư luận trong bạn đọc và trong giới làm thơ: Trời mỗi ngày lại sáng – Huy Cận (1958) Tỏa sáng đôi bờ – Lưu Trọng Lư (1959) Riêng Chung – Xuân Diệu (1960)-, Ánh sáng và phù sa – Chế Lan Viên (1960), Theo cánh chim câu – Anh Thơ (1960)  Bài thơ tháng bảy – Tế Hanh (1961)…Các tác giả này đều thuộc lớp nhà thơ từ phong trào Thơ Mới, từng lúng túng suốt 9 năm kháng chiến, dù viết nhiều như Xuân Diệu hay viết ít như Huy Cận, đều gặp khó trong cách tìm cảm hứng. Tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng xuất hiện như tiếng reo Ơ rê ca của Huy Cận. Ông vượt qua điểm chết của sáng tác bằng cách nào? Thấy được cách thoát  của Huy Cận chắc chắn sẽ có cách tiếp cận với tiến trình của tác giả khác và thâu tóm lại có thể thấy một hướng tìm có ích cho chúng ta hôm nay từ những nhà thơ từng có thành tựu mà trước mắt lại bế tắc.

Huy Cận là nhà thơ ngay khi xuất hiện quả là đã được dành chỗ ngồi sang trọng, không ai tranh cãi. Thơ ông ngay từ những bài đầu đã có sự già dặn. Già dặn về ý tưởng, tình cảm và cả .về cách viết. Đặc điểm ở ông như người ta quen nói là cảm hứng  vũ trụ. Hiện thực đời sống ở Huy Cận hay được đẩy tới mối liện hệ với khoảng rộng của không gian và khoảng xa của thời gian. Trữ tình nhập vào triết học . Không gian thơ Huy Cận thường vượt qua biên giới  một quốc gia, nó là toàn trái đất có khi rơi vào hoàn vũ và thời gian thì không cần biết ở thế kỷ nào. Một chiếc linh hồn nhỏ / Mang mang thiên cổ sầu là một hiện thực không quốc tịch và của mọi thời. Tai nương nước  giọt mái nhà / Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn Con người đêm mưa ấy, một tai nghe vũ trụ một tai nghe lòng mình và không hộ chiếu quốc gia, nó thuộc về nhân loại. Huy Cận nặng lòng đời cũng là nỗi đời chung nhất của kiếp người. Để ý một chút, nội cái tên các tập thơ cũng chứng minh nhận xét ấy, đấy là những khái niệm lớn: lửa, trời, đất, đời, thế kỷ…(Lửa thiêng, Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời, Những năm sáu mươi…) Đặc điểm vũ trụ ấy của cảm hứng  Huy Cận, mới nhìn, rất khó chuyên chở hiện thực ba cùng, cụ thể của kháng chiến. Huy Cận bí thơ vì không dung hòa được cảm hứng sở trường và đề tài hiện thực. Chuyến đi thực tế vùng mỏ năm 57, có những đêm Cẩm Phả thức trong mưa bão nghe trời biển hỗn mang gào thét với đêm đen, dàn ăng ten tâm hồn Huy Cận như bắt được tần số quen thuộc từ thời lửa thiêng: Giữa ban ngày đảo là núi mây che / Hay nắng chóa nằm xòe đôi bãi cát, /  Nhưng đêm tới đảo trở về bí mật, / Sóng tung xao trời đất lại sơ khai. / Đảo dường đứng chưa yên, như bầy thú rộng dài ? thuở tiền sử dọc ngang trên biển rộng. Đọc đến đây tôi nghe mạch cảm xúc vũ trụ của Huy Cận đang lấp lánh thức dậy hòa hợp với chuyện người xứ mỏ mà thành thơ. Thiên nhiên lại thành tấm phông cho Huy Cận gọi thơ về. Năm chị du kích bị giặc trầm hà ngoài Vũng Đục, chuyện sập lò Cái Đá, chuyện anh Phòng mài dao…đã thành thơ lay động lòng người, khai sinh những vỉa thơ mới, đồng chất (tâm hồn) nhưng khác phương (tư tưởng) với thời lãng mạn cá nhân, đủ dùng cho cả đời thơ Huy Cận sau này

Lưu Trọng Lư sở trường giọng thơ thổn thức giàu hoài niệm xa xưa, có phần cố kính, cô tịch nữa. Giọng thơ ấy khó mà viết về công nông binh nên mới thành xục xịch xục xịch như đã nói trên. Nhưng khi ông về với Cửa Tùng, đứng bên bờ Bắc sông Tuyến mải miết nhìn về Nam, nhìn về tuổi trẻ của mình từng đi bên đó, đi bên đó với thơ, với bạn, với tình yêu. Giọng thổn thức cố hữu bỗng nhiên đồng điệu với cảm xúc bây giờ. Lưu Trọng Lư viết như  trong cơn mê Tôi nhìn qua bãi dương xanh / qua ngàn cát trắng / Qua biển rộng / Qua trời cao / Có phải kia là dãy Cù Lao / Hòn Lao, hòn Yến / Quê kiểng của yến sào / Hương thơm bọt trắng / Những hoa như hoa đào / Nở đầy khắp đảo. Cứ thế cả một chùm thơ Tỏa sáng đôi bờ hình thành trong chuỗi cảm xúc nửa mê nửa tỉnh của tác giả Tiếng Thu , giúp ông tự tin nhận ra những tinh hoa cần giữ của hồn mình để xử lý những đề tài của cuộc sống đương thời. Với Tế Hanh, thơ đấu tranh thống nhất rất thời sự lại là chất tình cảm nặng lòng với quê hương mà ông vốn có. Trước viết quê hương tôi cách biển nửa ngày sông thì nay ông viết con sông quê hương. Tình cảm đằm thắm như xưa hoặc sâu sắc hơn xưa. Hồn nhiên mà viết. Không phải diệu vợi lột ra hay lộn vào gì cả. Các nhà thơ ấy đã thành công, từ đấy tự tin mà mở cho mình nhứng mảng cảm hứng rộng xa hơn nữa. Chế Lan Viên tìm lại mình có hơi khác, ông không xuất phát từ chất liệu như Huy Cận, không tựa vào đề tài như Tế Hanh, cũng không cậy nhờ giọng cảm xúc như Lưu Trọng Lư, mà ông vận dụng những thao tác tư duy thơ từng  tiềm ẩn từ thuở  Điêu tàn, Vàng sao và cũng đã thể nghiệm trong Gửi các anh hồi kháng chiến. Trường cảm hứng của Chế Lan Viên rất rộng, ông là nhà thơ tung hoành về thể loại, về đề tài, về tư tưởng vào bậc nhất của cả nền thơ. Tung hoành từ cánh cửa mở ra của Ánh sáng và Phù sa. Tiến trình của Chế Lan Viên cho ta thấy cái ngưỡng cần đạt của cách tân. Ngưỡng cách tân phải đủ tầm để cách tân trở thành phong cách.

Những điều tôi nói có hơi dài dòng. Dài dòng vì phải kể dẫn chứng, chứng minh. Chứ thâu tóm lại chỉ có hai điều:

– Để đối mới, dù đổi mới triệt để đến đâu cũng không nên cực đoan vứt hết tài sản của tâm hồn. Mà có vứt cũng không được. Lột xác là thành ngữ của giới nhà văn, cho thấy một tự nguyện quyết liệt, dám hy sinh hết thảy để đổi thay mình.  Nhưng quy luật của lòng người của thơ lại không thế. Với cõi tinh thần, muốn hay không, luôn có tác động tích cực của tinh hoa  quá khứ. Ý thức chối từ thì vô thức đòi lại.  Lôi thôi lắm nhưng có thế nó mới ra Con Người.

– Thứ hai và là điều quan trọng hơn, ấy là sự tìm ra mình, có tìm ra mình thì mới biết sử dụng mình cho đắc địa. Gần đây tôi đã thoáng thấy người ta tìm thành công của thơ ở ngoài việc làm thơ như trong việc in ấn, phát hành sao cho sang, cho rầm rộ, rồi  bỏ tiền làm hội thảo, thuê người viết phê bình, giới thiệu, chuyển ngữ..Thậm chí lôi cả thánh thần vào làm đồng lõa. Những việc ấy nghĩ cũng không hại gì, chỉ hại tiền và không chắc hiệu quả. Phải tìm vào sự làm thơ, ấy là tìm vào chất lượng lao động thơ. Ai không tìm ra chỗ phát huy sở trường của mình, vào xử lý hiện thực đương sống thì không có thành công  đương đại. Nguyễn Bính là một ví dụ, hồn quê thơ mộng nơi ông không chuyển hóa được hiện thực mới. Thành tựu của ông nằm ở chặng trước 1945. Xuân Diệu cũng không phát huy được sở trường. Ông bù lại bằng lao động Tay siêng làm lụng / mắt hay kiếm tìm, có tạo được không gian Xuân Diệu mới nhưng không kỳ diệu bằng giai đoạn trước. Đóng góp thơ của ông là ở trước cách mạng. Sau cách mạng là ở phê bình.

Bài học thành bại của lột xác và  tìm lại mình với chúng ta hôm nay vẫn là một gợi ý thiết thực, có tính khả thi.

27-9-2016.

Vũ Quần Phương

(Vanvn.net)

Exit mobile version