Nhà lý luận phê bình văn học Văn Giá (Chủ nhiệm khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) vẫn thường được biết đến như một người thầy tận tụy với nghề: nghề giáo, nghề văn, nghề báo… Trong thời buổi kinh tế thị trường, văn chương dường như đã trở thành một thứ chỉ mang lại giá trị tinh thần chứ không phải giá trị vật chất, thì PGS. TS Văn Giá lại ấp ủ một ước muốn mở lớp Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn. Để “hiện thực hóa” được điều mong ước đó, nhà văn Văn Giá đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách – như xưa nay vốn “vạn sự khởi đầu nan”. Trước ngày khai giảng lớp Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn (01/8/2012), VanVN.Net có cuộc trò chuyện với PGS. TS Văn Giá…


PGS. TS Văn Giá

Thưa PGS. TS Ngô Văn Giá, xuất phát từ ý tưởng nào mà ông quyết định mở lớp “Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn”?

PGS.TS Ngô Văn Giá: Ý tưởng mở các lớp sáng tác, bồi dưỡng của khoa Viết văn đã có từ lâu rồi. Khoa Viết văn (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du) chuyên giảng dạy các bộ môn sáng tác. Tuy nhiên, gần đây khoa có tuyển sinh thêm một lớp Viết báo văn hóa – văn nghệ, và quyết định 3 năm mới mở lớp viết văn một lần. Vì vậy, lớp viết văn học tại trường bị gián cách. Để cho công việc đào tạo văn chương được liên tục nên tôi có ý tưởng mở lớp viết văn ngắn hạn. Lớp học này nhằm đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao kĩ năng sáng tác và thẩm định văn chương của đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên; tạo điều kiện cho bạn viết có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các nhà văn nổi tiếng. Vì vậy, khoa Viết văn tổ chức lớp “Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn” do các nhà các nhà văn, các nhà nghiên cứu- lí luận, phê bình văn học có uy tín trực tiếp đứng lớp.

Thưa nhà văn, ông nghĩ sao khi mở lớp đúng dịp Hội Nhà văn Việt Nam vừa kết thúc một lớp Bồi dưỡng sáng tác tại Yên Bái? Điều này có gây khó khăn cho lớp Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn hay không?

PGS.TS Ngô Văn Giá: “Lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn” không đào tạo nhiều đối tượng học viên như lớp viết văn của Hội nhà văn tổ chức tại các địa phương trên cả nước. Nếu như lớp viết văn của Hội Nhà văn bồi dưỡng cho những người viết ở mọi thể loại: viết văn, làm thơ, viết kịch bản… thì lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn chỉ đi sâu vào một thể loại riêng biệt. Theo đó, năm đầu tiên là truyện ngắn, những năm sau sẽ là thơ, hồi ký, bút ký và tản văn… Chương trình đào tạo theo hướng chuyên sâu này sẽ kén học viên, phải là những người thực sự tha thiết với văn chương thì mới tham gia. Khóa học dành cho các cây bút viết văn chuyên và không chuyên, người có nhu cầu thẩm bình, đánh giá, phân tích truyện ngắn; hiểu sâu hơn về kĩ năng viết, “bếp núc” sáng tác để bổ trợ tốt hơn cho các công việc viết truyện, làm báo, giảng dạy ngữ văn…

Thưa nhà văn, trong khi học viên tham dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn VN được hỗ trợ một phần kinh phí (học phí 500.000 đồng/khóa), thì lớp Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn lại phải thu học phí có vẻ hơi đắt?

Chi phí cho toàn bộ quá trình học là 2.500.000 VND (hai triệu năm trăm nghìn đồng) đối với 1 học viên. Người ta vẫn thường nói: “Tiền nào của ấy”. Lớp Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn đào tạo chất lượng cao và tiến hành một cách rất bài bản. Trong quá trình học tập, lớp sẽ tổ chức một số hoạt động xen kẽ: tham quan một số địa chỉ văn học nổi tiếng như Tòa soạn báo Văn nghệ, Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Nhà văn; thăm khu tưởng niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân; thăm nhà văn Tô Hoài; giao lưu với một số nhà văn có uy tín sống và viết tại Hà Nội; ngoài ra sẽ tổ chức xem một số bộ phim nổi tiếng được chuyển thể từ tác phẩm văn học tại rạp Trung tâm điện ảnh Quốc gia như bộ phim Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận, hoặc Bi, đừng sợ… Nếu mọi người ủng hộ và có nhiều thời gian, lớp học sẽ đi thăm và giao lưu với một số Hội Văn học Nghệ thuật địa phương.

Tôi mở lớp học này ra không chú trọng đến vấn đề kinh doanh mà là vấn đề chuyên môn, khẳng định Khoa Viết văn hiện nay (Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây) là một địa chỉ đào tạo uy tín trong cả nước về nghề viết văn sẽ tạo cho học viên những cơ hội học tập một cách tốt nhất. Nếu như Hội Nhà văn Việt Nam đào tạo theo diện thì lớp Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn lại đào tạo theo điểm.

Nội dung chương trình lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn đã được công bố trên một số trang báo mạng, xin hỏi tại sao nhà văn lại lên lịch một cách rất kỹ lưỡng quá trình học, tên tuổi của các giảng viên như vậy? Nếu chỉ nói được học tập, gặp gỡ với các nhà văn nổi tiếng một cách chung chung thì có phải tốt hơn không, bởi vì chương trình học có thể thay đổi?

Lâu nay chúng ta không quen minh bạch hóa thông tin. Tôi mở lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn thì khác. Tôi đã công khai những người tham gia giảng dạy gồm các nhà văn: Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Hảo; các nhà nghiên cứu phê bình: Chu Văn Sơn, Bùi Việt Thắng, Văn Giá. Ngoài ra, trong quá trình học tập, học viên có cơ hội học hỏi, giao lưu cùng các khách mời là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, và một số gương mặt trẻ khác.

Hiện nay đã có nhiều hồ sơ tham dự. Năm nay lần đầu tiên tổ chức với thời gian trong vòng hai tuần, từ ngày 1/8 đến ngày 15/8/2012. Hồ sơ gồm có chứng nhận địa phương, lý lịch trích ngang, 3 tác phẩm được viết, thẩm định, phê bình truyện ngắn nộp trước gửi về cho các nhà văn, nhà NCPB còn đọc trước, tiện cho việc trao đổi. Được biết anh Nguyễn Trần Bé, Chủ tịch Hội VHNT Hà Giang cùng một số hội viên Hội VHNT địa phương cũng đã đầu đơn xin tham gia lớp học này.

Thưa PGS. TS Văn Giá, ngay sau khi kết thúc khóa học, học viên có được hưởng những ưu đãi, chế độ trong việc in ấn, xuất bản tác phẩm hay không?

Hiện tại, khóa học đã nhận được sự hỗ trợ truyền thông của các trang web: vanvn.net (Hội Nhà văn Việt Nam), phongdiep.net, trannhuong.com… Trong quá trình học tập, những tác phẩm có chất lượng của học viên sẽ được đăng tải trên các báo lớn của Trung ương đóng tại Hà Nội. Báo Giáo dục & Thời đại và một số báo khác cũng đã sẵn sàng bảo trợ truyền thông cho lớp học này. Hoàn thành khóa học, học viên sẽ được Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Viết văn – Báo chí cấp Chứng chỉ hoàn thành khóa học.

Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc cho khóa học thành công tốt đẹp.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version